Linh mục Trung Quốc kêu gọi phải noi gương các linh mục Ý

2. Linh mục Trung Quốc kêu gọi phải noi gương các linh mục Ý

Bắc Kinh (AsiaNews) – Nhiều linh mục ở Trung quốc đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ với số linh mục người Ý đã chết vì coronavirus. Tính đến ngày 2 tháng 4, 87 linh mục đã hy sinh, trong đó nhiều vị đã liều mạng đi xức dầu cho các giáo dân hấp hối.

Linh mục Sơn Nhân (Shan Ren Shen Fu,) một linh mục blogger nổi tiếng ở Trung Quốc, đã viết nhiều bài bình luận về những trường hợp nan giải như việc cần giữ sự an toàn mà để cho một tín hữu phải chết lẻ loi, hoặc đi làm công tác mục vụ mà phải gần gũi với người bệnh.

Sau đây là một số lượm lặt từ những bài viết đó, vẫn còn lưu hành rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội ở Trung Quốc.

Cần lưu ý rằng ở Trung Quốc, mặc dù chính quyền đã tuyên bố chấm dứt chiến dịch kiểm dịch ở hầu hết các tỉnh, các nhà thờ vẫn còn đóng cửa và các cuộc tụ họp vẫn còn bị cấm. Trong thời gian cách ly, người chết được bọc túi nhựa và đưa đi hỏa táng ngay, không có dịch vụ mai táng.

Linh mục Sơn Nhân viết:

Gần đây tôi viết một bài về việc các linh mục ở Ý đã chết nhiều vì coronavirus. Bài viết của tôi gây ra hiểu lầm và phản đối. Nếu các linh mục không đeo khẩu trang hoặc mặc áo bảo vệ, họ không nên đi thăm mục vụ ở nhà, chưa nói đến việc đi vào bệnh viện. Là linh mục mà không mang đồ bào vệ thì vẫn không có nghiã là sẽ không bị nhiễm trùng, đó còn là một nguy cơ gây lây nhiễm cho các tín hữu tiếp xúc với họ.

Điều này là không thể phủ nhận và không thể chối cãi. Số ca mắc bệnh ở Ý gia tăng với tốc độ chóng mặt và tỷ lệ tử vong là gần 10%. Khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, người Trung Hoa trên khắp thế giới đã mua khẩu trang để giúp đỡ đồng bào của họ! Nhưng chúng ta lại biết rằng, không phải là người Ý không muốn đeo khẩu trang, mà là vì họ nhường cho bệnh viện và bác sĩ. Đó là lý do các linh mục và nữ tu không tìm ra khẩu trang mà dùng.

Tôi hỏi một Hoa Kiều Công Giáo ở Ý tại sao người Ý không đeo khẩu trang. Ông ta cho rằng chỉ có người bệnh mới đeo khẩu trang. Tuy nhiên, lý do chính là ngoài những món quà gửi về Trung Quốc trong dịp Tết, người Hoa Kiều còn đi thu mua khẩu trang để chuyển về. Do đó ngày nay khan hiếm, và chính phủ Ý phải kêu gọi công dân để dành khẩu trang cho nhân viên y tế.

Sáng nay tôi đọc được một bài báo có tiêu đề là “Đằng sau các ca bệnh ở Ý.” Nó rất cảm động. Nó nói: “Vì có quá nhiều bệnh nhân và không có đủ thiết bị y tế, tất cả các bệnh nhân trên 65 tuổi đều từ bỏ việc điều trị riêng… Tôi cũng đã 65 tuổi. Nếu tôi có một bệnh nhân 20 tuổi nằm bên và nếu chỉ có thiết bị để cứu một người, tôi cũng sẽ ngưng điều trị để người trẻ ấy có hy vọng sống.

ITALY-HEALTH-VIRUS

Vài ngày trước, tôi thấy một video thực hiện sau khi nước Ý áp dụng chiến dịch kiểm dịch. Chúng ta thấy các linh mục đã rước Thánh Thể qua phố và ban phép lành cho mọi nhà. Video này gây ấn tượng cho tôi rất nhiều và tôi cảm thấy khuyến khích. Những linh mục đó được thúc đẩy bởi đức tin và tình yêu. Những lời của Chúa Giêsu hiện lên trong tâm trí tôi: Cha sẽ không bỏ con mồ côi. ( Gioan 14:18). Dù cho trái tim tôi đang bị mây xám giăng đầy, ngay tức khắc nó đã ngập tràn hy vọng!

Một linh mục người Mỹ đã nghĩ ra một điều khác: ngồi giải tội trong bãi đậu xe của nhà thờ để mọi người không phải ra khỏi xe và giữ khoảng cách an toàn. Đối với tôi, điều này là một cử chí đáng yêu….

Một linh mục (người Hoa) đang du học ở Rome nhận xét về bài viết của tôi. “Tôi rất ngưỡng mộ những linh mục lớn tuổi đã chết ở Ý! Họ không bị nhiễm bệnh khi ở nhà; hầu hết là vì họ đã đến thăm tín hữu, để làm phép xác (vì nước Ý có nhiều người theo đạo và do đó có nhiều người cần bí tích).” Một cách chính xác, họ bị nhiễm bệnh vì làm điều đó. Vào những thời điểm khó khăn lớn, chúng ta cần phải học hỏi và suy nghĩ từ lòng can đảm và hăng say mục vụ của họ.

Tôi quyết định trở về giáo xứ của mình ( trong thời gian cách ly ở Trung Quốc, Cha Sơn Nhân về sống với bố mẹ). Bố mẹ tôi hỏi tôi: “Các Cha khác chưa đi mà, tại sao con phải vội vàng thế?” Tôi không biết phải trả lời ra sao!

Trần Mạnh Trác

1. Linh mục tu sĩ Ý đồng hành với bệnh nhân và người dân trong đại dịch

Sơ Anna Maria Marconi: an ủi bệnh nhân và thân nhân của họ. Cha Giovanni Musazzi: cảm thông và chia sẻ căng thẳng khó khăn với y bác sĩ. Cha Aquilino Apassiti: đặt điện thoại trên quan tài để người thân nghe được lời cầu nguyện cho người quá cố. Cha Francois Kayranga và sơ Giuseppina Iadanza: “người đưa thư của Chúa”, mang đến những sứ điệp hy vọng và an ủi cho các tín hữu.

Khi mà mọi người dân Ý phải tuân thủ luật cấm đi lại, các bệnh viện đầy những bệnh nhân nhiễm virus corona, các nhà quàn thi hài và nghĩa trang bận rộn vì số người qua đời quá đông, thì các linh mục tu sĩ, các vị tuyên úy chính là những người còn được tự do để thực hiện vai trò quan trong của mình: đó là hỗ trợ thiêng liêng và nâng đỡ tinh thần.

Sơ Anna Maria Marconi: an ủi bệnh nhân và thân nhân của họ

Sơ Anna Maria Marconi, dòng Đức Mẹ hài nhi, một tình nguyện viên của văn phòng tuyên úy của bệnh viện địa phương, kể với Vatican News rằng ban đầu, khi người ta chưa nhận ra mức độ lây lan cao của virus corona, những người thân được phép ở bên giường người bệnh sắp qua đời. Nhưng sau đó, các quy định không cho phép người thân ở gần bên người hấp hối nữa, và đó là một thất vọng khi biết rằng một người đang đối mặt với một giai đoạn quan trọng trong cuộc sống, đó là cái chết, nhưng bạn thậm chí không thể lau những giọt nước mắt cuối cùng cho người thân yêu.

Trong vài tuần đầu tiên của đại dịch, sơ Anna Maria có thể ở trong bệnh viện với các bệnh nhân, an ủi và xoa dịu khi họ đang nằm chờ chết. Sơ kể: “Những đôi mắt nhìn chằm chằm vào tôi, nhưng gương mặt lại đang cố gắng tìm một tí không khí để sống. Tuy không thể nói, nhưng qua ánh nhìn, các bệnh nhân giúp tôi hiểu là tôi phải cầu nguyện cho họ và tôi hoàn toàn tin chắc rằng họ đã gặp gỡ tình yêu phụ tử của Thiên Chúa, Đấng đã hứa sẽ không bỏ rơi chúng ta.”

Sơ Anna Maria cũng cảm thấy cần an ủi những người thân của người quá cố khi họ không thể tham dự các nghi thức an táng truyền thống cho người thân. Một phụ nữ vừa khóc vừa kể với sơ: “Cha tôi đã bị đưa đi và tôi không bao giờ gặp lại ông nữa; cả mẹ tôi và tôi không gặp lại cha tôi. Cả hai chúng tôi đang cách ly và chúng tôi chờ khi người ta làm phép tro của cha tôi nhưng ai biết là sẽ phải đợi bao lâu.

Hiện nay sơ Anna Maria không thể giúp người dân được bởi vì sơ phải cách ly. Sơ sống trong một cộng đoàn gồm 100 sơ cao niên, trong đó có 70 sơ đang bệnh, vì thế sơ không thể để cho các sơ lớn tuổi này có nguy cơ bị lây nhiễm.

Cha Giovanni Musazzi: chia sẻ căng thẳng khó khăn với y bác sĩ

Cha Giovanni Musazzi dòng thánh Carolo Borromeo, là tuyên úy tại bệnh viện Sacco ở Milan, trung tâm điều trị các bệnh lây nhiễm. Các bác sĩ cho phép cha đến làm việc mục vụ và trao Mình Thánh cho các bệnh nhân không thở oxy, nhưng cha chỉ được ở sau bức tường kính. Cha lo lắng cho các nhân viên y tế vì họ làm việc suốt 16 ngày liền, 12 tiếng mỗi ngày. Cha nói: “Thực tế là cả họ cũng là nạn nhân của sự cô đơn. Nhiều người nói với tôi thật là quan trọng khi biết rằng tôi ở đây. Ban tối, khi họ về nhà, tôi nói chuyện điện thoại với họ. Nhiều người phải gửi con họ đi nơi khác để tránh lây nhiễm cho con cái và chúng không được gặp cha mẹ mình cả hàng tuần lễ. Ít nhất là trong vòng hai tháng tới các nhân viên này không thể gặp ai.”

Cha Aquilino Apassiti: đặt điện thoại trên quan tài để người thân nghe được lời cầu nguyện cho người quá cố

Cha Aquilino Apassiti, 84 tuổi, nguyên là một thừa sai ở Brazil. Cha là tuyên úy của bệnh viện Giáo hoàng Gioan XXIII, nơi mỗi ngày có hàng chục người qua đời vì virus corona và gia đình họ phải cách ly, không thể ra khỏi nhà. Cha an ủi các nhân viên y tế, các bệnh nhân và gia đình, trong sự tuân thủ các biện pháp an toàn. Cha cho biết cách mà cha có thể an ủi các thân nhân của người qua đời, đó là những người thân của người quá cố điện thoại cho cha, cha đặt điện thoại trên quan tài của người thân của họ và cùng nhau cầu nguyện.

Đối với cha, giây phút đau khổ nhất là khi làm phép các quan tài mà không có người thân của người qua đời, vì họ đang bị cách lý. Cha kể: “Ngày hôm trước, một phụ nữ không thể từ biệt người chồng đã qua đời của bà đã yêu cầu tôi làm cử chỉ này. Tôi làm phép quan tài của người chồng, rồi cầu nguyện và rồi cả hai chúng tôi bật khóc trên điện thoại. Chúng ta sống đau khổ trong khổ đau. Đây là thời khắc thử thách nặng nề.”

Cha Aquilino kể tiếp: “Trong những tuần vừa qua, tôi không thể gặp các bệnh nhân, nhưng tôi vẫn ở cửa phòng bệnh. Tôi làm thế vì nếu các bệnh nhân không thấy tôi họ sẽ nghĩ rằng tôi đã bị nhiễm virus. Phần lớn thời gian tôi ở trong nhà nguyện của bệnh viện để cầu nguyện. Vào ban chiều, một nữ bác sĩ của khoa tim thường đến cầu nguyện khoảng 45 phút.”

Cha Francois Kayranga và sơ Giuseppina Iadanza: “người đưa thư của Chúa”

Trong khi các vị tuyên úy an ủi các bệnh nhân và gia đình của họ thì cha Francois Kayranga và sơ Giuseppina Iadanza lại là những “người đưa thư của Chúa”. Mang bao tay và khẩu trang, theo những hướng khác nhau, hai vị đi bộ trên mọi con đường của thị trấn Scapoli để gửi các sứ điệp hy vọng cho các tín hữu. Cha Francois va sơ Giuseppina bỏ vào các thùng thư của các ngôi nhà sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha, lời cầu nguyện xin cho đại dịch chấm dứt, các bài đọc Tin Mừng và các bài giải thích. Cha và sơ thực hiện cử chỉ này nhắm bày tỏ sự gần gũi của họ với các gia đình và sự an ủi thiêng liêng của Giáo hội. Cha Francois và sơ Giuseppina cho biết họ sẽ tiếp tục công việc này, nếu tình trạng dịch bệnh còn kéo dài, để không ai cảm thấy bị cô đơn trong thời khắc mà sự lo lắng khủng khiếp tàn phá tâm hồn và thân xác.

Hồng Thủy – Vatican

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *