Lược sử Dòng Đa Minh, Phần IV : Thời Hiện Đại (sau 1789)

DÒNG ANH EM GIẢNG THUYẾT
800 NĂM LỊCH SỬ

Biên soạn : Lm Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP
Bộ tranh : Lm Fernando Fuentes OP, TBN (1943-84)

1/ Thời phát triển trong thế kỷ XIII
2/ Thời cải tổ, canh tân : thế kỷ XIV – XV
3/ Thời phục hưng : thế kỷ XV đến cách mạng 1789
4/ Thời hiện đại : thế kỷ XIX đến nay.

IV. Thời hiện đại (Mùa xuân mới)

jacinto_op.jpg Cuộc cách mạng Pháp đã để lại cho Dòng những vết thương nặng nề. Tại nhiều nước, các dòng tu bị giải tán, các tu sĩ phải lưu vong. Nhiều cơ sở của Dòng tại Mỹ Latinh bị phe cách mạng cướp bóc, tàn phá. Do ảnh hưởng chính quyền, khối Tây Ban Nha tách ra từ 1804-1841, với vị tổng quyền riêng. Thánh Coll Guitart (+1875) phải gắn bó với đoàn sủng Đa Minh trong tình trạng ngoại vi.

Tuy nhiên, hết đông rồi sang xuân. Sau khi Napoléon thua trận năm 1815, sức sống của Dòng từng bước được phục hồi. Số tu sĩ xuống thấp nhất năm 1876 là 3.474, tăng lên 10.150 vào năm 1963. Mùa xuân mới của Dòng khởi sự với hai chân dung tiêu biểu cho hai khuynh hướng khác biệt bổ túc cho nhau. Cha Lacordaire, như một vị ngôn sứ, khi tái lập tỉnh dòng Pháp năm 1840, ưu tiên cổ võ sứ vụ Giảng thuyết. Trong khi đó bề trên tổng quyền Jandel thì tha thiết với việc canh tân kỷ luật, học hành và đời sống cộng đoàn để hoàn thành sứ vụ (7). Bản Hiến pháp in năm 1872 phổ biến khẩu hiệu Veritas.

Về sứ vụ giảng thuyết, ngoài cha Lacordaire ở Pháp còn có cha Thomas Burke ở Ái Nhĩ Lan đã thu hút thính giả đến chật ních các nhà thờ. Cha Chardon phục hưng hội Mân Côi ở Lyon năm 1858, cổ võ đọc kinh Mân côi hàng ngày, sau Hội có đến hàng trăm ngàn thành viên. Năm 1871, đức Pio IX đặt hội “kinh Mân côi sống” (1826) do chị Pauline Jaricot sáng lập, dưới quyền điều hành của anh em Ðaminh,

Năm 1936, Dòng chính thức đặt trụ sở ở Santa Sabina. Báo Analecta và sau đó là nội san I.D.I. (8) được phát hành với nhiều ngôn ngữ từ thập niên 1960, đóng vai trò thông tin và nối kết hiệp thông giữa các thành phần trong gia đình Đa Minh. Từ đây các tổng hội tổ chức đều đặn ba năm một, chỉ trừ hai lần trong đệ nhị thế chiến và năm 1952.

luis_beltran.jpg Trước cách mạng Pháp, Dòng có 180 nữ đan viện; năm 1895, chỉ còn 150. Đến năm 1966, đã có đến 216 đan viện, với khoảng 5.700 đan sĩ. Các đan sĩ có hiến pháp mới năm 1929, sẽ được cập nhật năm 1971. Các nữ tu Đa Minh hoạt động ngày càng đông. Năm 1895 có khoảng 20.000 nữ tu với 55 hội dòng. Năm 1966 đã có 46.000 nữ tu thuộc 136 hội dòng. Sau Vatican II, chúng ta thấy xuất hiện thêm các tu hội đời Đa Minh.

Dòng Ba thế giới có Quy chế được cập nhật nhiều lần vào những năm 1923, 1964, 1968 và 1985 (sau hội nghị Huynh đoàn quốc tế ở Canada). Bên cạnh các huynh đoàn, gần đây xuất hiện thêm các phong trào Giới Trẻ Đa Minh Thế Giới (DYM, IDYM) (9) với đại hội tại Fatima 2009 và Bogota 2013, và phong trào Chí nguyện Quốc tế (DVI Volunteers), ưu tiên dấn thân cho công tác xã hội và công bằng.

Trong thế kỷ XX, sứ vụ Đa Minh ngày càng phong phú, với nhiều hình thức mới như kịch nghệ, điện ảnh, truyền thanh, truyền hình và gần đây là các trang mạng. Về sứ vụ xã hội, nhiều anh em dấn thân cải thiện đời sống của giới công nhân. Cha José Gafo ở Tây Ban Nha, bị hành quyết trong nội chiến 1936 vì hoạt động này. Tại Pháp, cha Lebret và nhiều anh em đã tổ chức các “tuần lễ xã hội” tại các giáo phận. Năm 1944, cha Loew trở thành phu khuân vác tại bến cảng Marseille, khởi xướng phong trào linh mục thợ. Tại Fribourg, cha Utz thiết lập Viện Khoa học Xã hội. Cha Dominique Pire (+1968) tỉnh dòng Bỉ, đã nhận giải thưởng Nobel hòa bình năm 1958, vì các hoạt động bảo vệ nhân quyền, qua việc thiết lập các trại tị nạn.

Trong một thế kỷ, nhiều tỉnh Dòng mới được thành lập. Canada 1911, California 1912, Úc 1950, Braxin 1952 Việt Nam 1967, Philíppin 1971, Martinô Mỹ 1978, Nigeria 1993, Ấn Độ 1997, Slovakia 2003 và Trung Mỹ Châu 2006. Sau thế chiến và biến cố 1989, nhiều tỉnh dòng được khôi phục, nhiều vùng truyền giáo mới được mở ra, sứ vụ truyền giáo được hầu hết các tỉnh dòng quan tâm. Năm 1966 có 1.175 anh em (15 giám mục) dấn thân tại 40 miền truyền giáo.

juan_colonia.jpgViệc học hành càng phát triển. Nhiều đại học của Dòng được củng cố, như Angelicum ở Roma, Santo Tomas ở Manila, phân khoa Thần học Fribourg. Cha Lagrange cổ võ nghiên cứu các văn bản Kinh Thánh và sáng lập trường Kinh Thánh Giêrusalem (Stêphano). Cha Henri Johns tại Anh và cha Yves Congar tại Pháp, là những người tiên phong của phong trào đại kết, đã phát hành bộ tuyển tập Unam Sanctam. Năm 1943, anh em Đa Minh Pháp sáng lập Trung tâm mục vụ phụng vụ, xuất bản tạp chí “Đại lễ và các mùa” (Fêtes et Saisons). Ủy ban Léonine, nghiên cứu về thánh Tôma do đức Leo XIII lập, cũng được ủy thác cho Dòng.

Khoảng 50 tu sĩ Đa Minh, với tư cách giám mục hoặc chuyên viên thần học đã góp phần trong công đồng Vatican II. Những đóng góp của các cha Chenu, Congar và Schillebeeckx tại công đồng được nhiều người biết đến. Riêng cha Congar (1904-95) ở tuổi 90, còn được trao tặng mũ hồng y.

Trong tinh thần về nguồn của Vatican II, Hiến pháp dòng có những sửa đổi quan trọng từ năm 1968, cho đến ấn bản năm 1974. Quy định tu phục chung cho tư giáo và tu huynh (1965) và danh xưng huynh đoàn (1968). Phụng vụ được cử hành theo chu kỳ chẵn lẻ và năm ABC như giáo hội, kèm với phần lễ nguyện riêng.

Nhờ phương tiện hàng không, các tổng quyền từ cha Suarez có thể đi kinh lý các nơi. Dần dần, các ngài có thêm sự hỗ trợ của tám vị phụ tá đặc trách các tỉnh dòng : Châu Âu, Bắc Âu – Canada, Bán đảo Iberique, Hoa Kỳ, Mỹ Latinh, Châu Phi, Vùng Slave và Châu Á Thái Bình Dương. Ngoài ra đó còn có : Tổng đại diện quan hệ với Tòa thánh, Thỉnh nguyện viên phong thánh, Quản thủ công hàm, và Tổng quản lý. Các “cổ động viên” đặc trách sứ vụ tông đồ, trí thức, truyền thông, nữ tu và đan sĩ, huynh đoàn và các hội Mân Côi.

Tổng hội mới nhất của dòng họp tại Trogir, Croatia năm 2013 là tổng hội thứ 291. Cha Bruno Cadoré là bề trên tổng quyền thứ 87. Ngài đắc cử tại tổng hội Roma 2010.

“Mừng kỷ niệm 800 năm hiện diện của Dòng Anh Em Giảng Thuyết, không phải là nhớ đến một kỷ niệm cho bằng là hướng chúng ta, tất cả cùng nhau với niềm hăng hái, hướng về tương lai của đặc sủng chúng ta. Chúng ta tin rằng, tác vụ loan báo Tin Mừng vẫn luôn là điều cần thiết để Giáo hội phục vụ thế giới. Đúng thế, “đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo bình an, những người loan báo Tin Mừng !” (Rm 10,15). Chúng ta tin rằng Thiên Chúa có một kế hoạch diệu kỳ cho cộng đoàn nhân loại và Người đã chọn chúng ta, dù chúng ta yếu đuối, để trở thành những chứng nhân đầy vui tươi về kế hoạch ấy”. (Tổng hội Trogir số 49)

Ghi chú :

7. Cha Jandel được Đức Pio IX đặt làm tổng đại diện năm 1850, sau đó làm tổng quyền hai khóa cho đến khi qua đời (1855-1872)
8. Thông tin quốc tế dòng Đa Minh. I.D.I. : Informations Dominicaines Internationales .
9. International Dominican Youth Movement.