Hình ảnh Chúa Cứu Thế trong hào quang của hoàng hôn đang được lưu truyền nhanh trên mạng xã hội

1. Hình ảnh Chúa Cứu Thế trong hào quang của hoàng hôn đang được lưu truyền nhanh trên mạng xã hội

Nhiếp ảnh gia Erick Pech đã chụp được một hình ảnh đáng kinh ngạc về cảnh hoàng hôn, trong đó những đám mây tạo thành hình ảnh Chúa Cứu Thế. Hình ảnh này đang lan truyền nhanh trên các mạng xã hội.

Nhiếp ảnh gia Erick Pech đã chú thích như sau về bức ảnh của mình:

“Tôi là một người hâm mộ cảnh hoàng hôn và bất cứ khi nào tôi thấy khả năng chụp được một bức ảnh đẹp, tôi đều cố gắng hết sức để chụp. Vì vậy, tôi chia sẻ vẻ đẹp này với các bạn. Tôi không biết đó có phải là một dấu chỉ linh thánh hay không, nhưng bức ảnh đã nói lên chính nó”.

Bức ảnh đã tạo ra sự chú ý mạnh mẽ và được lan truyền sau khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông địa phương. El Surete Notícias lần đầu tiên công bố hình ảnh này.

“Hình ảnh của Chúa Kitô đã xuất hiện trên bầu trời”, tờ báo viết trên Facebook.

“Một cư dân ở Yaxcabá và một cư dân khác ở Temozón, đã cho biết chính xác khoảnh khắc nơi mà người ta cho rằng hình ảnh của Chúa Kitô đã hiện diện”.

Nhiếp ảnh gia đã thêm bình luận này sau khi hình ảnh của anh ấy được lan truyền:

“Cảm ơn vì đã chia sẻ! Một chuyên gia trong lĩnh vực này đã nghiên cứu từng bức ảnh trước khi chia sẻ để xác nhận rằng đó không phải là ‘Photoshop’ như nhiều người đề cập. Nhưng đây là một pareidolia”.

Nhưng nhiều người có thể tự hỏi: pareidolia là gì?

Pareidolia: Tiếng Việt nghĩa là Liên tưởng

Từ điển “The American Heritage Dictionary of the English Language” giải thích:

Pareidolia là “xu hướng giải thích một kích thích mơ hồ bằng một thứ quen thuộc với người quan sát, chẳng hạn như giải thích các dấu vết trên sao Hỏa là các kênh đào, các hình dạng nhìn thấy trong mây là một nhân vật nào đó, hoặc nghe thấy một thông điệp ẩn trong âm nhạc”.


Source:Church POP

2. Ấn Độ tuyên bố bắt giữ hai kẻ khủng bố có liên hệ với al-Qaeda

Một chi nhánh của al-Qaeda ở Kashmir đã lên kế hoạch cho các cuộc tấn công ở miền bắc Ấn Độ trước Ngày Độc lập của quốc gia này. Cảnh sát tuyên bố như trên sau khi bắt giữ hai người đàn ông được cho là có liên hệ với nhóm này vào ngày 11/7.

Cảnh sát cho biết những người đàn ông này đã bị một đội chống khủng bố bắt giữ tại một quận ở thành phố Lucknow, thủ phủ của bang Uttar Pradesh, miền bắc nước này.

Tổng giám đốc cảnh sát Uttar Pradesh, Prashant Kumar, cho biết hai tên này này có liên hệ với Ansar Ghazwat-ul-Hind, một chi nhánh Kashmir của nhóm thánh chiến al-Qaeda.

“Họ nhắm vào những khu chợ đông đúc để gây ra các vụ nổ và Lucknow là mục tiêu chính của họ”, Kumar nói trong một cuộc họp truyền thông, đồng thời cho biết thêm rằng các cuộc tấn công được lên kế hoạch diễn ra trước ngày 15 tháng 8, Ngày Độc lập của Ấn Độ.

Ông nói thêm rằng vũ khí, chất nổ và một nồi áp suất cũng được tìm thấy.

Các tin tức về các vụ được cho là tìm thấy cơ sở khủng bố của Ấn Độ thường khó tin. Gần đây nhất là vụ cáo gian một linh mục dòng Tên là khủng bố.

Như chúng tôi đã loan tin, Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho chạy hàng tít lớn: “Cha Stan Swamy bị giết bởi chín tháng tù”.

Cha Stan Swamy đã qua đời hôm 5 tháng 7, sau khi ngài bị bắt giữ cách đây 9 tháng vì tội khủng bố, một tội danh vô lý mà các thành phần Ấn Giáo cực đoan gán cho ngài vì ghen tức trước các thành quả trong công việc bác ái ngài dành cho những sắc dân thiểu số. Ngài hưởng thọ 84 tuổi.

Vào cuối tháng 5, một tòa án đã cho phép linh mục Dòng Tên được chuyển từ nhà tù Taloja đến bệnh viện Thánh Gia ở Mumbai khi ngài đã ở trong tình trạng sức khỏe quá kém.

Khi tình trạng của anh ấy trở nên tồi tệ hơn vào ngày 4 tháng 7, ngài đã được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt. Trong khi đó, đơn xin trả tự do của ngài vẫn được đưa ra trước tòa án. Cái chết đã đến trước.


Source:UCANews

3. Ngày càng nhiều người Singapore quay lưng lại với các tín ngưỡng truyền thống

Theo số liệu điều tra dân số quốc gia mới nhất ngày càng có nhiều người trẻ quay lưng lại với các tín ngưỡng truyền thống.

Khoảng 20% người Singapore không theo tôn giáo nào vào năm 2020, tăng từ 17% cách đây một thập kỷ, theo báo cáo của Cục Thống kê.

Dân số không theo tôn giáo đang đứng thứ hai sau Phật Giáo tại quốc gia ước tính có 5.6 triệu cư dân này.

Phật tử chiếm 31.1 phần trăm, giảm từ 33.3 phần trăm trong năm 2010. Kitô Hữu chiếm 18.9 phần trăm, tăng nhẹ từ 18.3 phần trăm trong năm 2010. Người Hồi giáo chiếm 15.6 phần trăm, tăng từ 14.7 phần trăm so với 10 năm trước, và 5 phần trăm theo Ấn Giáo.

Những người theo các tín ngưỡng truyền thống của Trung Quốc như Lão giáo chiếm 30% trong những năm 1980 đã giảm xuống còn 10.9% vào năm 2010, và chỉ còn 8.8% vào năm 2020.

Các nhà quan sát lưu ý rằng số lượng người không theo tôn giáo đã tăng lên kể từ những năm 1980, khi họ chỉ chiếm 13% cư dân. Nhiều người trong số họ thích tự gọi mình là nhà tư tưởng tự do hoặc nhà nhân văn thay vì người vô thần.

Theo nghiên cứu của các phương tiện truyền thông địa phương, ngày càng có nhiều người trẻ Singapore cho biết họ công khai mình là tín đồ của các tín ngưỡng truyền thống do thói quen thời thơ ấu, nhưng trên thực tế, họ không thực hành các nghi thức và nghi lễ tôn giáo.

Yuxuan, một cô gái 18 tuổi, nói với Channel News Asia rằng cô đánh dấu vào ô “Phật giáo” trên các biểu mẫu chính thức nhưng không thực hành Phật giáo.

“Tôi được cho là một Phật tử nhưng tôi nghiêng về trở thành một nhà tư tưởng tự do hơn”, cô nói. “Cha mẹ tôi thực hành Phật giáo, vì vậy tôi chỉ làm theo”.

Các chuyên gia cho rằng sự gia tăng dân số không theo tôn giáo của Singapore là “không có gì bất ngờ” khi các xã hội Singapore ngày càng tiếp xúc với chủ nghĩa tục hóa trong những thập kỷ gần đây.


Source:UCANews

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *