Mùa Chay và con đường dẫn đến tình bạn

Sống kiếp làm người, ai cũng có những người bạn và cần có bạn, có thể là bạn hàng xóm, bạn đi đường, bạn học, bạn cùng làm, bạn cùng ý hướng hay bạn đời và nhiều người bạn khác nữa. Với những người bạn, ta lại có những mức độ thân thiết khác nhau, từ bình thường đến sâu đậm. Vậy, làm thế nào để ta có thể sống một tình bạn như Chúa Giê-su đã dạy: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13)?

Tình bạn theo lời dạy của Đức Ki-tô thật khó để có thể đạt được. Tuy nhiên, ta đừng lo vì Đức Giê-su đã làm được trong thân phận là một con người. Chính Đức Giê-su đã là mẫu gương để ta noi theo. Hơn 2000 năm qua, Giáo Hội đã và đang sống lời dạy của Chúa bằng tất cả trái tim của mình. Đặc biệt mỗi Mùa Chay đến, lời mời gọi của Thầy Chí Thánh lại vang lên và làm bừng sáng con tim mỗi người Ki-tô hữu. Để có được tình bạn sâu sắc, ta hãy cùng học theo Đức Giê-su để biết về con đường dẫn đến tình bạn trong Mùa Chay Thánh này. Nhờ vậy, ta mới sống cho nhau, sống vì nhau như những người bạn của và trong Đức Giê-su Ki-tô.

Một tình bạn cần phải được tôi luyện qua những thăng trầm của cuộc sống. Một tình bạn cần có sự thay đổi cách tiệm tiến từ chính bản thân mình. Từ đó, tình bạn càng thêm thắm thiết và đạt đến sự viên mãn nhất.

1. Thay đổi bản thân

Ta cần phương thế nào để biết mình là ai và để thay đổi bản thân? Đó là cầu nguyện. Đức Giê-su đã dạy cho các môn đệ cách cầu nguyện như thế nào và ở đâu là tốt nhất. Tin Mừng ngày Thứ Tư Lễ Tro chỉ rất rõ: “Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6, 6). Cầu nguyện giúp ta nhận ra được chính mình trong mối tương quan với Thiên Chúa. Cầu nguyện cho ta biết mình đang đứng ở đâu trong hành trình theo Chúa. Như thế, ta sẽ biết mình đang có gì và cần gì để thay đổi. Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay kể về việc Đức Giê-su chịu cám dỗ (Mt 4, 1-11). Cơn cám dỗ thứ nhất: “Khi ấy tên cám dỗ đến gần Người và nói: nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi” (Mt 4,3).

Tên cám dỗ thủ thỉ những lời thật ngọt ngào và đúng đắn. Ta không nhận thấy có điều gì sai trái ở đây cả. Đây là nhu cầu rất chính đáng mà mỗi người vẫn làm hằng ngày. Ta đói thì cần phải ăn. Với những gì đang có, ta có quyền làm điều này hay điều kia. Tuy nhiên nếu đọc kỹ, ta sẽ thấy đây là lời cám dỗ về vấn đề lạm dụng tư cách. Nếu không cẩn thận, ta có thể sẽ đánh mất nhân phẩm, đánh mất tư cách trong những điều tưởng chừng xem ra rất hợp với tự nhiên, rất hợp với lý trí. Trong tư cách là Con Thiên Chúa, Đức Giê-su hoàn toàn có lý do để thực hiện việc hóa đá thành bánh ăn. Tuy nhiên nhờ cầu nguyện, Đức Giê-su đã vượt qua cơn cám dỗ, đã sống đúng trong tư cách một Con Người đích thực. Một Con Người luôn thi hành ý Thiên Chúa và sống bằng Lời Thiên Chúa. Người biết mình là ai trong mối tương quan với Thiên Chúa.

Đức Giê-su đã không cậy dựa trong tư cách là Con Thiên Chúa nhưng đã sống trong tư cách một Con Người, chịu mọi thử thách và đã vượt thắng để làm mẫu gương cho ta là những con người yếu hèn. Chúa Nhật II Mùa Chay cho ta thấy được sự biến đổi tận căn nơi con người Đức Giê-su. Người biến đổi thân xác thành một thân xác hoàn toàn mới, tràn ngập ánh sáng vinh quang (Mt 17, 1-9). Đức Giê-su cho chúng ta biết Người đích thực là ai. Thế mà, Người đã trở thành một Con Người để làm bạn với con người, thông cảm với những đớn đau của con người và giúp con người vượt thắng những cám dỗ. Đó cũng chính là bài học cho mỗi con người trước khi sống trong mối tương quan với tha nhân, trước khi muốn có tình bạn tốt.

2. Mở ra với tha nhân

Nếu chỉ thay đổi bản thân mà không biết mở ra với tha nhân, ta cũng chẳng thể nào có được những người bạn. Chắc chắn một trong hai người phải là người đi bước trước trong vấn đề tạo lập tình bạn. Chúa Nhật III Mùa Chay cho ta cái nhìn rất rõ về vấn đề này. Tin Mừng Ga 4, 5-42 cho ta thấy việc Đức Giê-su đã đi bước trước bằng cách xin nước uống từ người phụ nữ Sa-ma-ri. Xin ai đó một cái gì cũng là lúc ta tự hạ thấp bản thân. Ta thiếu nên ta mới xin.

Nếu nhìn vào tập tục người Do-thái, ta khó có thể chấp nhận được việc một người đàn ông Do-Thái lại đi xin nước một người phụ nữ Sa-ma-ri. Chính người phụ nữ này cũng rất ngỡ ngàng về điều đó. Chị này nói: “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao?”. Đức Giê-su đã biết được những đau buồn, tủi nhục nơi người phụ nữ này khi chị ta phải đi lấy nước vào khoảng mười hai giờ trưa và đã giúp cho chị nhận ra được bản thân mình. Người đã đi bước trước bằng cách hạ mình xuống. Người đã mở lòng mình ra để chị ta dễ dàng đón nhận một tình bạn mới. Đức Giê-su đã làm cho chị ta từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác và chính những ngỡ ngàng đó thôi thúc chị, đã giúp chị vượt qua những rào cản về bản thân mình để loan báo cho người khác biết về Đức Giê-su.

Do đó, một tình bạn được nảy nở, được nhân rộng ra. Trong cuộc sống, ta không có quyền bắt người khác làm bạn của mình. Ta muốn có được sự thiện cảm từ người khác thì cần phải mở lòng mình ra để họ hiểu ta. Gặp một người xa lạ, ta đâu có dễ dàng trở thành bạn của nhau được luôn nếu không cảm thấy quý mến và biết được chút nào đó về người ta. Như vậy, chính việc hạ mình xuống và mở lòng ra làm cho ta có nhiều bạn hơn, làm cho ta đón nhận được nhiều sự quý mến hơn từ người khác.

3. Trung tín trong tình bạn

Ai cũng muốn mình có nhiều bạn, có những tình bạn thật sâu đậm và thắm thiết, những tình bạn tri âm tri kỷ đến mức “hạt gạo cắn làm đôi”. Để được như thế, ta phải luôn có những hành động thật tốt giúp những người bạn của mình khi họ gặp khó khăn trong cuộc sống. Là bạn của nhau đâu phải khi người ta đang có chức, có quyền mà chính là khi người ta đang gặp hoạn nạn. Ta vẫn biết câu nói: Khi gặp hoạn nạn, ta mới biết ai là bạn, ai là thù.

Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay (Ga 9, 1-41) kể về việc Đức Giê-su chữa một người mù từ thuở mới sinh. Ta có thể nhận thấy anh mù này rất đau khổ về tình trạng của mình cả về thể lý lẫn tâm lý. Anh ta dường như đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Anh dường như sống vật vờ qua kiếp sống khổ đau này. Mọi hy vọng để thay đổi số phận của mình dường như là con số không. Tuy nhiên, Đức Giê-su đã mang đến hy vọng cho anh ta. Người không cần anh ta phải xin. Sự yếu đuối nơi Đức Giê-su lại được thể hiện khi không thể làm ngơ trước nỗi cơ cực của người thanh niên mù này. Một tình người, sự nhạy bén trong tình bạn lại xuất hiện. Thấy một người bạn xa lạ đang gặp đau khổ, Người đã bày tỏ lòng thương xót. Cuộc sống đau khổ nơi người thanh niên mù đã là tiếng nói thúc giục trái tim nhân từ của Đức Giê-su và Người đã hành động. Sự trung tín của Thiên Chúa với con người lại được diễn tả nơi Chúa Giê-su trong thân phận Con Người.

Hơn thế nữa, Chúa Nhật V Mùa Chay (Ga 11, 1-45) kể về phép lạ Đức Giê-su làm cho anh La-da-rô sống lại. Tin Mừng trình thuật cho ta hai cảnh trái ngược nhau: một bên là sự sống và một bên là sự chết. Nơi không có Đức Ki-tô chỉ là đau khổ, nước mắt và sự chết. Khi Đức Ki-tô đến, Người làm cho cảnh vật dường như có sức sống. Người biến những giọt nước mắt của đau khổ thành những giọt nước mắt của niềm vui. Người làm cho trái tim con người đang phủ đầy bóng đêm do thần chết đe dọa trở nên bừng sáng.

Hình ảnh Đức Giê-su khóc thương La-da-rô cho ta thấy tình bạn giữa hai người sâu đậm như thế nào. Người không chỉ ngồi đó để khóc lóc nhưng đã hành động. Người biến đau khổ thành niềm vui, biến sự chết thành sự sống. Người làm những điều không thể thành có thể. Một tình bạn sâu đậm là như thế. Tình bạn sẽ làm cho người mất hy vọng có hy vọng, làm cho người đau khổ được vui mừng và làm cho sự chết trở thành sự sống.

4. Hiến thân vì tình bạn

Nếu tình bạn chỉ dừng lại qua việc giúp đỡ người khác bằng tất cả những gì mình có thì vẫn chưa đủ, dẫu biết rằng đó đã là rất tốt rồi. Nhưng, Đức Giê-su đòi ta phải sống cách triệt để hơn: chết vì bạn hữu (Ga 15,13). Đó là một đòi hỏi thật khó khăn. Từ Chúa Nhật Lễ Lá đến Thứ Sáu Tuần Thánh cho ta thấy được chữ “tình” trong con người Đức Giê-su. Trải dài trong lịch sử nhân loại, ta cũng chẳng bắt gặp được tình bạn nào như tình bạn Đức Giê-su dành cho con người. Một tình bạn được gắn chặt bởi sợi dây “con người là hình ảnh Thiên Chúa”. Người là Thiên Chúa nhưng đã quỳ xuống để rửa chân cho con người, rửa chân cho những thụ tạo mình đã dựng nên, rửa chân cho những kẻ sẽ chối mình, sẽ hại mình.


Một cảnh tượng vượt quá sức tưởng tượng của con người. Có lẽ nào con người đã mất khả năng tự rửa chân cho chính mình. Hơn nữa, Người đã trở nên lương thực cho con người ăn để họ được sống. Con người đánh mất cuộc đời vì đã ăn phải thứ không được ăn. Giờ đây, Đức Ki-tô trở thành của ăn trường sinh cho con người. Cuối cùng, Người đã phó mặc bản thân trong bàn tay con người. Chính khi đó, Người nắm lấy tay con người để đưa họ ra khỏi sự chết. Người không nỡ nhìn những người bạn của mình sẽ phải sống xa mình mãi mãi. Người đã dùng cái chết của mình để cứu họ. Đó là một tình bạn viên mãn.

Kết luận bằng việc trích dẫn những lời sau đây trong thông điệp Mùa Chay của Đức Giáo Hoàng Phanxico 2017 khi Ngài nói tha nhân là một hồng ân: “Mùa chay là mùa thuận tiện để mở cửa cho mỗi người túng thiếu và nhận ra nơi họ khuôn mặt của Chúa Kitô. Mỗi người đến gặp chúng ta là một hồng ân và đáng được tiếp đón, tôn trọng và yêu mến. Lời Chúa giúp chúng ta mở rộng đôi mắt để đón tiếp và yêu mến sự sống, nhất là khi sự sống ấy yếu ớt”. Chủ đề về tình bạn chỉ là một chủ đề rất nhỏ trong Mùa Chay này để chúng ta tự suy ngẫm về chính bản thân mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Ta cùng sống tình bạn trong Đức Ki-tô.

H.H

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *