Công đồng Vaticanô II đã coi đời thánh hiến của các tu sĩ là phương thế kết hiệp một cách đặc biệt với Giáo hội và với mầu nhiệm Giáo hội, do đó đời thánh hiến luôn nỗ lực đem lại lợi ích cho Giáo hội (LG, 44). Việc mưu cầu đó được thể hiện bằng cách “bắt chước cách chính xác hơn và thực hiện liên tục trong Giáo hội nếp sống Con Thiên Chúa đã nhận khi Người xuống thế để thi hành thánh ý Chúa Cha và cũng là nếp sống Người đã đề ra cho các môn đệ theo Người” (LG, 44). Như vậy, đời sống thánh hiến không chỉ là con đường tu đức nhằm mưu ích cho riêng chính bản thân mình nhưng là cho toàn thể thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô, tức Giáo hội. Bởi đó, người tu sĩ cũng phải có trách nhiệm chia sẻ những thao thức của Giáo hội.
Vào lúc 7h30′ ngày 2/2/2023, lễ kính Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thờ, tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận, Ban Tu sĩ Giáo phận Vinh đã tổ chức Ngày hội Đời sống Thánh hiến năm 2023 với chủ đề: “Tu sĩ sống tinh thần hiệp hành”. Đây là dịp vô cùng ý nghĩa và là kỷ niệm đáng nhớ đối với liên tu sĩ Giáo phận. Đây cũng là cơ hội để các tu sĩ gặp gỡ, học hỏi và sẻ chia những hồng ân Thiên Chúa tặng ban cho từng người. Nhờ đó, mọi người cùng nhau khám phá hạnh phúc đích thực trong đời tu để cùng nhau hăng say dấn thân phục vụ Nước Chúa hơn. Ngày hội ngộ năm nay chào đón sự tham gia của gần 700 nam nữ tu sĩ, thuộc 22 hội dòng, tu đoàn, hiệp hội, tu hội trên toàn Giáo phận.
Sau phần khởi động và khai mạc là bài chia sẻ của Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long. Trước tiên, ngài bày tỏ niềm vui vì sự hưởng ứng nhiệt tình của anh chị em tu sĩ. Tiếp đến, ngài đã từng bước giúp cho quý tu sĩ hiểu rõ hơn và đi sâu hơn vào những phương thế hữu hiệu trong đời sống tu trì giúp cho việc loan báo Tin mừng được lan rộng. Đặc biệt, Đức cha đã nhấn mạnh đến sự hiệp thông và sứ mạng của những người sống đời sống thánh hiến. Hiệp thông là cùng sống theo một lối sống hay cùng đi trên một con đường, cùng chia sẻ và gánh vác như Đức Giêsu đã đến, đã cùng đi, cùng sống, cùng chia sẻ với con người. Người tu sĩ cũng được mời gọi sống tinh thần hiệp thông trong đời sống thánh hiến: hiệp thông với Giáo hội, hội dòng, với cộng đoàn và hiệp thông với nhau trong sự khác biệt để cùng nhau phục vụ. Tiếp đến là cùng nhau tham gia: mỗi người đều phải triển nở, không ai được thụ động, dửng dưng, hay độc quyền nhưng bắt buộc phải tham gia vào công việc và sứ vụ được trao phó. Cuối cùng là thi hành sứ mạng: Chúa ban cho mỗi người một đặc sủng, khả năng khác nhau nên mỗi người hãy dùng để xây dựng và phục vụ Giáo hội cách tốt nhất. Hãy đi ra khỏi con người và vị trí của mình để đến với người khác bằng việc gặp gỡ, chia sẻ và lắng nghe, nhất là cùng nhau tìm thánh ý Chúa trong đời sống cầu nguyện để mang Chúa đến với mọi người.
Một khía cạnh mà Đức cha Anphong đề cập đến tình trạng loan báo Tin mừng chưa thực sự hiệu quả là do những trở ngại. Trở ngại lớn nhất trong công cuộc loan báo Tin Mừng không phải là những khó khăn bên ngoài nhưng là tình trạng các môn đệ Đức Kitô an phận khép kín, chưa thao thức “đi ra” đến những người còn ở xa. Đó là tình trạng thiếu lửa trong Giáo hội, thiếu nhiệt tình và niềm vui Tin mừng, thậm chí đánh mất chính Tin mừng.
Đức Giêsu mong đợi những người sống đời thánh hiến trong thế hệ hôm nay một lần nữa cùng nhau viết nên trang sử mới của một Giáo hội đi với nhân loại trong vui mừng, hy vọng, đau khổ, u buồn. Các tu sĩ khám phá lại ơn gọi hôm nay của mình là dấu chỉ và phương thế của Đức Giêsu đang cùng tiến bước với con người trên đường Vương quốc Thiên Chúa. Mỗi người cần phải tạo thành một gia đình để cùng nhau xây dựng Vương quốc Thiên Chúa ngay nơi mình sống và làm việc. Tính chất hiệp hành không chỉ là một dạng thức sống và hoạt động song cũng là một dạng thức đào tạo nữa. Khi cùng nhau sống, làm việc và yêu thương, những người sống đời thánh hiến hoàn thành điều mà Công đồng Vatican II nói: “Họ làm chứng cho thế giới rằng thế giới chỉ có thể xây dựng và biến đổi nhờ các giá trị Tin mừng thôi”.
Kết thúc buổi chia sẻ thứ nhất, Đức cha Anphong gửi đến tham dự viên một số câu hỏi mang tính chất thời sự để thảo luận, chia sẻ và đưa ra những phương hướng thích hợp trong sứ vụ của hội dòng cũng như việc hoạt động tông đồ được thực hiện cách hiệu quả.
Buổi hội ngộ thứ 2 tiếp tục vào lúc 13h30 với phần đúc kết các câu hỏi cũng như những gợi ý mà Đức cha Anphong đã đề ra trong buổi chia sẻ. Trước giờ đúc kết phần tìm hiểu các khía cạnh trong đời sống thánh hiến, các tham dự viên được tìm hiểu về đặc sủng linh đạo các hội dòng, nhân sự các hội dòng qua sự giới thiệu của quý thầy đại diện. Buổi hội ngộ tiếp tục chương trình với phần đúc kết của các tổ.
Cao điểm của ngày hội là thánh lễ diễn ra vào lúc 15h00′ do Đức Giám mục Giáo phận chủ sự. Đồng tế và hiệp dâng thánh lễ có Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên, quý cha Tòa Giám mục, quý cha thuộc các hội dòng trong Giáo phận cùng quý nam nữ tu sĩ.
Trong thánh lễ này, Đức Giám mục Giáo phận đã chủ sự nghi thức làm phép nến và rước nến vào nhà nguyện Trung tâm Mục vụ. Ngày 2/2/ hằng năm, Giáo hội mừng lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thờ hay còn gọi là Lễ Nến. Thánh lễ 40 ngày sau lễ Giáng sinh xuất hiện vào thế kỷ thứ V tại Giêrusalem, mãi đến năm 650 thì lễ này mới du nhập vào Rôma. Phụng vụ lời Chúa hôm nay cho mỗi người chiêm ngắm cuộc gặp gỡ Con Thiên Chúa với loài người. Hình ảnh ông Simêon và bà Anna cũng là hình ảnh của mỗi chúng ta. Mừng ngày lễ này, chúng ta được mời gọi trở nên con người của sự gặp gỡ, con người phản chiếu ánh sáng Chúa Kitô giữa trần gian.
Giảng trong thánh lễ, Đức cha Phụ tá Phêrô mời gọi các nam nữ tu sĩ cùng suy niệm về hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa đã dành tặng cho mình, ơn gọi làm người, ơn gọi được làm con Chúa và lớn lao hơn là ơn gọi thánh hiến. Mỗi người được Thiên Chúa tạo dựng một cách huyền nhiệm và độc đáo, không ai giống ai cả về thể xác lẫn tâm hồn, tính tình cũng như tài năng, “Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Chúa Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người” (Ep 1,11- 12). Bởi đó, không có ơn gọi nào giống ơn gọi nào. Mỗi người là tác phẩm độc nhất vô nhị của Thiên Chúa. “Mỗi người tùy theo ơn Chúa ban mà phục vụ kẻ khác, như những người quản lý trung tín giữ mọi ân sủng của Thiên Chúa” (1 Pr 4,10). Ơn gọi là lời mời để sống trong tình yêu với Thiên Chúa dù người đó sống bậc hôn nhân hay tu trì thánh hiến: “Mọi Kitô hữu đều được kêu gọi nên thánh trong bậc sống của mình và có nhiều con đường để nên trọn lành, chứ không chỉ qua con đường tu trì” (LG 11, 42).
Kết thúc bài chia sẻ, Đức cha giảng lễ đã gợi ra cho quý nam nữ tu sĩ một khuôn mẫu trong đời sống thánh hiến là gia đình Thánh Gia: Nơi gia đình Thánh Gia, mỗi người học được nơi Đức Maria đức vâng lời; học được đức thinh lặng nơi thánh Giuse và hy sinh của Chúa Giêsu.
Sau thánh lễ, cha Antôn Hồ Hữu Thông, Phó Ban Tu sĩ Giáo phận đã bày tỏ tâm tình tri ân tới quý Đức cha và quý cha cùng toàn thể quý tu sĩ nam nữ.
Về với Giáo phận là trở về trung tâm của Giáo hội địa phương. Đó không chỉ như một không gian địa lý nhưng còn như một cuộc trở về nguồn là chính trái tim đang truyền sự sống của toàn thể Dân Chúa trong Giáo phận. Một cuộc sum họp huynh đệ bao giờ cũng chan chứa tình hiệp thông và yêu mến hướng tới một tương lai tươi sáng… Nguyện chúc cho buổi gặp gỡ hôm nay là khởi điểm tốt đẹp, là tiền đề vững chắc cho bước đường phía trước để từ đây các tu sĩ can đảm và mau mắn ra đi để quảng đại chia sẻ và trao ban tình yêu thương cho muôn người.
Tâm Quảng