Lễ mừng thánh Đa Minh ở vùng cao

Đã mấy mươi năm tham dự lễ Đầu Dòng, và tham dự nhiều vùng miền khác nhau: nam có, bắc có, biển có, núi có. Nhưng năm nay được tham dự thánh lễ Đầu Dòng ở Tây nguyên: Giáo xứ Kon-rơ-bang thì thật là lạ và quý.

4g45 sáng, chuông báo hai. Thế mà giáo dân đã hơn nửa nhà thờ. Người viết nhơ ngác “xem” cộng đoàn đọc kinh. Chẳng biết kinh gì vì đọc kinh bằng tiếng Bana, chỉ biết một bên xướng, một bên đáp; bên xướng đọc “inh, drong, păng” gì đấy nhưng nghe được chữ kết dường như là Ki-tô Giê-su, còn bên đáp có chữ “nhôn”, để ý thì thấy sau mười lần xướng đáp thì đọc chung. Lại thấy nhà thờ chỉ có ghế ngồi, không có bàn quỳ, vậy mà tất cả đều quỳ sụp xuống đất một cách thành kính. Người viết hiểu ra (đoán mò) họ đang lần chuỗi “Lòng Chúa thương xót”.

Displaying 01.jpg

Sau chuỗi Lòng Chúa xót thương, cha sở Luca Nguyễn Văn Mạnh giới thiệu “cái gì đó” bằng tiếng Bana. Tám cái ti vi trong nhà thờ đồng loạt chiếu Clip “Chân dung người Cha” khi nhà thờ gần như hết chỗ. Chắc chắn nhiều người đọc đã được xem rồi, nhưng hôm nay người viết được xem ngay chính tại nơi tác giả thực hiện và thuyết minh – cha Anton Phan Tự Cường – đang thi hành sứ vụ.

Chưa hết niềm vui, niềm hoan hỉ thì tiếng cồng chiêng vang từ cuối nhà thờ xen tiếng hát ca nhập lễ, đoàn rước các cha đồng tế (cha xứ Luca Nguyễn Văn Mạnh, cha Giuse Nguyễn Hữu Phú) gồm khoảng 20 “sơn nữ nhí” trong trang phục dân tộc vừa đi vừa múa, các quý chức trong giáo xứ, ba thầy (Thầy Quỳnh, thầy Phú và thầy Lâm).

Dĩ nhiên các cha các Thầy thuộc dòng Đa Minh nên nhà thờ mới cử hành lễ Đầu Dòng. Vì là lễ trọng nên mỗi khi hát thì tiếng cồng chiêng lại vang lên và các bàn tay lại nhịp nhàng, uốn dẻo cùng những ngón chân nhún nhảy đều đặn của các “sơn nữ nhí” làm thánh lễ thêm phần sốt sắng và mang đậm chất dân tộc.

Trước thánh lễ cha xứ nói một hơi nghe toàn là inh, drong, păng nhưng chen lẫn vài lần chữ Dominico santa, à cha đang nói hôm nay lễ thánh Đa Minh. Xong cha vừa cười vừa nói và nhìn thầy Quỳnh cũng có chữ Dominico Quỳnh, thế là đoán cha mừng bổn mạng thầy Quỳnh và xin cộng đoàn cầu nguyện. Toàn bộ thánh lễ bằng tiếng Bana, trừ bài đọc 1, các bài hát nhập lễ, dâng lễ và hiệp lễ. Còn khi giảng chẳng hiểu tại cha không thể diễn đạt hết bằng tiếng Bana hay “thương tình” giáo dân người Kinh nên cha giảng cả hai thứ tiếng xen lẫn. Cũng may người viết “thuộc lòng” thứ tự trong thánh lễ nên cứ thế mà đoán: cha chủ tế kêu gọi sám hối, cha chủ tế dâng lời cầu nguyện…

Điều làm người viết ấn tượng khi tham dự lễ Đầu Dòng ở giáo xứ Kon-rơ-bang (Kontum) không chỉ là lời ca tiếng hát, bài đọc, điệu múa. Mà ấn tượng nhà thờ không chỉ nhiều phụ nữ như đa số các nhà thờ mà các ông cũng như thanh niên nam nữ và các em thiếu nhi cũng rất nhiều; nhất là các mẹ địu em bé đi lễ. Dù tháng này không rét buốt nhưng cũng se lạnh, các mẹ phải quấn con trong các tấm chăn cho khỏi lạnh, tới nơi nhiều em bé còn ngủ vùi. Hỏi thăm có mẹ bảo phải dậy từ 3 giờ sáng. – Sao vất vả thế? Có con nhỏ sao không ở nhà? – Lê trong ma, phai đi chứ. Ngay thương cung đi nưa. – Đi xa lại dậy sớm có mệt không? – Mêt chi! Co Yang bao nhiêu cung không mêt.

Đang nói chuyện, đứa bé thức dậy, mẹ nói con cái gì đấy (người viết chẳng hiểu), thấy đứa bé đưa tay lên trán trong khi mẹ đọc “Inh Krao mat Yang Ba, Yang Kon, Yang Ai, Amen” nghe được chữ “ba”, chữ “con” và chữ “Amen”. À như vậy là làm dấu: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen. Lát sau người viết hỏi thầy xứ thầy khen: đúng rồi, chị học tiếng dân tộc giỏi đấy. Sướng quá phổng cả mũi.

Displaying 02.jpg

Một thánh lễ sốt sắng đầy thú vị và cả sự khâm phục lẫn cả sự chia trí. Chia trí vì chẳng hiểu gì cứ phải suy diễn, lại vô cùng sốt sắng vì biết đó là kinh vinh danh: miệng hát dựa theo cộng đoàn – vì trên màn hình tivi có chữ và giọng hát dân tộc dễ hát – tâm hồn lại được nhún nhảy nhịp nhàng theo điệu múa nên lòng cứ dâng trào cảm xúc như đang được ở bên Chúa mà nhảy nhót, mà nũng nịu như trẻ thơ bên người cha hiền dịu, thân thương gần gũi.

Từ Clip “Chân dung người Cha” với phần chín cách cầu nguyện của Thánh Đa Minh, người viết cảm nhận thêm được cách cầu nguyện thứ mười ở giáo xứ Kon-rơ-bang đó là vừa múa vừa hát khi cầu nguyện. Mời bạn đọc thử một lần: cất cao lời ca trong khi đong đưa người, tay uốn lượn theo ý bài hát, chân nhịp nhàng từng bước nhanh chậm. Ôi! Tuyệt vời làm sao, khi mà tâm hồn như được kề cận bên Chúa, như đứa con bé nhỏ nũng nịu, tựa vào lòng Cha mà xin, mà nài, mà nhõng nhẽo mà nỉ non; để được yêu mến, để được nâng niu, để được chăm sóc. Tuyệt diệu làm sao.

theresa