– Anh!
– Gì vậy em?
– Sao anh im lặng mãi vậy?
Tuấn vẫn chầm chậm đạp xe, lát sau mới trải lòng như kìm nén nãy giờ:
“Cảm ơn em đã ngồi xe đạp
Để cho anh cảm thấy bớt nghèo”
Thu nghe lòng đau thắt, nhẹ nhàng ngả đầu dựa vào vai Tuấn, hai tay vòng ra phía trước ôm chặt lấy Tuấn, như thầm bảo: “Vì em yêu anh!”. Tuấn dừng xe nơi cuối con đê, bên dưới là con mương nước chảy lững lờ vào cánh đồng lúa đang thì con gái. Bẻ nắm lá dại ven đê trải xuống, Tuấn bảo Thu: “Mình ngồi đây cùng ngắm hoàng hôn, em ở phố thị ồn ào náo nhiệt, chắc chưa bao giờ có được không gian thơ mộng nơi đồng quê, để ngắm cảnh hoàng hôn đẹp vô cùng trên thảm lúa bát ngát như thế này, phải không em?”.
… Kể từ ngày núi đá Đức Mẹ trong khuân viên được xây dựng xong, ngôi nhà thờ xứ cổ kính, uy nghi của quê Tuấn trông càng bề thế hơn, bên cạnh dãy núi đá trập trùng nhấp nhô, với đỉnh cao nhất Mẹ Maria đang đứng ban ơn cho đoàn con. Cũng từ đó, nhà thờ là điểm đến của nhiều đôi tân hôn khi chụp ảnh cưới, trong đó có rất nhiều bạn khác tôn giáo. “Tiếng lành đồn xa”, thi thoảng lại một chiếc Taxi từ phố thị chạy đến, dừng lại trước cổng nhà thờ, rồi cô dâu chú rể dìu nhau, khi thì ngồi bên núi đá, lúc lại đứng dưới tháp chuông cao vút, in bóng trên nền trời xanh thăm thẳm. Có đôi lại quỳ bên nhau dưới chân Tòa giảng bằng gỗ lim đã lên nước nâu bóng, cầu thang xoắn trôn ốc dẫn lên đỉnh Tòa hình triều thiên, được chạm trổ tinh xảo theo các tích trong Kinh Thánh. Đây là một công trình cổ rất quý, có từ thời các Cố người Pháp đứng giảng trong thánh lễ, vì thời ấy chưa có điện và micrô như bây giờ. Vì vậy, giáo xứ đã gìn giữ, bảo tồn cho đến ngày nay, được rất nhiều khách đến viếng thăm trầm trồ, thích thú.
Tuấn và Thu tình cờ quen nhau trong một sớm mùa xuân, hôm ấy Tuấn đạp xe đi làm thợ xây cách nhà năm cây số, khi ngang qua cổng nhà thờ, thấy một tốp bạn trẻ đang đứng chỉ trỏ. Thấy Tuấn, một cô bé đưa tay vẫy dừng lại, rồi nhanh nhảu hỏi thăm: “Anh ơi! Muốn chụp ảnh cưới ở đây thì phải gặp ai để xin phép ạ!”. Tuấn trêu cô bé: “Ảnh cưới của em hả? Vậy thì xin phép anh đây nè!” Cô bé nở nụ cười tươi như hoa:“Không phải em, mà là bạn của em, may quá, xin phép anh cho chúng em được vào chụp ảnh ạ!” Thấy vẻ nhí nhảnh hồn nhiên của cô bé, Tuấn không nỡ làm tắt nụ cười trong buổi sáng thanh bình: “Anh đùa chút vậy thôi, xin lỗi nhé! các em cứ vào tự nhiên, nhưng nhớ đừng đùa nghịch ồn ào hay làm điều gì không phải nơi tôn nghiêm”. Rồi Tuấn hướng dẫn mọi người đến chụp ở những cảnh đep nhất, mải mê làm… “hướng dẫn viên”, xong việc, Tuấn đưa tay xem đồng hồ thì thấy đã muộn giờ làm. Cô bé có nụ cười tỏa nắng, như đọc được trong mắt Tuấn một thoáng tiếc nuối buổi làm, liền nhỏ nhẹ: “Vì bọn em mà anh muộn mất buổi đi làm, ngại quá!”
Tuấn cười xòa: “ Không sao đâu cô bé, anh ở quê, không kịp làm với anh em thợ xây, thì anh ra đồng làm cỏ lúa, nhiều việc lắm”, rồi Tuấn nháy mắt: “Không có buổi lỡ việc hôm nay, thì làm sao anh có cơ hội quen em, cô bé có nụ cười ấm áp như tia nắng xuân”, cô bé ửng hồng đôi má, cúi đầu e ấp, cùng cô dâu chú rể và anh phó nháy chào tạm biệt Tuấn. Từ buổi duyên kỳ ngộ đó, Tuấn và Thu (tên cô bé) cho nhau số điện thoại, qua thời gian chuyện trò qua lại, tình yêu đã đến tự khi nào, như một ai đó đã viết: “Tình yêu đến ta không hề hay biết, nhưng khi biết, thì đời đã bị cột chặt với tình yêu”.
Tình yêu của Tuấn và Thu khởi đầu thơ mộng là vậy, nhưng cả hai bên gia đình đều cấm cản rất gắt gao. Bên nhà Thu phản đối một phần vì khác tôn giáo, một phần vì Thu sinh ra và lớn lên trong một gia đình danh giá, có… ghế trong xã hội, nên thông gia phải là nơi môn đăng hộ đối. Còn Tuấn chỉ là một anh chàng nhà quê chính hiệu, gia cảnh thiếu trước hụt sau, phương tiện đi làm là chiếc xe đạp đã cũ và một đàn em trứng gà trứng vịt theo sau, đúng là: “Đũa mốc mà đòi chọc mâm son”. Còn bố mẹ Tuấn thì cho rằng Thu từ nhỏ tới giờ sống trong nhung lụa, về quê thì biết làm gì, chẳng lẽ cả một đời, con trai mình phải lăn lưng ra làm để nuôi vợ ở nhà ăn trắng mặc trơn, rồi sau này còn sinh con cái nữa chứ, làm sao mà kham nổi. Nỗi lòng của bố mẹ thì Tuấn không lo, mình là đàn ông, phải làm lụng nuôi vợ con cũng là lẽ thường tình. Nhưng còn suy nghĩ bên nhà Thu thì thật oan cho Tuấn, Tuấn yêu Thu đâu có vì vụ lợi, nhưng tình yêu có những lý lẽ riêng của nó, không thể thanh minh, càng không thể vì ngăn cấm mà dễ dàng nói lời chia tay, hay quên đi những yêu thương đã dành cho nhau…
Rồi ngày tháng dần trôi, tình yêu chân thành và kiên trì của Tuấn và Thu đã phá đổ bức tường ngăn cản của hai gia đình. Tối nay là buổi đầu tiên Thu đến nhà thờ để bắt đầu chương trình học giáo lý, ngay từ chiều, Tuấn đã xin nghỉ làm sớm hơn thường lệ, xin phép bố mẹ Thu, đưa cô về quê hóng gió và ngắm cảnh hoàng hôn để thư giãn trước khi vào học. Phố thị chỉ cách thôn của Tuấn có hai cây số, nên Tuấn thường gọi quê mình bằng cái tên trìu mến: “Vùng ngoại ô”. Cả hai im lặng bên nhau, cho đến khi mặt trời đã trốn sau ngọn đồi xa xa, chỉ còn lại vài tia nắng hắt lên như những dẻ quạt khổng lồ màu cam trên nền trời lam tím. Tiếng Thu thì thầm: “Anh! Anh đang nghĩ gì vậy?” Tuấn nhìn Thu đắm đuối, khe khẽ cất lên bản tình ca lãng mạn: “Một chiều bên em anh đắm say nghe câu tình ca, tình em thiết tha như gió chiều cuốn trong làn sóng, một chiều bên em anh ngắm em như bông hồng trắng, tình em thiết tha như khúc ca lên yêu đời. Nhớ mãi hôm này nhớ mãi hôm này, ánh nắng ban chiều ánh nắng ban chiều, lấp ló sau đồi lấp ló sau đồi, một chiều bên em, la lá la lá la la lá la là, khúc ca mơ màng.
Mờ – inh