Quyền lực của người chết vì yêu (28.03.2024 – Thứ Tư Tuần II Mùa Chay)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Gr 18,18-20, Mt 20,17-28

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 20,17-28)

17 Khi ấy, lúc sắp lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường Người nói với các ông : 18 “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, 19 sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy.”

20 Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo ; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. 21 Người hỏi bà : “Bà muốn gì ?” Bà thưa : “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” 22 Đức Giê-su bảo : “Các người không biết các người xin gì ! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không ?” Họ đáp : “Thưa uống nổi.” 23 Đức Giê-su bảo : “Chén của Thầy, các người sẽ uống ; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”

24 Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. 25 Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói : “Anh em biết : thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. 26 Giữa anh em thì không được như vậy : Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. 27 Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. 28 Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Quyền lực của người chết vì yêu (28.03.2024)

“Họ đã lên án tử cho Người”.

Chúa Giê-su báo trước cho các môn đệ biết Người sẽ chịu thương khó, khổ nạn và bị giết chết ở Giêrusalem, nhưng đến ngày thứ ba, Người sẽ sống lại. “Người sẽ sống lại” do quyền lực của Thiên Chúa trao ban cho Người ‘chết vì yêu”.

Bà Giê-bê-đê, mẹ của Gia-cô-bê và Gioan vẫn chưa hiểu điều huyền nhiệm trong Nước Thiên Chúa. Bà xin cho hai con bà được tham dự vào quyền lực của triều đại Giê-su, “một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài”. “Có uống nổi chén Thầy không?”. Có vẻ như khát vọng quyền lực thế trần đã thôi thúc họ trả lời rằng: Họ bằng lòng uống chén của Chúa Giê-su. Qua câu chuyện “khát vọng quyền lực’ của mẹ con nhà Giê-bê-đê, Chúa Giê-su đã dạy cho chúng ta bài học quyền lực trong Nước Chúa.

Quyền lực trong Nước Chúa không phải như quyền lực thế gian, loại quyền lực có kẻ hầu người hạ, có kẻ dạ kẻ vâng, nhưng là quyền lực phải thể hiện bằng việc yêu thương phục vụ tất cả những người mình được giao phó chăm sóc. Cha mẹ phải hy sinh vì con cái. Mục tử phải hy sinh vì đàn chiên. Những người làm lớn trong các hội đoàn phải nêu gương hy sinh để xây dựng một mối tình hiệp nhất bền vững.

Quyền lực trong Nước Thiên Chúa là quyền lực của kẻ “chết vì yêu”. Người không yêu thương, không hy sinh, không thí mạng mình vì toàn dân, ngược lại, còn vun vén cho mình, còn đòi hỏi toàn dân phải cung phụng, phải chăm lo cho mình, thì người ấy không phải là lãnh đạo theo chuẩn mực của Mục Tử Giê-su.

Lạy Chúa, Chúa biết ai trong chúng con cũng muốn được yêu, được phục vụ, được cung phụng hơn là mình phải phục vụ cung phụng cho ai. Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng con biết loại bỏ tính ích kỷ, kiêu căng ấy, để học nơi Chúa bài hiền lành khiêm nhượng yêu thương, hy sinh, phục vụ mọi người. Amen.

BCT

Thứ tha và cứu độ (08.03.2023)

“Họ đã lên án tử cho Người”. (Mt 20,18 )

Nước Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu, là nước của lòng thương xót, khoan dung, tha thứ và cứu độ. Và để tỏ bày cho biết nước thương xót ấy. Chúa Giêsu báo cho các môn đệ mình về việc “ Người sẽ bị lên án tử, sẽ bị nộp, sẽ bị đánh đòn, sẽ bị giết chết, nhưng Người sẽ sống lại”. Thế nghĩa là Người thiết lâp nước thương xót của Thiên Chúa bằng cái chết và cuộc phục sinh của Người. Vậy ai muốn làm ông kia bà nọ trong nước của Người, cũng phải chấp nhận uống chén đắng là khổ đau và khổ đau cho đến chết. Đau khổ vì yêu, chết vì yêu.

Vây mà, bà mẹ ông Gia-cô-bê và Gioan đến xin Chúa cho hai con bà chỗ ngồi vị vọng trong nước Chúa mà Chúa Giêsu thiết lập. Hóa ra, bà chưa hiểu gì về Nước Thiên Chúa. Bà chỉ nghĩ như môt nước ở trần gian. Bởi thế, Chúa Giêsu cho biết nước của Người không như trần gian để cai trị nhân dân, nhưng chủ trương là phục vụ cách tận tình những đám dân nghèo khổ khốn cùng. Chúa muốn những người theo Chúa phải biết chấp nhận khổ đau để phục vụ mọi người, dám hy sinh nhận khổ đau về mình, và nhường lai phần an vui hạnh phúc cho người khác. Đó là vinh dự của người làm lớn trong Nước Thiên Chúa. Làm lớn là phục vụ mọi người.

Chén đắng và hạnh phúc của Chúa Giêsu, đang được thực hiện hằng ngày trong các gia đình và giáo xứ…cụ thể như cha me phục vụ cho con cháu, ông trùm nhà thờ phục vụ cho giáo xứ….

Lạy Chúa, xin cho tất cả chúng con biết hân hoan đi theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá, để được cùng Ngài hưởng vinh quang trên quê Trời ngày sau. Amen.

BCT

Không thoả hiệp với bất chính để cầu an (16.03.2022)

“Họ đã lên án tử cho Người”.  Mt 20, 18)

Trên đường lên Giê-ru-sa-lem cùng 12 môn đệ, Chúa Giê- su nói rằng các thượng tế và luật sĩ sẽ nộp Người và người ta sẽ lên án tử cho Người. Người sẽ chịu nhạo báng, đánh đòn, rồi bị treo lên thập giá, nhưng đến ngày thứ ba, Người sẽ sống lại. “Người ta sẽ lên án tử cho Người”. Có phải vì Người chống chế độ, hay phạm tội hình sự xã hội chăng? Hoàn toàn không! Đó là án tử mà những người bất chính dành cho kẻ công chính. Chính nhờ cái chết và sự phục sinh của Người, mà Nước Thiên Chúa dành cho những người công chính đã được thiết lập.

Bà Giê-bê-đê, mẹ của Gia cô bê và Gioan, hiểu lầm Nước Thiên Chúa như một chính phủ trần gian và xin cho hai con “đứa ngồi bên hữu, đứa ngồi bên tả” Chúa Giê-su trong vương quốc của Người. Người không ngần ngại trả lời cho bà Giê-bê-đê bấy giờ, và cho cả chúng ta hôm nay, rằng: Ai muốn được vinh dự trong Nước của Người, thì hãy uống chén đau khổ cùng với Người! Chén đau khổ của người công chính! Chúa muốn chúng ta hãy sống công chính giữa những bất chính, và luôn sẵn sàng chấp nhận những đau khổ mà kẻ bất chính dành cho chúng ta.

Vì thế, Giáo hội Chúa Ki-tô không bao giờ thoả hiệp với những người bất chính để cầu an. Ai, nhà nào, thoả hiệp với những người bất chính để cầu an, người ấy, nhà ấy, tự tách mình ra khỏi sự thông hiệp với Giáo Hội. Phải sống công chính và hân hoan uống chén đau khổ của Chúa Ki-tô mới mong được vào trong Nước của Người. Giữa một  xã hội vô thần,  duy  vật,  đầy  dẫy chuyện  bất chính, tội lỗi, ước gì tất cả các gia đình chúng con luôn sống công chính, thánh thiện.

Lạy Chúa, xin giúp các gia đình  chúng con can đảm làm chứng cho Giáo Lý của Chúa Ki-tô, không ngại uống chén đau khổ, để được vinh quang với Chúa Ki-tô muôn đời trong Nước Người. Amen.

BCT

Hân hoan uống chén đắng vì yêu (03.03.2021)

“Họ đã lên án tử cho Người”. (Mt 20,18)

Trên đường đi lên Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su cho các môn đệ biết Người sẽ bị nộp cho các vị thượng tế và luật sĩ. Người ta sẽ lên án tử cho Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại để chúng nhạo báng, đánh đòn, rồi treo Người lên thập giá, nhưng đến ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Cuộc sống của chúng ta trên trần gian là một chuyến hành hương về thành thánh Giê-ru-sa-lem mới mà Chúa Giê- su đã tái thiết, bằng con đường thương khó, cái chết và sự phục sinh của Người, đó là Nước Thiên Chúa. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Chúa Giê-su.

Ai tin vào Chúa Giê-su, phải đi con đường yêu thương cứu rỗi, con đường về Nước Chúa, thì không được phép từ chối thập giá vì yêu, đau khổ vì yêu, không từ chối cái chết vì yêu người. Chết vì yêu, con đường duy nhất vào Nước Chúa. Bởi thế, khi mẹ của Gia-cô-bê và Gioan xin cho hai anh em ngồi bên tả bên hữu trong Nước Chúa, Chúa Giê-su liền bảo: “Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta….”

Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy cúi mình khiêm tốn phục vụ và hy sinh trong hân hoan vì yêu Chúa, yêu người. Đó là con đường duy nhất về đến thành thánh Giê-ru-sa-lem mới là Nước Thiên Chúa. Yêu là chết đi, là đóng đinh, là biết hy sinh cho người mình yêu. Chưa tàn tạ, chưa chấp nhận chịu đóng đinh, chịu đau khổ, là chưa định nghĩa được tình yêu trong gia đình chúng ta. Hãy hân hoan uống chén đắng vì yêu.

Lạy Chúa, xin cho Lời Chúa thắp lên ánh sáng niềm vui nơi cõi lòng mỗi người trong gia đình chúng con rằng: khi xác tín và thực hiện đời sống tình yêu hy sinh phục vụ, là bảo đảm cho cả gia đình bình an êm ấm ở đời này và còn là bảo đảm cho cả nhà một nơi sum họp vững bền trên Thiên Quốc. Amen.

BCT

Người phục vụ (11.03.2020)

Tin Mừng hôm nay trình thuật cho ta 3 phần. Nghe nội dung có vẻ khác nhau, nhưng về ý nghĩa mục đích Chúa muốn dạy ta một điều duy nhất là: Sống ở thế gian này, muốn làm con cái Chúa, muốn được hường gia tài vĩnh cửu Chúa ban thì phải theo gương Chúa mà hy sinh, phục vụ.

Mở đầu Chúa thổ lộ với các môn đệ: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người”. Thật là bất ngờ và quá sốc. Các ông đang hy vọng theo Chúa trước nhất là được hưởng những vinh quang, bổng lộc trần gian. Điều mà xưa nay các ông và cả cha ông các ông đang khao khát. Thế mà Chúa lai khẳng định như vậy. Có điều Chúa đã tuyên bố một cách vui vẻ thản nhiên, hiên ngang như một người quyền phép, biết trước mọi sự. Từ đây Chúa đã bắt đầu dạy các ông đi theo con đường hy sinh phục vụ có hạn ở đời này để Người thưởng cho vinh quang bất tận đời sau.

Tiếp theo là chuyện bà mẹ của hai người con ông Dêbêđê xin Chúa cho hai con của mình được “một người ngồi bên tả, một người ngồi bên hữu trong vương quốc của Người”. Chúa không hài lòng với lời xin ấy, nên đã chất vấn lại: “Các ngươi có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”. Nói với các môn đệ về chuyện lên Giêrusalem, Chúa muốn mời gọi mọi người bước theo. Bà có cái hay là đã nhận ra Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực của con người nên đã xin cho con mình như vậy. Nhưng lại chưa nhận biết điều con bà phải làm gì thì mới được như thế. Quy luật vật chất trên đời này cũng đã cho ta rõ một phần: Người không có nỗ lực phấn đấu hy sinh thì đâu có được hưởng phú quý giàu sang.

Nghe bà xin cho hai con như thế, “mười môn đệ kia tức tối” với mẹ con bà. Các môn đệ cũng cùng một giuộc với bà ấy. Cơ hội Chúa đã dạy cho các môn đệ và cả chúng ta ngày nay, điều cốt lõi phải có khi làm môn đệ Chúa, nó ngược với mọi suy nghĩ của người đời: “Ai muốn làm lớn  giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em”. Đây là tiêu chuẩn, cái giá của Chúa dạy cho những người muốn làm lớn trong xã hội, trong Giáo hội. Một quốc gia, một tổ chức gồm những người nhận thức  như thế thì làm gì còn bóc lột, áp bức, mà chỉ thấy sự nâng đỡ phục vụ yêu thương. Làm lớn là khát vọng của con người, nhưng năng lực của mình phải xứng với địa vị ấy. Thần Luxiphe đòi cao sang bằng Thiên Chúa nên đã bị phạt xuống hỏa ngục. Còn ta nếu đòi làm lớn quá tầm sức  ta, sẽ bị đổ bể, sẽ không đẹp ý Chúa. Thánh giáo hoàng Piô V đã nói: “Những gí không thuộc về thánh giá Chúa Kitô sẽ không làm cho chúng ta được vinh hiển”.

Ngày xưa các nước giàu có, các nhân tài, thi nhau đi chiếm các thuộc địa để dương oai, cai trị, để vơ vét tiền của. Ngày nay không thấy mấy nữa. Bởi vì nếu muốn xâm chiếm, cai trị thì cũng phải biết lo cho dân, cho nước ấy được ấm no, hạnh phúc, đó là một trách nhiệm không nhỏ.

Lạy Chúa! Xin cho con luôn ý thức lời Chúa dạy để con yêu mến sự khiêm nhường, hy sinh phục vụ anh chị em con, góp phần làm cho quê hương đất nước được an vui, đầy tình yêu thương mà cùng nhau tiến về Quê Trời Amen.

Gs. Ngọc Năng

Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ (20.03.2019)

Mở đầu Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ biết cuộc tử nạn và phục sinh của Người, đỉnh cao của công cuộc cứu chuộc nhân loại: “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và các kinh sư, họ sẽ kết án xử tử Người,… và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy”. Một sự thật làm chao đảo niềm tin nơi các tông đồ. Vì các ông hy vọng rằng thầy mình sẽ làm vua uy quyền đem lại lợi lộc ngay ở trần gian này cho mình. Sau này mọi việc đã xảy đến đúng từng chi tiết như lời Chúa báo trước, đã giúp các ông vững tin theo Chúa đến cùng.

Mỗi chúng ta hôm nay có theo Chúa lên Giêrusalem trong mùa chay thánh này để góp một hy sinh dù nhỏ mà sám hối, đền tội không?

Tin Mừng cũng cho ta câu chuyện bà mẹ của hai người con ông Dêbêđê đến xin cho hai con mình là Giacôbê và Gioan, sau này được một người ở bên tả, một người ở bên hữu Chúa trong nước trời. Một tâm tình rất tự nhiên của các bà mẹ lo cho con mà cả chúng ta nữa. Chúa đã không chối từ mà cũng chưa nhận lời. Người đã đặt ngay câu hỏi: “các người có uống nổi chén đắng thầy sắp uống không?”. Đó là điều tiên quyết cho người muốn theo Chúa, muốn hưởng hạnh phúc nước trời. Mỗi chúng ta hôm nay có sẵn sàng vui vẻ uống những“chén đắng”đường đời ta sẽ gặp phải là những bệnh tật, thiếu thốn khổ đau nơi chính mình, người vợ, người chồng hay nơi con cái? Đó cũng là thập giá của mỗi người mà có lần Chúa đã nói: “Ai muốn theo tôi thì phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo” (Lc 9,23).

Cuối cùng nhân dịp người mẹ xin cho hai con được hưởng một địa vị trong nước Chúa, Chúa Giêsu đã khắc sâu cho các tông đồ bổn phận phải hy sinh phục vụ: “ai muốn làm lớn giữa anh em phải làm người phục vụ anh em”.Đồng thời Người cũng trưng ra mẫu người phục vụ cao quý nhất đó là chính mình Người: “Con Người đến không phải để người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

Thế giới hôm nay nếu mọi người đều thấm nhuần lời Chúa, cùng đi bước trước, nhường nhịn, cho đi, phục vụ nhau thì thế giới an vui hạnh phúc biết bao – một thiên đường. Nhưng nếu ngược lại là bon chen, vơ vét tham nhũng cướp bóc… thì thế giới sẽ ra sao? Sự hy sinh phục vụ của mỗi người chính là thước đo phẩm giá và điạ vị của họ. Lời Chúa hôm nay đã ảnh hưởng không ít tới nhân loại. Các Đức Giáo Hoàng đều tự coi mình là tôi tớ của các tôi tớ, vì có bổn phận lớn lao là dẫn đưa nhân loại về với Chúa. Những người muốn ứng cử vào các chức sắc, nhà cầm quyền đều phải trình bày, hứa hẹn trước dân chúng về kế hoạch phục vụ của mình. Giáo hội Công giáo xưa nay đã sản sinh ra nhiều các vị thánh phục vụ mọi lĩnh vực của con người.

Lạy Chúa Giêsu, là Chúa tể trời đất! Khi đến cứu độ chúng con, Người đã chọn con đường phục vụ cho đến chết. Xin giúp chúng con vững tin mạnh mẽ bước theo con đường ấy để được phục sinh hạnh phúc muôn đời trong nước Chúa. Amen.

 Gs. Ngọc Năng.

Theo Chúa Giê-su phục vụ (28.02.2018)

Kể truyện:

Một câu chuyện làm Mẹ Têrêsa cảm kích thường hay được Mẹ kể:

Mẹ Têrêsa kể:

Năm 1982, một hôm có 2 người trẻ tới nhà chúng tôi tại Calcutta.

“Thấy họ còn quá trẻ, tôi tò mò hỏi:

– Hai con có thể cho mẹ biết tiền đâu mà hai con có nhiều thế?

Họ trả lời:

– Chúng con vừa cưới nhau được hai ngày. Trước ngày cưới, chúng con đã suy nghĩ nhiều. Sau cùng, chúng con quyết định không may đồ cưới, cũng không tổ chức yến tiệc linh đình, và chúng con muốn dùng khoản tiền chi phí cho đám cưới để tặng những người không được may mắn như chúng con”.

Suy niệm:

“Phục vụ và hiến dâng”, đó chính là Đức Giê-su Ki-tô đã phục vụ và hiến dâng cả mạng sống để cứu chuộc nhân loại.

Phục vụ để làm lợi ích cho người khác. Phục vụ luôn luôn phải có hy sinh, phục vụ càng nhiều hy sinh càng lớn. Phục vụ hết mình chính là hy sinh quên cả bản thân mình.

Chúa Giê-su biết rõ khi lên Giê-ru-sa-lem là sẽ bị kết án và sẽ phải chết ô nhục, nhưng Người phải đến đó để được phục vụ hết mình, bằng cả cái chết. Chính sự phục vụ hiến dâng hoàn hảo ấy mới đem lại ơn cứu rỗi cho nhân loại. 18 “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người.” (Mt)

Mục đích của phục vụ sẽ đem lại lợi ích cho người phục vụ và được phục vụ. Trong mọi trường hợp, hoàn cảnh đều có phục vụ: phục vụ nơi công cộng, phục vụ bệnh viện, phục vụ nhà hàng, phục vụ khách sạn.., phục vụ trong đoàn thể, phục vụ trong nhà thờ, nơi tôn nghiêm, phục vụ trong nhà, phục vụ ngoài đường phố…

Tất cả đều là phục vụ. Phục vụ nào cũng được trả công.

Với người Kito hữu, chúng ta có hai lựa chọn để phục vụ: Phục vụ Thiên Chúa và phục vụ anh em; phục vụ để sống ở đời này và phục vụ để được sống đời đời nơi Nước Trời.

Trong công việc hằng ngày, chúng ta phục vụ để mưu sinh. Có những phục vụ mang lại lợi ích thánh thiện, thiêng liêng: phục vụ chân chính, yêu thương. Có những phục vụ mang lại thiệt hại, tội lỗi: phục vụ gian dối, giả hình.

Tùy vào cách phục vụ mà ta sẽ được trả công như thế nào. “Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.” (Lc 6, 38)

Hãy phục vụ như Chúa Giê-su dạy: “Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống.” (Mt 20, 28)

Phục vụ như trong dụ ngôn người Samari nhân lành. Người thanh niên trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối  với người ấy.” Đức Giê-su bảo anh ta: “Ang hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.” (Lc 10, 37)

Cuộc sống hôm nay, chung quanh ta có rất nhiều người có hoàn cảnh đau thương, bệnh hoạn hơn cả người trong dụ ngôn bị cướp. Họ bị câm, bị điếc, đui mù, què quặt cả chân tay, bại liệt… họ đang lê lết trên vỉa hè, khắp phố phường để ăn xin. Cơm không đủ no, áo không đủ ấm, không có nơi nương tựa… Hãy đến mà phục vụ. Như Chúa Giê-su biết lên Giê-ru-sa-lem sẽ phải chết, nhưng Ngài phải đến. Vì đến đó mới phục vụ và hiến dâng.

Khi chúng ta phục vụ tha nhân, chúng ta sẽ cảm nhận được nụ cười nồng ấm từ họ, và chúng ta cũng cảm nhận được Niềm Vui Nước Trời ngay trên trần gian. Vì chính Chúa sẽ đong đấu đầy cho chúng ta.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con biết phục vụ tha nhân với lòng xót thương như Chúa đã hy sinh phục vụ cho chúng con được cứu rỗi. Xin cho chúng con biết: “Một tay nắm lấy Chúa, một tay nắm lấy anh em” để chúng con phục vụ trong tin yêu. Amen./.

Gã Đầu Bạc 

Sống yêu thương và phục vụ (15.03.2017)

Bài Tin mừng ngày hôm nay thuật lại những diễn biến lần tiến về Giêrusalem cuối cùng của Thầy trò Đức Giêsu, để bước vào cuộc khổ nạn. Trong đó Đức Giêsu loan báo lần thứ ba về cuộc Khổ nạn mà Ngài sắp chịu; Theo ý định của Thiên Chúa, Đức Giêsu phải xuống thế làm người, từ bỏ ngôi vị Thiên Chúa với tất cả vinh quang để trở nên một kẻ thấp hèn vô danh vô phận, rồi tiếp đó phải đón lấy thân phận của một tử tội được xếp vào hạng bét nhất trong số những tử tội để bị vùi lấp, bị loại trừ, để rồi Thiên Chúa sẽ cho sống lại, nhận lấy vinh quang.

Chúa dạy con phải khiêm nhường

Tận tình phục vụ, yêu thương mọi người

Khó khăn, gian khổ vẫn cười

Có Chúa trợ lực cuộc đời bình yên

Điều mà Đức Giêsu sẽ phải chịu là sự phản bội của người môn đệ mình, bị nộp vào tay thượng tế, bị kinh sư loại bỏ, bị kết án tử hình cách bất công… Điều đó cho chúng ta thấy sự đau khổ tột cùng của Ngài. Ngài thấy trước những đau khổ như thế, và Ngài không dừng lại ở đó, Ngài còn loan báo chắc chắn về sự phục sinh của Ngài. Qua đó, chúng ta thấy rằng, phía sau của thập giá là vinh quang, phía sau của cái chết là sự phục sinh và phía sau của khổ đau là ánh sáng của niềm hy vọng.

Giúp con vững bước vươn lên

Dựng xây cuộc sống càng thêm sáng ngời

Hiền hòa tế nhị vui tươi

Sẵn sàng chịu thiệt cho người được hơn

Cũng trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu muốn cho các môn đệ thấy được sự khác biệt giữa hai lý tưởng và hai cách lãnh đạo. Lý tưởng khác nhau thì cách lãnh đạo cũng phải khác nhau. Lý tưởng của các môn đệ Chúa là đưa mọi người về cho Thiên Chúa, chứ không phải để đạt được uy quyền danh vọng ở đời này; nên cách lãnh đạo của họ cũng phải khác, họ phải phục vụ và hy sinh chịu gian khổ để người khác được cứu độ. Chúa Giêsu dùng chính gương của Ngài để làm ví dụ cho các ông: “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” 

Phục vụ  sẽ nhận muôn ơn

Để cho tình nghĩa đẹp hơn rất nhiều

Không nên tự phụ, tự kiêu

Mất tình, mất nghĩa, mất điều thân thương

Với mỗi người chúng ta, những người đang sống trong môi trường gia đình và xã hội, chắc hẳn cũng không tránh khỏi những cám dỗ về quyền lợi và hưởng thụ. Ít nhiều, chúng ta mong sao mình là người quan trọng, người được phục vụ, được “ngồi bên hữu hay bên tả”. Thập giá và chén đắng, hy sinh và khổ chế như thật quá xa lạ với cuộc sống con người… Chúa Giêsu mời gọi mỗi chúng ta hãy mở lòng để xét lại những tương quan của mình với Chúa, với tha nhân và với mọi người, qua mẫu gương yêu thương, phục vụ, hy sinh của Thầy Chí Thánh Giêsu.

Chúa từng thể hiện nêu gương

Yêu thương phục vụ, chỉ đường cho con

Theo Chúa hạnh phúc trường tồn

Ngài sẽ mạc khải, ban ơn phúc lành

*

Lời xin nguyện ước đạt thành

Thánh ân, hồng phúc Chúa dành cho con

Lòng con đoan hứa sắt son

Yêu thương phục vụ vẫn còn mãi luôn

Lạy Chúa Giêsu, Chúa kêu mời chúng con đi theo đường lối của Chúa là yêu thương và phục vụ, chứ không tìm vinh quang cho riêng mình. Xin cho chúng con biết khiêm tốn đón nhận lời Chúa, và đổi mới con người chúng con trong tinh thần sám hối, để chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn cứu độ của Chúa. Amen.

HOÀI THANH 

Phục vụ (24.02.2016)

Lúc sắp lên Giê-ru-sa-lem, Thầy Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình. Dọc đường, Người nói với các ông: “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy.” Con đường lên Giêrusalem là con đường Thầy “đi chịu chết”. Đây là lần thứ ba Thầy báo trước về cái chết đau thương oan nghiệt của Thầy trong tâm trạng đau buồn.

Vậy mà tất cả trò như chẳng thấy chi, bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê còn ngang nhiên xin quyền bính, chỗ đứng, ghế ngồi  cho con mình: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” Như Thầy đã nói các ngươi không biết các ngươi xin gì, liệu có uống nổi chén Thầy sắp uống không? Họ không hiểu chén đó chính là cuộc thương khó Thầy đã báo nên càng vô tư trả lời: “Thưa uống nổi”. Các môn đệ kia bấy nay theo Thầy cũng hy vọng kiểu trần thế, nên tức tối với hai anh em con ông Dê-bê-đê này. Họ mang nặng tâm tưởng con người, theo Thầy sẽ được lợi lộc vinh quang, quyền bính để mà cai trị sau này. Nhưng Thầy gọi tất cả lại mà phân minh: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em”.

Theo Thầy là bước theo con đường lội ngược dòng với trần thế. Chính Thầy đã bước vào con đường phục vụ vô vị lợi, càng làm lớn thì càng phải làm đầy tớ mọi người. Thầy thi ân giáng phúc, cứu chữa không phân biệt hạng người  bần cùng, hèn hạ hay thế giá. Thầy quỳ xuống rửa chân cho môn đệ ngày giã biệt. Thầy tự hiến bản thân, cả mạng sống cho đến phút cuối trút hơi trên thánh giá vì tình yêu phục vụ con người. Hôm nay các môn đệ không thể hiểu đường lối này. Chỉ sau ngày lễ Ngũ Tuần các ông mới hiểu và hăng say thực hành như lời Thầy dạy, phục vụ cho đến chết vì tình yêu.

Trong cuộc đời theo Chúa, nhiều khi chúng con cố gắng để được thưởng công hay vì vụ luật mà chưa có tinh thần phục vụ trong khiêm nhường và vô vị lợi như Chúa muốn. Xin cho chúng con biết mở lòng đón Chúa vào cuộc đời, được mặc lấy tấm lòng yêu thương tự hiến của Chúa, để tình yêu Chúa đốt nóng lòng nhiệt thành trong con, giúp con sẵn sàng đưa tay đón lấy anh em và phục vụ tất cả những người người anh em cần đến chúng con.

 Én Nhỏ

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *