Lãnh đạo Công Giáo ở Mạc Tư Khoa hoan nghênh sự thánh hiến của Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria

1. Tượng Đức Mẹ Fatima viếng thăm Lviv

Sau một cuộc rước long trọng quanh nhà thờ, một buổi lễ cầu nguyện Moleben dành cho Mẹ Thiên Chúa được tổ chức, trong đó Đức Tổng Giám Mục nói với các tín hữu: “Hôm nay chúng ta là những nhân chứng về cách Chúa phục hồi Thần Khí Hằng Sống trong lòng mọi người, Thần Hằng Sống mà không ai có thể vượt qua được. Bằng sự quan phòng của Chúa, Ukraine bé nhỏ sẽ đánh bại kẻ thù được cả thế giới khiếp sợ”.

Đức Tổng Giám Mục nhắc nhở những người có mặt về câu chuyện trong Cựu Ước liên quan đến David và Goliath, trong đó dạy rằng sự quan phòng của Thiên Chúa mạnh hơn sức mạnh và quyền hành của con người, và cuối cùng ai ở cùng với Thiên Chúa và Chân lý sẽ là người chiến thắng.

Đức Tổng Giám Mục bày tỏ lòng biết ơn đến những người đã sắp xếp để bức tượng đến với Lviv, nói rằng đây là một sự kiện và cơ hội tuyệt vời để chúng ta dâng lên Mẹ Thiên Chúa những lời cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine. Ngài nhắc nhớ câu chuyện Đức Mẹ hiện ra: “Khi Đức Trinh Nữ hiện ra vào ngày 13 tháng 6 năm 1929, Mẹ nói: ‘Thời điểm đã đến khi Thiên Chúa kêu gọi Đức Thánh Cha và các giám mục trên thế giới hiến dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ.’“

Ngài tuyên bố: “Mẹ Thiên Chúa đã đến Lviv để cầu nguyện cho chúng ta, cầu nguyện chấm dứt chiến tranh, chấm dứt những vụ giết người do quân đội Nga gây ra. chúng ta cầu nguyện cho sự hoán cải của người Nga, những người đang bị bao phủ bởi bóng tối tâm linh. Chúng ta cầu nguyện xin Chúa thương xót họ và chúng ta. Vào ngày 25 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cung hiến Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Xin Chúa ban phước cho chúng ta chấm dứt chiến tranh ngay lập tức. Trái tim vô nhiễm của Mẹ Maria, xin cứu chúng con!”

Điều đáng chú ý là bản sao thứ 13 của bức tượng Đức Mẹ Fatima, được tôn vinh trong nhà nguyện được xây dựng trên địa điểm Đức Mẹ hiện ra, được tạc vào năm 1920 bởi nhà điêu khắc Jose Ferreira Tedin theo chỉ dẫn của Lucia, một trong ba người. những đứa trẻ mà Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra. Trong các lễ kỷ niệm trọng thể, bức tượng này được đội một chiếc vương miện bằng vàng quý giá, ở giữa là viên đạn đã xuyên qua Thánh Giáo hoàng Đức Gioan Phaolô II trong vụ ám sát vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, tại quảng trường Thánh Phêrô của Vatican. Thánh Gioan Phaolô II đã tặng viên đạn này như một dấu hiệu của lòng biết ơn đối với Đức Trinh Nữ Maria đã cứu mạng ngài.


Source:UGCC

2. Tuyên bố của Ủy ban thường vụ của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ về Ukraine

Ủy ban thường vụ của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã đưa ra tuyên bố sau đây về Ukraine. Ủy ban thường vụ do chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục lãnh đạo và bao gồm các viên chức của USCCB, chủ tịch các ủy ban của Hội Đồng Giám Mục, cũng như đại diện từ các giáo tỉnh của Hoa Kỳ.

Toàn văn tuyên bố của ủy ban như sau:

Hiệp cùng Tòa thánh, chúng tôi kêu gọi chấm dứt ngay lập tức hành động xâm lược vũ trang của Nga và cuộc chiến vô cớ đối với Ukraine vốn đã gây ra một con số đáng kinh ngạc – hàng nghìn người chết và ba triệu người tị nạn – đến nay chưa thấy hồi kết. Chúng ta cùng cầu xin với Đức Thánh Cha vào ngày 13 tháng 3 khi ngài nói: “Nhân danh Chúa, hãy lắng nghe tiếng kêu của những người đau khổ, và chấm dứt các vụ đánh bom và các cuộc tấn công!” Những lời kêu gọi tương tự đã được đưa ra trên khắp thế giới Chính thống giáo và thực sự cả chính nhiều người Nga cũng kêu gọi như thế.

Chúng ta đang chứng kiến một mối đe dọa chưa từng có đối với hòa bình thế giới. Khả năng xảy ra chiến tranh toàn cầu này được cộng thêm bởi những hậu quả không thể tưởng tượng được có thể xảy ra từ việc sử dụng hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.

Chúng tôi kêu gọi những người Công Giáo Hoa Kỳ và tất cả những người có thiện chí cầu nguyện cho cuộc chiến này ở Ukraine chấm dứt và cho hòa bình được lập lại dựa trên công lý và tôn trọng luật pháp quốc tế. Chúng ta luôn nhớ rằng cầu nguyện không bao giờ là một cử chỉ yếu ớt cuối cùng! Nó là một vũ khí của hy vọng.

Chúng tôi tiếp tục kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ nhân đạo cho những người ở lại Ukraine và những người đang chạy trốn khỏi đất nước. Chúng tôi kêu gọi tất cả người Mỹ đóng góp một cách hào phóng và hy sinh cho các cơ quan Công Giáo và nhân đạo khác hỗ trợ những nỗ lực này.

Vào thời điểm đen tối này, chúng tôi đoàn kết với những người dân Ukraine đang đau khổ. Cầu xin Đức Mẹ Fatima và vị thánh bảo trợ của Kiev, Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, hướng dẫn tất cả các dân tộc trong việc theo đuổi hòa bình và đoái nhìn tất cả những người đang đi trên con đường chiến tranh.


Source:USCCB

3. Lãnh đạo Công Giáo ở Mạc Tư Khoa hoan nghênh sự thánh hiến của Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria

Một Tổng Giám Mục Công Giáo ở Mạc Tư Khoa đã hoan nghênh một cách “vô cùng vui mừng và biết ơn” trước quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô thánh hiến Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria.

Phát biểu qua điện thoại từ cuộc họp tại Siberia của Hội đồng Giám mục Công Giáo Nga, Đức Tổng Giám Mục Paolo Pezzi bày tỏ hy vọng vào sức mạnh của lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria để “ngăn chặn đổ máu”.

Theo hãng tin SIR của các giám mục Ý, Đức Tổng Giám Mục Pezzi cho biết: “Fatima có một mối quan hệ đặc biệt, ít nhất là về mặt Giáo Hội Công Giáo, với Nga và với mọi xung đột diễn ra trên thế giới,”.

Đức Tổng Giám Mục nói thêm: “Chắc chắn ý nghĩa biểu tượng của sự hiến dâng này xuất phát từ thực tế là tại thời điểm này, thật không may, một cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và điều được yêu cầu trước hết là chúng ta có thể ngăn chặn đổ máu”.

Đức Cha Pezzi từng là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Nga từ năm 2011 đến năm 2017.

Đức Tổng Giám Mục sinh năm 1960 tại Russi, Ý và đã phục vụ Giáo Hội Công Giáo ở Nga từ năm 1993. Ngài đã lãnh đạo Tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa tại Mạc Tư Khoa trong 14 năm qua và được nhập quốc tịch Nga vào năm 2011.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thánh hiến Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria vào ngày 25 tháng Ba tại Đền Thờ Thánh Phêrô ở Vatican.

Cùng ngày, Đức Hồng Y Konrad Krajewski cũng sẽ chủ tọa nghi thức thánh hiến tại Fatima, Bồ Đào Nha. Đức Hồng Y Krajewski, quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng, là một trong hai đặc sứ của Đức Phanxicô được cử đến Ukraine vào tuần trước.

Đức Cha Pezzi nói: “Cử hành một hành động tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria có nghĩa là bày tỏ rằng đức tin, hy vọng và lòng bác ái là những điều kiện bình thường, thực tế cho sự chung sống thực sự giữa các dân tộc.”

“Điều đó có nghĩa là bày tỏ lòng thương xót và sự tha thứ là một món quà mà Thiên Chúa ban cho những ai lần đầu tiên dâng mình cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria.”

Đức Cha Pezzi đã viết luận án tiến sĩ về cuộc đàn áp người Công Giáo ở Siberia khi đang theo học tại Đại học Giáo hoàng Lateranô ở Rome. Nghiên cứu của ngài sau đó được chuyển thành sách, xuất bản bằng tiếng Ý.

Thánh Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm các Giám Quản Tông Tòa để chăm sóc mục vụ cho những người Công Giáo theo nghi lễ Latinh ở Mạc Tư Khoa và Siberia vào năm 1991.

Đức Cha Pezzi từng là linh mục truyền giáo ở Siberia để chăm sóc mục vụ cho những người Công Giáo theo nghi lễ Latinh từ năm 1993 đến 1998. Ngài tiếp tục làm Giám đốc đại chủng viện St. Petersburg cho đến khi được tấn phong giám mục tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm ở Mạc Tư Khoa vào năm 2007.

Ba thập kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ, người Công Giáo Nga chiếm một thiểu số rất nhỏ. Phần lớn dân số Nga liên kết với Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga.

Đức Tổng Giám Mục Mieczysław Mokrzycki của Lviv, Ukraine, đã yêu cầu người Công Giáo tham gia vào tuần cửu nhật 9 ngày trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô thánh hiến Nga và Ukraine.


Source:National Catholic Register

4. Đức Thánh Cha công bố Tông Hiến “Praedicate Evangelium” về Giáo triều Roma

Hôm thứ Bẩy 19/3, lễ thánh Giuse, Đức Thánh Cha đã công bố văn bản của Tông Hiến “Praedicate Evangelium” – Anh em hãy rao giảng Tin Mừng. Tông Hiến mới mang đến cho Giáo triều Roma một cơ cấu có tính truyền giáo hơn để có thể phục vụ các Giáo hội địa phương và việc loan báo Tin Mừng tốt hơn.

Dưới đây là tóm tắt các ý chính

Thay thế Tông Hiến “Pastor Bonus” – Mục tử Nhân lành

Phòng Báo chí Toà Thánh thông báo rằng Tông hiến mới sẽ có hiệu lực từ ngày 5/6 năm nay, lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Thông cáo nói rằng “Với việc Tông Hiến này có hiệu lực, Tông Hiến ‘Pastor Bonus’ – Mục tử Nhân lành – hoàn toàn bị bãi bỏ và được thay thế, và việc cải tổ Giáo triều Roma đã hoàn tất.”

Tông Hiến Mục tử Nhân lành do Thánh Gioan Phaolô II ký và có hiệu lực từ ngày 28/6/1988. Tông Hiến gồm 193 điều khoản và 2 phụ lục, đã được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI sửa đổi 3 lần và Đức Thánh Cha Phanxicô sửa đổi một lần vào năm 2014.

Tông Hiến “Praedicate Evangelium” gồm 54 trang, mô tả các năng quyền của 16 Bộ, vai trò của các cơ quan khác của Vatican, bao gồm các cơ quan tư pháp như Tòa Ân giải Tối cao, các tổ chức kinh tế như Bộ Kinh tế và các văn phòng khác như Phủ Giáo hoàng.

Theo Tông Hiến mới, tất cả các cơ quan chính của Vatican từ nay sẽ được gọi là “dicasterium” thay vì “congregatio”. Các Hội đồng Toà Thánh cũng được gọi là “dicasterium”.

16 Bộ của Giáo triều Roma

Giáo triều Roma sẽ có 16 Bộ: Bộ Loan báo Tin Mừng, Bộ Giáo lý Đức tin, Bộ Phục vụ Bác ái, Bộ các Giáo hội Đông phương, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Bộ Phong thánh, Bộ Giám mục, Bộ Giáo sĩ, Bộ các Tu hội Đời sống Thánh hiến và các Hội đoàn Tông đồ, Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, Bộ Thăng tiến sự Hiệp nhất các Kitô hữu, Bộ Đối thoại Liên tôn, Bộ Văn hoá và Giáo dục, Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, Bộ các Văn bản Luật và Bộ Truyền thông.

Tài liệu giải thích rằng “cần phải giảm số lượng các phòng ban, bằng cách kết hợp các phòng ban có mục đích rất giống nhau hoặc bổ sung cho nhau và hợp lý hóa chức năng của họ nhằm tránh sự chồng chéo về năng quyền và giúp cho công việc của họ hiệu quả hơn.”

Loan báo Tin Mừng nằm ở trung tâm sứ vụ của Giáo triều Roma

Một thay đổi quan trọng là Hội đồng Toà Thánh cổ võ Tái Truyền giảng Tin Mừng và Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc được hợp nhất thành Bộ Loan báo Tin Mừng, do Đức Thánh Cha trực tiếp điều hành. Bộ này được liệt kê đầu tiên, điều này cho thấy vai trò trung tâm của nó trong cấu trúc mới của Giáo triều Rôma.

Bộ sẽ có hai phân bộ, một lo về “những vấn đề nền tảng của việc loan báo Tin Mừng trên thế giới” và một lo về “việc loan báo Tin Mừng lần đầu và các Giáo hội mới đặc thù trong các lãnh thổ thuộc thẩm quyền của Bộ”. Mỗi phân bộ sẽ được điều hành bởi một “Quyền Bộ trưởng” nhân danh Đức Thánh Cha.

Nhấn mạnh đến việc bác ái

Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha trở thành một Bộ mới với tên Bộ Phục vụ Bác ái. Việc đổi tên này mang lại cho cơ quan này “một vai trò quan trọng hơn trong Giáo triều.”

Hội đồng Toà Thánh về Văn hóa và Bộ Giáo dục Công Giáo được hợp nhất thành “Bộ Văn hóa và Giáo dục”; Bộ này được chia thành hai phân bộ.

Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh

Tông Hiến mới nói rằng Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh, do Đức Hồng Y Pietro Parolin đứng đầu, “hỗ trợ chặt chẽ cho Đức Giáo Hoàng trong việc thực hiện sứ mạng tối cao của ngài.” Tông Hiến mô tả công việc của ba phân bộ của Phủ Quốc vụ khanh.

Văn phòng Nhân sự của Giáo triều được chuyển giao cho Bộ Kinh tế, và “Cơ quan Quản lý Tài sản của Tòa Thánh (APSA ) phải thực hiện công việc của mình thông qua hoạt động cụ thể của Viện Giáo vụ,” còn được gọi là “ngân hàng Vatican.”

Các mục tiêu của việc cải cách

Các mục tiêu của việc cải cách được nêu ra trong một phần gọi là “Các nguyên tắc và tiêu chí phục vụ của Giáo triều Rôma.” Có 11 nguyên tắc: “Phục vụ sứ mạng của Đức Giáo Hoàng”, “Đồng trách nhiệm trong hiệp thông”, “Phục vụ sứ mạng của các Giám mục”, “Hỗ trợ các Giáo hội địa phương và các Hội đồng Giám mục của họ và các cơ cấu phẩm trật của Giáo hội Đông Phương”, “Đặc tính đại diện của Giáo triều Rôma”, “Linh đạo”, “Tính chính trực cá nhân và tính chuyên nghiệp”, “Sự hợp tác giữa các Bộ”, “Các cuộc gặp gỡ liên Bộ và nội Bộ”,”Biểu hiện của tính Công Giáo” và “việc Giảm bớt các Bộ”.

Vai trò của các cơ quan khác của Vatican

Tông Hiến cũng nêu rõ vai trò của các cơ quan khác của Vatican, bao gồm các cơ quan tư pháp như Tòa Ân giải Tối cao, các tổ chức kinh tế như Văn phòng Tổng Kiểm toán, và các văn phòng khác như Phủ Giáo hoàng.

Hồng Y nhiếp chính

Tông Hiến còn liệt kê các nhiệm vụ của vị Hồng Y nhiếp chính, người giám sát hoạt động của Vatican trong thời gian trống toà. Vị này hiện nay là Đức Hồng Y Kevin Farrell. Tông Hiến cũng xác định những phẩm chất được mong đợi của các luật sư làm việc cho Tòa Thánh, những người được kỳ vọng “có một đời sống Kitô hữu toàn diện và gương mẫu, và thực hiện các nhiệm vụ được giao phó với ý thức cao nhất và vì lợi ích của Giáo hội.”

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *