26 tháng 6 Chân Phước Raymond Lull (1235-1315)

26 tháng 6

Chân Phước Raymond Lull

(1235-1315)

Hầu hết cuộc đời của Chân Phước Raymond là để giúp đỡ công cuộc truyền giáo và ngài từ trần khi truyền giáo ở Bắc Phi.

Raymond là con của một viên tướng chỉ huy ở Palma, Majorca và được làm việc dưới triều của Vua James I xứ Aragon, với công việc đại quản gia của triều đình. Tuy đã lập gia đình, nhưng Raymond vẫn còn gian díu với các thê thiếp. Một hôm khi đang viết thư cho tình nhân thì Raymond được thị kiến Ðức Kitô, và năm lần tiếp đó. Sau cuộc hành hương đến Compostela và Rocamadour, ngài gia nhập dòng ba Phanxicô, chia tài sản cho vợ con và tận hiến cuộc đời còn lại cho việc hoán cải người Hồi Giáo.

Lui về đời sống ẩn dật, ngài sống như một vị ẩn tu. Trong thời gian chín năm, ngài viết về mọi loại kiến thức mà công trình ấy giúp ngài xứng với danh hiệu “Tiến Sĩ Khai Sáng.” Sau đó, Raymond thực hiện nhiều cuộc hành trình đến Âu Châu để thuyết phục các giáo hoàng, các hoàng đế và thái tử trong việc thiết lập các trường đặc biệt nhằm chuẩn bị cho các nhà thừa sai trong công cuộc truyền giáo.

Sau nhiều lần thất bại, sau cùng vào năm 1311 ngài đã thành công khi Công Ðồng Vienne ra lệnh cho thành lập các phân khoa dạy tiếng Do Thái, Ả Rập và Canđê tại các trường đại học Bologna, Oxford, Balê và Salamanca.

Vào năm 79 tuổi, chính Raymond đến Bắc Phi để truyền giáo. Một đám đông người Hồi Giáo đã thịnh nộ ném đá ngài ở thành phố Bougie nhưng được các thủy thủ người Genoa cứu thoát. Trên con tầu trở về nước, ngài đã từ trần khi gần đến Majorca.

Chân Phước Raymond sáng tác rất nhiều. Ngài viết trên 300 luận án về triết học, âm nhạc, hàng hải, luật pháp, thiên văn, toán học, và thần học (hầu hết bằng tiếng Ả Rập). Ngài cũng sáng tác thi văn thần nghiệm và được coi là người tiên phong của Thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá trong lãnh vực này.

Lời Bàn

Chân Phước Raymond đã tận tụy trong việc loan truyền Phúc Âm. Sự thờ ơ của các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội cũng như sự chống đối ở Bắc Phi đã không làm ngài nản chí. Ba trăm năm sau, hoạt động của ngài bắt đầu có ảnh hưởng ở Mỹ Châu. Khi người Tây Ban Nha bắt đầu truyền giáo ở Tân Thế Giới, họ đã theo ý tưởng của ngài và thành lập các trường truyền giáo để chuẩn bị cho công cuộc này.

http://hddmvn.net/tusach/tusach/hanhcacthanh/theovetchannguoi.htm