Hạnh phúc được làm con Chúa

 

Tôi bị bệnh nặng, bác sĩ yêu cầu phải nhập viện để tiến hành phẫu thuật. Sau khi chuẩn bị kỹ tâm lý cộng với lời cầu nguyện của nhiều người, tôi khăn gói lên đường để chuẩn bị cuộc “vượt núi” đầy cam go.

Trải qua 4 tiếng đấu tranh giữa sự sống và cái chết cộng thêm 4 tiếng nằm trong phòng hồi sức tôi được y tá đẩy ra ngoài “trại”,câu nói đầu tiên khi tôi gặp người thân là: “con sẽ quyết tâm ngày mai đứng dậy để tập đi” kèm theo là cái nắm tay thật chặt. Ngay sau khi chai nước truyền dịch cuối cùng được gỡ ra khỏi người, mặc dù vết thương còn đau, tôi men theo các bức tường lần đi từng bước một, tay lần chuỗi mân côi để cảm tạ Chúa và Mẹ đã giúp cho ca mổ được thành công tốt đẹp.

Nằm cùng phòng với tôi là một chị theo đạo Phật, tuy khác niềm tin tôn giáo nhưng cùng cảnh ngộ nên hai chị em thường trò chuyện vui vẻ với nhau để vơi đi những lo lắng của bệnh tật. Chị kể cho tôi nghe về nền văn hóa và phong cảnh ở những nước mà mình đã từng đến, những câu chuyện đời, chuyện nghề được chia sẻ một cách chân thành khiến người nghe được mở mang thêm kiến thức.

Khi biết tôi là người Công giáo chị đề nghị hãy giới thiệu đôi nét về đạo của mình, được dò “trúng đài”, tôi giới thiệu sơ lược về lịch sử đạo Công Giáo và để cho dễ hiểu, tôi khắc họa về Thiên Chúa giàu tình thương theo hai dụ ngôn “Người phụ nữ ngoại tình” và “Người cha nhân hậu”, kể cho chị nghe mà như nói với chính mình vậy.  Khi mô tả đến đoạn: ” …ngày ngày, người cha cứ dõi mắt nhìn về phía con đường nơi chàng trai bỏ đi năm xưa để mong thấy bóng dáng của con mình, chờ hoài chờ mãi hết ngày này qua tháng khác… Bỗng một ngày khi thấy anh xuất hiện từ phía xa, ông đã chạy lại ôm lấy con mình mừng rỡ và bảo với gia nhân…”, kể đến đây tự nhiên nước mắt tôi rưng rưng vì cảm nhận được tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa. Tôi như người con thứ, dù có tội lỗi thế nào đi nữa thì Chúa vẫn sẵn sàng tha thứ và chờ mong con mình quay trở về.

Đang nói cười vui vẻ là thế, ngày hôm sau chị bị trúng thực, tôi chưa bao giờ chứng kiến một người trúng thực lại đau đớn đến như vậy. Bắt đầu một giờ sáng chị ói mửa dữ dội kèm theo những cơn đau quặn bụng, cứ khoảng một tiếng lại ói một lần, mỗi lần như thế mệt đến không thở được. Bác sĩ yêu cầu chị ăn cháo nóng, uống nước gừng… để có sức và chống ói nhưng tất cả những cố gắng đều vô ích, cứ ăn hay uống thuốc gì là năm phút sau lại ói ra cho bằng sạch, mặt chị trắng bệch, tay chân tê buốt tới sống lưng. Tôi với Lisa (cháu chị) phải ở bên cạnh chăm sóc, đứa xoa tay, đứa bóp chân, đứa đi mua cháo, đứa lấy khăn lau… ói mửa liên tục khiến cơ thể chị mệt lả, mồ hôi vã ra như tắm.

Thấy gần một ngày trời mà chị không có gì trong bụng tôi hỏi: “Chị ơi, ăn tí cháo nhé cho nó có sức ?”.

Chị la: “Không ăn uống gì nữa hết, bảo nó  (y tá) chích gì thì chích cho chết mẹ nó đi”. Tôi không giận chị vì hơn hay ai hết, tôi đã trải qua nên tôi hiểu được nỗi đau đớn mà chị đang phải chịu đựng, lúc này chị rất cần sự hiện diện, quan tâm, chăm sóc của người thân, những lời động viên để lạc quan và tiếp tục cố gắng chiến đấu với bệnh tật.

Những khi cháu chị phải chạy ra ngoài, tôi kiên nhẫn ngồi xoa bóp tay chân để chị thấy thoải mái hơn. Như hiểu được tấm lòng của tôi chỉ nói : “Trời ơi, tội nghiệp em quá, đã bệnh mà còn phải chăm sóc chị” .

Tôi khẽ mỉm cười và đáp: “Em khỏe rồi, chị em giúp đỡ nhau là chuyện bình thường chị à”.

Đúng là “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”, tôi thầm cảm ơn Chúa đã cho tôi có cơ hội giới thiệu về một Thiên Chúa tình thương cho người bạn khác tôn giáo, không chỉ qua lời nói mà bằng những việc làm cụ thể, biết vượt qua những hạn chế của bản thân để phục vụ người khác như người Samari năm xưa, yêu không cần điều kiện gì cả.

Có thể đối với nhiều người, bệnh tật là một nỗi bất hạnh, nhưng với tôi đó là một mối lợi. Trong những lúc  đau đớn, tôi mới cảm thông sâu sắc với những người đang bị những cơn đau tâm hồn hay thể xác hành hạ. Đặc biệt nhớ đến nỗi khổ đau tột cùng của Chúa Giêsu trên thập giá và ước ao được tháp nhập vào nỗi đau ấy để xin ơn chữa lành cho các bệnh nhân. Trong những phút yếu đuối, tôi thấy Chúa thật gần gũi như chính người cha của mình nên cất tiếng gọi: “Cha ơi”, bởi vì nhớ đến câu nói đầy yêu thương của Người: “Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Câu nói đó là niềm hi vọng, là cứu cánh để tôi bám víu vào.

Thật vậy, dù bạn có tiền muôn bạc tỷ nhưng khi động đến dao kéo thì không ai dám chắc điều gì. Trong các cuộc phẫu thuật, bao giờ nó cũng có yếu tố rủi ro trong đó, sự sống và cái chết là khoảng cách quá mong manh mà con người không thể quyết định, chỉ có Thiên Chúa mới can thiệp được mà thôi. Trải qua những giờ phút sinh tử, tôi mới thấy cuộc sống thật quý giá, vì thế phải sống làm sao để xứng đáng là người, là con cái Chúa.

Tạ ơn Chúa vì tất cả những gì Ngài đã ban cho con, để con biết sống vui tươi trong hoạn nạn, bình an trong đau khổ và vượt qua nỗi buồn của Thập giá để  mạnh mẽ vươn… Xin tiếp tục nâng đỡ và ủi an những ai đau khổ, để họ nhận ra rằng có một Thiên Chúa giàu lòng thương xót luôn đồng hành cùng họ trong suốt cuộc đời.

 

Một thành viên g/t Hđ Gx Kẻ Sặt

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *