Nội Dung Bài Nói Chuyện Với Giới Trẻ Tại Đại Hội Thánh Mẫu Trà Kiệu 2017 Về Gia Đình

Hội Thánh Công Giáo đề cao gia đình và vai trò của gia đình trong sứ mạng mình. Hôn nhân là một trong bảy bí tích cao trọng, và Gia đình là Hội Thánh tại gia sống Tin Mừng Tình Yêu Chúa trao phó. Đặc biệt trong thời gian gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô giảng nhiều bài Giáo lý của về gia đình. Hơn nữa, trong hai năm 2014 và 2015, Đức Thánh Cha triệu tập hai Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia đình. Sau đó, ngày 8/4/2016, Đức Thánh Cha đã ban hành Tông Huấn hậu Thượng HĐGM mang tựa đề “Amoris laetitia” (Niềm vui Yêu thương”) được ngài ký ngày 19-3, lễ trọng kính Thánh Giuse, chắc chắn không phải ngài tình cờ chọn ngày Lễ này.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sau kỳ họp thứ XIII, vào ngày Lễ Đức Mẹ Mân Côi 07/10/2016 đã gửi Thư Chung cho dân Chúa, trong đó các ngài công bố chủ đề cho ba năm như sau: “Hòa với nhịp sống của Hội Thánh toàn cầu cũng như Hội Thánh Á Châu, chúng tôi đề nghị chủ đề Mục vụ gia đình cho ba năm (2016-2019) với những điểm nhấn cho từng năm: Năm 2016-2017 chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân; Năm 2017-2018 đồng hành với các gia đình trẻ; và năm 2018-2019 đồng hành với những gia đình gặp khó khăn”.

Hội Thánh nhấn mạnh vai trò gia đình và việc chăm sóc mục vụ dành cho gia đình trong thời đại này vì hai lý do: một là những khủng hoảng và thử thách của thời đại cứ dồn dập đổ vào gia đình, làm cho những giá trị cao quý của gia đình bắt đầu lung lay; hai là đức Tin của người trẻ ngày hôm nay bị tấn công từ tứ phía, làm cho một số người cảm thấy Chúa Giêsu không còn chiếm chỗ ưu tiên trong tâm hồn và trong cuộc đời họ. Những thực tế đau lòng ấy có làm cho chúng ta hồi tâm suy tư về chính mình và về anh chị em mình hay không?

Trong Tâm Thư gửi Các Gia Đình Công Giáo, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam viết về thực tế đau buồn của các gia đình như sau: “1. Tình trạng vợ chồng Công Giáo ly thân và ly dị đang có chiều hướng gia tăng, cách riêng nơi các gia đình trẻ; bạo hành gia đình vẫn là điều nhức nhối; 2. Một số bạn trẻ sa đà vào lối sống buông thả về mặt tình dục, chủ trương sống chung, sống thử trước hôn nhân; 3. Tệ nạn phá thai lan tràn đến mức coi thường…”

1. Những vấn nạn và thách đố

Như Tâm Thư của HĐGMVN nêu ra, có ba vấn nạn lớn mà người trẻ ngày hôm nay phải đối mặt. Đây không chỉ là thực trạng xã hội, mà còn là tình trạng tội lỗi, làm cho con người dần dần xa Chúa và xa Giáo Hội.

Thứ nhất là tình trạng ly thân, và đáng buồn hơn, là ly dị. Đặc tính của Hôn Nhân Công Giáo là đơn hôn và vĩnh hôn (một vợ một chồng và không ly dị). Thế nhưng đối với một số cặp vợ chồng lời thề hứa trước bàn thờ Thiên Chúa và cộng đoàn cũng như lể luật Thiên Chúa đã không được tuân giữ. Người ta đã phân tích nguyên nhân của tệ nạn này khá nhiều, trong đó có lý do kinh tế, bạo lực, không hòa hợp tính tình và cả tình dục, nhất là ngoại tình… Nhưng trên hết và trước hết phải kể đến việc loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống gia đình. Đây là nguyên nhân sâu xa nhất của mọi đổ vỡ và tan nát trong cuộc đời con người. Xin nhớ: Ly dị không giải quyết được vấn đề mà còn gây đau khổ cho nhiều người. Hãy sửa đổi chính mình và cùng tìm giải pháp để sống êm ấm.

Thứ hai là việc sống thử trước hôn nhân. Sống thử là kiểu nói tô điểm cho một lối sống liều lĩnh và vượt khỏi khuôn phép xã hội cũng như lề luật Thiên Chúa. Ở những thành phố lớn, trong giới công nhân, nhân viên và cả sinh viên, việc sống chung trước hôn nhân có khi trở thành rất bình thường. Người ta không nghĩ đến những hệ lụy của lối sống này. Kết quả của nó thường là chia tay hoặc không tin tưởng tôn trọng nhau sau này, không tự tin trước người thân, phạm tội phá thai v.v… Khi người ta đặt nặng về tình dục thì tình yêu không còn chỗ đứng. Lý do đơn giản: tình yêu đòi hỏi phải tự hiến, hy sinh và chuẩn bị cho một gia đình, còn việc sống thử thì nhất thời, ích kỷ và trong bóng tối… Xin nhớ: Tình dục bất chính làm tình yêu phai nhạt và mất đi ý nghĩa thánh thiêng.

Thứ ba là tệ nạn phá thai. Người ta đưa ra đủ lý do để biện minh cho phá thai: không đủ điều kiện nuôi nấng, danh giá bị ảnh hưởng và nại cả đến lý do tương lai đứa bé… Tuy nhiên, tất cả chỉ là ngụy biện. Không ai có quyền chấm dứt sự sống của một sinh linh ngoài Đấng tác thành nên nó là Thiên Chúa. Phá thai là một tội trọng và theo giáo luật thì đó còn là vạ. Nguyên nhân của phá thai có nhiều, nhưng trước hết phải kể đến việc sống thử trước hôn nhân, mà không dám chịu trách nhiệm về lối sống của mình. Xin nhớ: Phải bảo vệ sự sống mà Chúa đã tác thành. Sự phá thai làm cho con người phải ray rứt ân hận lâu dài.

Phân tích như thế, chúng ta nhận thấy rõ ràng hai điều này: Các tệ nạn hay thách đố ấy trong đời hôn nhân gia đình có mối liên quan với nhau, đồng thời có một nguyên nhân sâu xa là con người không sống trong Tình Yêu và huấn lệnh của Thiên Chúa, như Thánh Công đồng Vatican dạy và Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lặp lại trong Tông huấn Consortio Familiaris: “Tìm kiếm Nước Thiên Chúa cách chính xác qua việc quản trị các thực tại trần thế mà họ đang xếp đặt theo ý Thiên Chúa”.

2. Để gia đình hạnh phúc.

Để gia đình được hạnh phúc, người Công Giáo chúng ta có một phương thức hữu hiệu là thực hành Lời Chúa và huấn quyền Hội Thánh, “Tìm kiếm Nước Thiên Chúa cách chính xác qua việc quản trị các thực tại trần thế mà họ đang xếp đặt theo ý Thiên Chúa”, hay nói đơn giản hơn, “biết vui sống bên Chúa Giêsu”.

Vui sống bên Chúa Giêsu qua việc chọn lựa người bạn đời của mình theo những tiêu chí phù hợp với “con nhà Đạo”. Trong bài đọc Thánh Lễ Hôn Phối, trích sách Tôbia, chúng ta thấy Tôbia cưới Sara vì “mến yêu dòng dõi những người biết ca tụng danh Chúa tới muôn đời.”, dòng dõi mà Thánh Vịnh 24 diễn tả: “Này là dòng dõi những người tìm Chúa, đây là những người mong bệ kiến Ngài, một đời lòng ngay không hề gian dối”. Các bạn chuẩn bị lập gia đình, các bạn hãy cầu nguyện, hãy ném mình vào lòng Chúa Giêsu, xin Người giúp các bạn chọn người bạn đời có thiện chí, yêu mến sự thiện hảo. Đừng chọn người bạn đời theo kiểu thế gian: đề ngoại hình “hot”, nhà cao cửa rộng hay địa vị cao… Những cái đó không xấu, nhưng cần phải có một cái nền vững chắc, đó là đạo đức con người.

Vui sống bên Chúa Giêsu bằng việc sống với Chúa Giêsu qua kinh nguyện và các Bí Tích. Hình ảnh đẹp của gia đình là việc quây quần bên bàn thờ Chúa, sớm hôm cầu nguyện. Hình ảnh đẹp của gia đình là việc người mẹ dịu dàng dạy con làm Dấu Thánh Giá, đọc những kinh đầu đời. Hình ảnh đẹp của gia đình là những giờ Thánh Lễ sốt sắng. Kinh nghiệm cho thấy những gia đình nào gắn bó với Chúa Giêsu và trung thành với chuỗi Mân Côi thì sống hạnh phúc. Những khó khăn, vất vả trong gia đình chỉ vượt qua được bằng chiếc cầu Thánh Giá Chúa Giêsu và bằng sợi dây cấp cứu là tràng hạt Mân Côi.

Vui sống bên Chúa Giêsu bằng việc sống bài ca Đức Ái của Thánh Phaolô trong Thư I Côrintô. Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích mở rộng bài ca này trong chương 4 của Tông Huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui của Tình Yêu), và HĐGMVN đã tóm tắt trong Tâm Thư gửi các Gia Đình Công Giáo:

“Đó là tình yêu kiên nhẫn, biết đón nhận người khác như họ là;

tình yêu phục vụ, không chỉ bằng cảm tính hay lời nói nhưng bằng hành động cụ thể;

tình yêu không ghen tị, nhưng trân trọng thành quả của người khác;

tình yêu không khoe khoang tự phụ, không coi mình hơn người khác;

tình yêu dịu dàng, không cứng cỏi;

tình yêu quảng đại, cho đi mà không tính toán;

tình yêu tha thứ, biết tìm hiểu người khác để thông cảm và tha thứ hơn là soi mói;

tình yêu vui với niềm vui của người khác, chứ không vui vì sự thất bại của họ;

tình yêu chịu đựng, giữ gìn miệng lưỡi, tránh xét đoán và nói xấu;

tình yêu tin tưởng tất cả nên không tìm cách thống trị nhưng tôn trọng người khác;

tình yêu hy vọng tất cả vì Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng bằng những nét cong;

tình yêu chịu đựng tất cả với thái độ tích cực”.

Nguyện xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Trà Kiệu, cho chúng con biết yêu thương nhau bằng tình yêu quảng đại, biết làm mọi việc vì yêu mến Chúa và biết sống đúng phẩm giá của “dòng dõi những người tìm Chúa”

Gioan Lê Quang Vinh – Vietcatholic

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *