Lược Sử Tu Viện Albêtô

Thành lập : 13.06.1959
Bổn Mạng : Thánh Anbêtô,
Lễ kính ngày 15.11
Địa chỉ : 190 Lê Văn Sĩ, Phường 10, Phú Nhuận, TP. HCM
ĐT : 3844. 8206 hoặc 3846.1018

1. Lược sử

 

Tu viện thánh Albêtô – năm 1992

Từ tu xá Đaminh …

Gốc gác xa của cơ sở tu viện thánh Anbêtô là tu xá Tân Thuận, đã được BTTQ Michel Browne ký văn bản thành lập ngày 21.10.1957 (Prot. N170/57).

Nhưng vì địa chỉ Tân Thuận không thuận lợi về nhiều mặt, ngày 14.04.1958 Bề trên Tổng quyền bãi bỏ việc xây tu xá Tân Thuận, cho phép xây Tu xá tại Phú Nhuận mang danh hiệu Thánh Đaminh.

Cơ sở tu viện hiện nay khởi đầu với 6000 m2 đất vườn trồng rau, ở số 689 đường Trương Minh Giảng nối dài. Sau là số 190 Trương Minh Ký, hiện nay là 190 Lê Văn Sỹ. Hai chữ nối dài đã thoáng cho ta thấy con đường lúc đó chưa chính thức được đặt tên. Thế mà cha quản lý Phụ tỉnh Labayen Trung đã tiến hành xây dựng một tòa nhà ba tầng dài 60m rộng 10m, và một dãy ngang hai tầng dài 25m cũng rộng 10m. Trước mắt để tổ chức Giáo hoàng Chủng viện Anbêtô đang chuẩn bị hồi hương sau bốn năm ở Hồng Kông.

Ngày 05.10.1958, tu xá được khánh thành với nghi thức thánh hóa do Đức cha Giuseppe Caprio, đại diện Khâm sứ Tòa Thánh chủ sự, với sự tham dự của bốn vị giám mục, trong đó có hai đức cha Dòng Đaminh, Hoàng Văn Đoàn và Trương Cao Đại, bề trên nhiều dòng tu, các linh mục dòng triều, các nam nữ tu sĩ cùng rất đông ân nhân và giáo dân.

Sau nghi thức làm phép nhà, cha bề trên Phụ tỉnh Giuse Nguyễn Tri Ân đã chủ sự nghi thức trao tu phục cho mười tập sinh đầu tiên tại miền nam, đó là lớp cha nguyên giám tỉnh Đinh Châu Trân, các cha Tuynh, Nam, Hậu và thầy già Hoàng. Các thầy lãnh tu phục tại Phú Nhuận nhưng lại tập bên Gò Vấp. Nghi thức được tổ chức ngay tại lối vào bên phải của hành lang dãy nhà ngang.

Ba ngày sau, tòa nhà đón nhận ban giáo sư và các chủng sinh Giáo hoàng Chủng viện Anbêtô hồi hương từ Hồng Kông. Niên khóa 1958-59 khai giảng ngày 08 tháng 10, với hơn 30 chủng sinh gốc Thái Bình.

Viết về biến cố này, cha Nguyễn Đức Hòa, khi đó mới chỉ là một chú đệ tử Đaminh, đã chia sẻ :

Khi nghe nói dòng Đaminh đang xây tu viện tại đường Trương Minh Giảng nối dài, tôi đã đạp xe đến địa điểm trên để quan sát tình hình. Hôm đó trời mưa, cả đường Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sỹ) và đường hẻm Huỳnh Quang Tiên (nay là đường Đặng Văn Ngữ) đều lầy lội vì vẫn còn là đường đất. Công trình xây dựng lúc đó chỉ mới bắt đầu. Khu vực chung quanh toàn là vườn rau, chỉ có lác đác vài căn nhà và cơ sở chế biến sơn Việt Điểu ở cách địa điểm xây dựng tu viện chừng 200 mét về phía sau (ngày nay cơ sở Việt Điểu vẫn nằm phía sau trường Thánh Thomas cũ).

Hồi mới di cư, khu vực từ cầu Lê Văn Sỹ bây giờ cho đến phi trường Tân Sơn Nhất còn là khu ngoại ô hoang vắng. Ngay bên này cầu, phía chợ Trương Minh Giảng, là một bãi rác khổng lồ, nơi tập trung các loại rác thải của thành phố Sàigòn. Theo dân địa phương kể lại, sau 6 giờ chiều là không ai dám lai vãng đến khu vực này. Thế mới biết việc các cha Đaminh chọn xây dựng tu viện tại một khu vực ngoại thành vừa xa, vừa thiếu an ninh, trong thời điểm đó, là việc làm quá mạo hiểm. Nhưng nếu xét trong hoàn cảnh hôm nay, với một địa thế đẹp và thuận lợi như tu viện thánh Anbêtô, thì việc làm của cha anh chúng ta quả thực là biết ‘nhìn xa trông rộng’, đi trước thời đại.

Tháng 12.1958, tu xá được đón tiếp BTTQ Michel Brown và cha Giám tỉnh Tỉnh dòng Mân Côi Silvestro Sancho đến thăm và khích lệ. Ngày 18.02.1959, Giáo hoàng chủng viện Thánh Anbêtô được đón tiếp Đức hồng y Gregorio Phêrô Agagianian và phái đoàn trên 30 giám mục và quan khách, nhân ngày bế mạc Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc.

… Đến tu viện thánh Anbêtô

Đầu năm 1959, để chuẩn bị đón các sinh viên Đaminh sắp tuyên khấn, Phụ tỉnh Đaminh Việt Nam quyết định mua mở rộng thêm khu đất liền bên rộng 5.400 m2, và tiến hành xây dựng thêm hai nét nhà ba tầng rộng 13m với tổng chiều dài là 62m, nối vuông góc với hai dẫy nhà cũ. Công trình vẫn do cha quản lý Labayen Trung thực hiện. Giáo hoàng chủng viện Anbêtô được chuyển sang khu nhà mới. Còn ngôi nhà cũ, dãy ngang hai tầng được nâng thêm một lầu, trong dự kiến dành cho tu viện và học viện.

Bằng nghị định ký ngày 13.06.1959 (Prot. N. 17/59), Bề trên Tổng quyền Michel Browne nâng tu xá Phú Nhuận lên hàng tu viện, đồng thời thiết lập học viện Đaminh trong tu viện, sau được đổi thành danh hiệu thánh Anbêtô Cả, vì cũng trong tu viện này có Giáo hoàng chủng viện thánh Anbêtô.

Ngày 13.06.1959 là ngày khai sinh của tu viện.

Anbêtô 1961 : Hàng ngồi : Cha Valesco Báu, cha Vang,
Đc Đoàn, Đc Đại, cha Đích, cha Liêm

Những thành viên đầu tiên của tu viện gồm có :

Cha Phạm Văn Vang, nguyên giáo sư học viện Albert Rosaryhill Hồng Kông được đặt làm tu viện trưởng đầu tiên. Cha Gonzalez Hiển, viện trưởng kiêm Giám đốc chủng viện, cha Trần Mục Đích, tu viện phó, kiêm phó viện trưởng.

Ngoài ba vị trên, ban giáo sư chủng viện còn có cha Fernandez Hoà, kiêm linh hướng, cha Velasco Báu, cha Nguyễn Văn Liêm, kiêm giám sư sinh viên, cha Lưu Đức Mẫn, kiêm quản lý chủng viện, và cha Trương Quang Cảnh. Ngoài ra còn có cha Nguyễn Quang Hiến, quản đốc nhà nguyện và ba thầy Lê Văn Học, Mai Văn Lạc, Mai Văn Tộ. Trong danh sách 12 tông đồ tiên khởi trên, hiện chỉ còn cha Nguyễn Quang Hiến, nay đã bước vào tuổi chín mươi.

2. Các Tu viện Trưởng

Trong 50 năm, tu viện Anbêtô có 11 tu viện trưởng trải qua 17 nhiệm khóa.

Trong đó có sáu vị đã được Chúa gọi về. Lâu nhất là cha Nguyễn Văn Hộ với bốn khóa, 11 năm. Ngắn nhất là cha Nguyễn Tất Trung, một năm vì được bổ nhiệm sứ vụ khác. Cha Phạm Hưng Thịnh ba khóa liền, 9 năm. Riêng cha Nguyễn Ngọc Thành nay đã là linh mục giáo phận tại Texas, USA.

Lm. Vinhsơn
Mai Cao Hiển OP
Lm. Phêrô
Nguyễn Ngọc Thành OP
Lm. Giuse
Phạm Văn Vang OP
Lm Đa Minh
Nguyễn Văn Hộ OP
Lm Đa Minh
Vũ Đức Cương OP
Lm Gioakim
Nguyễn Văn Liêm OP
Lm. Giuse
Hoàng Mạnh Hiền OP
Lm Giuse
Nguyễn Tất Trung OP
Lm Giuse
Phạm Hưng Thịnh OP
Lm Phanxicô
Đào Trung Hiệu OP
Lm Micae
Nguyễn Văn Bắc OP
Lm Giuse
Nguyễn Đức Hòa OP

Lm Giuse Lưu Công Chỉnh OP – Đương nhiệm

  

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *