Ngôn sứ có cần sám hối?

Một trong những trang Kinh Thánh thường được đọc trong Mùa Chay là trình thuật về dân thành Ninivê nghe lời rao giảng của ngôn sứ Giôna, họ thay đổi đời sống và được Thiên Chúa tha thứ (Gn 3,1-10). Thế nhưng trọng tâm của sách Giôna không phải là sự sám hối của dân Ninivê mà là sự hoán cải của chính Giôna, người rao giảng ơn sám hối.

Ngôn sứ Giôna là một khuôn mặt độc đáo trong Kinh Thánh. Ông biết rõ Thiên Chúa là “Đấng làm ra biển khơi và đất liền” (1,9) và trên chuyến tàu đi Tarsi, khi gặp cơn bão lớn, chính ông đề nghị người ta “ném tôi xuống biển thì biển sẽ lặng đi, không còn đe dọa các ông nữa, vì tôi biết là tại tôi mà các ông gặp cơn bão lớn này” (1,12). Biết thế mà vẫn dám chống lại tiếng gọi của Chúa, Chúa bảo ông đi Ninivê nhưng ông lại trốn đi Tarsi (x. 1,3)!

Chưa hết, Giôna đi rao giảng sám hối và cả thành Ninivê, từ vua đến dân, đều “khoác áo vải thô, ăn năn trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực, hết sức kêu cầu Thiên Chúa” (3,8). Rao giảng mà được người ta đón nhận thịnh tình như thế thì còn hạnh phúc nào lớn hơn? Nhưng với Giôna thì không, không những ông không vui mà còn bực tức và nổi giận, lại còn muốn chết cho xong: “Lạy Chúa, xin Ngài lấy mạng sống con đi, vì thà con chết còn hơn là sống” (4,3). Thế là Chúa lại phải ra sức dỗ dành, giải thích cho Giôna hiểu tại sao Ngài tha thứ cho dân Ninivê.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Giôna lại có phản ứng lạ lùng và kỳ cục như thế? Tất cả chỉ vì ông ghét dân Ninivê. Ninivê là thủ phủ của đế quốc Assyria, đế quốc đã từng đánh bại dân Israel và bắt họ đem đi lưu đày. Thế nên Ninivê là kẻ thù của Giôna, ông chỉ mong Chúa vặn cổ chúng nó cho chết hết, đằng này Chúa lại bảo ông đi giảng ơn sám hối cho nó, làm sao chịu được: “Lạy Chúa, đó chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà sao? Chính vì thế mà con đã vội vã trốn đi Tarsi. Thật vậy con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng họa” (4,2).

Biết Chúa nhân hậu và giàu tình thương đấy, biết rất rõ là đàng khác, nhưng “ghét” dân Ninivê thì vẫn ghét và chỉ muốn mượn tay Chúa để tiêu diệt chúng nó cho đã cơn giận ghét của mình!

Đến đây thì đã rõ, không chỉ dân Ninivê cần ăn năn sám hối nhưng chính Giôna cần sám hối hơn ai hết, và sự sám hối này là cả một hành trình hết sức khó khăn, vì không chỉ là sự thay đổi trong kiến thức và hiểu biết nhưng là thay đổi “trái tim bằng đá” bằng “trái tim bằng thịt, trái tim biết yêu thương”!

Nếu ngôn sứ Giôna cần sám hối thì các linh mục cũng vậy. Trong Mùa Chay, các linh mục rao giảng và kêu gọi giáo dân “sám hối và tin vào Tin Mừng”, tổ chức tĩnh tâm và cử hành Bí tích Sám Hối. Tất cả đều là những việc rất tốt và cần phải làm, nhưng đừng để những việc mục vụ ấy làm chúng ta quên mất lời mời gọi sám hối Chúa gửi đến cho chính mình, để chúng ta trở nên những mục tử theo hình ảnh Thiên Chúa “từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thường, và hối tiếc vì đã giáng họa” (4,2).

Giáo triều Rôma thường tổ chức tĩnh tâm vào đầu Mùa Chay, nhiều Giáo phận tại Việt Nam cũng tổ chức tuần tĩnh tâm linh mục vào đầu Mùa Chay, âu cũng là một chọn lựa hợp lý để nhắc nhở những người có trách nhiệm mục tử: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Nguồn: giaophanmytho.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *