Vào thời thánh Ða Minh, xã hội Châu Âu đang có những biến chuyển mạnh mẽ, trong đó có việc thiết lập trường học ở các thủ đô lớn. Thánh Ða Minh hiểu được tâm thức thời đại của ngài và hiểu được ơn gọi Chúa muốn mình cũng như con cái mình lãnh nhận, nên ngài đã đưa yếu tố học hành vào trong những nét cơ bản của ơn gọi Ða Minh.
Ðiều đó chẳng phải là một thứ chạy theo thời, bắt chước mà không hiểu gì, nhưng thực sự là một cảm nhận sâu xa của thánh Ða Minh. Ngài cảm nhận được thiện chí cũng như những điểm sai lạc của những người lạc giáo : họ là những con người hết sức đạo đức, họ sống khắc khổ, sẵn sàng chịu đựng những đau khổ phần xác một cách anh hùng, sống nghèo khó và hăng say nhiệt tâm rao giảng Lời Chúa. Nhưng chính vì những lầm lạc về đạo lý mà nhiệt tâm của họ, thay vì củng cố Giáo Hội, giải phóng con người, thì lại trở nên sự chống phá Giáo Hội, làm méo mó những giá trị của con người, làm cho con người trở thành nô lệ và lầm lạc.
Cảm nhận về tầm quan trọng của việc học chưa phải là tất cả, nó chưa đủ để làm nên một dòng tu vững mạnh. Tuy thế, chính từ ý thức về tình trạng của người lạc giáo như vậy mà thánh Ða Minh cảm nhận được ơn gọi Chúa muốn dành cho mình : rao giảng chân lý. Chúng ta có thể tóm tắt cả hai cảm nhận của thánh Ða Minh thành một : “Chân lý sẽ giải phóng anh em”. Chính đây là cảm nhận căn bản của thánh Ða Minh, nó được thai nghén từ những năm học hành miệt mài, bừng sáng lên trong đêm tranh luận với người chủ quán theo lạc giáo, từ đó trở thành một ý thức mạnh mẽ, sâu xa trong suốt quãng đời hoạt động của ngài, và sau cùng truyền lại cho cho Dòng như một gia sản thiêng liêng cao quý : tinh thần yêu mến chân lý.
Thực sự việc học hành trong ơn gọi Ða Minh chẳng phải chỉ là một cách thế chạy theo thời, theo kiểu người ta học mình cũng học; chẳng phải vì mong làm cho Dòng hoặc cho chính mình được vinh vang, tự hào, tự đắc; cũng chẳng để đấu lý hơn thua với người khác. Học hành, theo tinh thần Ða Minh, chính là để giải thoát con người khỏi lầm lạc, để mang lại ơn cứu độ cho con người. Ðể việc học hành giữ được nét trong sáng, để giữ được chân lý trong việc học, chúng ta phải tìm lại cảm nhận sâu xa của Cha Thánh, làm sống lại xác tín nền tảng của ngài : Chân lý giải thoát con người. Bao lâu chúng ta chưa có được tinh thần đó thì việc học hành vẫn chưa đích thực là việc học của con người Ða Minh, nó vẫn có thể chỉ là một thứ chạy theo thời, nó có thể chỉ là một sở thích cá nhân, nó có thể chỉ là một thứ tự mãn, kiêu căng và như vậy chắc chắn nó không phải là ơn gọi của Chúa; đó là chưa kể nó còn mang tới nhiều nguy hại nữa.
Việc học hỏi Ða Minh luôn nhằm tới ơn cứu độ, như thánh Ða Minh vẫn luôn là một người tha thiết với phần rỗi các linh hồn.