HĐGDĐMVN hành hương về nguồn: Đền Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Khoái Đồng và Tu xá thánh Vinh Sơn Cát Đàm

Sau bữa trưa ở đền thánh Phú Nhai đoàn đến thành phố Nam Định: Đền Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Khoái Đồng, Vừa tới sân cha Tổng đặc trách đã giới thiệu ngay với đoàn đây là quần thể khu vực Khoái Đồng được dòng Đaminh nhận từ năm 1939, có tổng diện tích hơn 50.000m2, đây là việc trao đổi: nhận Khoái Đồng để chuyển Quần Phương lại cho giáo dân Bùi Chu.

Nơi đây đã được đón nhận Tin Mừng từ thời các thừa sai đến Phố Hiến năm 1670. Nhà thờ được Đức Giáo Hoàng Pio XI ra sắc chỉ cho Bộ truyền Giáo xuất quỹ Tòa Thánh năm 1919 để xây dựng thánh đường nhằm mục đich truyền giáo cho vùng Đông Nam Á, tất cả sắt, gạch được mang từ Pháp qua, xây cất theo kiến trúc Roman.

Nhà thờ đã được trùng tu vĩ đại như bây giờ vào năm 1933. Điều đặc biệt là qua bao thời chiến tranh Pháp, Nhật, Mỹ đánh phá nhà thờ không bị bất kỳ một vết xây xát do bom đạn mặc dù mảnh đạn rơi vãi trên nóc cũng như sân nhà thờ rất nhiều.

Vào thời bắt đạo nhà thờ là nơi bảo vệ các giáo sĩ, tu sĩ. Tường nhà thờ, cung thánh, phòng thánh đều là 3 lớp để khi bị lùng bắt các vị đi vào bức tường giữa để luồn ra hầm và di chuyển ra sông.

Quần thể khu vực này gồm Đền Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, trường Saint Thomas Nam Định và Giáo hoàng chủng viện thánh Alberto. Đây là Tất cả nằm bên sông Vị Hoàng nhưng nay đã nắn lại con sông và hồ bên cạnh đền được gọi là hồ Vị Hoàng. Nơi đây biết bao anh hùng đã  hy sinh tính mạng vì đức tin.

Trường sư phạm Saint Thomas Nam Định, do Tỉnh dòng Mân Côi đài thọ nhờ trung gian đức cha Trung OP, và được cha Kiên OP phụ trách xây dựng. Đầu tiên trường được giao cho các sư huynh La San, năm 1941, các sư huynh trao lại cho dòng làm cơ sở đào tạo, năm 1950, trở thành trường trung tiểu học Saint Thomas Nam Định, năm 1952 các đệ tử Đaminh được tập trung về đây.

Giáo hoàng chủng viện Alberto cả: ba giám mục Bùi Chu, Hải Phòng và Bắc Ninh đã quyết định lập đại chủng viện miền để thống nhất và nâng cao chương trình đào tạo. Năm 1930, chủng viện khai giảng đón hơn 100 đại chủng sinh bốn địa phận dòng (Hải Phòng, Bắc Ninh, Bùi Chu và Lạng Sơn). Sau này giáo phận Bùi Chu nhận được Quần Phương thì không gửi chủng sinh ở đây nữa. Năm 1954-1958 các chủng sinh được gửi đi du học tại Hồng Kông, sau đó được chuyển về tu viện Alberto Phú Nhuận, sau 1962, các chủng sinh còn lại được gửi vào học tại chủng viện địa phận miền Nam.

Sau năm 1954, Nhà thờ Khoái Đồng được trưng dụng làm cơ sở may mặc Hồng Hà, và được trả lại từ năm 2007, lúc đầu được các cha Đinh Khắc Vịnh, cha Nguyễn Cao Huấn, cha Nguyễn Đức Trung chăm sóc tu sửa, tông màu nhà thờ mang 2 màu đen trắng rất đặc trưng của Dòng Đaminh, kiến trúc ngôi nhà rất đặc biệt đó là các gian không cùng kích thước, gian 5m, gian 4,8m, gian 5,2m; hai tháp chuông có độ cao cũng không bằng nhau nhưng nhìn bên ngoài vẫn rất cân đối;  tháp chuông trước đây có 6 quả chuông nhạn, sau năm 1954 giáo xứ bên cạnh giữ hộ, và bây giờ vẫn đang giữ vì nếu họ không giữ thì cũng đã mất từ lâu. Các quả chuông có đặc điểm khi chuông đánh ở trên tiếng vọng không ảnh hưởng đến trong nhà thờ.

Bước vào nhà thờ là hai cánh cửa gỗ to có chạm khắc câu chuyện Bát phúc (tám mối phúc thật) tuyệt đẹp; qua tám mối phúc mới vào được nhà Chúa. Sau 30 năm, khi nhà thờ được trả lại số giáo dân còn rất ít, đến nay cũng chỉ mới có 166 gia đình đăng ký. Tuy vậy, số tín hữu đến tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật cũng rất đông, họ là những người di dân từ Bùi Chu, là những sinh viên đi học ngồi kín hết trong nhà thờ và còn tràn cả ra sân. Hy vọng tương lai nơi đây sẽ phát triển tốt hơn.

Đoàn hành hương cùng cha Tổng đặc trách và cha quản lý dâng lên Thiên Chúa lời Kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính, kinh Năm thánh Dòng để chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa.

Sau đó đoàn cha Chánh xứ Giuse Nguyễn Cao Huấn OP, Đặc trách HĐGDĐM/GP. Bùi Chu, mời vào nhà mục vụ để nghỉ ngơi lấy lại sức để chuẩn bị đi thăm Tu xá Vinh Sơn Cát Đàm.

Trong nhà mục vụ, đoàn hành hương được cha Tổng Đặc trách giới thiệu bộ tranh đặc biệt gồm thánh Tổ phụ Đaminh và 38 vị thánh tử đạo Dòng Đa Minh Việt Nam do họa sĩ Lê Hiếu thực hiện. Được biết họa sĩ Lê Hiếu là đoàn trưởng huynh đoàn trực thuộc huynh đoàn tỉnh, có cái tên rất đẹp Domini Art.

Được biết ngày 03/4/2016 vừa qua, tại  Nhà thờ Khoái Đồng đã diễn ra chương trình triển lãm tranh Công Giáo do nhóm Huynh Đoàn Mỹ Thuật Thánh Hiển (Dominiart) tổ chức, nhân dip chào mừng 800 năm thành lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết & 50 năm thành lập Dòng Đa Minh Việt Nam, với chủ đề “ Chân Dung Lòng Thương Xót”.

Thực phẩm giải khát và bài ca cùng những câu chuyện vui giúp cho đoàn hành hương miền nam như quên đi cái nóng của mùa hè miền bắc.

Anh chị em cùng Quý cha Đặc trách tiếp tục lên đường tiến về Tu xá Cát Đàm.

TU XÁ VINH SƠN CÁT ĐÀM

Đây là một khu đất khá rộng, nơi đây được đón nhận ánh sáng Tin Mừng vào khoảng đầu thế kỷ XVIII. Lúc đầu chỉ là ngôi nhà nguyện nhỏ để làm nơi cầu nguyện sớm tối. Khi đó Cát Đàm còn gọi là Giáo họ Cát Trang thuộc xứ Sa Cát, nhận thánh Vinh sơn làm quan thầy. Khoảng năm 1920, nhà thờ Cát Đàm được xây dựng lại thay thế cho nhà nguyện cũ và sau này lại được đại tu như hiện trạng.

Khoảng năm 1938, Đức cha Gioan Casado Thuận nâng Cát Đàm lên hàng giáo xứ và trao cho các cha dòng Đaminh phụ trách, làm trụ sở cho các Bề Trên phụ tỉnh, quen gọi là trụ sở các cha chính dòng Đaminh.

Năm 1954, các cha Đaminh di cư vào Nam, tu xá trở thành cơ sở tiểu chủng viện Thái Bình. Sau đó trở thành nhà thờ xứ Cát Đàm cho đến khi bị trưng thu năm 1969. Ngày 24-10-2009, tu xá Vinh Sơn được Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang đã ký văn bản trao quyền quản lý và mục vụ tại giáo xứ Cát Đàm cho tỉnh dòng Đaminh Việt Nam, đánh dấu sự hiện diện trở lại chính thức của anh em Đaminh tại vùng đất Cát Đàm, sau một nửa thế kỷ xa cách.

Bước vào Cát Đàm dấu ấn đầu tiên đoàn nhận ra đó là phía bên phải có bức tượng thánh Vincente Ferrie, vị thánh “có cánh”, vị thánh hay làm phép lạ, cha Tổng đặc trách nói đùa rằng ở miền bắc thánh Vicente, còn miền nam thì thánh Martino “đánh bạt” thánh Vicente.

Nói về phép lạ thánh Vicente làm thì không thể kể hết, nhưng một câu chuyện phép lạ đến bây giờ vẫn còn được kể lại rằng: năm ấy bà con trong vùng thiếu nước trầm trọng, người ta phải xin nước nhau để dùng, nhưng vào ngày tết người ta kiêng cữ không cho nước, nên trong làng có bà Lang Nhượng ngày đêm kêu khấn thánh Vicente, trong khi bà còn đang cầu nguyện trong nhà thì người con trai ở vườn đang đào gốc tre kêu lên: “mẹ ơi cứu con” chạy ra, bà thấy con đang bị rơi xuống một hố sâu vừa bị sụt đất; bà chạy ra nói: “con cứ yên tâm, vì mẹ đang cầu nguyện”. Sau đó, người ta đào theo cái hố ấy thì được giếng nước rất trong và thật nhiều nước. Họ cho đó là phép lạ thánh thánh Vicente đã cầu xin Chúa ban nước cho họ.

Nghĩa trang bên nhà thờ nơi các cha, các thầy an nghỉ. Nơi đây còn các ngôi mộ của cha chính Senado Thái, giám quản Thái Bình, ngài bị bắt và thi thể tìm thấy bên sông Trà Lý; thầy Giuse Nhiên qua đời vì bệnh; thầy Tôma Ninh bị bắt tại sở ruộng hai năm sau mới biết tin chết, và thầy Đaminh Uyển ở lại miền Bắc cho đến khi qua đời năm 1978.

Nhà thờ Cát Đàm còn mang nhiều vết rêu phong cổ kính chen lẫn công trình hai tháp chuông được xây dựng sau với thiết kế 7 tầng, cao 12,5m

Sau khi thăm viếng và được các cha giới thiệu nguồn gốc, lịch sử Cát Đàm; đoàn hành hương cũng sang thăm nhà các Sơ Đa Minh Thái Bình ơ gần Tu xá.

17h30, đoàn đến Nhà Chung Giáo phận Thái Bình.

Ngay từ sân, một không khí lành mạnh từ các sân chơi thể dục thể thao làm đoàn cảm thấy ấm lòng và như quên hết mệt nhọc. Sân rộng trước một tòa nhà rộng lớn, sừng sững 7 tầng.

Đoàn được quý cha, quý thầy trong tòa giám mục đón tiếp nồng hậu. Như biết đoàn cần nghỉ ngơi, nên sau ít phút chào đón, mọi người được các thầy tận tình hướng dẫn nhận phòng.

Như đã sắp xếp ban đầu, đoàn được mời dự cơm tối cùng quý cha, quý thầy và anh em tu sinh tại Toà giám mục. Sau giờ cơm tối, đoàn được thưởng ngoạn nét đẹp của Ngôi Nhà Chung Giáo Phận.

Tạ ơn Chúa, một ngày bình an với bao điều kỳ diệu, giờ đây chúng con được ngủ ngon trong nhà Cha với tất cả tình yêu thương của quý cha, quý thầy trong tòa nhà Giám mục Thái Bình.

Theresa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *