Mẹ là ngày Tết

Ngồi cạnh bếp lửa hồng để canh nồi bánh tét ngày Xuân, thỉnh thoảng bà Năm lại ngoái nhìn về hướng con lộ lớn. Cứ mỗi một chuyến xe đò dừng lại đỗ khách, ánh đèn xe bừng sáng để soi đường cho khách xuống xe cũng đã thắp sáng lên tia hy vọng trong lòng bà Năm, rằng con trai, con dâu và những đứa cháu của bà ắt hẳn sẽ bước xuống từ chuyến xe này.

Nhưng đã không biết bao nhiêu lần, niềm hy vọng của người đàn bà hơn 60 tuổi này cứ nhanh chóng vụt tắt và tan biến theo ánh đèn xe vút xa và nhạt dần trong màn sương đêm. Bà tự an ủi mình rằng: “Có lẽ năm nay nó lại bận việc bàn giao, kết toán cuối năm, nên lại về trễ chút thôi.”

Nỗi thất vọng lại một lần nữa trỗi dậy và nhắc nhở bà: “Hôm nay đã là rạng sáng 30 Tháng Chạp.” Có lẽ chính vì đêm khuya giá lạnh, nên không biết tự lúc nào có vài giọt sương nóng ấm đọng lại nơi khóe mắt của người mẹ chờ con và rơi xuống ngay khi chuyến xe khách vừa lăn bánh.

Nhìn vào ánh lửa hồng, bà nhớ lại lúc con trai bà còn nhỏ, nó cứ hay chạy theo chân mẹ chẳng chịu rời xa. Lúc ấy vùng quê này còn nghèo lắm, vợ chồng bà phải cố gắng cày sâu cuốc bẫm, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Ấy mà vẫn cơm không đủ no, áo không đủ ấm.

Mỗi khi Tết đến, ông bà Năm chỉ mong sao có đủ tiền để nấu nồi thịt kho tàu, gói vài đòn bánh tét dâng ông bà tổ tiên; và mua cho thằng Hai khúc vải may quần áo mới để nó hãnh diện mà chơi Xuân cùng chúng bạn. Những thứ ấy so với thời nay quá ư là đơn giản, nhưng vào thời của ông bà là cả một nỗi lo toan. Do vậy, bà luôn chi tiêu tiết kiệm hằng ngày, không dám phung phí dù chỉ một đồng.

Bà còn nhớ rất rõ, khi thằng Hai vào trung học, cái tuổi đã biết nhìn bạn bè xung quanh mà so đo hơn thiệt. Nó không muốn ăn sáng bằng mấy củ khoai, trái bắp. Nó xin tiền để mua quà ăn sáng như chúng bạn cùng trường. Bà không cho, nó đứng trước sân nhà khóc lóc giậm chân, vùng vằng không chịu đi học.

Ông Năm xót con bảo với bà rằng: “Con nó lớn rồi, má nó cũng nên cho con ít tiền ăn quà như chúng bạn, kẻo con nó tủi hổ với bạn bè.” Nhưng bà chỉ nhìn ông bằng một ánh nhìn không mấy hài lòng thay cho câu trả lời. Bà qua bên hiên nhà, tuốt một nhánh cây và ra ngoài sân quất cho thằng Hai mấy roi, cho chừa cái tội dám vòi tiền bố mẹ. Bà đánh cũng hơi mạnh tay, hai bên mông thằng Hai hằn lên những lằn roi đỏ bầm, thằng Hai khóc càng lớn tiếng nhưng rồi cũng nghẹn lời mà đi học.

Nhìn theo bóng con vừa đi vừa lau nước mắt, lòng bà quặn thắt từng cơn. Những lằn roi kia vài ngày sau đã lành, nhưng nỗi đau trong lòng bà đến bây giờ vẫn còn âm ỉ. Bà thầm nghĩ, chỉ những bậc làm cha mẹ mới hiểu được rằng: “Roi đánh con đau, xót lòng cha mẹ. Mẹ cha tập cho con nếm quả chua, quả đắng để con biết quý trái ngọt sau này. Giống như phải trải qua giá lạnh của mùa Đông, mới đón được giọt nắng Xuân ấm áp.”

Quê bà ở vùng sâu hẻo lánh, khi xong vụ mùa gặt, thỉnh thoảng sẽ có các đoàn hát về phục vụ bà con. Mỗi lần về, đoàn ở khoảng một tuần mới rời đi qua nơi khác. Gánh hát thời ấy còn ở đỉnh hoàng kim, từ cụ già đến trẻ em đều rất mến mộ. Tuy tiết kiệm trong chi tiêu hằng ngày, nhưng vợ chồng ông bà cũng dẫn thằng Hai đi coi đêm hát diễn đầu tiên với vở tuồng “Ly Miêu Tráo Chúa.”

Trong những ngày gánh hát về, thằng Hai con bà đột nhiên ngoan ngoãn lạ thường, không những không hề xin tiền cha mẹ để đi coi hát, mà còn học bài thật nhanh rồi vô mùng ngủ sớm. Bà thầm mừng vì trận đòn lần trước đến nay vẫn còn tác dụng.

Như thường lệ, trước khi bà đi ngủ, bà thường đến giường thằng Hai để đắp chăn cho nó. Nhưng hôm nay sao thật lạ, thằng Hai không những đắp chăn chỉnh tề, mà còn trùm chăn phủ cả đầu. Sợ con ngộp, khi kéo chăn ra thì bà mới vỡ lẽ. Đứa con trai ngoan của bà đâu không thấy, mà trong chăn là chiếc gối ôm. Đứng suy nghĩ một lát, bà mới chợt hiểu ra. Bà liền cùng ông Năm xách đèn dầu đi về hướng gánh hát kiếm “thằng con ngoan.”

Ra đến đó, thấy lũ trẻ quê trạc tuổi con mình đang đứng trên những nạn cây bạch đàn dọc theo hai bên sân khấu vừa xem hát vừa reo hò vì không có tiền mua vé vào cổng. Nhìn thật kỹ thì thằng Hai cũng trong số đó. Và lần này cũng không khá hơn lần trước là mấy, thằng Hai cũng quằn quại ôm đít la làng vì bị ăn roi.

Ông Năm cười nói với bà rằng: “Cái thằng công nhận sáng dạ thiệt bà hén, mới tối hôm qua coi xong tuồng ‘Ly Miêu Tráo Chúa,’ thì hôm nay sáng tác ngay vở ‘Gối Ôm Tráo Con,’ ha ha.” Bà Năm cũng thấy tức cười, nói: “Con mình đang tuổi ăn tuổi lớn, ông cũng phụ tôi chỉ bảo cho con suy nghĩ và hành động theo lẽ phải đường ngay.” Ông Năm không nói gì, chỉ mỉm cười nhìn về phía bà như một lời đồng ý.

Gia đình ba thành viên của bà vẫn tưởng sẽ êm đềm đón những mùa Xuân mới đầy mật ngọt. Nào ngờ vì tháng ngày lao lực vất vả, sức khỏe của ông Năm ngày càng suy kiệt nên đã sớm về với ông bà. Năm ấy thằng Hai đang năm ba đại học.

Vì sợ con không vượt qua được cú sốc này, bà phải mạnh mẽ đứng dậy vì bà biết từ bây giờ mình sẽ là chỗ dựa tinh thần duy nhất của con. Bà còn nhớ mãi cái Tết năm ấy, tuy cũng đủ đầy thịt dưa trà bánh, nhưng sao lòng bà cứ thấy trống trải vô cùng. Đôi vai bà cũng trở nên nặng trĩu, vì trách nhiệm vừa làm cha vừa làm mẹ giờ chỉ một mình bà gánh vác. Tuy vậy, bà Năm cứ thầm nhủ rằng: “Mẹ sống thêm một tuổi, mẹ sẽ cho con thêm một mùa Xuân hạnh phúc.”

Và cứ thế, gần hai mươi năm kể từ ngày ông Năm ra đi. Tết nào cũng vậy, bà đều chuẩn bị thật đủ đầy tươm tất mọi thứ để đón Xuân. Quan trọng hơn là để đón gia đình nhỏ của thằng Hai về ăn Tết với bà.

Mãi hồi tưởng về quá khứ, thì lại một lần nữa tiếng còi xe dừng đỗ khách đã kéo bà về thực tại. Bà vội nhìn về hướng con lộ lớn, xa xa gia đình nhỏ bốn người của con trai bà đang đi vào. Bà mừng vui khôn xiết, chạy vội ra đón hai con và các cháu.

Bà cất lời có chút hờn dỗi: “Mẹ sợ là các con bận bịu công việc rồi không về ăn Tết với bà già này rồi ấy chứ.” Thằng Hai cười nhẹ và đáp lời bà: “Chỉ có mùa Xuân bên mẹ mới cho chúng con đủ đầy bình yên và hạnh phúc. Cảm ơn mẹ đã cho tụi con tất cả mùa Xuân của đời mình! Con chúc mẹ nhiều sức khỏe để vui cùng cháu con.”

Bà tự trách mình đã nghĩ không hay về con. Nhìn con và các cháu, bà vui lắm, vì bà biết dù bao nhiêu tuổi, dù đi đến đâu, dù sống ở nơi nào, con bà vẫn luôn nhớ về nơi chôn rau cắt rốn. Thằng Hai cũng dạy các cháu của bà rằng: “Dù tụi con không ở quê hương, nhưng tất cả tình yêu và kỷ niệm về cha mẹ luôn sưởi ấm lòng các con khỏi cái giá lạnh trong đêm Giao Thừa lúc đón Tết xa quê. Như bà nội đã dành cho cha vậy!”

Đoàn Ngọc Thạch

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *