Tin tưởng nơi Chúa và kiên trì cầu nguyện (30.12- Ngày VI trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh)

Lời Chúa: 1 Ga 2,12-17, Lc 2,36-40

 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 2,36-40)
36 Khi ấy, có một nữ ngôn sứ là bà An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa. 38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
39 Khi hai ông bà đã hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về thành của mình là Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

Tin tưởng nơi Chúa và kiên trì cầu nguyện (30.12.2023)

Bài Tin Mừng hôm nay là đoạn tiếp theo của trình thuật Đức Maria và Thánh Giuse đem Chúa Giêsu Hài đồng lên Đền Thờ Giêrusalem để thực hiện các nghi lễ thanh tẩy cho Đức Maria và dâng hài nhi cho Chúa theo Luật dạy. Đang khi ông bà và hài nhi ở đó thì có cụ già Simêon được Thánh Thần thúc đẩy đã đến gặp họ. Cụ là một người công chính đã được Thánh Thần mách bảo sẽ không chết trước khi thấy Ơn Cứu độ. Khi gặp Hài nhi Giêsu và cha mẹ của Người, cụ đã ẵm lấy Hài nhi và nói những tiên báo về sứ mệnh của Hài nhi và những nỗi đau khổ Đức Maria sẽ phải chịu khi Hài nhi Giêsu thi hành sứ mệnh cứu độ nhân loại.

Lại có nữ ngôn sứ Anna hàng ngày cầu nguyện trong Đền thờ cũng dến gặp Hài nhi Giêsu, bà đã nhận ra Người chính là Đấng Messia mà dân đang mong đợi, bà “tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem.”

Còn thánh Giuse và Đức Maria, sau khi làm xong mọi việc theo luật dạy thì đem Chúa Giêsu về nhà. Người càng lớn thì càng thêm mạnh mẽ, khôn ngoan và đầy ân sủng.

Trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu thì bà góa thuộc thành phần những người nghèo khó bất hạnh nhất. Họ không có cả quyền mưu sinh. Nhưng chính trong những điều kiện khó khăn như thế các bà góa lại là những người luôn trông cậy và tín thác vào Chúa : một nữ ngôn sứ Anna suốt cuộc đời âm thầm liên lỉ cầu nguyện để mong gặp được Đấng Thiên sai; một bà góa nghèo khó tin tưởng phó thác cuộc đời cho Chúa đến nỗi đã dâng cúng vào Đền thờ tất cả tài sản là những đồng tiền để nuôi sống bà (x. Mc 12,38-44).

Những điều phải suy nghĩ về bà Anna.

  • Con người đơn sơ khó nghèo : Theo quan niệm của người Do Thái khi lập gia đình có đông con là được Thiên Chúa chúc phúc, vì đó là thực hiện lời hứa của Thiên Chúa : “dòng dõi sẽ đông như sao trên trời, như cát dưới biển” (St 22,17). Phụ nữ không có con sẽ bị xã hội chê cười. Thời xưa các thiếu nữ Do Thái lấy chồng rất sớm, khoàng 14-16 tuổi. Nếu bà Anna lấy chồng năm 15 tuổi và ở với chồng 7 năm rồi thành bà góa. Bà ở vậy đến khi 84 tuổi thì mới gặp Chúa Hài nhi. Như vậy bà đã “không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa” kiên trì, âm thầm ròng rã suốt 62 năm trong cảnh nghèo nàn đơn sơ.
  • Con người tin tưởng và cầu nguyện : Suốt hơn 60 năm rõ ràng bà Anna chỉ còn một mục đích duy nhất là ăn chay cầu nguyện mong chờ Đấng Messia đến. Hẳn là bà đã được Thiên Chúa ban ơn và bà đã lãnh nhận ơn ban của Chúa một cách tích cực thì mới có thế có sức mạnh tin tưởng vào Lời hứa của Thiên Chúa để kiên trì bền bỉ cầu nguyện như thế.
  • Vị ngôn sứ : Những năm tháng dài sống trong khó nghèo, chay tịnh, âm thầm liên lỉ cầu nguyện của bà Anna chính là lễ vật vô giá dâng lên Thiên Chúa và Người đã nhận lời. Vì thế khi bà Anna gặp Hài nhi Giêsu, Chúa đã cho bà đã nhận ra ngay đây chính là Đấng đến cứu Giêrusalem mà dân đang mong đợi. Lập tức bà đã loan báo, chia sẻ ngay tin vui này cho mọi người cũng đang ngóng chờ Đấng Cứu Thế như bà.

Lạy Chúa Giêsu Hài đồng, xin Chúa cho con biết học nơi bà góa Anna những đức tính dơn sơ nghèo khó, tin tưởng vào Chúa, kiên trì cầu nguyện và kết hiệp với Chúa, để con có sức mạnh và lòng can đảm từ bỏ được những ham muốn trần gian.

Xin Chúa ban Thánh Thần cho con để con mau mắn giới thiệu Chúa cho những người con gặp gỡ hàng ngày. Amen.

Jos. NM Tưởng 

Phụng sự Thiên Chúa (30.12.2021)

Tin Mừng hôm nay tiếp nối câu chuyện Chúa Giêsu được cha mẹ Người dâng con vào đền thờ theo luật dạy. Cụ già Simêon đã được hạnh phúc gặp Chúa Hài Đồng, được bồng ẵm Chúa trên tay. Tin Mừng hôm nay nói đến bà Anna cũng được hưởng niềm vui hạnh phúc ấy.

Bà Anna là ai? Cũng như cụ Simeon trước đó bà chẳng có danh tiếng gì mà lại là một đàn bà thời đó thì bà lại càng chẳng có gì để người đời quan tâm. Thánh Kinh đã nói về bà: “Bà đã sống với chồng được bảy năm rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa”.

Bà Anna là nhóm người nghèo khổ, chẳng có gì dành riêng cho mình. Bà cũng không được mấy niềm vui trong cuộc sống như bao người. Rồi nỗi bất hạnh đã đổ xuống trên gia đình bà, bà bắt đầu một cuộc đời goá bụa. Lẽ thường bà sẽ ở lại nơi căn nhà trơ trụi của tuổi già, hoặc gặp được người bạn đời mới. Nhưng không bà đã tìm một con đường khác. Bà đã tìm đến Đền Thờ, bà cầu nguyện  “sớm hôm”. Một người đã quá già, đã sút giảm về sinh lực hay do bệnh tật nữa. Người đời chẳng có thể đòi hỏi gì được ở bà nữa mà sẽ coi bà là hạng người vô tích sự, hay còn coi là hạng người gây trở ngại cho đời nữa.

Nhưng được sống bên Chúa, ánh sáng của Chúa đã chiếu giãi trên bà niềm cậy trông, niềm vui và hy vọng. Đời bà đã nên  “của lễ”. Bà  “phụng sự Thiên Chúa”, bà “ ăn chay”.  Cả đời sống bà đã nên một thứ lễ vật hy sinh, như hương trầm lễ vật dâng ban chiều. Như vậy sự nghèo khó của bà có một giá trị vô biên: đó là giá trị cứu độ thế gian, bà đã có một tầm quan trọng trước mặt Thiên Chúa còn hơn cả những vị tiến sĩ luật, các vị tư tế là những vị có bổn phận chính trong Đền Thánh ngày ấy.

“Bà Anna cám tạ Thiên Chúa và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc”. Đây là hy vọng của những người nghèo, sự mong chờ khiêm tốn của họ: “Được giải thoát”. Bà Anna không sống cho bản thân mình, không phải vì mình. Bà  “ăn chay cầu nguyện” không phải chỉ vì sự cứu rỗi bản thân mà hiến dâng đời sống và mang trong mình hy vọng của toàn  dân Israel.

Bà Anna một bà già yếu, nhưng không chịu ở nhưng, không thụ động cam chịu. Bà gắng làm những gì bà có thể: “ Bà nói về con trẻ cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc”

Giờ đây theo gương bà Anna, tôi có mang nhân loại trong tâm hồn tôi? Tôi có mang hy vọng và sự mong đợi của cả thế giới? Giáo hội là dân Thiên Chúa có hiện diện trong giờ kinh của tôi như bà Anna đã ca lên liên lỷ nơi đền thờ? Hầu mong tôi sẽ gặp được Chúa Hài Nhi Giêsu lớn lên mạnh mẽ hằng ngày trong chính tâm hồn tôi.

Nói đến bà Anna, tôi nhớ đến câu chuyện hai bà già các đây hơn một trăm năm mà ông nội tôi đã kể laị:

Hôm đó là ngày 15 tháng 8 năm 1913, ngày khánh thành ngôi thánh đường nguy nga đồ sộ của xứ tôi. Khi gần đến giờ dự tiệc, có hai bà già nón áo tả tơi đến xin ban trùm để được gặp cha xứ. Người ta lơ là không muốn tiếp vì chỉ coi các bà là những hành khất đến làm phiền cha xứ mà thôi. Nhưng rồi cha xứ đã xuất hiện và hai bà được mời vào phòng thượng khách”. Về sau qua cha xứ người ta mới biết: Bên trong những tấm áo rách, nón rách là những gói tiền, gói vàng, những tấm lòng quảng đại các bà đã hy sinh lặn lội, che giấu cái nhìn bọn trộm cướp mà đi đường bộ hàng trăm cây số đến hiến dâng cho nhà Chúa.

Lạy Chúa! Xin cho con biết sống khiêm nhường, biết yêu thương người nghèo. Vì những người đó Chúa bênh vực họ, Chúa hay dùng họ mà làm những việc lớn lao mà chẳng mấy ai ngờ tới. Hầu cho con cũng được hưởng ân phúc như bà An na xưa- Amen.

Giuse Ngọc Năng.

Vén dần lên bức màn huyền nhiệm (30.12.2020)

“Bà  Anna  đã  nói  về  Người  với  tất  cả  những  người  đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel”. (Lc 2, 38)

Bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm. Rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời  khỏi  đền  thờ,  đêm  ngày  ăn  chay  cầu  nguyện  phụng  sự Chúa. Đáp lại tâm tình yêu mến mong đợi ơn cứu độ của Bà, Thiên Chúa đã cho bà nhìn thấy Đấng Cứu Thế lúc đã tuổi đời bóng xế, và Thiên Chúa đã dùng miệng lưỡi bà mà giới thiệu Đấng Cứu Thế cho những người mong đợi.

Quả thực, Thánh Thần Thiên Chúa đã dần dần vén bức màn huyền nhiệm để tỏ bày cho loài người biết ý định yêu thương của Thiên Chúa. Những ai mong đợi Chúa và khao khát tìm kiếm Người, thì Người không để hổ ngươi, thất vọng. Ngược lại, Người đền đáp xứng đáng, người ban thưởng đầy dư, Người cho lòng dạ no thỏa. Và phát xuất từ niềm tin và lòng yêu mến Chúa, con người  ấy  sẽ  không  giấu  nổi  niềm  vui,  niềm  hạnh  phúc  cho riêng mình, nhưng  sẽ phải hát lên  mà ca  tụng Chúa, sẽ  phải loan báo cho mọi người biết về ân sủng quý giá của mình, sẽ phải giới  thiệu cho  mọi người biết ơn cứu  độ.

Mỗi  chúng  ta cũng đã được đón nhận hồng ân biết Chúa, gặp Chúa, sống với Chúa và sống trong Chúa, được vinh dự trở nên con người mới trong Chúa Giê-su, nhờ Người, được phục hồi ơn nghĩa tử của Thiên Chúa. Chúng ta đã loan báo niềm vui cứu độ cho mọi người  chưa?  Nếu  chưa  giới  thiệu  Chúa  cho  mọi người, thì hẳn là chúng ta chưa tin đủ và chưa yêu mến đủ.

Lạy Chúa Giê-su, xin loại trừ nơi con những mê muội phù vân, và xin ban thêm đức tin và lòng yêu mến cho chúng con, để sức mạnh của niềm tin và lòng mến thôi thúc chúng con Loan Báo Tin Mừng cho mọi người. Amen.

BCT

Mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ (30.12.2019)

“Bà đã nói về Người với tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel” (Lc 2, 38)

Tin mừng hôm nay là đoạn tiếp theo trình thuật Thánh Giuse và Đức Mẹ Maria tiến lên đền thánh dâng Chúa Giê-su cho Thiên Chúa theo luật định. Ông Simeon được phúc ẵm Hài nhi Giê-su trên tay và cất lên lời ca tụng  “bây giờ, xin cho con được bình an, mắt con đã thấy rỡ ràng ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Bà tiên tri Anna, cũng đã được tận mắt chiêm ngưỡng bái thờ Đấng Cứu Thế. Và bà cất tiếng nói về ơn cứu chuộc nơi con người Chúa Giê-su cho tất cả mọi người,tiếng nói tự lòng khát khao tin và tự lòng tin vững chắc.

Ơn cứu chuộc đã đến với dân Chúa chính là Con Thiên Chúa Làm Người. Việc còn lại của dân Chúa, cách riêng là của mỗi người chúng ta là mở đôi mắt tâm hồn ra mà nhìn thấy và đón nhận ơn cứu chuộc nơi Chúa Giê-su. Hơn hai ngàn năm qua, có biết bao người đã mở lòng ra, đón nhận Chúa Giê-su, tin yêu và sống chết với niềm tin của mình. Chúng ta tin họ đã được hồng ân cứu chuộc nơi Chúa Giê-su. Chúa muốn “đôi mắt tâm hồn của chúng ta nhìn thấy ơn cứu độ, nơi Chúa Giê-su”. Và nhất là, những người ở tuổi xế bóng, những người đi qua cuộc sống trần gian này với biết bao là phũ phàng biến đổi, tan bay… càng cảm nghiệm được điều cao quý này: không có hạnh phúc trần gian nào tồn tại. Chỉ có tình yêu Chúa Giê-su mới đưa chúng ta đến hạnh phúc muôn đời bất biến, bất diệt. Và chỉ khi nào sống trong tình yêu của Chúa Giê-su, tin tưởng, yêu mến, cậy trông Người suốt đời, mới có thể thốt lên: “Mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ”.

Lạy Chúa Hài Đồng Giê-su Giáng Sinh, là Đấng duy nhất cứu chúng con khỏi chết muôn đời. Xin cho chúng con có được lòng  Tin, Cậy,Mến Chúa trên hết mọi sự trần gian này. Amen.

 

Nói về Chúa (30.12.2017)

Trên thế giới ngày nay, Kitô giáo là một trong những tôn giáo chiếm tỉ lệ cao nhất thế giới. Thế nhưng, so với dân số thế giới, tỉ lệ ấy vẫn chưa thực sự cao (khoảng hơn 30%). Hay nói đúng hơn, xã hội hiện đại không muốn chấp nhận sự tồn tại của Thiên Chúa. Quả thật, con người vì quá yêu thương mình, chỉ nghĩ đến khát vọng của bản thân mà không để tâm đến bất cứ điều gì khác, kể cả Thiên Chúa. Có lẽ vì luật lệ của Người trái với ham muốn của con người, nên họ không muốn nghe. Tuy nhiên, cũng có thể do những người Kitô hữu chưa thực sự dám lên tiếng chống lại điều xấu nhân danh Đức Kitô, nên những điều Người dạy chưa thực sự đi sâu vào đáy lòng nhân loại.

Trong xã hội hiện đại, người ta thích nói về mình nhiều hơn cả. Đôi lúc, họ chẳng cần quan tâm đến tâm trạng của người khác mà luôn thao thao bất tuyệt về bản thân. Do đó, họ khiến người đối diện vô cùng khó chịu về sự vị kỷ của mình. Bên cạnh đó, nếu người ta chỉ huyên thuyên về chính mình, họ sẽ chẳng còn thời gian hay cơ hội để nói về Thiên Chúa. Điều đó vô tình khiến con người không làm tròn chức vụ ngôn sứ của mình là loan truyền về Đức Kitô – Đấng đã xuống thế làm người vì tội lỗi nhân trần. Thế nên, việc quan trọng hóa bản thân mà quên mất nghĩa vụ loan báo Tin Mừng về Đức Kitô là một thiếu sót vô cùng to lớn.

Bài Tin Mừng hôm nay nêu lên một tấm gương hy sinh dành cả thanh xuân để nói về Thiên Chúa: Bà Anna. Bà đã tám mươi tư tuổi nhưng chỉ được sống bảy năm bên chồng, bà đã dùng suôt quãng thời gian còn lại để thờ phượng Thiên Chúa. Bà Anna cùng ông Simêon là những người đã nói về Hài Nhi Giêsu cho những ai đang trông đợi Người. Để từ đó, người ta càng tin tưởng vào lời hứa cứu chuộc của Thiên Chúa với nhân loại.

Sống trong xã hội ngày này, nói về Chúa là điều không hề dễ dàng. Khoa học càng phát triển khiến con người cậy dựa vào đó mà báng bổ Đấng Tối Cao là Thiên Chúa. Người ta tin tưởng vào khoa học mà quên rằng chính Thiên Chúa mới là Đấng Toàn Năng tác thành mọi sự. Có thể nói, con người đã quá tin tưởng vào khả năng của mình mà quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa; họ nói về sự thành công của mình quá nhiều mà quên rằng chỉ Thiên Chúa mới có thể ban chúng cho họ.

Là người Kitô hữu, đôi lúc chúng ta cũng bị cuốn theo dòng đời, cuốn theo đam mê của nhân loại, quên mất sự hiện hữu của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta cần tự vấn chính bản thân mình, cáo bao giờ chúng ta nói quá nhiều về mình mà quên mất sự hiên diện của Chúa hay chưa? Có lẽ có đôi lần, nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta phải ý thức được mọi sự ta có đều là do Người ban, tự thân ta chẳng thể làm được gì cả. Do đó, nói về Thiên Chúa là nghĩa vụ, là bổn phận của những người Kitô hữu như chúng ta. Chính vì thế, ta cần ý thức về sự nhỏ bé của mình, để từ đó, ta biết đưa Thiên Chúa lên trên hết mọi sự và loan báo về người trước mặt anh em mình.

Thói vị kỷ, huênh hoang đã ngấm vào tâm thức của con người. Do đó, họ luôn muốn tôn mình lên trên hết mọi sự. Tuy nhiên, thói xấu ấy sẽ khiến con người dễ kiêu căng, tự phụ mà chuốc họa vào thân. Thế nên, nói về Chúa không chỉ để người Kitô tôn vinh Người mà hơn thế nữa, việc đó giúp chúng ta ý thức hơn về thân phận yếu đuối, mỏng giòn của chính mình. Để từ đó, con người biết khiêm nhường hơn vào luôn trông cậy vào Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng luôn ở bên họ.

Lạy Chúa, là phận người yếu đuối, đôi lúc chúng con quên đi sứ vụ ngôn sứ của mình, chúng con chỉ biết khoe khoang về bản thân mà quên rằng phải loan báo tình thương của Ngài. Xin Ngài soi sáng cho chúng con, để chúng con ý thúc được thân phận hèn mọn của mình. Để từ đó, chúng con chẳng còn huênh hoang, tự đắc để luôn trông cậy vào Ngài. Amen.

 Petrus Sơn

Khôn ngoan chọn lựa (30.12.2015)

 

Niềm vui Giáng Sinh có thể sẽ không được trọn vẹn, khi chúng ta quên chiêm ngắm hình ảnh của bốn đấng bậc đơn sơ, tầm thường, cũng bằng xương bằng thịt như chúng ta… Nhưng đã có cuộc sống phi thường. Đó là bốn mẫu gương về đời sống khôn ngoan, đã biết chọn lựa cái vĩnh cửu, cái tốt nhất cho đời mình, và rất đẹp lòng Thiên Chúa.

Trước tiên. Thánh Giuse đích thực là một người cha gương mẫu, sáng ngời trong đức tin mạnh mẽ, nêu cao niềm phó thác cậy trông và tận tình chăm lo cho trẻ Giêsu cùng mẹ thánh Người. Người làm chủ gia đình với tinh thần đầy trách nhiệm, và siêng năng cần cù lao động trong làng quê nghèo Nadarét. Thật không quá lời khi Giáo hội tôn vinh Thánh Giuse là “Đấng cực khôn, cực ngoan”. Để chu toàn trọng trách nuôi dưỡng Hài Nhi Giêsu ngày thêm khôn lớn và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

Kế tiếp. Đức Maria đã khôn ngoan vâng lời Thiên Chúa, khôn ngoan chịu để cho Thiên Chúa thực hiện những điều mà Thiên Chúa đã hứa sẽ thực hiện trong cuộc đời của Mẹ. Mẹ Maria chính là người mẹ gương mẫu trong đời sống nội tâm, và sâu lắng trong tâm tình cầu nguyện. Mẹ chính là người nội trợ đảm đang, chu toàn công việc gia đình, và chăm sóc dạy dỗ con trẻ Giêsu. Bởi thế, Mẹ Maria xứng đáng với tước hiệu “Đức Bà là Tòa Đấng Khôn ngoan” và được mọi người yêu mến, tôn kính.

Thứ đến. Chúa Giêsu nhập thể, là người con thảo hiếu: “Hằng vâng phục cha mẹ” Giuse và Maria, lớn lên mỗi ngày trong sự khôn ngoan và nhân đức, nhất là luôn lo việc “bổn phận ở nhà Cha”. Phúc âm thánh Luca cho chúng ta tường tận hơn điều này, “Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40)

Hài Nhi Giêsu, là Đức Kitô. Người chính là hiện thân sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong dòng thời gian của nhân loại (x. Lc 2,39-40.

Khi chúng ta được đồng hóa sự Khôn Ngoan với Đức Kitô, thì chúng ta cũng được thông phần vào sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, khi chúng ta biết tháp nhập liên kết với Đức Kitô.

Đức Kitô chính là “sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa” (1Cor 1, 24.30). Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã định đặt cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài (x. Rm 8, 29), là bản sao của sự khôn ngoan…

Cuối cùng và không kém phần thú vị. Lão bà tiên tri Anna. Người đã rất khôn ngoan chọn đời sống goá bụa sau khi chồng bà qua đời, luôn ở gần Đền Thờ, ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa (Lc 2,37) suốt 84 năm. Cả đời bà đã chọn “trò chuyện” với Chúa, “nói với Chúa” để chúc tụng Chúa, thờ phượng Chúa. Để đến khi gặp Chúa Hài Nhi, thì “nói về Chúa” cho những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc muôn dân (Lc 2,38). Có thể nói được rằng Bà chính là “nhà truyền giáo, giảng thuyết đầu tiên” rao giảng Tin Mừng Cứu Độ. 

Mỗi người mỗi vẻ, cả bốn Đấng đều tỏa sáng sự khôn ngoan cách đặc thù nhưng tựu trung đều nhằm quy hướng về sự khôn ngoan của Thiên Chúa, để tôn vinh sự toàn năng thuợng trí của Người.

Thật vậy, Thiên Chúa là căn nguyên của sự khôn ngoan. Hay nói cách khác, khôn ngoan là thuộc tính của Thiên Chúa đã có từ muôn thuở và sẽ còn mãi mãi (x. Cn 8, 22-26; Hc 24, 9).

Sự khôn ngoan chính là phương thế mà Thiên Chúa dùng để điều khiển vũ trụ, muôn loài và sự sống của con người trên trần thế này. Nghĩa là mọi trật tự trên trời dưới đất, mọi sự sinh tồn của vạn vật, và loài người đều được quan phòng trong sự khôn ngoan tuyệt đối của Thiên Chúa là Vua vũ trụ, là Đấng Tạo hóa toàn năng, thượng trí.

Nếu không có sự khôn ngoan thì việc thực hành vững vàng các nhân đức luân lý như khiêm nhường, hiền lành, trong sạch, vâng lời… cũng sẽ héo mòn. Để được như vậy, chúng ta cần tập nhìn mọi sự diễn ra dưới sự hiện diện của Chúa, đúng như Chúa là chủ thể. Với cái nhìn khôn ngoan này, mọi nhân đức sẽ triển nở tươi tốt để điểm tô nên một nhân cách toàn diện.

Noi gương bốn Đấng, chúng ta hãy dùng thời gian Chúa ban để học hỏi và tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hòa, khoan dung, cầu tiến, đầy từ bi, sinh nhiều hoa thơm trái tốt, và tránh được sự thiên vị và giả hình. Từ sự khôn ngoan của Thiên Chúa, sẽ giúp chúng ta dễ dàng thương xót tha nhân giống như Lòng Thương Xót của Chúa Cha.

Vì vậy, lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự khôn ngoan thật từ nơi Chúa ngõ hầu chúng con sống xứng đáng là con cái của Chúa; biết san sẻ niềm vui, hạnh phúc cho anh chị em xung quanh mình. Amen.

CÁT BIỂN

Nhà truyền giáo đích thực

Bà liền chúc tụng Chúa và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel. (Lc 2,38)

Suy niệm: “Hãy nói về Chúa cho những người quanh bạn nghe; và hãy nói về những người quanh bạn cho Chúa nghe”. Đó là khuôn vàng thước ngọc của việc truyền giáo của Giáo Hội. Bà An-na trong đoạn Phúc Âm hôm nay là người đã thực hiện vai trò truyền giáo của mình một cách thiết thực bằng chính cuộc sống của mình: bà đã can đảm chấp nhận một cuộc sống nghèo nàn, đơn sơ trong chay tịnh và cầu nguyện để trông chờ Đấng Cứu Thế. Chắc chắn trong suốt thời gian sống ẩn dật, bà đã “nói với Chúa” rất nhiều về con người trong thời đại đó và về nỗi khát khao ơn cứu độ của họ. Được Chúa thương cho diện kiến Vị Cứu Tinh và được đụng chạm đến Người, bà đã không giữ lại cho riêng mình nhưng ngay lập tức “nói về Chúa”, công bố tình thương Chúa cho mọi người. Qua đó, sứ mạng của nhà truyền giáo được thực hiện một cách trọn vẹn, đầy đủ, đầy lòng tin và sự nhiệt thành. Bà An-na là mẫu mực cho mọi Ki-tô hữu trong cuộc sống và hành động trong việc loan truyền Lời Chúa.

Mời Bạn: Gặp Chúa qua việc cầu nguyện và rao giảng Chúa cho người khác là hai hành động không thể thiếu của người tín hữu. Bạn đã cầu nguyện bằng thái độ nào và rao giảng Lời Chúa bằng cách thức nào?

Sống Lời Chúa: Đọc và suy gẫm câu nói của thánh Phao-lô: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Lời Chúa.”

Cầu nguyện: Xin cho con biết nói với Chúa về mọi người và được ơn thúc bách nói cho mọi người biết về Chúa, trong mọi hoàn cảnh, và bằng những cách thức thuyết phục nhất để Danh Chúa được loan truyền. Amen.

 

Để có thể nói về Hài Nhi

Cũng vào lúc ấy, bà [Anna] tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem. (Lc 2,38).

Suy niệm: “Một Hài Nhi sinh hạ cho chúng ta, một trẻ thơ ban tặng cho chúng ta” (Is 9,5). Đấng Cứu Thế được các ngôn sứ loan báo, là món quà tặng quý báu nhất Thiên Chúa ban cho loài người, thế nhưng khi Ngài sinh ra làm người, Ngài lại bị từ chối ngay tại sinh quán của mình. Trái lại, như một hạt cát không được nhận biết giữa sa mạc thế giới, Chúa Hài Nhi lại được nhận biết và được nói đến bởi những người đơn sơ nghèo hèn, trong đó là một goá phụ, một “nữ ngôn sứ”, bà Anna. Bà đã chọn sống một lối sống “không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa” (Lc 2,37). Phải chăng đó chính là những phẩm chất cần để có thể gặp gỡ, nhận biết, và để có thể “nói về Hài Nhi” cho anh chị em mình?

Mời Bạn: Ta không thể tìm gặp Chúa trong sự ồn ào náo động của những lo toan vật chất hay những đam mê trần tục, mà chỉ trong kinh nguyện hằng ngày, trong cuộc sống bình dị đơn sơ, để trong việc chu toàn những công việc bổn phận tầm thường hằng ngày, như hạt giống lớn dần, như nắm men từ từ làm dậy cả khối bột. Từ đó ta mới có thể nói về Hài Nhi một cách thuyết phục bằng chứng từ của cuộc sống.

Sống Lời Chúa: Trung thành thực hiện những việc thờ phượng Chúa tại gia đình cũng như với cộng đoàn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Hài Nhi, “vì loài người chúng con và để cứu rỗi chúng con, Chúa đã từ trời xuống thế.” Xin cho chúng con sẵn sàng làm mọi việc vì Chúa và để cứu rỗi các linh hồn.