Biến cố bán sách của thánh Ða Minh thực sự là một thái độ của Tin Mừng. Sách vở là một điều tối quan trọng của người làm công việc trí thức. Về sau, truyền thống của Dòng coi sách vở như là “đồ thánh”. Thế nhưng, không có luật lệ nào, không yêu sách nào, không có sự cần thiết nào của con người làm có thể xao lãng luật lệ của Thiên Chúa. Bất cứ một lập trường, một chủ trương hay một ý thích nào của con người cũng không thể vi phạm đến Ðức Ái là đường nét căn bản của Tin Mừng :”như thế các ông dựa vào truyền thế các ông mà hủy bỏ Lời Thiên Chúa” [Mt 15,6].
Thánh Ða Minh đã bán cuốn sách quý giá của mình, khi đó ngài lại thể hiện Tin Mừng một cách tuyệt hảo nhất, vượt qua những dòng chữ trên những tấm da chết để khơi động sự sống mới. Như thế, Tin Mừng đã trở thành ơn cứu độ thực sự, trở nên chính tình yêu thương, đặc biệt là tình thương đối với những người nghèo khó như Tin Mừng.
Một biến cố khác cũng mang dáng dấp Tin Mừng, đó là biến cố phân tán 16 anh em tiên khởi của Dòng đi rao giảng Tin Mừng. Trước đó trong lần đến viếng một hai thánh tông đồ ở Roma, Ða Minh đã thấy thánh Phêrô hiện ra và trao cho mình một cây gậy, còn thánh Phaolô thì trao cho cuốn Sách Thánh. Ða Minh cảm nhận rằng đây chính là lời kêu gọi ra đi rao giảng Tin Mừng. Chính trực giác tông đồ như vậy đã thúc đẩy Ða Minh cương quyết phân tán 16 anh em, từng hai người một, không mang tiền bạc, hành lý, đi đến các thành phố để rao giảng Tin Mừng. Hành vị được gợi hứng từ Tin Mừng như vậy đã giúp cho Dòng phát triển mau chóng, trở thành một Dòng tu lớn trong Giáo hội.
Ngoài ra chúng ta cũng còn cảm nhận thấy tinh thần Tin Mừng được biểu lộ trong từng hành vi, trong từng thái độ của cha thánh Ða Minh đối với con người. Trong bầu khí Giáo Hội thời Trung cổ, có nhiều điều khắt khe đối với người tội lỗi, cha Ða Minh lại biểu lộ một lòng từ tâm đối với những người tội lỗi. Những lời cầu nguyện tha thiết của Ða Minh cho người tội lỗi, người nghèo khỗ cho thấy thái độ nhân ái của Tin Mừng. Ngài không lên án, ngài từ khước tham gia cuộc thánh chiến chống lạc giáo. Nhưng, giống như Chúa Giêsu, Cha Ða Minh đã biểu lộ lòng thương cảm, sẵn sàng bán cả mình đi để cứu những người tội lỗi.
Như thế, cũng như Ðức Giêsu, cha Ða Minh đã nhìn ra khả năng cứu độ của mọi người và hết sức tin vào tình thương của Thiên Chúa; “Tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).