Hành Hương Đức Mẹ Sông Mê Kông

Hành Hương Đức Mẹ Sông Mê Kông

Để đến với Đức Mẹ Mê Kông sẽ phải đi qua Phà Bãi Cải nơi ngã tư gồm bốn nhánh sông hợp lưu : con sông Mê Kông theo hướng Bắc – Nam từ Thái Lan đổ về, con sông Stonle Sap ngược dòng chảy lên Biển Hồ phía Đông Bắc Campuchia, hai nhánh còn lại đổ xuôi về Việt Nam ra biển tạo nên Sông Tiền và Sông Hậu.

Phà vượt sông khá lớn, chở được nhiều hành khách và xe hơi. Sau 10 phút đi phà và vài phút đi bộ là đến nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình tại Arey Ksath, huyện Lviem, tỉnh Condal. Nhà thờ trước là nhà thờ Bãi Cải, nay được mọi người đặt tên mới là nhà thờ Đức Mẹ sông Mekong.

Tại đây có hai pho tượng Đức Mẹ bằng hợp kim pha gang được đúc từ bên Pháp được các cha Thừa sai mang sang đặt trong các nhà thờ thuộc giáo phận Phnompenh trước năm 1975.

Việc các pho tượng nằm dưới lòng sông là một bí ẩn chưa có lời giải, có thể là khi quân Khmer đỏ tràn vào thủ đô Phnompenh, tàn phá không thương tiếc các công trình tôn giáo, nhất là của Giáo hội Kampuchia.

Các pho tượng được vớt lên ven bờ sông, cách bến đò 250 mét, tượng thứ nhất là tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm cao 1m5 vớt được ngày 16/04/2008; tượng thứ hai là tượng Mẹ Thiên Chúa cao 2m3, vớt được ngày 19/11/2012 cách đó không xa. Do nằm dưới nước lâu năm, bị các loại nhuyễn thể đeo bám nên lớp vỏ ngoài bằng kim loại đã bị phân hoá, bong tróc nhưng cấu trúc nguyên bản vẫn không biến dạng, hình dáng Đức Mẹ vẫn giữ được sự thanh thoát, thánh thiện, hiền hoà.

Điều đặc biệt là hai tượng Đức Mẹ đều được những người ngoại đạo phát hiện và trục vớt, họ được mặc khải bằng những dấu lạ, có người tìm thấy đức tin và theo đạo nhờ lời cầu dâng lên Đức Mẹ đã được hiển linh và đạt được ý nguyện.

Tượng Đức Mẹ ngày 16/4/2008, do tám người theo đạo Phật trục vớt. Người công giáo thỏa thuận xin chuộc đưa về nhà thờ. Đêm đó một người trong nhóm thợ lặn thấy Đức Mẹ bay ba bốn lượt trên bè cá. Hôm sau cả nhóm đến vái lạy trước tượng cầu khấn, xin tha lỗi vì sự thiếu tôn kính, thiếu hiểu biết.

Tượng Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu được vớt lên ngày 19/11/2012, do ông Phan Văn Hú, sinh năm 1953, thuộc xóm Arey Ksath, xã Arey Ksath, huyện Lviem, tỉnh Condal, một người theo đạo Phật, thấy pho tượng nói trong chiêm bao đêm 18/11 : “Hãy vớt tôi lên, tôi đang nằm dưới đáy sông Mê Kông, tôi ở gần nơi mà các ông đã vớt Đức Mẹ lần trước”. Hôm sau, ông và hai con đi tìm tượng để vớt, ba cha con đã vớt được tượng Đức Mẹ bồng Chúa Con, cao 2,3 mét.

Ông Phan Văn Hú nói : “Khi vớt được Đức Mẹ lên ghe, tôi có cảm giác tượng Đức Mẹ không phải là một bức tượng, nhưng là một thân thể của người đang sống như chúng ta, tôi vừa mừng vừa run. Lúc đó tôi cầu xin Mẹ cho vợ tôi được khỏi bệnh. Tôi xin dâng tượng Đức Mẹ cho nhà thờ, không tính toán hơn thiệt”. Pho tượng được vớt lần thứ hai với dấu ấn phép lạ cho người nghèo ngoại đạo, tại bến đò này.

 

Thành kính cầu nguyện xin Đức Mẹ chuyển cầu trước nhan Chúa cho tất cả anh chị em huynh đoàn Đa Minh Việt Nam cùng với các thân nhân ân nhân; và cầu cho giáo hội Campuchia.

Nhân cuộc hành hương cũng nên đi thăm nhà thờ Phnom Penh nơi trước đây là chủng viện Nam Vang. Nhiều đấng bậc Việt Nam từng học tại chủng viện Nam Vang như cha Phanxicô X. Trương Bửu Diệp, đức hồng y Gioan B. Phạm minh Mẫn, các đức cha Antôn Nguyễn Văn Thiện, Alosio Hà Kim Danh, Emmanuel Lê Phong Thuận. Trước năm 1955 vùng đất hai giáo phận Cần Thơ và Long Xuyên còn thuộc giáo phận Nam Vang.

Tại đây có nhà truyền thống gợi lại lịch sử Campuchia từng đã là 60.000 tín hữu. Sau biến cố Pôn-pốt, năm 1990 được gọi là năm zérô, vì gần như phải khởi sự lại từ đầu. Hiện nay số tín hữu Campuchia khoảng 25.000 trên tổng số 15 triệu dân. Giáo hội đã tiến hành hồ sơ tuyên thánh cho giám mục người Campuchia là Đức cha Joseph Chhmar Salas, cùng với 35 linh mục, tu sĩ, giáo dân khác. Đức cha Salas đã chọn ở lại Campuchia và bị chế độ Pol Pot bỏ đói chết rũ tù năm 1977.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *