Tổng hội đầu tiên của Dòng năm 1220, theo tinh thần của Cha Thánh, đã thêm phần tự ngôn của Hiến pháp những lời sau : “Trong tu viện, bề trên có quyền chuẩn miễn cho anh em mỗi khi ngài thấy thích hợp, chủ yếu là những gì xem ra gây cản trở việc học hành, giảng thuyết hay vì lợi ích các linh hồn; bởi vì như đã biết, Dòng chúng ta ngay tư khởi đầu đã được thành lập để chuyên chú việc giảng thuyết và cứu rỗi các linh hồn”.
Luật “chuẩn miễn vì sứ vụ” của thánh Ða Minh thực sự là một sáng kiến độc đáo trong lịch sử đời tu. Luật đó cho thấy Ngài giữ vững mối liên hệ hữu cơ giữa sứ vụ và kỷ luật của Dòng, ngài muốn giải gỡ cho con cái ngài khỏi những ràng buộc đôi khi không thích hợp; hơn nữa, với luật chuẩn miễn đó, ngài muốn con cái của mình có thể sống kỷ luật trong tinh thần tự do của con cái Thiên Chúa, không phải sống trong sự sợ hãi, nô lệ luật pháp. Ðể củng cố thêm điều này, ngài xác quyết : “Luật Dòng, xét như luật, không buộc thành tội”.
Trong vấn đề kỷ luật, người ta thường thấy có hai thái cực. Một đàng là những người vụ luật, áp dụng luật một cách máy móc, cứng nhắc không cần biết đến những trường hợp khó khăn, phức tạp của cuộc sống, và cũng chẳng cần biết rằng trong một số trường hợp, việc áp dụng luật cứng nhắc như vậy, chẳng những không mang lại lợi ích gì mà còn có hại. Ðàng khác, là một khuynh hướng rất phổ biến hiện nay, nhất là nơi giới trẻ, khuynh hướng coi thường lề luật, chê bai hết cả, chẳng kể là luật có lợi hay luật có hại. Thực sự, lề luật là sự cụ thể hóa một ý hướng, một tinh thần nào đó, chẳng hạn để giúp người tín hữu biết sám hối tội lỗi, có luật buộc phải xưng tội một năm ít là một lần …
Lề luật như vậy là điều không thể không có, nhất là đối với một tập thể đông đảo. Tuy vậy, lề luật không thể nào ước lượng được mọi tình huống phức tạp của cuộc sống, lề luật chỉ minh xác những trường hợp chung chung, những trường hợp thông thường mà thôi. Vì thế, luật chuẩn miễn của thánh Ða Minh có thể giúp tận dụng những hiệu quả tốt nhất của luật lệ và tránh các thái cực như vừa nói.
Ðiều đó thực ra, chính là tinh thần của Ðức Kitô, Ðấng đã không bỏ lề luật nhưng làm trọn lề luật ; Ngài đã không bỏ một dấu phết trong lề luật, nhưng việc giữ luật phải “công chính hơn những luật sĩ và biệt phái”, là những người chỉ vụ luật. Chúa muốn chúng ta giữ luật lệ như những người con cái Chúa, hiểu biết lợi ích của lề luật, tự nguyện và vui lòng tuân giữ, tuân giữ trong sự tự do chứ không do ép buộc, sợ hãi, nô lệ lề luật. Chúa ban luật để giải phóng con người chứ không để ràng buộc hoặc để tạo dịp xét xử con người. Thánh Ða Minh cũng muốn con cái mình sống tinh thần tự do của con cái Chúa đối với lề luật như vậy.