Mão gai mồng tơi

Đồ đua đòi, mụ ta tưởng mình là Sr hay sao, mà ngày ngày đến nhà thờ kinh sách này nọ? Có mà là xơ dừa, xơ mít!

Ôi dào, chẳng biết có nên cơm cháo gì không, hay cuối cùng lại trở thành xơ xác?

Suốt ngày máy móc, sổ sách, viết lách, nay chễm chệ xe máy đi  hội họp chỗ này, mai ôm valy đi đồng hành nơi kia, có con vợ như vậy ngày phải đánh trăm trận.

Đó là những câu nói giễu cợt, mỉa mai, xúc phạm, thường ném về phía mụ, hoặc xì xào sau lưng, nhất là khoảng gần chục năm nay, kể từ khi mụ tham gia vào Ban Truyền thông và Ban phục vụ Huynh đoàn Đa Minh. Mới đầu mụ cũng buồn giận, nhưng riết rồi lại thấy như vậy thế mà hay, bởi vì họ còn to nhỏ, còn chỉ chỏ, thì chứng tỏ là họ còn để ý đến mụ, cho dù sự để ý ấy có là kênh bểnh, kèn cựa, đố kỵ và ghen ghét. Nhiều khi bị “ném đá” quá, mụ lại tự động viên, an ủi mình: thế gian chỉ ghen ghét, kèn cựa với những ai hơn họ mà thôi, chứ có ai lại đi tức tối, kênh bểnh với người… “dưới phân” họ bao giờ. Lẽ nào, mụ bị ghét là vì trong mắt họ mụ… nhỉnh hơn hay sao? Vậy thì, buồn ơi! chào mi, để vui sống trong đời phục vụ, vì Chúa đã an ủi: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước” (Ga 15,18).

Vâng! Chúa là Đấng tinh tuyền thánh thiện, Đấng Thánh ba lần Thánh. Vậy mà Chúa còn phải chịu đội mão gai, chịu nhổ nước bọt cùng roi đòn sỉ nhục và cuối cùng Chúa đã giang tay trên Thập giá chịu chết như một kẻ tội đồ. Còn mụ, mụ chỉ là thụ tạo của Ngài, dù luôn yêu Ngài, tín thác vào Ngài, nhưng vẫn núp bóng trong cái thân xác nặng nề yếu đuối, giòn mỏng. Trên con đường bước theo Ngài, đôi khi mụ gác bỏ ngoài tai tiếng Ngài yêu thương nhắc nhở dặn dò, để rồi có khi mụ tạt ngang rẽ tắt, nhưng Ngài vẫn trìu mến đợi chờ và bao dung tha thứ lỗi lầm. Vậy thì mão gai… mồng tơi mà thế gian trao tặng, so với tình yêu và lòng quảng đại bao la mà Thiên Chúa dành cho mụ, thì đó chẳng khác nào là một vòng nguyệt quế lấp lánh.

Của đáng tội , đúng là mụ chẳng giỏi việc… xóm, đảm việc nhà như ai, cũng chẳng có công có của đóng góp vào nhà Chúa bằng ai, mụ chỉ có mấy con chữ gầy còm giắt lưng làm vốn. Đã vậy, nhiều khi lại còn lơ đãng trong việc chăm sóc, bỏ chúng thiếu thốn, ốm yếu, lúc thì quên… đội mũ cho chúng, khi thì việc chẳng hệ trọng mà mụ cũng nhốt chúng trong… cùm, rồi có lúc lại thả chúng đi chấm phảy linh tinh, bừa bãi khắp nơi. Vậy mà mụ vẫn to gan, mặt dày đứng xếp hàng cùng nhiều bậc uyên bác, danh nổi như cồn trong tập san CSTM và trang mạng của Tỉnh Dòng, cũng như trang mạng của giáo phận Hưng Hóa nhà mụ. Bảy năm nay, mụ lại cùng nhóm giảng viên của Huynh đoàn Đa Minh giáo phận đi đến từng Huynh đoàn cơ sở để cùng đồng hành trong mỗi khóa Chân lý, có đợt đi đến 40 ngày. Nhà cửa, công việc phó mặc cho chồng con, thì đúng là trong con mắt của các tướng bà khéo léo thu xếp việc tề gia nội trợ, giỏi giang việc chạy chợ kiếm tiền, thì mụ quả là một mụ vợ không đáng một xu.

Nhưng nói đi thì cũng nói lại, chẳng ai được ban cho tất cả mọi thứ trên đời này, cái quan trọng là mình dùng cái mà mình có, mà mình được trao ban, để sống và phục vụ như thế nào mà thôi. Người Công giáo ta vẫn thường nói, ai có công hiến công, ai có của hiến của, ai có học thức thì đem vốn học thức ra làm việc tông đồ. Nói như vậy, không phải mụ là người có học thức, nhưng những gì mà Chúa ban cho mụ, đủ để mụ viết lên những lời cảm tạ tri ân Chúa. Mụ sinh ra ở một làng quê đồng chiêm trũng vào đầu thập niên sáu mươi trong một gia đình bần cố nông, mồ côi mẹ từ khi ba tháng tuổi, được ông bà nội cưu mang nuôi dưỡng. Người dân quê mụ ngày ấy còn lạc hậu lắm, cái thứ đàn bà con gái biết chữ nhiều thì thêm hư thân mất nết, chỉ cần biết mặt con số để mỗi khi đi bán cá hay cua ốc, thì còn biết đường mà tính tiền.

Hàng năm, cứ vào khoảng cuối tháng tư, cánh đồng rộng lớn quê mụ vào mùa lúa chín trông như một biển vàng, cả làng náo nức, nhộn nhịp, gấp gáp gặt đêm gặt ngày để tránh mùa nước nổi. Có năm nước về sớm, cánh đồng chiều hôm trước còn trải dài một màu vàng óng, sóng lúa nhấp nhô, qua một đêm, sáng hôm sau nước đã mênh mông, bao công lao cày sâu cuốc bẫm, nay thành mồi cho đàn cá sinh sôi nảy nở, vì vậy cá quê mụ nhiều và ngon nổi tiếng với biệt danh… cá thiến. Mùa nước nổi kéo dài cho đến cuối năm, suốt ngày đêm thuyền nan đi lại tấp nập, chỗ giăng câu, thả lưới, tiếng gõ vào mạn thuyền để đuổi cá nghe cành cạch, xen với tiếng vó bè kẽo kẹt, làm nên một bản hòa tấu đồng quê thật náo nhiệt. Các bà các chị thì tất bật bưng cá đi bán, chẳng có ai đèo hay chở cá bằng xe đạp (ngày ấy cả làng chưa ai có xe máy) mà cứ bưng những mủng, những rổ cá nặng vẹo cả cạnh sườn, một số khác thì gồng gánh, đi gần hai cây số ra thị xã để bán. Mà kiểu cách bán thì cũng hay chẳng kém, cá thì bày bán theo món, ốc lại đong bằng đấu, chứ đâu có cân như bây giờ. Ngày nay, cái cảnh ấy chỉ còn lại trong hoài niệm của những người đã bước sang bên kia dốc cuộc đời như mụ. Thảm lúa vàng cùng đồng cá trù phú nay đã nằm ngủ dưới đường cao tốc, đường HCM, cùng các công ty, khu công nghiệp mọc lên như nấm.

Mụ cũng như đám bạn cùng trang lứa, chẳng chịu học hành, chỉ thích đằm mình dưới nước để mò cua bắt ốc, đánh giậm, kéo chũm, rồi lặn hụp hái những bông súng hay tóc tiên về làm thức ăn cho lợn. Vậy mà lạ lùng thay, học lực của mụ rất khá, mấy năm liền đi thi học sinh giỏi văn của thị và tỉnh, đều đạt được thành tích xuất sắc (ngày ấy chiến tranh rất khốc liệt, có năm không tổ chức thi toàn miền Bắc được). Một kỷ niệm luôn khắc ghi trong ký ức của mụ không phai mờ, đó là vào năm 1973, khi đó mụ mới 11 tuổi, học lớp 5, mụ được thầy giáo chủ nhiệm đèo trên chiếc xe đạp đi thi học sinh giỏi văn. Khi đi qua thị xã, thầy đưa mụ vào một tiệm ăn thời bao cấp, xếp hàng mãi rồi thầy cũng mua được cho mụ một bát phở… không người lái (đó là cách gọi phở không thịt, không nước dùng xương thời bấy giờ, mà chỉ có hành, mỳ chính và muối).

Lần đầu tiên một con bé nhà nghèo như mụ được ăn phở, những sợi gạo mềm cứ trơn tuột xuống cổ họng mụ, như không cần phải nhai phải nuốt, nó khác với cơm độn khoai độn sắn dường bao, dư vị ấy cứ đeo đẳng mụ suốt một thời thơ ấu đến nay. Bây giờ nếu có được ăn bất cứ một loại phở ngon nổi tiếng nào, chắc chắn cũng không để lại trong mụ cái hương vị khắc khoải khó quên như vậy. Chủ đề thi năm đó là: “ Em hãy nói lên cảm nghĩ của mình về Hiệp định Paris”. Chúa ơi! Một con bé tóc khét nắng vì những trưa hè đi dò bắt chuồn chuồn và cồi cội về làm đồ chơi, một con bé da đen nhẻm và nặng mùi bùn nơi đồng chiêm trũng, biết gì về việc chính trị đại sự đang nóng hổi và chấn động trên toàn thế giới mà cảm với… sốt. Nhưng lại một kỳ tích lạ lùng nữa đến với mụ, mụ đã đạt giải nhất trong kỳ thi đó, vượt lên bao con ông cháu cha, trước những lời nhận xét, bình luận và đánh giá của ban giám khảo.

Trải qua bao thăng trầm của đời người, giờ đây mụ đã ở ngưỡng sáu mươi năm cuộc đời, chút văn vẻ mà Chúa ban cho ấy, vẫn theo mụ cả những khi đứng lớp  trong các khóa đồng hành, nhưng như vậy đâu phải là một cái tội, dù đôi lúc cái tôi cũng lân la mời chào. Mong ước sao cái tôi, cái nóng giận trong mụ, cũng như những đố kỵ, ghen ghét, kèn cựa của trần thế, sẽ mềm và êm ái như mão gai mồng tơi, để tất cả mọi lời nói, việc làm, đều là những lời tán tụng, ngợi khen và tri ân trong bao la tình Chúa.

Mờ – inh

.

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *