Người giáo dân Đa Minh với việc Giảng Thuyết (3/3)

NGƯỜI GIÁO DÂN ĐA MINH

VỚI VIỆC GIẢNG THUYẾT (phần 3/3)

Canh tân nhiệt tâm loan báo Tin Mừng trong tình hiệp thông

Gần đây, Giáo hội nói tới khái niệm “gia đình thiêng liêng”, đặc biệt để chỉ những cộng đoàn thường được gọi là “những cộng đoàn mới”. Theo một khía cạnh nào đó, giả như chúng ta chấp nhận một sự sai trệch về thời gian, ta có thể nói rằng “cộng đoàn giảng thuyết thánh” thời ban đầu của Dòng có lẽ đã đáp ứng được định nghĩa này, và rằng ngày nay khái niệm “Gia đình Đa Minh” đang thực hiện ý nghĩa đó.

bn_2015i.jpg

Ngày nay, một thông điệp được lặp đi lặp lại và càng ngày càng được nhắc tới, đó là Giáo hội phải cấp bách canh tân nhiệt tâm truyền giảng Tin Mừng, có nghĩa là Giáo hội vừa phải củng cố chính mình, vừa phải trải rộng ra, nhờ sức mạnh và ân sủng của việc rao giảng Tin Mừng. Để đạt được điều đó, phải cấp bách ý thức rằng việc loan báo Tin Mừng không thể được xem như là hoa trái của riêng hàng giáo sỹ trong Giáo hội, nhưng đúng hơn, đó là hoa trái của một sáng kiến chung, nhờ đó toàn thể Giáo hội thực hiện được điểm cốt yếu của mình, là lao mình chạy đến gặp gỡ những con người thời đại. Như thế, để sống đúng bản chất của mình, Giáo hội cần đến sự dấn thân của mọi thành phần trong việc loan báo Tin Mừng cho thế giới. Làm sao chúng ta lại không nghe được sứ điệp khẩn thiết này đối với Dòng chúng ta? Là “người phục vụ đặc sủng giảng thuyết”, Dòng Anh Em Thuyết Giáo có trách nhiệm cổ võ đặc sủng giảng thuyết của người giáo dân trong việc loan báo Tin Mừng, và chỉ ra rằng việc hội nhập người giáo dân Đa Minh vào mối hiệp thông chung của gia đình Đa Minh, điều đó cũng nằm trong chính việc xây dựng Giáo hội. Nhưng lúc đó, trong Dòng cũng như có thể cả trong Giáo hội, chúng ta cần phải cấp bách nhìn nhận rằng các ý nghĩa của việc loan báo Tin Mừng sẽ không thể được xác định nếu thiếu đi một cuộc đối thoại thực sự giữa anh chị em chúng ta, giáo dân, giáo sỹ và tu sỹ, trong khi lưu tâm đặc biệt đến kinh nghiệm và nỗi khao khát truyền giáo của người giáo dân.

Nhiều yếu tố xem ra có tính quyết định khi nhận định về những đóng góp riêng của người giáo dân Đa Minh vào việc canh tân nhiệt tâm loan báo Tin Mừng trong toàn thể gia đình Đa Minh. Trước hết, với nguy cơ công bố điều tầm thường, người giáo dân nhắc nhở chúng ta rằng trực giác Tin Mừng của thánh Đa Minh không thể bị giản lược vào lối sống của người tu sĩ. Trong một gia đình thiêng liêng, luôn hiện diện một mối nguy là phân biệt kỳ thị dẫn đến phân chia giai cấp một cách hoàn toàn sai lầm: thánh hiến hay không thánh hiến; linh mục hoặc không linh mục; nam và nữ; trẻ với già. Trong chúng ta, phải có sự đơn sơ và can đảm để đối diện với cám dỗ này, và sửa chữa lại cho đúng đắn. Chính bằng cái giá như thế mà chúng ta mới có thể đưa đặc sủng giảng thuyết lên đến mức độ cao nhất để phục vụ cho một Giáo hội huynh đệ. Lắng nghe người giáo dân Đa Minh nói về niềm vui cũng như những khó khăn mà họ gặp phải khi dấn thân phục vụ Giáo hội, chúng ta sẽ khám phá ra rằng, nếu những sự trợ giúp của người giáo dân thường là được hoan hô nhiệt liệt, thì những sáng kiến của họ, việc đào tạo thần học cho họ, những kiến thức lý thuyết và thực tiễn của họ không phải lúc nào cũng được đón nhận một cách đúng đắn. Chúng ta làm như có hai trọng lượng, hai thước đo đối với vị trí được dành cho lời nói của mỗi người trong cuộc đối thoại của Giáo hội.

Nhấn mạnh đến sự dấn thân của người giáo dân Đa Minh trong việc giảng thuyết, điều đó có nghĩa là, theo truyền thống Dòng, chúng ta đã nhấn mạnh đến việc học hỏi. Thực ra, như đã nói lúc đầu, việc giảng thuyết phải thực bắt nguồn từ sự cân bằng giữa ba hình thức chiêm niệm là cầu nguyện, học tập và đời sống huynh đệ. Loan báo Lời, lắng nghe nỗi khát vọng của thế giới hiện tại đang muốn tìm kiếm chân lý, nỗ lực thiết lập những điều kiện tốt nhất cho cuộc đối thoại với các nền văn hóa cũng như những tri thức mới: tất cả những điều đó đòi hỏi phải khổ chế trong việc học hành. Dòng mãi mãi là “người môn sinh”, hầu cho nhờ việc học hành mà những chứng từ và những lời phát biểu về đức tin tìm gặp được những kiến thức của truyền thống Giáo hội, gặp được tính nghiêm túc và tính khách quan nhờ đó mở ra cho những người đối thoại với chúng ta một nẻo đường chân thật của tự do, từ đó phát triển chính sự hiểu biết của họ về đức tin trong Giáo hội.

Sự phong phú của những hoàn cảnh cụ thể mà người giáo dân đang sống cũng là nguồn lực dồi dào cho toàn thể Gia đình Đa Minh. Thực sự, nó giúp chúng ta tránh khỏi tính dễ dãi như khi người ta trình bày các thực tại của con người, cá nhân, gia đình và xã hội cách hàm hồ, nó cũng giúp tránh tính “lý thuyết”, thứ lý thuyết vốn có nguy cơ trở thành mẫu mực và giản lược. Chính trong kinh nghiệm cụ thể làm phát sinh những vấn nạn về đời sống lứa đôi, nuôi dạy con cái, trách nhiệm nghề nghiệp, công ăn việc làm bấp bênh, mức sống kinh tế, việc dấn thân chính trị và xã hội. Cũng chính trong kinh nghiệm cụ thể mà người ta cảm nghiệm được thế nào là sự ra đi của người bạn đời hay con cái, những khoảnh khắc khó khăn khi phải chuyển hướng nghề nghiệp, giai đoạn chuẩn bị về hưu, những khó khăn của tuổi già. Tất cả những kinh nghiệm trong cuộc sống cụ thể như thế đều có liên hệ đến việc dấn thân của họ trong việc rao giảng Tin Mừng, người giáo dân Đa Minh mang lại một sự đóng góp vô cùng lớn lao cho việc hiểu Lời Chúa ngay trong gia đình Đa Minh.

Việc Giáo hội nhấn mạnh đến tính cấp thiết phải canh tân nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng thường phát xuất từ sự kiện “tục hóa”, tình trạng này cho thấy việc rao giảng Nước Trời là một thách đố lớn lao. Ở đây một lần nữa, cần phải nhấn mạnh đến tính đặc thù của những kinh nghiệm mà người giáo dân có được về sự tục hóa trong môi trường nghề nghiệp, bạn bè và gia đình của họ. Đôi khi chúng ta nghe anh chị em giáo dân than phiền vì thấy gia đình của họ lạnh nhạt với đức tin, nỗi cô đơn của họ khi dường như họ không thể công khai tuyên xưng đức tin trong môi trường sống và làm việc, những sự khó hiểu mà họ phải đối diện khi cố chứng tỏ rằng không nhất thiết có sự đối nghịch giữa lý lẽ hiện đại, mà trên hết là khoa học kỹ thuật, với những xác quyết về niềm tin và các giá trị. Đôi khi, có anh chị em nói đến những khó khăn ngay trong bối cảnh đa văn hóa, là họ không tìm được một thái độ đúng đắn trong bối cảnh đa tôn giáo hiện nay. Trường hợp đó, người giáo dân Đa Minh có thể giúp anh chị em trong gia đình Đa Minh sáng tạo ra một lối giảng thuyết bao gồm chứng từ hữu hình và những lời nói rõ ràng.

Xét về sự bổ túc này, việc dấn thân của gia đình Đa Minh vào sứ vụ loan báo Tin Mừng có thể đề ra một số mục tiêu ưu tiên. Rõ ràng, mỗi “cộng đoàn giảng thuyết thánh” tại địa phương là người trước tiên phải đề ra những ưu tiên ấy, dựa vào tình hình cụ thể, văn hóa đặc thù của mỗi quốc gia và lịch sử Giáo hội địa phương. Nhưng tôi tin rằng ngày nay cần chia sẻ những suy tư của các thành viên khác trong gia đình Đa Minh với anh chị em giáo dân, khi mà chúng ta nhắm tới việc canh tân rao giảng Tin Mừng trong các gia đình, trong lãnh vực giáo dục, nhắm đến giới trẻ. Phải cần đến những kinh nghiệm của họ về kiến thức thực tế thời nay để có thể xác định rõ hơn những điểm chính trong cuộc gặp gỡ giữa Tin Mừng với những nền văn hóa khoa học kỹ thuật, và với những người thuộc mạng xã hội mới. Chính khi cùng với họ, và đặc biệt lưu tâm đến kinh nghiệm của họ, mà chúng ta có thể tiếp cận với sự tục hóa, sự tục hoá này không chỉ làm xáo trộn lối nhìn về Giáo hội, nhưng còn mở ra một nẻo đường mới của tự do trong việc rao giảng Tin Mừng.

Trước lời kêu gọi canh tân việc rao giảng Tin Mừng, tôi thấy rằng Dòng Anh Em Giảng Thuyết được mời gọi cách đặc biệt để đưa việc ưu tiên quan tâm cổ vũ ơn gọi giáo dân vào trong tính năng động của sứ vụ Dòng, ơn gọi đem Tin Mừng vào giữa lòng thế giới. Đó là một cách thế tuyệt vời để phục vụ Giáo hội hiện nay. Để thực hiện điều đó, tôi xin phép nhấn mạnh đặc biệt đến một số cách thức mà chúng ta có thể phát triển. Thứ nhất, tinh thần mà nhiều nhóm Giáo dân Đa Minh được mời gọi sống theo, phải được ghi dấu và duy trì dấu ấn của niềm vui, sự tự do và nét đơn sơ: những tài liệu hướng dẫn anh chị em Đa Minh được soạn từ thời Công đồng Vatican II đều đi theo hướng đó. Thứ hai, trong số các hội đoàn giáo dân, Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh mang một trách nhiệm lớn lao, vì qua cuộc sống người giáo dân, họ dấn thân thiết lập một sự quân bình giữa tất cả những chiều kích trong truyền thống của thánh Đa Minh. Thứ ba, chúng ta phải cảnh giác để các huynh đoàn, trong khi cung cấp cho anh chị em một lối sống theo trường học của thánh Đa Minh, vẫn hoàn toàn tránh “hơi hướm của đời sống tu trì”, tức là không biến họ thành tu sĩ, cũng như tránh chủ nghĩa hình thức vốn có thể dẫn đến tình trạng xơ cứng. Thứ tư, do đó, chúng ta cũng phải sẵn sàng đón nhận vào gia đình Đa Minh những hình thức sống đời giáo dân kiểu khác, nhất là vì những kinh nghiệm phong phú như đã nói trên đây. Thách đố của việc loan báo Tin Mừng nơi người trẻ chắc hắn mời gọi chúng ta phải cổ võ bao nhiêu có thể những nhóm trẻ có khả năng tham gia vào Phong Trào Giới Trẻ Đa Minh Quốc Tế, không phải như các nhóm “mục vụ” giới trẻ, nhưng đúng hơn là những nhóm được thành lập và huấn luyện để trở thành các nhóm truyền giáo trẻ dành cho người trẻ (lưu tâm đặc biệt đến những người trẻ chưa đón nhận đức tin, và những người sống xa thế giới có những truyền thống thiêng liêng). Trong suốt năm nay, tôi cho rằng điều quan trọng là các thành viên khác trong Gia đình Đa Minh phải tận dụng thời gian để lắng nghe, làm quen và hiểu rõ hơn về ơn gọi của người giáo dân trong toàn bộ sứ vụ của Dòng, và từ đó tham gia cách tích cực hơn trong việc cổ vũ ơn gọi này.

Nếu ta phát triển tính năng động này nơi người giáo dân Đa Minh, thì điều đó sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh ngay trong lòng Giáo hội một suy tư mang tính thời sự về bản chất ơn gọi của người giáo dân đối với công việc truyền giáo, ơn gọi vốn liên hệ đến tất cả những ai đã được rửa tội. Đồng thời nó cũng giúp suy tư về những đóng góp của “các hiệp hội giáo dân”, thuộc các truyền thống thiêng liêng khác nhau, vào việc hình thành nên những cộng đoàn Giáo hội địa phương. Tôi mời gọi các nhà thần học nam cũng như nữ, thuộc gia đình Đa Minh giúp chúng tôi trong những suy tư này.

Con trai con gái của các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ… Trong giai đoạn Cửu niên chuẩn bị cho Năm thánh của Dòng, chúng ta dành năm nay cho chủ đề “người Giáo dân Đa Minh với việc giảng thuyết”, điều đó có thể giúp chúng ta ý thức đầy đủ hơn về thách đố của việc “được sai đi loan báo Tin Mừng” trong gia đình Đa Minh. Về cơ bản, đó là một lời mời gọi mỗi người chúng ta phải gắn kết khát mong truyền giảng Tin Mừng của chúng ta một cách sâu xa hơn nữa vào mầu nhiệm Phép Rửa, bí tích rửa tội truyền cho chúng ta phải xây dựng Giáo hội như bí tích cứu độ trong thế giới. Tôi mời gọi tất cả các cộng đoàn trong Dòng, và các cộng đoàn, hội nhóm trong gia đình Đa Minh, dùng thời gian suốt năm nay để nghiền ngẫm ý nghĩa đó. Để thực hiện điều đó, tôi mời gọi anh chị em hãy dành thời gian Mùa Chay này để hằng tuần suy niệm Lời Chúa (lectio divina) trong cộng đoàn, dựa theo bài đọc của năm Chúa Nhật trong năm phụng vụ này, và một lần nữa xây dựng sự hiệp thông bằng cách cùng nhau lên đường đi theo nẻo đường mà Giáo hội mời gọi các tân tòng, là hãy tái sinh bằng niềm vui rao giảng Tin Mừng.

Roma ngày 22/12/2013
Tu sĩ Bruno Cadoré, O.P.
Tổng quyền Dòng Anh Em Giảng Thuyết