Ngày 10 tháng 1 Chân phước AN-NA MÔN-TÊ-GU-ÐÔ Trinh nữ (1602-1686)

Ngày 10 tháng 1
Chân phước AN-NA MÔN-TÊ-GU-ÐÔ
Trinh nữ (1602-1686)

Tiểu sử
Tiểu sử cuộc đời chân phước An-na được trích dẫn từ hồ sơ dân sự : chị An-na chào đời năm 1602 tại A-rê-ghi-pa, nước Pê-ru. Song thân của chị là ông Xê-bát-ti-a-nô Môn-tê-gu-đô và bà Phan Sinh Pông đã giao phó chị cho các nữ tu Ða Minh ở tu viện thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na. Tại đây, chị đã nhận được một nền giáo dục tốt về đời sống tâm linh. Thân phụ của chị có quan hệ thân thiết với đức cha Tô-ma Vi-lơ-nớp là tổng giám mục Va-len-xơ (U1555). Ðức cha là một vị thánh tu sĩ dòng thánh Âu-tinh vào thời kỳ vàng son của nước Tây Ban Nha. Thân mẫu của chị sinh tại A-rê-ghi-pa, một thành phố được xây dựng trong thời kỳ chinh phục Tân Thế giới, dưới chân ngọn núi lửa Mít-ti hùng vĩ thuộc vương quốc cổ xưa của những người Anh-ca.

Chị An-na là con gái duy nhất trong gia đình có hai anh em trai, một trong hai người là linh mục và vị này đã thừa hưởng phần gia tài của chị khi chị gia nhập tu viện thánh Ca-ta-ri-na. Chị lãnh tu phục năm 1618, tuyên khấn năm 1619, làm tu viện trưởng năm 1645 rồi ngã bệnh năm 1676 và qua đời năm 1686.

Chị An-na là người chiêm niệm và cầu nguyện. Chị không bao giờ rời khỏi đan viện. Ðây là một toà nhà được xây dựng vào hậu bán thế kỷ XVI và có cấu trúc như một ngôi làng vùng An-đa-lu-xi. Chị cầu nguyện rất nhiều cho những người sống cũng như đã qua đời, cho giáo phận của chị có giám mục cai quản ; số là, giáo phận của chị tuy được thành lập năm 1577, nhưng mãi đến năm 1612 mới có giám mục tiên khởi, chị An-na khi đó được 10 tuổi. Trong thời của chị, giáo phận trải qua 9 vị giám mục coi sóc.

Trong đan viện có rất nhiều người cư trú, đôi khi có đến hơn 100 phụ nữ, nhiều gia đình và các khách vãng lai. Vào năm 1637, khi nước từ con thác Xanh La-gia-rơ gây ra nhiều thiệt hại to lớn, các nữ tu của tu viện thánh Ca-ta-ri-na đã góp phần đáng kể vào việc bác ái giúp các nạn nhân bị lũ.

Chị An-na sống cùng thời với thánh Gio-an Mai-san là một thầy trợ sĩ Dòng Ða Minh sống ở tu viện thánh Ma-ri-a Mác-đa-la tại Li-ma (U1645). Chị đã từng gắn bó với thầy Mai-san trong lời cầu nguyện và tinh thần hãm mình. Những năm cuối đời của chị đánh dấu bằng những đau đớn tột cùng về thể xác.

Chị An-na không để lại một tài liệu viết tay nào, cả các thư của chị cũng không được lưu giữ. Tuy nhiên, chính sự chói sáng về đời sống đạo đức lại là một chứng từ sống động về đời sống nội tâm sâu đậm của chị. Trong điếu văn lễ an táng của chị, người ta đã coi chị như là một ngôn sứ và là một cố vấn tài năng đã duy trì và bảo tồn đời sống lành mạnh cho thành phố lúc bấy giờ đang bị thương mại hóa bởi hàng giáo sỹ.

Trong chuyến viếng thăm nước Pê-ru, Ðức Gio-an Phao-lô II đã tuyên phong chị An-na lên bậc chân phước tại chính quê hương của chị là A-rê-ghi-pa vào ngày 2-2-1985.

Lời nguyện : Lạy Chúa là Ðấng cao cả vô cùng, Chúa đã ban cho chân phước An-na quà tặng quí giá là việc chiêm niệm, lòng ăn năn và tinh thần bác ái đối với mọi người chung quanh. Nhờ gương sáng và lời cầu bầu của người, xin cho chúng con học biết những gì đẹp lòng Chúa qua dấu chỉ thời đại. Chúng con cầu xin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *