Khi quân đội Nga tiến đánh thủ đô Ukraine, Sứ thần Tòa Thánh cho biết ngài sẽ ở lại Kiev

1. Năm sự khác biệt giữa Mùa Chay Chính thống giáo và Công Giáo Rôma

Có nhiều điểm khác biệt giữa việc tuân thủ Mùa Chay của Chính thống giáo và Công Giáo Rôma.

Khi đức tin Kitô lan rộng khắp thế giới, các nhóm Kitô hữu địa phương cử hành năm phụng vụ theo một cách hơi khác. Đó là trường hợp của các Kitô hữu Chính thống giáo (cũng như nhiều người Công Giáo Byzantine) và Công Giáo Rôma trong việc tuân giữ Mùa Chay.

Dưới đây là năm điểm khác biệt cơ bản giữa Mùa Chay Chính thống và Công Giáo. Xin lưu ý, đây là những quy tắc “chung”, vì có nhiều Giáo Hội Chính thống giáo và Byzantine khác nhau và mỗi Giáo Hội có truyền thống địa phương riêng của họ.

Không có Thứ Tư Lễ Tro

Người Công Giáo Rôma bắt đầu Mùa Chay với việc cử hành Thứ Tư Lễ Tro và đặt tro lên trán.

Những người Kitô Hữu Đông phương thường bắt đầu “Mùa Chay Cả” với “Chúa Nhật Của Sự Tha Thứ”.

Tờ Catholic Telegraph đưa ra một bản tóm tắt ngắn gọn về những gì xảy ra trong nghi lễ phụng vụ, “Trong giờ Kinh chiều Tha thứ, các giáo sĩ và giáo đoàn cầu xin sự tha thứ cho nhau, từng người một, về những tội họ đã phạm, dù cố ý hay không, và trao nhau một nụ hôn hòa bình.”

Chúa Nhật Của Sự Tha Thứ còn được gọi là “Chúa Nhật phô mai”, vì nó là ngày cuối cùng trước Mùa chay, bao gồm việc nhịn ăn các sản phẩm từ sữa.

Không có thánh lễ hàng ngày

Trong khi người Công Giáo Rôma tiếp tục cử hành Bí tích Thánh Thể vào mọi ngày trong tuần, thì hầu hết các Kitô hữu phương Đông không cử hành Phụng vụ Thánh trong tuần.

Thay cho Phụng vụ Thánh, vào các ngày Thứ Tư và Thứ Sáu, các tín hữu Chính Thống Giáo cử hành Giờ Kinh Phụng vụ với nghi thức rước lễ.

Người Công Giáo Rôma có một hình thức rước lễ tương tự như thế vào Thứ Sáu Tuần Thánh.

Đại Chay

Các Kitô hữu phương Đông có những quy định nghiêm ngặt hơn nhiều về việc ăn chay trong Mùa Chay, kiêng thịt, trứng và sữa, và không uống bất kỳ loại rượu nào.

Kỷ luật này nhiều hơn những người Công Giáo Rôma, vì chúng ta chỉ được yêu cầu chay tịnh vào Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, và kiêng thịt vào các ngày Thứ Sáu trong Mùa Chay.

Alleluia được sử dụng thường xuyên hơn trong Mùa Chay

Người Công Giáo Rôma quen với việc “không hát” Alleluia trong Mùa Chay, và chỉ hát lại Alleluia vào Đêm Vọng Phục sinh.

Đối với nhiều Kitô hữu Chính thống và Byzantine, Alleluia được sử dụng thường xuyên hơn trong Mùa Chay, vì nó được xem như một từ ca ngợi hiếm khi bị lược bỏ.

Màu tím chỉ sử dụng vào các ngày trong tuần

Màu tím thường được sử dụng nhiều nhất trong các nhà thờ Chính thống giáo vào các ngày trong tuần của Mùa Chay, trong khi màu sáng, thường là vàng, được sử dụng vào các ngày Chúa Nhật trong Mùa Chay.

Màu sắc tươi sáng và vui tươi luôn đánh dấu các lễ cử hành Phụng vụ Thánh, đó là lý do tại sao các ngày Chúa Nhật vẫn giữ được màu sắc đó ngay cả trong Mùa Chay.

Đối với người Công Giáo Rôma, màu tím được sử dụng mỗi ngày trong Mùa Chay, trừ những ngày lễ lớn và Chúa Nhật thứ 4 của Mùa Chay, khi mầu hồng được sử dụng.


Source:Aleteia

2. Russkiy Mir– ‘Thế giới Nga’ đụng độ chính trị Ukraine và ngoại giao Vatican

Tạp chí The Pillar vừa có một cộng tác viên người Ukraine, ông Anatolii Babynskii, hiện là chuyên viên nghiên cứu tại Viện Giáo Sử của Đại Học Công Giáo Ukraine. Bài đầu tiên của ông trên The Pillar nói đến khái niệm Russkiy-mir – thế giới Nga của Vladimir Putin được thảo luận nhiều nhưng ít được hiểu rõ – và nền ngoại giao của Vatican đã đóng vai trò như thế nào đối với thế giới quan tôn giáo và chính trị của Mạc Tư Khoa.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Trong một bài phát biểu năm 2014 nhằm biện minh cho việc sáp nhập Crimea, Vladimir Putin không dừng lại ở các luận điểm chính trị – thực vậy, ông đã đi xa hơn nhiều. Ông đưa ra một khuôn khổ cho một thế giới quan sẽ định nghĩa các năm tháng của ông trong chức vụ tổng thống Nga và điều này sẽ được thường xuyên lặp lại bởi cả các đồng minh chính trị của Putin lẫn các nhà lãnh đạo của Giáo Hội Chính thống Nga.

Hiểu được thế giới quan đó là chìa khóa để hiểu được cuộc xâm lược của Nga vào cuối tháng Hai vừa qua ở Ukraine. Nhưng điều quan trọng nữa là hiểu được tác động của nó đối với các cuộc đối thoại đại kết giữa Vatican với Giáo Hội Chính thống giáo Nga, một điều xem ra chắc chắn sẽ thay đổi sau khi Nga xâm lược có vũ trang vào quốc gia láng giềng của mình.

Năm 2014, khi nhắc đến Thánh Vladimir, Hoàng tử của Kiev và là tên thánh của Putin, Tổng thống Nga đã lập luận rằng việc trở lại năm 988 của Hoàng tử này sang Chính thống giáo phương Đông “đã xác định trước cơ sở toàn diện của nền văn hóa, văn minh và các giá trị nhân bản vốn thống nhất các dân tộc Nga, Ukraine, và Belarus”.

Cùng lúc đó, trong “bài phát biểu về Crimea” nổi tiếng của Putin, quan niệm Russkiy Mir – ý thức hệ “thế giới Nga”, rất phổ biến trong nền chính trị và Giáo hội Nga – đã được phản ảnh một cách rộng dài và khéo léo. Nó cũng lên khuôn khu vực địa lý được Putin chú ý đặc biệt.

Cho đến năm 2000, Russkiy Mir chủ yếu là vấn đề của giới trí thức. Nhưng vào đầu thế kỷ 21, nó đã trở thành một chiến lược bán chính thức của cả các chính trị gia Nga lẫn các nhà lãnh đạo của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa liên quan đến các quốc gia láng giềng của Nga.

Theo quan điểm của họ, “thế giới Nga” bao gồm gần như toàn bộ Đông Âu – tất cả các lãnh thổ mà ở các thời điểm khác nhau đều là bộ phận của Đế quốc Nga và Liên bang Xô viết, bao gồm cả cộng đồng cư dân của các quốc gia này ở các khu vực khác trên thế giới.

Khi mô hình “thế giới Nga” bắt đầu nắm bắt được trí tưởng tượng chính trị của Putin, giới lãnh đạo Nga bắt đầu thúc đẩy các quốc gia láng giềng của mình tiến tới sự hội nhập kinh tế, quân sự, chính trị và văn hóa gần nhất có thể.

Đến lượt mình, Giáo Hội Chính thống Nga đóng một vai trò quyền lực mềm, vì mạng lưới các giáo xứ của họ, vốn tồn tại sau sự sụp đổ của Liên Xô, vẫn là một trong những công cụ gây ảnh hưởng hữu hiệu nhất ở các nước khác.

Elena Volkova, một nhà trí thức và cựu giáo sư tại Đại học quốc gia ở Mạc Tư Khoa, gần đây đã nói ở Ukraine rằng ý thức hệ “thế giới Nga” có thể được rút gọn thành một kết luận ngắn gọn:

“Nga phải giành lại lãnh thổ của đế quốc. Quyền lực độc quyền đối với các linh hồn phải thuộc về Giáo Hội Chính Thống Nga. Bất cứ cuộc nói chuyện nào về sự độc lập của nhà nước hoặc giáo hội đều bị coi là công việc của kẻ thù, kẻ ngay lập tức bị coi là người theo chủ nghĩa Satan và người theo chủ nghĩa ly giáo, kẻ thù của Giáo hội”.

Ở Belarus, ít có vấn đề trong việc thực hiện chiến lược này, nhưng ở Ukraine, chương trình nghị sự chính trị “thế giới Nga” gặp phải những trở ngại nghiêm trọng đối với việc du nhập chiến lược này.

Đối với nhiều nhà phân tích, dường như giới lãnh đạo chính trị Nga chưa bao giờ thực sự nghĩ tới sự khác biệt về lịch sử văn hóa và chính trị của Nga và Ukraine. Và đối với Giáo Hội Chính thống Nga, tình hình thậm chí còn khó khăn hơn, một phần do sự đa dạng tôn giáo của Ukraine.

Taras Antoshevskyi, Giám đốc Dịch vụ Thông tin Tôn giáo Ukraine, nói với The Pillar, “Bảng màu tôn giáo Ukraine khá đa dạng”.

Ở Ukraine, “có những cơ cấu phát triển tốt của Giáo Hội Công Giáo Đông phương và Công Giáo Rôma, mặc dù họ là thiểu số – chỉ 10% người Ukraine là Công Giáo – nhưng họ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các diễn trình tôn giáo xã hội trong nước”.

Antoshevski nói thêm, “Ngược lại, Chính thống giáo Ukraine bị chia rẽ kể từ năm 1989: một bộ phận tiếp tục hợp nhất với Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, trong khi một nhóm khác đòi độc lập và vào năm 2019 đã nhận được tư cách tự trị từ Tòa thượng phụ Constantinople”.

“Và sau đó có nhiều cộng đồng Tin lành rất tích cực về mặt xã hội.”

Ý thức hệ “thế giới Nga” phần nào phổ biến với Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa và thế hệ cũ, vốn muốn khôi phục Liên Xô, nhưng nó đã bị các thành viên của các Giáo Hội khác và xã hội Ukraine rộng lớn hơn cảm nhận một cách tiêu cực.

Sự hiện diện của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương có lẽ đã trở thành vấn đề nghiêm trọng nhất đối với Giáo Hội Chính Thống Nga.

Trong một chuyến thăm Ukraine năm 2009, Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa, trong một bài giảng, đã mô tả người Công Giáo Ukraine theo nghi lễ Đông phương là những người cố gắng “thay đổi cuộc sống của mọi người bằng vũ lực, thay đổi văn hóa, đức tin, bản sắc dân tộc của họ”.

Quan điểm của Kirill rất rõ ràng: bản sắc và văn hóa Ukraine thuộc về “thế giới Nga” và những người Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã chen vào.

Không muốn trực tiếp giải quyết những bất đồng lịch sử chung với người Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông Phương, Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa đã tìm cách giải quyết vấn đề của mình bằng bàn tay của Vatican.

Kể từ những năm 1990, hầu hết mọi nỗ lực của Giáo Hội Chính Thống Nga trong cuộc đối thoại Công Giáo-Chính thống đều tập trung vào giải pháp cho “vấn đề qui hiệp” – tức là các vấn đề giáo hội học và văn hóa đặt ra cho Giáo Hội Chính Thống Nga do sự hiện hữu của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông Phương.

Lợi dụng mong ước của Vatican muốn tiếp tục đối thoại với Giáo hội Nga, ban lãnh đạo của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa đã thúc đẩy Vatican quay trở lại tình trạng trước năm 1989, khi Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông Phương chính thức bị cấm ở Liên Xô và sau năm 1946 chỉ hiện hữu một cách hầm trú trong nước và ở hải ngoại.

Sau khi sáp nhập Crimea, và trước chuyến thăm của Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Pietro Parolin tại Mạc Tư Khoa vào năm 2017, Tổng Giám Mục Hilarion Alfeev, người trên thực tế là Bộ trưởng Ngoại giao của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, một lần nữa nhắc lại rằng “Vấn đề nhức nhối nhất trong tương quan giữa các Giáo hội của chúng ta là sắc lệnh Qui Hiệp, vốn đã và đang gây tổn hại nghiêm trọng cho các mối tương quan Chính thống-Công Giáo nói chung trong nhiều thế kỷ”.

Tưởng cũng nên biết thêm, người Công Giáo nghi lễ Đông Phương bắt đầu xuất hiện vào năm 1596 khi một số người Ukraine theo Chính thống giáo, khi đó nằm dưới sự cai trị của Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Litva do Công Giáo thống trị, đệ trình lên Tòa Thánh một thỏa thuận xin hiệp thông trọn vẹn với Rôma miễn là Tòa Thánh cho phép họ giữ các thực hành đặc biệt như phụng vụ Byzantine của họ và cho phép các linh mục lập gia đình. Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Ngũ đã ra Sắc lệnh Qui Hiệp thành lập Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông Phương.

Quan điểm của Hilarion không hoàn toàn xa lạ với một số người ủng hộ chính sách Ostpolitik ở Vatican, họ sẵn sàng đối thoại với Mạc Tư Khoa ngay cả khi những người Công Giáo Đông phương Ukraine phải trả giá.

Và thực thế, sự xuất hiện của các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông Phương ở Ukraine và Rumani vào những năm 1980 từ tình huống hầm trú đã ảnh hưởng đến tiến trình đại kết. Nhưng tình hình đó cho thấy mức độ cuộc đối thoại Công Giáo-Chính thống phụ thuộc vào tình hình ở Âu Châu thời hậu chiến.

Cha Andrii Mykhaleiko, một nhà Giáo sử học tại Đại học Công Giáo Eichstätt-Ingolstadt ở Đức, nói với The Pillar rằng “tình hình sau năm 1989 xác nhận rằng cuộc đối thoại giữa Giáo Hội Công Giáo và Chính thống phụ thuộc vào hiện trạng địa chính trị và đại kết của những năm 1970 và những năm 1980, khi cả Chính thống giáo và Công Giáo đều không thể thấy trước những thay đổi của năm 1989”.

Kể từ năm 1989, tình hình chính trị ở Đông Âu đã thay đổi đáng kể, nhưng cuộc đối thoại đại kết, ít nhất là ở khu vực này của thế giới, dường như vẫn khiến nhiều người Ukraine trở thành con tin cho những nỗ lực của Nga nhằm xây dựng lại đế chế dưới chiêu bài “Thế giới Nga”.

Nhưng hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine đã làm dấy lên câu hỏi về việc duyệt lại chính sách Ostpolitik của Vatican, vì cả hai vấn đề của chính sách đối ngoại và đối thoại đại kết.

Và đối với nhiều người Ukraine theo dõi cách tiếp cận của Vatican trong cuộc đối thoại với Mạc Tư Khoa, vài tuần qua đã làm rõ điều mà người Công Giáo ở Đông Âu đã tranh cãi trong nhiều thập niên: rằng mục tiêu duy trì quan hệ giữa Tòa thánh và các chế độ độc tài bằng mọi giá sẽ chỉ gây hại cho Giáo Hội Công Giáo và sứ mệnh truyền giáo trên thế giới.

Nếu không có gì khác, cuộc chiến dường như chắc chắn sẽ thay đổi đường nét của các cuộc đối thoại đại kết của Vatican và thay đổi một cách nhanh chóng.

Tiến sĩ Oleh Turii, phó viện trưởng Đại học Công Giáo Ukraine, nói với The Pillar tuần này rằng:

“Chúng tôi thấy hiện nay người ta đang đoàn kết như thế nào xung quanh các nguyên tắc nền tảng và các giá trị tốt đẹp cho tương lai của nhân loại. Điều này cho chúng ta hy vọng rằng nó cũng sẽ sớm chữa lành cuộc đối thoại đại kết”.

“Các mối liên hệ chân thành giữa các Kitô hữu không thể được xây dựng trên các tối hậu thư, dối trá, hay ý thức hệ. Chúng chỉ có thể phát triển trên nền tảng mong muốn chân thành của cả hai bên là khôi phục sự thống nhất của Giáo hội”.


Source:Pillar Catholic

3. Khi quân đội Nga tiến đánh thủ đô Ukraine, Sứ thần Tòa Thánh cho biết ngài sẽ ở lại Kiev

Khi quân đội Nga tiến đánh thủ đô Ukraine, Sứ thần Tòa Thánh cho biết ngài sẽ ở lại Kiev

Hiện đang ở Kiev, Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine cho biết bất kể một cuộc tấn công của Nga vào thành phố này sắp xảy ra, ngài quyết tâm ở lại và ở bên người dân như một dấu chỉ cho thấy sự gần gũi của Đức Giáo Hoàng.

Phát biểu với SIR, hãng thông tấn chính thức của các giám mục Ý, Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, người được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa thánh tại Ukraine vào tháng 6 năm 2021, cho biết ngài đã đưa ra quyết định khó khăn là ở lại Kiev “bởi vì chúng tôi không chỉ là một đại sứ quán”.

“Ở đây tôi đại diện cho Đức Giáo Hoàng trước người dân và các Giáo Hội ở Ukraine. Tôi không chỉ có nhiệm vụ, mà còn có khả năng gần gũi với mọi người. Vì vậy, vị trí của tôi là ở đây.”

Nếu tình hình xấu đi và trở nên “không thể ở lại được về mặt thể lý”, Đức Tổng Giám Mục Kulbokas cho biết lúc đó ngài sẽ nghĩ đến câu hỏi liệu có nên di tản hay không, “nhưng hiện tại chúng tôi cố gắng ở lại đây, chúng tôi sẽ không di chuyển.”

Hiện tại cuộc chiến ở Ukraine đang chứng kiến nhiều thương vong hơn khi quân đội Nga ngày càng nhắm mục tiêu vào các khu vực đô thị nhằm chống lại lực lượng phòng thủ của Ukraine.

Một đoàn xe của Nga dài khoảng 40 dặm được cho là đang tiến gần đến Kiev, nơi các công dân đã trú ẩn trong các tàu điện ngầm và tầng hầm trong nhiều ngày khi tiếng còi cảnh báo về các cuộc oanh tạc.

Quảng trường Độc lập mang tính biểu tượng của thành phố trong những ngày qua bị rào chắn bằng bao cát và thiết bị chống tăng của Tiệp để chặn đường đi của xe tăng. Các cửa hàng tạp hóa thưa thớt, và các đường phố hầu như không có người ngoài một số ít người xếp hàng chờ đợi ở hiệu thuốc hoặc siêu thị.

Quân đội Ukraine đang tiến hành kiểm tra các gián điệp Nga có thể do thám các địa điểm chiến lược, chặn xe hơi và người đi bộ để thực hiện kiểm tra túi xách và phương tiện.

Cho đến nay, ước tính có khoảng 2,800 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng kể từ cuộc xâm lược của Nga vào hôm 24 tháng Hai và Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc cho đến nay đã ghi nhận khoảng 752 thương vong dân thường ở Ukraine, với 227 người thiệt mạng và 525 người bị thương.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, ít nhất 498 binh sĩ Nga đã thiệt mạng ở Ukraine và hơn 1,500 người bị thương, mặc dù chính quyền Ukraine đang báo cáo tỷ lệ thương vong của Nga cao hơn nhiều.

Những con số này dự kiến sẽ tăng lên khi các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn và khi các lực lượng Ukraine và Nga tham chiến giành Kiev trong những ngày tới.

Nói về tình hình hiện tại ở Kiev, Đức Tổng Giám Mục Kulbokas cho biết Tòa Sứ Thần Tòa Thánh nằm ở một trong những quận trung tâm, và ngài đang ở đó cùng với hai cộng tác viên và một nhóm nữ tu làm việc ở đó.

Đức Cha Kulbokas nói rằng trong những tuần trước khi Nga xâm lược, các vị cũng như những người khác, dự trữ thức ăn và nước uống để phòng trường hợp tình hình leo thang, nhưng không ai tin rằng chiến tranh sẽ thực sự nổ ra.

“Do đó, chúng tôi sẽ có thức ăn và nước uống trong một thời gian, nhưng chắc chắn không lâu lắm,” ngài nói và lưu ý rằng một số người Ukraine đã bị ảnh hưởng bởi những gì có thể sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

“Những ngày trôi qua, nó sẽ mở rộng ra toàn thành phố Kiev,” và ở các thành phố khác như Kharkiv, nơi đã xảy ra giao tranh ác liệt, và Odessa, Mariupol và Kherson, “tình hình cũng tương tự”.

Tình hình nhân đạo “chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ hơn,” Đức Sứ thần Tòa Thánh nói và cho biết mối quan tâm lớn khác của ngài ngay từ đầu là số phận của những người già và những người bệnh tật.

“Làm thế nào để bạn tiếp tục điều trị trong những tình huống này? Đặc biệt là đối với những người không thể, cũng như không có sức lực để di tản và phải ở lại”.

Đức Cha Kulbokas cho biết cũng có lo lắng cho những phụ nữ mang thai sắp sinh và lưu ý rằng nhiều trẻ em đang được sinh ra trong các hầm trú ẩn dưới lòng đất, không được chăm sóc chuyên biệt hoặc hỗ trợ y tế.

“Thảm kịch hiện nay rất kinh hoàng”.

Đề cập đến nhiều vụ nổ đã được nghe thấy ở ngoại ô Kiev kể từ khi giao tranh bắt đầu, Đức Cha Kulbokas cho biết Tòa Sứ Thần Tòa Thánh đã xác định một số khu vực được cho là “tương đối được bảo vệ tốt hơn” trong trường hợp bị tấn công bằng hỏa tiễn.

Hiện giờ, mọi người đang ngủ trên những tấm đệm mà họ đặt trong nhiều nơi trú ẩn tạm thời khác nhau, bao gồm cả tầng hầm của một số tòa nhà.

Các thánh lễ cũng được cử hành ở những nơi được coi là an toàn, tuy nhiên, Đức Cha Kulbokas cho biết ngài luôn giữ một chiếc ba lô gần đó để đựng những thứ cần thiết: nước, tài liệu và điện thoại, để “sẵn sàng cho mọi tình huống”.

Nói về quyết định ở lại của chính mình, Đức Cha Kulbokas nói rằng việc truyền tải sự gần gũi của Đức Giáo Hoàng với người dân Ukraine có “một ý nghĩa rất mạnh mẽ đối với tôi, bởi vì ở đây, theo một cách nào đó, chúng tôi có thể cảm nhận được thảm kịch của những người phải hứng chịu súng đạn, lạnh giá, nguy hiểm, thương tích, và thậm chí cả cái chết. “

“Nhưng chúng tôi cũng có thể cảm nhận rất rõ tình đoàn kết giữa những người Ukraine, của tất cả các tín ngưỡng và tôn giáo,” ngài nói và cho biết ngài nhận được một cuộc gọi mỗi ngày từ mufti của Kiev, người hỏi xem họ có đủ thức ăn và nước uống hay không, hoặc liệu họ có cần phải che chở cho ai đó.

Cả người Công Giáo và Chính thống giáo, cũng như người Do Thái, đều làm như vậy đối với nhau trong Giáo Hội của họ. Ngài nói thêm, “Có rất nhiều sự đoàn kết và chứng kiến sự đoàn kết này là một trải nghiệm đẹp và rất mạnh mẽ.”

Head of the UGCC accepted a recommendation letter from archbishop Visvaldas  Kulbokas Apostolic nuncio to Ukraine

Đức Cha Kulbokas cho biết họ cũng cảm thấy tình đoàn kết của những người bên ngoài Ukraine, những người đang cầu nguyện cho hòa bình, nói rằng, “Cứ như thể chúng ta, trong những ngày này, là thủ đô tinh thần của thế giới, nơi một mặt, đang có giao tranh nhưng cũng có một mặt khác là phản ứng đẹp đẽ của nhân loại”.

Đề cập đến vô số lời kêu gọi trên mạng xã hội của Đức Giáo Hoàng và cách tiếp cận ngoại giao của ngài đối với cuộc chiến, Đức Cha Kulbokas cho biết ngài đã nhận được vô số cuộc gọi từ mọi người bày tỏ lòng biết ơn đối với những lời cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng và nhiều lời kêu gọi hòa bình của ngài.

Đức Sứ thần Tòa Thánh nói Đức Giáo Hoàng Phanxicô, “chắc chắn là gần gũi với người Ukraine đau khổ, nhưng ngài gần với tất cả mọi người. Đức Giáo Hoàng nói rằng chiến tranh phải ngừng lại, không có lý do nào có thể biện minh cho chiến tranh. Chiến tranh là công việc của ma quỷ và do đó phải cố gắng hết sức có thể để ngăn chặn nó”.

Nhiệm vụ chính của Giáo Hội là “hòa giải tất cả mọi người,” và nuôi dưỡng tinh thần huynh đệ ở mọi phía, Đức Cha Kulbokas nói, bày tỏ mong muốn của mình rằng “mọi người sẽ tham gia vào sứ mệnh lên án chiến tranh, hiệp nhất tinh thần và hòa bình với mọi người. “

Nói về ngày cầu nguyện và ăn chay vì hòa bình ở Ukraine do Đức Giáo Hoàng kêu gọi và diễn ra vào Thứ Tư Lễ Tro, Đức Cha Kulbokas cho biết đây là một cử chỉ rất quan trọng đối với người Ukraine.

“Đôi khi chúng ta nghi ngờ về lời cầu nguyện, như thể đó chỉ là một lời cầu xin cá nhân. Cầu nguyện không chỉ là như thế: nó còn là tình liên đới với những người không phải là tín hữu, là sự gần gũi, là tình anh em. Nó góp phần vào hòa bình vì nó phá hủy chính nền tảng của chiến tranh.”

Ngài nói thêm: “Hãy loại bỏ sự kiêu ngạo, sự thiếu trách nhiệm, và hoán cải, hoán cải mang lại cho chúng ta tinh thần khiêm nhường. Lời cầu nguyện kết hợp chúng ta với Thiên Chúa và với tất cả chúng ta và trong lời cầu nguyện, chúng ta một lần nữa trở nên trong Thiên Chúa, các con trai và con gái của Ngài”.

“Khi Chúa thấy chúng ta như thế này. Ngài không thể thờ ơ và không ban cho chúng ta sự bình an như một ân sủng.”


Source:Crux

4. Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska viết ‘bức thư ngỏ gửi truyền thông’ đầy xúc động

Đệ nhất phu nhân Ukraine đã viết một “bức thư ngỏ gửi giới truyền thông” đầy nhiệt huyết và xúc động rằng Nga đã phạm tội “giết hàng loạt thường dân Ukraine” và cảnh báo Âu Châu có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo.

“Những gì xảy ra chỉ hơn một tuần trước không thể tin được. Đất nước chúng tôi đã hòa bình, bây giờ điều đó đã tan vỡ”; bà Olena Zelenska, phu nhân của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky viết trong bức thư ngỏ của mình có tiêu đề “Tôi làm chứng…”

Nhưng bà nói thêm rằng người dân Ukraine sẽ không bao giờ bỏ cuộc.

“Khi Nga nói rằng họ ‘không tiến hành chiến tranh chống lại dân thường’, tôi có thể nêu đích danh những đứa trẻ đã bị sát hại này,” cô nói, đồng thời liệt kê tên của những nạn nhân nhỏ tuổi nhất trong cuộc chiến bi thảm đã chết trên đường phố trong đạn pháo, trong đó có một số bị phải các mảnh vỡ rơi xuống sau một vụ đánh bom của Nga.”

Lặp lại ý kiến của chồng, đệ nhất phu nhân cũng kêu gọi các nước phương Tây thiết lập “vùng cấm bay” đối với Ukraine.

“Phụ nữ và trẻ em của chúng tôi hiện đang sống trong các hầm trú bom và các tầng hầm. Rất có thể bạn đã nhìn thấy những hình ảnh này từ các ga tàu điện ngầm Kiev và Kharkiv, nơi mọi người nằm trên sàn nhà cùng con cái và các con vật nuôi của họ. Đây là hậu quả của chiến tranh đối với người Ukraine, đây là một thực tế khủng khiếp”.

“Ở một số thành phố, các gia đình không thể ra khỏi hầm trú bom trong nhiều ngày liên tiếp vì các vụ ném bom và pháo kích bừa bãi và có chủ ý vào các cơ sở hạ tầng dân sự”.

“Những đứa trẻ đầu tiên của cuộc chiến, nhìn thấy trần bê tông của tầng hầm, hơi thở đầu tiên của các em là không khí chát chúa của lòng đất, và các em được chào đón bởi một cộng đồng bị mắc kẹt và khủng bố. Tại thời điểm này, có vài chục đứa trẻ vừa chào đời và chưa bao giờ biết đến bình yên trong cuộc đời mình”, Đệ nhất phu nhân viết.

Nhắc đến chồng, bà kêu gọi các nước phương Tây thiết lập “vùng cấm bay” đối với Ukraine. Putin đã cảnh báo thiết lập vùng cấm bay sẽ tương đương với việc tuyên bố chiến tranh thế giới.

“Chúng tôi cần những người có quyền lực để đóng cửa bầu trời của chúng tôi!” cô nói. “Hãy đóng cửa bầu trời, và chúng tôi sẽ tự xoay xở cuộc chiến dưới mặt đất.”

“Ukraine đang ngăn chặn một lực lượng có thể xâm nhập vào các thành phố của các bạn vào ngày mai với chiêu bài là để cứu dân thường”.

“Tôi kêu gọi các bạn, các phương tiện truyền thông thân mến: hãy tiếp tục cho thấy những gì đang xảy ra ở đây và tiếp tục cho thấy sự thật. Trong cuộc chiến thông tin do Liên bang Nga tiến hành, mọi bằng chứng đều rất quan trọng”.

5. Trung Quốc đổ lỗi cho NATO đẩy căng thẳng Nga-Ukraine đến ‘điểm bùng phát’

Sáng thứ Tư 9 tháng Ba, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc là Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian- 赵丽坚) cáo buộc NATO và Mỹ đã có các động thái làm căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng đến một “điểm bùng phát”.

Đây là động thái mới nhất của Trung Quốc trong nỗ lực bênh vực cho Nga trong cuộc xâm lược Ukraine.

Tại một cuộc họp báo hàng ngày, Kiên cũng kêu gọi Hoa Kỳ xem xét các mối quan hệ với Trung Quốc một cách nghiêm túc và tránh làm suy yếu các quyền hoặc lợi ích của họ trong việc xử lý vấn đề Ukraine và quan hệ với Nga.

6. Xe hơi lao vào cổng đại sứ quán Ba Lan ở Washington DC

Theo đài địa phương WUSA9, cổng vào đại sứ quán Ba Lan ở Washington DC đã bị xe hơi đâm vào trong đêm thứ Ba mùng 8 tháng Ba.

Đài này cho biết vụ tai nạn đã làm một số người bị thương nhẹ. Một cư dân trong khu vực đã tweet rằng nó đã gây ra một “vụ nổ lớn” và cảnh tượng mịt mù khói, nhưng không rõ đây là một vụ tai nạn hay một tuyên bố chính trị.

Vụ này xảy ra sau các yêu cầu của Hoa Kỳ, theo đó Ba Lan giao toàn bộ các máy bay MiG 29 của họ cho Ukraine. Đổi lại Hoa Kỳ sẽ trả lại bằng các máy bay F-16. Các phi công Ukraine có thể lái MiG 29 của Nga là loại máy bay chiến đấu mà họ đã được huấn luyện.

Trong diễn biến mới nhất, Ba Lan đã đồng ý chuyển giao toàn bộ số máy bay chiến đấu MiG-29 của họ, nhưng họ lại sợ bị Nga tấn công nếu các phi công Ukraine qua Ba Lan lái những chiến đấu cơ này về Ukraine. Vì thế, Bộ Ngoại giao Ba Lan đưa ra đề nghị giao các máy bay này cho Mỹ tại một căn cứ không quân của Đức. Sau đó, Mỹ giao cho Ukraine chứ không phải là Ba Lan giao cho Ukraine. Ngũ Giác Đài tỏ ra bị bất ngờ về đề nghị này.

Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan, Zbigniew Rau, cho biết chính phủ của ông đã “sẵn sàng triển khai – ngay lập tức và miễn phí – tất cả các máy bay phản lực MiG-29 của họ đến căn cứ không quân Ramstein và đặt chúng dưới sự tùy nghi sử dụng của chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.

7. Nga đưa ra một lời hứa suông khác về việc ngừng bắn khi người Ukraine chạy trốn vì cuộc sống của họ

Nga một lần nữa tuyên bố sẽ giữ lệnh ngừng bắn vào sáng thứ Tư để cho phép những người Ukraine chạy trốn khỏi Kiev và 4 thành phố lớn khác được ra đi an toàn.

Các hành lang nhân đạo được hứa hẹn tại thủ đô Kiev, cùng với Chernihiv, Sumy, Kharkiv và Mariupol, được đưa ra khi đám đông dân chúng vẫn bị mắc kẹt tại các thành phố này trong bối cảnh Nga liên tục tấn công trong khu vực.

Một lời hứa tương tự đã được đưa ra hôm thứ Ba, nhưng những kẻ xâm lược đã bị cáo buộc phạm thêm một tội ác chiến tranh vì đã pháo kích vào những người tị nạn đang cố gắng di tản dọc theo các tuyến đường an toàn.

Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Nga Mikhail Mizintsev, cho biết các lực lượng Nga sẽ “tuân thủ lệnh ngừng bắn” từ 10 giờ sáng theo giờ Mạc Tư Khoa vào hôm thứ Tư.

8. Nga cho biết hai quan chức quân đội Nga bị hy sinh

Hai sĩ quan nhảy dù của quân đội Nga đã bị lực lượng Ukraine tiêu diệt, theo các quan chức Nga.

Đại tá Konstantin Zizevsky và Đại tá Yuri Agarkov đã hy sinh “anh dũng và dũng cảm bảo vệ an ninh của đất nước chúng ta,” Thống đốc vùng Pskov, Mikhail Vedernikov, đã cho biết như trên trong tài khoản Instagram của vùng Pskov.

Không có chi tiết nào về hoàn cảnh tử trận của hai đại tá này được đưa ra bởi các quan chức. Họ chỉ máy móc lặp lại cách nói tuyên truyền của Mạc Tư Khoa cho rằng cuộc chiến tranh vô cớ và cuộc xâm lược Ukraine này là “cuộc hành quân đặc biệt nhằm bảo vệ dân thường của các nước cộng hòa Donetsk và Luhansk khỏi nạn diệt chủng.”

Cả hai nạn nhân đều thuộc các gia đình dòng dõi trong quân đội Nga, được nhiều cư dân vùng Pskov biết đến. Vedernikov hứa rằng gia đình của các sĩ quan thiệt mạng sẽ được cung cấp mọi sự giúp đỡ và hỗ trợ cần thiết.

Trước đó, hôm 5 tháng Ba, người đứng đầu vùng Bashkiria, Thống đốc Radiy Khabirov, cũng đã thông báo về cái chết của 3 sĩ quan cao cấp Nga trong cuộc xâm lược Ukraine mà Nga gọi là “cuộc hành quân đặc biệt”.

Ngày 2 tháng 3 là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Nga lên tiếng về tổn thất của quân đội Nga trong chiến dịch ở Ukraine. Theo đại diện chính thức của Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Igor Konashenkov, số người chết kể từ ngày 24 tháng 2 lên tới 498 người, hơn 1,500 người bị thương.

Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết 12,000 lính Nga đã thiệt mạng trong đánh giá mới nhất về thương vong của họ cho đến nay. Họ cho biết cho đến nay các lực lượng Nga cũng đã mất 48 máy bay phản lực, 80 máy bay trực thăng, 303 xe tăng, 1,036 xe thiết giáp, 120 khẩu pháo và 27 hệ thống tác chiến phòng không. Người đứng đầu CIA nói với các nhà lập pháp Mỹ hôm thứ Ba rằng họ tin rằng khoảng 2,000 đến 4,000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng.

9. Bộ Nội Vụ Ukraine cho biết các tình nguyện viên quốc tế sẽ đủ điều kiện để nhập quốc tịch Ukraine

Thứ trưởng Bộ Nội vụ thứ nhất Yevhen Yenin cho biết thông qua tờ The Kiev Independent, những người tình nguyện sẵn sàng chiến đấu cho nền độc lập của Ukraine sẽ có thể được nhập quốc tịch.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra lời kêu gọi thành lập Quân đoàn Quốc tế của quân đội Ukraine ngay khi cuộc chiến bắt đầu.

Khoảng 20.000 tình nguyện viên nước ngoài đã tham gia cuộc chiến giành tự do của Ukraine – bao gồm cả các cựu quân nhân trong quân đội Mỹ.

10. Các nhà lãnh đạo quốc hội Mỹ đạt được thỏa thuận lưỡng đảng trị giá 13.6 tỷ USD viện trợ cho Ukraine và các đồng minh châu Âu

Các nhà lãnh đạo Quốc hội ở Mỹ đã đạt được thỏa thuận lưỡng đảng vào sáng sớm hôm nay nhằm cung cấp 13.6 tỷ USD để giúp Ukraine và các đồng minh Âu Châu, hãng tin AP đưa tin.

Tổng thống Joe Biden ban đầu yêu cầu 10 tỷ đô la cho viện trợ quân sự, nhân đạo và kinh tế, nhưng sự ủng hộ từ cả hai bên mạnh mẽ đến mức con số này đã tăng lên 12 tỷ đô la vào thứ Hai và 13.6 tỷ đô la vào ngày hôm qua.

“Chúng tôi sẽ hỗ trợ họ chống lại bạo quyền, áp bức, các hành động khuất phục bằng bạo lực”, Biden nói tại Tòa Bạch Ốc.

Các nhà lãnh đạo đảng đang hy vọng sẽ thông qua dự luật dài 2,741 trang tại Hạ viện và Thượng viện vào cuối tuần này.

11. Tấn công người Ukraine khi họ xếp hàng mua bánh mì có thể cấu thành tội ác chiến tranh – Tổ chức Ân xá Quốc tế

Một cuộc không kích của Nga được cho là đã giết chết 47 thường dân khi họ xếp hàng mua bánh mì ở Chernihiv có thể cấu thành tội ác chiến tranh, một cuộc điều tra của Tổ chức Ân xá Quốc tế đã dẫn đến lập trường trên.

Vào khoảng 12 giờ 15 phút ngày 3 tháng 3, một quảng trường đã bị trúng nhiều quả bom, giết chết dân thường và làm hư hại nghiêm trọng các tòa nhà.

Phân tích của nhóm ứng phó khủng hoảng của tổ chức phi chính phủ đã kết luận rằng cuộc tấn công rất có thể là một cuộc không kích của Nga sử dụng ít nhất 8 quả bom không điều khiển được gọi là “bom câm”.

Alina, một sinh viên 21 tuổi sống gần đó với gia đình nói với Tổ chức Ân xá Quốc tế:

“Tôi nghe thấy một tiếng vo ve rất, rất lớn và tôi cảm thấy tòa nhà của chúng tôi đang rung chuyển. Cứ như thể căn hộ của chúng tôi đang phồng lên… Và sau đó hai giây, tôi nghe thấy cửa sổ bị thổi tung ra sân trong. Tòa nhà của chúng tôi rung chuyển rất nhiều; Tôi đã nghĩ rằng sẽ không còn bức tường nào nữa.

“Khi tôi nghe thấy tiếng xôn xao, tôi đã gọi bà tôi vào hành lang với tôi. Chúng tôi nằm trên mặt đất và đó có thể là điều đã cứu chúng tôi. “

Cô cho biết cha mẹ cô, những người cũng sống sót, đã xếp hàng mua bánh mì nhưng quyết định rời đi vì xếp hàng quá dài. “Những người trong dòng đó không còn nữa.”

Oksana Pokalchuk, giám đốc Tổ chức Ân xá Ukraine, cho biết: “Vụ tấn công nên được điều tra như một tội ác chiến tranh”.

12. Vương quốc Anh cho biết lực lượng phòng không của Ukraine đã thành công đáng kể trước máy bay phản lực của Nga

Hôm thứ Tư Anh cho biết lực lượng phòng không của Ukraine đã thành công trước các máy bay phản lực của Nga, và đã có khả năng ngăn cản Nga kiểm soát không phận Ukraine.

“Các lực lượng phòng không của Ukraine dường như đã đạt được thành công đáng kể trước các máy bay chiến đấu hiện đại của Nga, có thể ngăn chúng đạt được bất kỳ mức độ kiểm soát nào trên không”, thông tin tình báo của Bộ Quốc phòng đăng trên Twitter cho biết.

Đánh giá của Anh cũng cho biết các lực lượng Nga đã không đạt được bất kỳ đột phá đáng kể nào trong cuộc chiến ở phía tây bắc Kiev.

Đoàn xe dài đến 64km của Nga vẫn dậm chân tại chỗ và làm mồi cho các trận phục kích của quân đội Ukraine. 

13. Ba kẻ phá hoại đã vẽ những dấu hiệu thô tục, xấu xa lên tượng Thánh Gia Thất

Một nhóm ba bức tượng tôn vinh Thánh Gia đã bị phá hoại vào ngày 23 tháng 2 tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Gia ở Jacksonville, Florida, đây là sự kiện mới nhất trong một đợt tấn công đáng lo ngại nhằm vào các nhà thờ Công Giáo trên khắp đất nước.

Quản trị viên Nhà thờ Công Giáo Thánh Gia, Patti Lombardo nói với CNA hôm thứ Năm: “Thật là thất vọng và rất khó chịu”.

Những dấu hiệu thô bỉ và thô tục đã làm ô uế các bức tượng đại diện cho Thánh Gia trong một hành động phá hoại vào ngày 22 tháng 2 năm 2022 tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Gia ở Jacksonville, Florida. Hình ảnh này cho thấy một biểu tượng satan trên trán của Thánh Giuse.

Báo cáo về vụ việc cho thấy các bức tượng bằng đá cẩm thạch của Đức Trinh Nữ Maria, Chúa Hài Đồng và Thánh Giuse đều có hình ảnh thô tục hoặc các biểu tượng satan được viết trên đó bằng bút đen. “Chào satan” đã được viết trên trán Hài nhi Giêsu. Camera giám sát cho thấy ba người có mặt tại hiện trường, một trong số họ được nhìn thấy đang ngồi trước các bức tượng.

Lombardo nói với CNA: “Chúng tôi tốn rất nhiều tiền để sửa chữa nó. “Tôi ước họ sẽ tiến tới và thực hiện sự đền bù. Và tôi hy vọng họ không bao giờ tái phạm điều này”.

Vụ phá hoại tại nhà thờ Thánh Gia chỉ là một trong số nhiều vụ đã xảy ra trong những tuần gần đây, hiện là một phần của hàng loạt vụ tấn công đã được báo cáo trên khắp đất nước trong hai năm qua.

Đáp lại, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John Kennedy của Đảng Cộng Hòa đơn vị Louisiana đã viết một lá thư cho Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Merrick Garland yêu cầu ông “tăng cường nỗ lực xác định và truy tố tội phạm nhắm vào người Công Giáo và tài sản để hàng chục triệu người Công Giáo ở nước ta có thể tiếp tục thực hành đức tin của họ một cách an toàn. “

Kennedy đã viết một lá thư tương tự cho Bộ Tư pháp vào tháng 8 năm 2020, trong đó ông yêu cầu Bộ Tư pháp “hành động nhanh chóng và cẩn thận để chấm dứt những tội ác kinh tởm này”. Trong bức thư mới của mình, Thượng nghị sĩ Kennedy nói rằng ông ấy chưa bao giờ nhận được phản hồi và hiện đang yêu cầu một phản hồi.

Kennedy đã yêu cầu Bộ Tư Pháp trả lời bằng văn bản trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thư, “liên quan đến các bước cụ thể đang được thực hiện để chấm dứt những bất công này.”

Ngay cạnh nhà thờ Thánh Gia, Nhà thờ Deermeadows của Tin lành Baptist cũng bị phá hoại vào đêm cùng ngày.


Source:Catholic News Agency

14. Thượng Phụ Kirill phê bình những Giám Mục Ukraine ngưng cầu cho ngài là ly giáo

Một cuộc ly giáo mới đã xuất hiện giữa các nhà lãnh đạo Chính thống giáo ở Ukraine, sau khi ít nhất hai giám mục hướng dẫn các linh mục ngừng cầu nguyện cho Thượng phụ Mạc Tư Khoa trong các lời cầu nguyện của Phụng vụ Thánh Thể.

Trong một tuyên bố trên trang web của Thánh Công Đồng Mạc Tư Khoa, Thượng Phụ Kirill cho biết quyết định của các giám mục này dẫn đến tội ly giáo, mở ra một rạn nứt mới giữa các tín hữu Chính thống giáo Ukraine, những người vốn đã chia rẽ về mối quan hệ của họ với Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa.

Trong chiến tranh hỗn loạn, lòng trung thành và liên minh của các giám mục Chính thống Ukraine cũng rơi vào hỗn loạn, vì bản đồ Chính thống giáo ở Ukraine đang được sửa đổi theo thời gian thực và thường không rõ ràng. Bối cảnh có thể sẽ tiếp tục thay đổi khi các hành động thù địch của Nga ở nước này tiếp tục tăng lên.

Trong tuyên bố, Thượng Phụ Kirill nói “Việc chấm dứt cầu nguyện cho Giáo chủ của Giáo Hội, không phải vì những sai sót về giáo lý hay giáo luật của ngài, hay do ảo tưởng của ngài, mà chỉ vì sự bất hòa với những quan điểm và sở thích chính trị nhất định, là một sự ly giáo, mà bất cứ ai vi phạm sẽ phải trả lời trước mặt Chúa, không chỉ trong tương lai mà còn cả trong hiện tại”

Tuyên bố được đưa ra sau khi Đức Tổng Giám Mục Evlogy của tổng giáo phận Sumy, một thành phố ở miền đông Ukraine, đã chỉ thị cho các linh mục của mình từ hôm thứ Hai phải ngừng các lời cầu nguyện hiệp thông với Thượng Phụ Kirill trong Phụng vụ Thánh.

Ly giáo là sự từ chối phục tùng thẩm quyền của một quyền bính tôn giáo hợp pháp, hoặc từ chối sự hiệp thông, hoặc hiệp nhất, trong một Giáo Hội.

Quyết định của Đức Tổng Giám Mục Evlogy được hiểu là sự phủ nhận quyền lãnh đạo của Thượng Phụ Kirill. Nó xảy ra sau khi giáo chủ Chính thống giáo Nga đưa ra những lời cầu nguyện vào Chúa Nhật nhằm biện minh về mặt thần học cho cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nhưng tổng giám mục Chính thống giáo Sumy cho biết trong một tuyên bố ngày 2 tháng 3 rằng việc chỉ đạo các linh mục ngừng cầu nguyện cho Kirill không phải là một hành động ly giáo. Đức Tổng Giám Mục Evlogy đã viết rằng ngài vẫn hiệp thông với Đức Tổng Giám Mục Onufriy, lãnh đạo của Giáo Hội Chính Thống Ukraine dưới quyền của Thượng Phụ Kirill.

Tuyên bố của Evlogy không đề cập đến Kirill, tổng giám mục chỉ nhấn mạnh rằng ngài và giáo phận của mình “lên án bất kỳ sự ly giáo và dị giáo nào.”

Đức Tổng Giám Mục không giải thích làm thế nào ngài có thể quyết định loại bỏ các lời cầu nguyện cho Giáo chủ Mạc Tư Khoa khỏi phụng vụ mà không cấu thành tội ly giáo.

Đức Cha Evlogy không phải là giám mục Chính thống Ukraine duy nhất hướng dẫn các linh mục của mình ngừng cầu nguyện cho Kirill trong Phụng Vụ thánh.

Tổng Giám Mục Halych Filaret Kucherov của Lviv, miền tây Ukraine, đã chỉ đạo các linh mục của mình vào ngày 25 tháng 2, một ngày sau khi cuộc xâm lược bắt đầu, ngừng công nhận giáo chủ Mạc Tư Khoa trong phụng vụ. Sắc lệnh của Đức Tổng Giám Mục được công khai ở Ukraine vào ngày 2 tháng 3, một tuần sau khi được ban hành.

Kurcherov nói với các linh mục của mình hãy cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine trong Phụng Vụ thánh, thay vì cầu nguyện cho Kirill.


Source:Pillar Catholic

15. Đức Tổng Giám Mục của Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông Phương: Chiến tranh có nguy cơ tạo ra thảm họa sinh thái cũng như thảm họa nhân đạo

Lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương hôm thứ Sáu cho biết cuộc chiến có nguy cơ tạo ra một thảm họa sinh thái cũng như một thảm họa nhân đạo.

Phát biểu khi các lực lượng Nga chiếm giữ nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã kêu gọi các nỗ lực mới để chấm dứt xung đột.

“Tôi muốn nói đến tất cả những ai quan tâm đến môi trường, những người quan tâm đến ý thức sinh thái của nhân loại. Cần phải làm mọi cách để ngăn chặn cuộc chiến này ngay lập tức”, Đức Tổng Giám Mục đưa ra lập trường trên trong một thông điệp video ngày 4 tháng 3.

“Đây không chỉ trở thành một thảm họa nhân đạo trước mắt chúng ta. Đó là một cuộc tấn công không thể đảo ngược đối với sự sáng tạo của Thiên Chúa mà trong nhiều thập kỷ, trong nhiều thế kỷ, sẽ không thể sửa chữa được. Ukraine đã có kinh nghiệm Chernobyl. Giờ đây, quốc gia chúng tôi đứng trước ngưỡng cửa của một mối đe dọa nguyên tử mới có thể tồi tệ hơn gấp 10 lần”.

Một đám cháy đã bùng phát trong đêm tại cơ sở hạt nhân Zaporizhzhia, cơ sở lớn nhất thuộc loại này ở Âu Châu, trong bối cảnh bị Nga pháo kích.

Trong cuộc tấn công, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng nếu nhà máy bị nổ, thảm họa sẽ “lớn gấp 10 lần” so với Chernobyl. Vụ tai nạn hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở miền bắc Ukraine ngày 26/4/1986 được coi là vụ tai nạn tồi tệ nhất trong lịch sử.

Vụ cháy đã được dập tắt và nhà máy ở đông nam Ukraine đã hoạt động bình thường vào thứ Sáu, Reuters đưa tin.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã ghi lại thông điệp video mới nhất của mình khi các lực lượng Nga tiếp tục tiến vào thủ đô Kiev, nơi Đức Tổng Giám Mục đang trú ẩn cùng những người khác dưới Nhà thờ Phục sinh của Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương.

Ngài bày tỏ lòng biết ơn đối với những người lính Ukraine, nói rằng chính nhờ họ mà “vào ngày thứ chín của cuộc chiến, chúng tôi vẫn còn sống.”

Hôm 3 tháng Ba, Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc đưa tin hơn 1.2 triệu người đã rời khỏi Ukraine, quốc gia có 44 triệu dân, kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tấn công toàn diện vào ngày 24 tháng 2.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói: “Sáng nay, tôi nhận được tin rằng hơn một triệu người đã rời Ukraine”.

“Gửi đến các bạn, những người con yêu quý, những đứa trẻ, những người con của dân tộc chúng ta, tôi nói với các bạn: chúng tôi đang đợi các bạn ở quê nhà. Chúng tôi đang chờ bạn trở về nhà khi Ukraine sẽ có bầu trời yên bình. Và Giáo Hội Mẹ của các bạn sẽ đồng hành với các bạn, giúp các bạn đến bất cứ nơi nào mà sự khủng khiếp của cuộc chiến này có thể đưa bạn đến.”

Trang web của Giáo Hội Chính thống Nga ngày 3 tháng 3 đưa tin, Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa đã thảo luận về cuộc xung đột với Đức Tổng Giám Mục Giovanni d’Aniello, Sứ thần Tòa Thánh tại Liên bang Nga.

Theo trang web Pravmir.com, Kirill, người được coi là thân cận với Putin, nói rằng Giáo hội của ông đã tìm cách “có quan điểm xây dựng hòa bình” trong bối cảnh xung đột.

“Bởi vì Giáo hội không thể là một bên tham gia vào một cuộc xung đột – nó chỉ có thể là một lực lượng xây dựng hòa bình,” nhà lãnh đạo Chính thống giáo Nga giải thích.

Ông cũng nói rằng “lập trường ôn hòa và khôn ngoan” của Vatican trong các vấn đề quốc tế là phù hợp với lập trường của Giáo hội Chính thống Nga.

Ông nhận xét: “Điều rất quan trọng là các Giáo hội Kitô giáo, bao gồm cả các Giáo hội của chúng ta, một cách tự nguyện hoặc không tự nguyện, đôi khi không có bất kỳ ý chí nào, sẽ không trở thành người tham gia vào những khuynh hướng phức tạp, mâu thuẫn đang hiện diện trong chương trình nghị sự thế giới ngày nay.

Kết thúc thông điệp video của mình, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk lưu ý rằng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae là vị thánh bảo trợ của Kiev.

Ngài nói: “Ngày nay, chúng ta nhận thấy rằng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae cùng với Toàn thể Thần Thánh trên trời đang chiến đấu vì Ukraine”.

“Rất nhiều người từ khắp Ukraine đang quay sang tôi nói rằng họ đã nhìn thấy những thiên thần rực sáng trên đất Ukraine.”

“Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và tất cả các Quyền thần trên Thiên đàng, xin hãy chiến đấu vì Ukraine! Hãy hạ gục tên ác quỷ đang tấn công chúng con và giết chết chúng con, đang mang đến sự tàn phá và chết chóc!”


Source:Catholic News Agency

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *