A. Mẹ Maria dùng Kinh Mân Côi để thông ban ơn phúc cho ta
Thật là một sự trùng hợp thật đẹp khi chúng ta được cùng nhau cử hành Thánh Lễ kính Đức Mẹ Mân Côi trong đúng ngày Lễ Nhớ Thánh Đaminh, vị thánh được Đức Mẹ tuyển chọn để rao giảng Kinh Mân Côi như một vũ khí tuyệt diệu để chiến thắng các tà thuyết, ma quỷ và tội lỗi trong cuộc chiến tâm linh.
Trong cuốn Bí Mật Kinh Mân Côi, Thánh Luy Maria Mongpho thuật lại sự tích Kinh Mân Côi như sau:
Vào cuối thế kỷ 12, bè rối Albigensê đang lan tràn và đời sống các tín hữu bị sa sút trầm trọng. Một lần Cha Thánh Đaminh đến một khu rừng gần thành phố Toulouse để ăn chay, đánh tội, than khóc và cầu nguyện liên lỉ trong ba ngày để xin Chúa cho các tội nhân ơn sám hối và cho những người theo bè rối Albigensê trở lại với đức tin chân thật. Thánh nhân đã bị ngất đi vì kiệt sức. Lúc ấy Đức Mẹ cùng với ba thiên thần đã hiện ra với ngài và nói:
– Đaminh yêu dấu, con có biết Chúa Ba Ngôi Chí Thánh muốn dùng khí giới nào để canh tân thế giới không?
Thánh Đaminh đáp:
– Thưa Mẹ, Mẹ biết rõ hơn con, vì liền sau Chúa Giêsu Con Mẹ, Mẹ luôn là khí cụ chính yếu cho phần rỗi chúng con.
Đức Mẹ bấy giờ dạy Thánh Đaminh:
– Mẹ muốn cho con biết rằng trong cuộc chiến này, khí giới phải dùng đến là Ca Vịnh Thiên Thần, viên đá nền tảng của Tân Ước. Vì vậy, nếu con muốn thuyết giảng cho các linh hồn cứng lòng để đem họ về với Chúa, con hãy rao giảng Ca Vịnh này của Mẹ.
Thánh nhân vui mừng chỗi dậy lòng đầy nhiệt thành muốn hoán cải dân chúng vùng ấy. Ngài liền đi thẳng đến Vương Cung Thánh Đường. Ngay lúc ấy, các thiên thần vô hình đã đổ chuông nhà thờ mời gọi dân chúng đến để nghe thánh nhân giảng.
Khi thánh nhân vừa lên tiếng giảng dạy, một cơn bão lớn xảy ra, đất chuyển rung, trời tối lại, sấm chớp nổ ầm ầm làm kinh thiên động địa. Dân chúng thấy bức ảnh Đức Mẹ treo ở một nơi tôn nghiêm giơ tay lên trời ba lần như kêu mời Chúa báo oán nếu họ không biết hối cải và tìm đến nương tựa nơi Mẹ Thiên Chúa. Thánh Mongpho cho rằng Chúa đã cho những hiện tượng này xảy ra khi Thánh Đaminh bắt đầu rao giảng về Kinh Mân Côi tương tự như khi Chúa ban Thập Điều cho Môisen năm xưa, để chứng thực tính cách quan trọng của Kinh Mân Côi trong chương trình cứu độ nhân loại.
Dân chúng thành Toulouse đã yêu chuộng Kinh Mân Côi và từ bỏ bè rối để trở về với đức tin chân thật. Từ ấy, việc sùng kính Phép Lần Hạt Mân Côi được gắn liền với sự thánh thiện của người tín hữu. Vậy nên, mỗi khi thấy một tín hữu bắt đầu sống sa đọa, người ta có thể kết luận một cách chắc chắn rằng: một là người ấy đã bỏ đọc Kinh Mân Côi; hai là người ấy chỉ đọc Kinh Mân Côi cách cẩu thả.
Nhờ rao giảng Phép Lần Hạt Mân Côi, Thánh Đaminh đã chiến thắng bè rối Albigensê và trở thành Thánh Tổ Phụ Dòng Giảng Thuyết.
Cuối thế kỷ 16, quân Hồi giáo tấn công Âu Châu làm mọi người lo sợ. Thánh Giáo Hoàng Piô V, vốn là tu sĩ Dòng Đaminh, đã kêu mời thế giới Công Giáo thiết tha cầu xin sự trợ giúp của Đức Mẹ qua việc lần hạt Mân Côi. Chúa Nhật ngày 7/10/1571, trận chiến quyết định xảy ra tại Vịnh Lepanto với lực luợng Hồi giáo thật hùng mạnh. Quân Công giáo tuy thế yếu hơn nhưng đầy lòng tin vào Thiên Chúa qua sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, đúng như lời Thánh Vịnh: “Kẻ cậy chiến sa, người nhờ chiến mã. Phần chúng tôi, chỉ kêu cầu Danh Chúa là Thiên Chúa chúng tôi” (Tv 19:8). Đức Thánh Cha đang ở Rôma được ơn soi sáng hướng về phía Vịnh Lepanto và nói với mọi người: “Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Người đã ban chiến thắng cho quân ta qua sự trợ giúp của Đức Trinh Nữ Maria”. Người đã lập ra Lễ Đức Mẹ Thắng Trận để ghi nhớ sự can thiệp của Mẹ Thiên Chúa trong trận chiến này. Đức Giáo Hoàng Gregory XIII đổi tên lễ này thành Lễ Đức Mẹ Mân Côi, như để nhấn mạnh rằng Kinh Mân Côi chính là vũ khí tuyệt diệu Đức Mẹ ban cho Dân Chúa để chiến thắng mọi kẻ thù hồn xác.
Vào Lễ Đức Mẹ Mân Côi vừa qua 7/10/2002, tôi sung sướng tổ chức Lễ Ngân Khánh Tận Hiến Cho Mẹ và Lễ Tận Hiến Cho Mẹ cho các thầy Nhà Tập Dòng Chúa Cứu Thế, theo phương thế được Thánh Luy Maria Mongpho trình bày trong cuốn Thành Thực Sùng Kính Đức Maria. Với tôi, ơn được yêu mến Đức Mẹ cách đích thực còn trọng hơn cả ơn được là tu sĩ hay linh mục. Vì dù là tu sĩ hay linh mục, nếu không sống xứng đáng vẫn có thể bị mất linh hồn. Nhưng khi được thực sự yêu mến Mẹ Maria, người ta chắc chắn sẽ được cứu rỗi và nên thánh. Các thánh thường nói rằng yêu mến Mẹ Maria là dấu được tiền định. Cha Thánh Anphong, Tổ Phụ Dòng Chúa Cứu Thế, có câu nói bất hủ: “Con Đức Bà là con nhà Thiên Quốc. Con Đức Mẹ là con Nước Thiên Đàng”.
Lòng yêu mến Đức Mẹ bao giờ cũng phải gắn liền với việc yêu mến Phép Lần Hạt Mân Côi. Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã khẳng định điều này trong tác phẩm Đường Hy Vọng của ngài: “Ai yêu mến Mẹ thì yêu thích chuỗi Mân Côi. Bởi vì chỉ có người yêu mới lặp đi lặp lại một chuyện, một lời mà không biết nhàm chán” (# 947). Như vậy, việc sốt sắng lần hạt Mân Côi là một hành động để cụ thể hóa lòng sùng kính đích thực dành cho Đức Mẹ và là dấu chỉ được ơn cứu rỗi.
Đức Mẹ đã xác định với tôi điều này trong dịp tôi mừng Ngân Khánh Tận Hiến Cho Mẹ. Liền sau Thánh Lễ hôm ấy, bà mẹ của một thầy nhà tập đến nói với tôi: “Thưa cha, Thánh Lễ hôm nay làm con nhớ đến giấc mơ cách đây 19 năm mà con vẫn cảm thấy như mới xảy ra. Con mơ thấy Đức Mẹ thật đẹp hiện ra giữa bầu trời. Mẹ đưa tay hướng về con và nói với con: ‘Nếu con muốn lên trời với Mẹ, con hãy siêng năng lần hạt Mân Côi’. Lúc ấy chồng con đang ở trong trại học tập cải tạo, và một mình con phải nuôi dạy bốn đứa con nhỏ. Nhờ sự trợ giúp của Mẹ qua việc năng kêu cầu Đức Mẹ qua phép lần hạt Mân Côi, con đã đủ sức chu toàn bổn phận làm vợ và làm mẹ trong giai đoạn khó khăn ấy. Và hôm nay sau khi chồng con ở tù 13 năm, cả gia đình con đã đến được Hoa Kỳ và cháu Phanxicô còn được sống trong Nhà Chúa với các cha nữa!”
Giấc mơ của bà mẹ trên đây như nhắc lại sự kiện tại Fatima khi được hỏi về việc Phanxicô có được lên Thiên Đàng không, Đức Mẹ nói cậu phải lần chuỗi thêm. Cũng vậy, trong tất cả mọi lần hiện ra tại Fatima Đức Mẹ đều nhắc đến việc phải sốt sắng siêng năng lần chuỗi Mân Côi.
Cũng chính ngày mừng Ngân Khánh Tận Hiến Cho Mẹ, tôi nhận được tin Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II sẽ ban hành một tông thư về Kinh Mân Côi nhân dịp bắt đầu bước vào năm thứ 25 của triều đại Giáo Hoàng của ngài. Niềm vui của tôi càng rạng rỡ hơn khi đón nhận tông thư này ít hôm sau. Với tông thư này, chẳng những Đức Thánh Cha giúp mọi người yêu quý Phép Lần Hạt Mân Côi qua việc chỉ ra ý nghĩa và lợi ích vô cùng cao quý của việc sùng kính này, ngài còn ban cho chúng ta năm Mầu Nhiệm Ánh Sáng và công bố Năm Mân Côi đầu tiên trong lịch sử Hội Thánh.
Với những ai biết giá trị của Kinh Mân Côi, Năm Mân Côi này chắc chắn sẽ là thời điểm hồng ân vô cùng quý giá. Thực vậy, nhờ canh tân lòng sùng mộ Phép Lần Hạt Mân Côi, người ta sẽ làm vui lòng Trái Tim Tinh Tuyết Mẹ Maria và từ đôi tay từ ái của Mẹ họ sẽ đón nhận tất cả những ơn lộc quý trọng nhất từ Trái Tim Chí Thánh Chúa Giêsu.
Linh mục hùng biện Lacordaire OP đã từng nói: “Mỗi lần môi miệng của một người nào nhắc lại lời chào ‘Kính mừng Maria’ của thần sứ báo tin Maria Trinh Nữ thụ thai làm Mẹ, thì lòng Trinh Nữ lại rung lên cảm động khôn xiết, nhớ đến giây phút có một không hai chưa từng xảy ra trên trời dưới đất. Và đồng thời, cả thiên đàng lẫn trần gian đang tràn ngập nỗi vui mừng hạnh phúc ấy của Maria-Trinh Nữ.”
B. Kinh Mân Côi giúp ta cùng với Mẹ Maria quy hướng về Chúa Giêsu
Trong tông thư Về Phép Lần Hạt Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã giúp chúng ta nhận ra sự phong phú tuyệt diệu của Kinh Mân Côi. Có lẽ điều mà Đức Thánh Cha muốn nhấn mạnh hơn cả trong tông thư này đó là: Kinh Mân Côi là một lối cầu nguyện tuyệt diệu giúp ta cùng với Mẹ Maria quy hướng về Chúa Giêsu, chiêm ngưỡng chân dung, con người, cuộc sống, giáo huấn, phẩm hạnh của Chúa Giêsu. Tất cả hiệu quả của Kinh Mân Côi và mọi việc đạo đức đều tùy thuộc vào việc giúp ta hiểu biết, yêu mến, kết hợp với Chúa Kitô là nguồn mạch mọi ơn thánh.
Đức Gioan-Phaolô II cho thấy với việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi người ta được Mẹ Maria giúp quy hướng về Chúa Giêsu Kitô qua 5 điểm sau:
- Cùng Mẹ tưởng nhớ Chúa Giêsu
Với việc suy ngắm các mầu nhiệm Kinh Mân Côi, chúng ta ôn lại mọi biến cố then chốt trong cuộc đời Chúa Giêsu, Đấng là trung tâm của lịch sử cứu độ và điểm quy chiếu của toàn bộ Thánh Kinh. Theo ngôn ngữ của Thánh Kinh, việc tưởng nhớ này có nghĩa là làm cho các kỳ công của Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ nên hiện diện. Nếu Thánh Lễ là một hành động cứu độ trổi vượt với sự tưởng nhớ đem lại Sự Hiện Diện Đích Thực của Chúa Kitô, thì Kinh Mân Côi như một chiêm ngưỡng đem lại ơn cứu độ. Các bức họa diễn tả các mầu nhiệm Kinh Mân Côi giúp ta thực hiện việc chiêm ngưỡng này cách cụ thể dễ dàng hơn.
Tưởng nhớ còn là một chiều kích trong liên hệ yêu thương giữa ta với Chúa Giêsu, theo gương Mẹ Maria là người luôn ghi nhớ và suy niệm trong lòng những gì thuộc về Chúa. Mệnh lệnh “Hãy siêng năng lần hạt Mân Côi” của Đức Mẹ tại Fatima năm 1917 chẳng qua là một sự lập lại lời Chúa Giêsu khi lập Bí Tích Thánh Thể: “Hãy làm việc này để nhớ đến Ta” (Lc 21:19).
- Cùng Mẹ học hỏi Chúa Giêsu
Chúa Giêsu chính là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Người còn là Ánh Sáng thế gian, là Thầy Chí Thánh, là Đức Khôn Ngoan Nhập Thể. Còn Mẹ Maria lại là môn đệ đầu tiên và tuyệt hảo của Chúa Giêsu, là chính Tòa Đức Khôn Ngoan. Với Kinh Mân Côi, Mẹ dạy ta học hỏi với Chúa Giêsu là nguồn mọi sự khôn ngoan thông thái và là cội gốc của mọi nhân đức. Cách riêng Mẹ muốn ta học hỏi với Chúa Giêsu tinh thần vâng phục thánh ý Chúa Cha trong mọi sự. Ba nhân đức Mẹ muốn thấy nơi mỗi tín hữu Chúa Kitô hơn cả như Mẹ đã tỏ cho Thánh Faustina là khiêm nhường, trong sạch và kính mến Chúa. Mẹ muốn mọi người ghi lòng tạc dạ lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an” (Mt 11:29).
- Cùng Mẹ nên giống Chúa Giêsu
Mục đích tối hậu của đời sống Kitô hữu là trở nên giống Chúa Giêsu. Điều này không có nghĩa chỉ là biến đổi lối sống bên ngoài mà thôi, nhưng còn là một sự chuyển biến tận gốc nơi tâm hồn bằng việc kết hợp mật thiết với Chúa Kitô nhờ ơn thánh và Thần Khí của Người. Người tín hữu không chỉ sống như Chúa mà còn là sống nhờ Chúa và trong Chúa như ngành nho kết hợp với cây nho, như chi thể kết hợp với thân mình. Không ai kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu cách trọn hảo bằng Mẹ Maria. Và cũng không ai giúp ta nên giống Chúa Giêsu và kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu bằng Mẹ Maria. Thánh Augustinô gọi Mẹ là khuôn đúc nên Chúa Kitô. Chúa Kitô đã được Mẹ cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng cho đến lúc thành nhân. Cũng vậy, với Kinh Mân Côi, Mẹ tiếp tục giúp các tín hữu là những chi thể của Chúa Kitô đạt đến mức thành toàn trong Chúa Kitô một cách hoàn hảo.
- Cùng Mẹ cầu nguyện với Chúa Giêsu
Cầu nguyện là phương thế tuyệt hảo và tối cần để giúp ta được cứu rỗi và nên thánh. Nhưng như lời Thánh Phaolô, chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải (Rom 8:26), nên nhiều khi chúng ta không được nhậm lời vì chúng ta cầu nguyện không đúng cách (James 4:2-3). Với Kinh Mân Côi, Đức Mẹ vừa dạy ta cầu nguyện với tâm tình khiêm nhường, yêu mến, cậy tin của Mẹ, vừa cầu thay nguyện giúp cho ta như đã chuyển cầu cho đôi tân hôn tại tiệc cưới Cana: Lời cầu Đức Mẹ làm ra những gì Thiên Chúa phán truyền làm nên. Thánh Bênađô nói rằng muốn được ơn mà không nhờ Đức Mẹ chuyển cầu như muốn bay mà không có cánh. Mẹ Têrêsa Calcutta và các chị trong Dòng của Mẹ thường lần chuỗi Mân Côi trước Thánh Thể mỗi ngày. Mẹ nói rằng lần chuỗi trước Thánh Thể là yêu mến Chúa Giêsu với Trái Tim Đức Mẹ.
- Cùng Mẹ loan báo Chúa Giêsu
Nhờ chuyên cần chiêm ngắm các mầu nhiệm Chúa Giêsu nơi Kinh Mân Côi, người tín hữu ngày càng thêm hiểu biết, yêu mến và có cùng tâm tư như đã có nơi Chúa Giêsu. Sự đầy Chúa này nơi họ giúp họ dễ dàng loan báo Chúa Giêsu cho tha nhân. Nội dung phong phú nơi các mầu nhiệm Kinh Mân Côi kèm với những kinh nghiệm thiết thân về những hoa trái tuyệt diệu của việc đọc Kinh Mân Côi là những đề tài gợi hứng cho việc loan báo Chúa Giêsu.
C. Noi Gương Các Thánh Sùng Mộ Kinh Mân Côi
Trong Tông Thư Về Kinh Mân Côi, Đức Gioan-Phaolô II nhìn nhận rằng ngài “không thể nêu tên tất cả các vị thánh đã khám phá nơi Kinh Mân Côi một con đường đích thực để tăng trưởng trong sự thánh thiện”. Tuy vậy, Đức Thánh Cha vẫn nêu tên ba vị đáng được gọi là tông đồ của Phép Lần Hạt Mân Côi, giúp chúng ta có những tấm gương cụ thể để noi theo. Đó là Thánh Luy Maria Mongpho, Thánh Padre Piô Pietrelcina (Cha Piô Năm Dấu Thánh) và Chân Phước Bartolo Longo.
Thánh Luy Maria Mongpho (1673-1716):
Trong tác phẩm Hồng Ân và Huyền Nhiệm viết nhân kỷ niệm Kim Khánh Linh Mục, Đức Gioan-Phaolô II đã viết về ảnh hưởng của Thánh Mongpho đối với ngài như sau: “Đây là nguồn gốc khẩu hiệu Totus tuus. Câu đó là của Thánh Luy Maria Mongpho. Nó là sự tóm tắt công thức dâng mình cho Mẹ Thiên Chúa… Nhờ Thánh Luy, tôi bắt đầu khám phá ra sự phong phú khôn lường của việc sùng kính Mẹ Maria bằng một chiều kích mới. Tôi được giúp đỡ rất nhiều nhờ quyển sách mang tựa đề Thành Thực Sùng Kính Đức Mẹ của Thánh Luy Maria Mongpho. Nơi đó tôi tìm được những câu trả lời cho các vấn nạn của tôi. Phải, Mẹ Maria thật sự đem chúng ta lại gần Chúa Giêsu, Mẹ thật sự dẫn chúng ta đến với Ngài, miễn là chúng ta sống mầu nhiệm của Mẹ trong Chúa Giêsu”.
Bên cạnh tác phẩm thời danh Thành Thực Sùng Kính Đức Mẹ, Thánh Mongpho còn viết hai tác phẩm khác về Mẹ là Bí Mật Mẹ Maria và Bí Mật Kinh Mân Côi. Một khi đọc cả ba tác phẩm trên, người ta có cảm nghĩ rằng sốt sắng đọc, suy niệm và sống theo các mầu nhiệm Kinh Mân Côi chính là phương thế tuyệt hảo giúp ta khám phá ra bí mật Mẹ Maria và có được lòng sùng kính đích thực dành cho Mẹ để được cứu rỗi và nên thánh.
Người ta không thể tiếp tục dửng dưng đối với việc sùng kính Mẹ Maria qua việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi khi đọc những hàng sau trong tác phẩm Thành Thực Sùng Kính Đức Mẹ của Thánh Mongpho:
“Đức Mẹ đã nói với Chân Phước Alain de la Roche: ‘Con phải hiểu và cũng phải nói cho kẻ khác biết rằng, Kinh Kính Mừng là kinh đã cứu rỗi nhân loại. Vậy ai coi thường hoặc đọc kinh này cách lôi thôi, đó là dấu gần như chắc, người đó sẽ mất linh hồn đời đời’. Muốn biết người nào có thuộc về Chúa hay không, hãy xem coi họ có thích đọc Kinh Kính Mừng và lần hạt không.
“Các bạn nô lệ của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, người đã được Chúa chọn, bạn hãy hiểu cho rằng, Kinh Kính Mừng là kinh tốt nhất sau Kinh Lạy Cha. Đây là lời ca tụng hoàn hảo nhất mà bạn có thể dâng lên Mẹ. Vì đây là Lời Chúc Tụng chính Thiên Chúa đã sai một đại sứ thần mang đến để làm vui lòng Mẹ. Lời ca tụng này có mãnh lực sâu xa thầm kín trong tâm hồn đến độ Maria vui lòng chấp nhận mang thai Ngôi Hai Nhập Thể, dù con người của Maria rất khiêm tốn. Và đây cũng là lời chúc tụng mà chắc chắn bạn sẽ được lòng Mẹ, nếu bạn đọc thực hẳn hoi.
“Đọc Kinh Kính Mừng cho chăm chỉ sốt sắng và khiêm nhường– các thánh đồng công nhận ta sẽ đuổi được Satan địch thù, và như dùng búa đập tan chúng, thánh hóa ta, làm cho thần thánh hoan hỉ, là khúc ca mê ly của người Chúa chọn, là Ca Vịnh của Tân Ước làm vui lòng Mẹ và làm sáng danh Chúa Ba Ngôi. Kinh Kính Mừng là sương trời làm cho tâm hồn được sung mãn, là nụ hôn yêu thương trắng trong mà ta tặng Mẹ, là đóa hồng thắm tươi ta trao Mẹ, là viên ngọc quý, là bình thuốc thơm quý giá, là của mỹ vị thần lương ta dâng lên Mẹ. Đó là câu các thánh thường ví.”
Với tất cả lòng mến yêu chân thành sâu xa dành cho quý ông bà và anh chị em như những người thân yêu nhất của tôi trong Trái Tim Chúa Giêsu và Maria, tôi tin rằng giây phút này đây Mẹ Maria muốn tôi mượn chính những lời sau của Thánh Mongpho để nói với từng người: “Vì lòng tôi thương mến bạn trong Chúa Giêsu và Mẹ Maria, tôi van xin bạn không những đọc kinh vòng hoa mà còn nên lần hạt 50 mỗi ngày, tốt hơn nữa là lần chuỗi 150 (hay 200 để thêm 5 sự sáng, hay 250 với 5 mầu nhiệm về Thánh Thể), rồi tới giờ cuối cùng bạn sẽ nhớ lại ngày này, giờ này bạn vừa gặp tôi, nghe tôi, đúng là ngày hồng phúc cho bạn. Nếu gieo gió, gặt bão, thì gieo phúc lành của Chúa Giêsu và Maria, bạn sẽ gặt hái phúc lành đời đời (2Cor 9:6)”.
Thánh Pio Pietrelcina
(1887-1968):
Thánh Padre Piô được nhiều người biết đến như một vị thánh ngay lúc sinh thời và là một vị thánh linh mục duy nhất được mang 5 dấu thánh. Sau khi ngài qua đời ngày 23/9/1968, có đến hơn một trăm ngàn người tham dự lễ an táng của ngài. Lễ phong thánh của ngài vào đúng Ngày Hiền Phụ 16/06/2002 là một lễ phong thánh có đông người tham dự nhất xưa nay, với con số gần nửa triệu người!
Để giúp các tín hữu nỗ lực noi gương đời sống thánh thiện của ngài qua việc suy tôn mầu nhiệm Thánh Giá và sùng kính Đức Mẹ qua chuỗi Mân Côi, Giáo Hội đã đặt lễ của ngài vào bậc lễ nhớ buộc phải cử hành ngày 23/9 hàng năm.
Có lẽ không một vị thánh nào lần hạt Mân Côi nhiều hơn Cha Thánh Piô. Một lần có người hỏi ngài lần bao nhiêu chuỗi mỗi ngày, ngài trả lời là 35 chuỗi trọn!!! Người ấy hỏi làm sao ngài lần được nhiều như thế, ngài trả lời: “Sao bạn không thể cầu nguyện được nhiều như thế?” Ngài cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi gần như trong mọi nơi người ta gặp thấy. Ngài thường nói: “Chuỗi Mân Côi là vũ khí trong tay.”
Khi được hỏi di sản ngài muốn trối lại cho các con thiêng liêng của ngài là gì, Cha Thánh Piô đã trả lời: “Lần chuỗi Mân Côi!” Ngài cho rằng việc Đức Mẹ hiện ra ở mọi nơi kêu mời người ta đọc kinh Mân Côi là điều chắc chắn khiến ta phải chuyên cần đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày. Ngài nói: “Còn kinh nguyện nào đẹp hơn Kinh Mân Côi, kinh chính Mẹ dạy ta. Hãy luôn lần chuỗi Mân Côi”. Hai ngày trước khi qua đời ngài còn nói: “Hãy yêu Đức Mẹ và làm cho Đức Mẹ được yêu. Hãy lần chuỗi Mân Côi và lần luôn luôn và lần càng nhiều càng tốt”.
Nhờ chuyên chăm sốt sắng lần chuỗi Mân Côi, Cha Thánh Piô đã kéo được biết bao ân lộc xuống cho bản thân ngài và cho những ai đến với ngài. Đức Mẹ đã thường xuyên hiện đến với ngài và đã giúp ngài trở nên một vị đại thánh của thế kỷ XX. Gương sáng và lời dạy của Thánh Piô phải đánh tan lý luận ngạo mạn của những kẻ làm biếng và kiêu ngạo thường chủ trương chỉ đọc 3 kinh hay 10 kinh là đủ, hoặc coi thường việc lần chuỗi Mân Côi.
Chân Phước Bartolo Longo (1841-1926):
Trong Tông Thư về Kinh Mân Côi, Đức Gioan-Phaolô II gọi Chân Phước Bartolo Longo là “tông đồ đích thực của Kinh Mân Côi.” Cuộc đời của Bartolo là một chứng từ mạnh mẽ cho quyền năng biến đổi cuộc đời của Kinh Mân Côi.
Chân Phước Bartolo sinh năm 1841 tại Latiana, phía Nam nước Ý, trong một gia đình bác sĩ khá giả. Vào thập niên 1860 khi bước vào đại học theo ngành luật, Bartolo bắt đầu lãnh đạm với đức tin Công Giáo. Tệ hơn, anh còn thù ghét Hội Thánh, xuống đường biểu tình chống Đức Thánh Cha, sống bê tha phóng túng. Anh còn tham gia các nhóm thờ quỷ và được phong chức tư tế để cử hành các nghi thức thờ quỷ.
Vì sống phóng túng và thực hành các việc chay tịnh lạ kỳ của các nhóm thờ quỷ, mới ở tuổi 23 Bartolo đã bị suy nhược sức khỏe và tinh thần trở nên chán ngán. Nhờ sự cầu nguyện kiên trì của gia đình, anh đã được giới thiệu đến gặp Cha Alberto Radente thuộc Dòng Đaminh. Cha đã ăn chay cầu nguyện cho anh và giúp anh trở lại đức tin Công Giáo.
Năm 1871, Bartolo tuyên khấn trong Dòng Ba Đaminh. Cha Alberto đặt tên cho anh là “Anh Mân Côi” và bảo anh rằng Đức Mẹ hứa sẽ cứu rỗi những ai truyền bá Kinh Mân Côi. Bartolo đã làm mọi việc thiện để bù lại gương xấu trong quá khứ. Anh tham gia việc từ thiện của các tổ chức tông đồ giáo dân và thuyết trình chống lại các nhóm thờ quỷ trước kia anh đã đi theo. Anh còn khấn độc thân để phụng sự Chúa cho trọn.
Một buổi tối nọ, Bartolo bỗng cảm thấy tuyệt vọng về phần rỗi của anh. Anh sợ rằng dù đã hối cải, anh vẫn còn là một nô lệ của Satan và chắc chắn sẽ phải sa hỏa ngục. Anh bị cám dỗ tự tử! Bỗng dưng anh chợt nhớ đến lời hứa của Đức Mẹ: “Ai truyền bá Phép Lần Hạt Mân Côi của Mẹ sẽ được cứu rỗi”. Tâm hồn anh như bừng sáng và được phục sinh. Từ đó anh không ngừng nỗ lực truyền bá Kinh Mân Côi.
Năm 1875, anh thiết lập một Đền Thánh Đức Mẹ Mân Côi. Với sự yêu cầu của Đức Giám Mục địa phương, anh đứng ra quyên góp và xây dựng một thánh đường lớn hơn. Đền Thánh Đức Mẹ Mân Côi Pompeii được hoàn thành và thánh hiến năm 1887. Đền Thánh này đã là nơi xảy ra nhiều ơn trở lại và trở thành một trung tâm hành hương quốc tế.
Bartolo qua đời ngày 5/10/1926. Trước lúc lìa trần, ngài nói: “Ước muốn duy nhất của tôi là được gặp Mẹ Maria, Người đã cứu tôi khỏi nanh vuốt Satan. Đức Gioan-Phaolô II đã tôn ngài lên bậc Chân Phước năm 1980 và gọi ngài là “Người của Mẹ Maria”.
Từ hố vực thẳm sâu của tội lỗi và tuyệt vọng, của thái độ phản nghịch cùng Thiên Chúa và lòng thù hận Hội Thánh, Bartolo Longo đã vươn lên đến đỉnh cao của sự thánh thiện. Ngài trở thành chứng tích hùng hồn về tác động của ơn thánh và lòng thương xót Chúa dành cho những ai tôn sùng Đức Mẹ và yêu mến Phép Lần Hạt Mân Côi.
Kinh Mân Côi: Bảo Chứng
Phần Rỗi Và Mối Dây Tình Ái:
Là sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế, mỗi khi nói đến Mẹ Maria và Kinh Mân Côi, chúng tôi không thể không nhớ đến gương nhiệt thành yêu mến Đức Mẹ và Kinh Mân Côi của Thánh Tổ Phụ Anphong.
Ngài có thói quen cứ mỗi khắc đọc một Kinh Kính Mừng dâng Đức Mẹ. Dù bận rộn với công việc là Giám Mục địa phận, Bề Trên lập dòng, viết sách và giảng dạy, mỗi ngày ngài vẫn lần đủ 8 chuỗi 50. Khi về già, có lần ngài lần chuỗi gần xong, thầy giúp cho ngài hối ngài đọc cho mau xong để đi ăn. Ngài ôn tồn bảo thầy: “Này thầy, được đọc một Kinh Kính Mừng còn quý hơn tất cả mọi bữa tiệc trên trần gian.” Lần khác khi đã về già, ngài hỏi thầy giúp ngài: “Thầy ơi, hôm nay tôi đã lần chuỗi đủ chưa?” Thầy trả lời: “Có lẽ đủ rồi Đức Cha ạ.” Khuôn mặt ngài bỗng tỏ ra lo lắng, ngài nói: “Có lẽ, có lẽ…Thầy không biết là khi tôi hỏi về Kinh Mân Côi là tôi hỏi về phần rỗi đời đời sao? Phần rỗi của tôi tùy thuộc vào Kinh Mân Côi đó!”
Chúng ta phải tạ ơn Chúa chừng nào khi được sống dưới triều đại của một Vị Giáo Hoàng của Mẹ Maria, được đón nhận tông thư tuyệt vời của ngài về Kinh Mân Côi, được sống trong Năm Mân Côi đầu tiên trong lịch sử Hội Thánh, được đón mừng Ngân Khánh Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II.
“Vui lên, hỡi đầy ơn phúc, Chúa ở cùng người!”(Lc 1:28)
Lời Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel nói với Mẹ Maria trong Phúc Âm của Thánh Lễ hôm nay một cách nào đó cũng là lời nói với mỗi người và với mọi người chúng ta nơi đây.
Chúng ta phải vui lên vì Chúa đã ban Mẹ đầy ơn phúc của Người cho chúng ta.
Chúng ta phải vui lên vì Mẹ muốn chuyển thông nguồn ơn phúc của Mẹ cho chúng ta qua Kinh Mân Côi.
Chúng ta phải vui lên vì chúng ta được tham dự Thánh Lễ này để kính Mẹ Mân Côi trong bối cảnh đầy ơn phúc của Năm Mân Côi đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội. Phải chăng đây là dấu chỉ cho thấy Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã muốn liên kết hết thảy chúng ta với Chúa, với Mẹ và với nhau bằng mối dây tình yêu cứu rỗi của Kinh Mân Côi huyền diệu?
Vậy giờ đây, tôi xin gửi đến quý ông bà anh chị em lời mời gọi thiết tha của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II trong Tông Thư Về Kinh Mân Côi: “Hãy cầm lại Chuỗi Mân Côi với lòng tin tưởng. Hãy tái khám phá Kinh Mân Côi dưới ánh sáng của Kinh Thánh, trong sự hài hòa với Phụng vụ và trong bối cảnh đời sống hàng ngày của anh chị em”.
Và cùng với Vị Cha Chung khả ái, mượn lời Chân Phước Bartolo Longo, chúng ta hãy dâng lên Mẹ Mân Côi những lời nguyện thiết tha cảm động này:
“Ôi Tràng Hạt Mân Côi của Đức Maria, sợi dây êm ái nối kết chúng tôi với Thiên Chúa, mối ràng buộc chúng tôi với các thiên thần, đồn lũy ơn cứu độ chống lại các cuộc tấn công của hỏa ngục, bờ bến an toàn tránh khỏi đắm chìm đồng loạt, chúng tôi không bao giờ từ bỏ bạn. Bạn là nguồn an ủi chúng tôi trong giờ lâm tử: nụ hôn cuối cùng chúng tôi dành cho bạn khi từ giã cõi đời. Và lời nói cuối cùng thốt lên từ môi miệng chúng con sẽ là danh êm dịu của Mẹ. Ôi Nữ Vương Mân Côi ở Pompeii, lạy Mẹ rất dấu yêu, Nơi trú ẩn của những người tội lỗi, ôi Đấng yên ủi tuyệt hảo của kẻ ưu phiền. Nguyện Mẹ được chúc phúc ở mọi nơi, hôm nay và mãi mãi, dưới trần gian và trên các tầng trời”.
Đời con một chuỗi Mân Côi
Hạt Thương xen lẫn hạt Vui hạt Mừng.
Lm. JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR.
https://youtu.be/LbDMIT7NjB0