Phần 2 – Giáo dân trong lịch sử

Lịch sử là ông thầy sống động: cần phải nhìn vào quá khứ để hiểu rõ hiện tại hơn cũng như để chuẩn bị chính xác hơn cho tương lai. [1] Có lẽ nên nhắc lại một điều dễ quên là Ðức Giêsu, Ðức Maria, thánh Giuse đều là “giáo dân” trong Do thái giáo là tôn giáo của các ngài. Từ đầu cho đến ngày nay và mãi cho đến tận thế, giáo dân là thành phần chiếm đại đa số trong Giáo Hội. Sau ngày Hiện xuống, nhóm môn đồ của Ðức Giêsu đã ý thức mình là Dân mới của Thiên Chúa (x. Rm 9:25-26; 1Pr 2:9-10, v.v.), “theo một đạo” đặc thù (x. Cv 9:2; 19:9.23; 22:4 v.v.); [2] vì thế, những người theo “đạo” này làm thành một “dân.” Trong công đồng đầu tiên, thánh Phêrô gọi các Kitô hữu – cả gốc Do thái lẫn gốc lương dân – là một laós, “dân” của Chúa (x. Cv 15:14). Lạ thay, mãi cho đến Vaticanô II, giữa thế kỷ 20, mới thấy khái niệm về “dân” như vừa nói, xuất hiện trở lại trong một công đồng chung!

Thế hệ Kitô đầu tiên thể hiện đặc tính “dân Chúa” trên đây  bằng nhiều cách, đặc biệt là qua các sự việc ngồi chung cùng một bàn (Lễ Tạ Ơn), chia sẻ tài sản, yêu thương nhau “không phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà” (Gl 3:28). Thừa kế các đặc ân của Ítraen, Giáo Hội ý thức mình là “hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người” (1Pr 2:9), tức một dân có một sứ mệnh làm chứng cho “dân ngoại” về Ðấng Phục sinh, như Ðức Giêsu đã truyền bảo (x. Cv 1:8), hoặc như thánh Phêrô đã khuyên là hãy “sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3:15). Chính nhờ giáo dân đã triệt để thi hành nhiệm vụ làm chứng trong những thế kỷ đầu, mà kitô giáo đã có thể tỏa lan rộng ra trong khắp thế giới. [3]

Trong Giáo Hội thời ban đầu, các tín hữu sống đạo trong những cộng đoàn nhỏ – không có cơ cấu hữu hình rõ ràng, một phần là để tránh các vụ bắt bớ – rất gắn bó với nhau nhờ tình tương thân tương trợ, mỗi người đảm trách nhiệm vụ đối với cuộc sống đức tin và sinh hoạt Giáo Hội, những nhiệm vụ khác nhau về cả đối nội lẫn đối ngoại, đồng thời rất mềm dẻo, dễ ứng đáp những nhu cầu bất ngờ, dễ thích nghi với những hoàn cảnh cụ thể, vừa để sống đạo vừa để truyền giáo. Trong thời đầu, Dân Chúa chưa biết đến việc chia thành hai “giai cấp,” giáo sĩ và giáo dân, với những lãnh vực hoạt động rõ ràng và khác nhau. Hẳn là trong mỗi cộng đoàn đều đã có những thủ lãnh (Dân Thiên Chúa đâu phải là một xã hội vô trật tự) và những thừa tác vụ khác nhau; nhưng đa số các phận vụ không cần đến “nghi thức đặt tay” (tức bí tích truyền chức thánh). Trong cộng đoàn, thường có nhiệm vụ từ thiện, chẳng hạn như lo cho cô nhi quả phụ, thăm viếng tù nhân, tiếp đón khách qua đường, v.v., do các phó tế và giáo dân phụ trách. Trong sinh hoạt phụng vụ cộng đoàn (thường tổ chức tại nhà riêng hoặc với nhóm nhỏ: chưa có nhà thờ), thì có nhiều tác vụ tùy đoàn sủng của các cá nhân; chủ tọa là nhiệm vụ của giám mục hoặc niên trưởng; còn các ‘tiên tri’ thì loan báo lời Chúa; và tùy khả năng của mình, mọi thành viên đều tích cực góp phần vào cuộc sống chung.

Khi Giáo Hội phát triển rộng lớn và số giáo hữu trong các cộng đoàn tăng lên, thì phải cầm đến những cơ cấu tổ chức có tính cách xã hội, với những chức vụ được xác định rõ ràng dựa theo khuôn mẫu cơ cấu của xã hội loài người (đó là một hình thức “hội nhập văn hóa” như đang được đẩy mạnh hiện nay). Các thể thức hành chánh trở thành phức tạp hơn và đòi hỏi phải có những “chuyên viên” đã được huấn luyện trước; phụng vụ triển khai nhiều nghi thức phong phú hơn với những nhiệm vụ được định hình. Các “sách lễ” xuất hiện nhằm đảm bảo cho phẩm chất được cao. Các sách thì rất quý báu, được trình bày công phu và thẩm mỹ, nhưng ít người biết đọc.

Vai trò của giáo dân trong những thế kỷ đầu không cho thấy có gì rõ ràng, vì thiếu tài liệu. Hơn nữa, thuật ngữ dùng để chỉ các thừa tác vụ chưa nhất định; vì thế những từ đọc thấy trong các tài liệu thường mang nhiều nghĩa không hoàn toàn giống nhau, không dễ để giải thích. Có thể nghĩ rằng lúc đầu, tình trạng còn lộn xộn, mò mẫm đi tìm cách thức tổ chức cộng đoàn, mỗi nơi một khác tùy nhu cầu địa phương; điển hình là trường hợp sau đây đối với Kinh Thánh: có nơi nhận Thư của Bar­nabahoặc Pastor Hermae (thế kỷ 2) là “kinh thánh” nhưng lại không nhận sách Khải huyền và cả Phúc âm thứ tư! Dường như có khi vai trò chủ tọa Lễ Tạ Ơn cũng được trao cho một “tiên tri” (có được “đặt tay” hay không?), hoặc một vị “tử đạo” (một chứng nhân bị tra tấn nhưng hãy còn sống), và có lẽ cả cho một giáo dân ở những nơi không có linh mục (như các tín hữu đầu tiên ở Ðại hàn, nhưng vì họ chưa hiểu Lễ Misa là gì), cho đến khi các chức vụ được xác định rõ ràng. Giáo dân cộng tác đắc lực vào các việc truyền giáo, đào tạo các dự tòng và tân tòng, các công tác từ thiện và việc hành chính. Một trong những giáo dân nổi tiếng bậc nhất thời ấy là thánh Giuxtinô tử đạo († 163), người đã viết sách biện giáo, hoặc Minutius Felix (quyển Octavius n. 200), hay Clêmentê Alêxandria († 215), ngườisáng lập trường giáo lý (ngày nay chúng ta sẽ gọi là trường thần học) và là thầy dạy của Ôrigênê († 253), v.v. Bị liên tục bách hại trong ba thế kỷ đầu, Giáo Hội đã phải hoạt động kín đáo, âm thầm, không mấy để tâm đến cơ cấu tổ chức, và hết thảy mọi thành viên đều ý thức về trách nhiệm đối với sự sống còn và hoạt động của cộng đoàn.

 

GIÁO DÂN – GIÁO SĨ

Hiện nay, các sử gia có khuynh hướng trình tả Giáo Hội sơ khai như là một “xã hội dân chủ” trong đó mọi người đều ngang nhau. Ðó là một thứ hình ảnh vừa lãng mạn lại vừa ảo tưởng. Lúc các tông đồ còn sống thì chính các ngài chủ tọa và hướng dẫn cộng đoàn. Các ngài đã bổ nhiệm các lãnh tụ cộng đoàn ở khắp nơi, và sau các ngài đã có những người kế vị. [4] Ðầu thế kỷ 2, các Giáo Hội địa phương đều có giám mục đứng đầu cùng với đoàn niên trưởng và phó tế. Cách đề cử và thay thế có lẽ khác nhau, nhưng cơ cấu ấy đã trở thành phổ quát ở khắp nơi trong thế giới vào thế kỷ 3, tức trước khi chính lục Kinh Thánh được mọi nơi chấp nhận.

Thời ấy cũng là lúc bắt đầu xuất hiện sự phân biệt giữa hai thuật ngữ Hylạp: laikós và kléros, tạm dịch là “giáo dân” và “giáo sĩ.” Laikós (tiếng Latinh: laicus, tiếng Anh: lay, tiếng Pháp: laique…) có gốc là laós tức “dân.” Kinh Thánh đề cập nhiều đến laós theoũ (dân Thiên Chúa) mà ngay từ đầu Kitô giáo đã hiểu theo ý nghĩa chỉ về Giáo Hội: nếu Giáo Hội là dân Thiên Chúa thì hết thảy thành viên là “giáo dân.” Còn từ laikós thì có ý nghĩa tương tự như “bình dân” và chỉ về “dân chúng” mà đại đa số là mù chữ. Thư của Clêmentê số 40 (lối năm 96) dùng từ này để phân biệt các thượng tế, các tư tế Lêvi với giới laikós” trong Do thái giáo. Sau này từ laikós thường mang ý nghĩa chỉ về những người mù chữ bất tài, như thấy được ở trong các tác phẩm của Ôrigênê [5] hoặc Clêmentê Alêxanđria. [6] Còn từ kléros(clergy, clergé) thì dù vốn có nghĩa là “phần được chọn” (Cv 1:17), phần “bắt thăm” được (Mt 27:35; Mc 15:24; Cv 1:26), “phần gia nghiệp” (Cv 26:18; Cl 1:12; 1Pr 5:12), cũng vẫn có thể áp dụng cho tất cả các ki­tô hữu hoặc cho những ai được chọn để giữ một phận sự đặc biệt như Mátthia. Dần dần các giáo hữu được chọn vào một phận sự đặc thù thì được gọi là kléros,” và khi việc chọn hoặc bổ nhiệm này diễn ra qua một nghi thức, thì cộng đoàn hát lên Thánh vịnh 15, câu 5: “Chúa là phần gia nghiệp (kleronomías) của con…” (x. Tv 72:26). Từ đó ý niệm này đã trở thành trọng tâm trong linh đạo giáo sĩ. Tiếng Latinh dùng từ laicus tương tự như trong tiếng Hylạp. Thế mà trong bản dịch Kinh ThánhVulgata, thánh Hiêrônimô dùng từ pa­nis laicus, “bánh thường” để phân biệt với bánh thánh dành riêng cho các tư tế trong đền thờ (x. 1Sm 21:5).

Dù sao, cách dùng từ không phải là điều hệ trọng; ý nghĩa của sự việc mới thực sự là điều quan trọng. Một khi đã phát triển, tất Hội thánh phải cần đến tổ chức, cơ cấu; và một cách “tự nhiên,” nhờ Thánh Thần, từ hạt giống tông đồ đã mọc lên các thừa tác vụ là giám mục, niên trưởng, phó tế, v.v. Tổng thể giáo hữu phân làm hai hạng: những ai giữ phận sự chung và những ai giữ phận sự đặc thù, tức giáo dân và giáo sĩ. Hồi thế kỷ 4, xuất hiện một loại thành phần khác là đan sĩ: họ tự coi mình như thuộc hàng giáo dân. Thời Trung cổ, hàng đan sĩ Tây phương đã bắt đầu sống đời sống phụng vụ cộng đoàn một cách nổi bật; do vậy, cộng đoàn cần có một số linh mục; sự kiện này đã khiến dư luận xếp họ vào hàng giáo sĩ. Vì thế, bộ sắc luật của Gratianus (chừng n. 1140) định nghĩa: “Kitô giáo có hai loại thành phần…” tức giáo dân và giáo sĩ, dù thật sự đại đa số các tu sĩ không phải là linh mục.

Như vậy, từ thời Trung cổ trở đi, giáo dân được coi như là hàng ứng đối hoặc với giáo sĩ, hoặc với tu sĩ, hay với cả hai. Ðáng lưu ý là Gratianus quan niệm giáo dân như là hạng thụ động, như là loại kitô hữu “yếu nhược” phải nhượng bộ cho họ được phép sử dụng tiền của, nhục dục, các thực tại phàm tục… Quan niệm này đã trở thành mạnh hơn sau cuộc cải cách hồi các thế kỷ 11 và 12, bởi cho rằng kitô hữu “đích thực” là người trở về với lý tưởng của Giáo Hội sơ khai (theo Cv 2:42; 4:32-35), được thể hiện qua lối sống của các dòng tu; và như thế Giáo Hội đã đi đến chỗ phân biệt hai loại giáo hữu – đệ nhất và đệ nhị, tức giáo sĩ và giáo dân – trong cùng một tổng thể hiệp nhất chặt chẽ. Trong thời thế kỷ 14-15, lối phân biệt này bắt đầu gây ra chia rẽ, đưa dần tới chủ nghĩa quốc gia tục hóa và những vụ ly khai Tin lành. Phong trào Cải cách Tin lành phủ nhận sự phân biệt trên đây, và nhân danh chức tư tế chung để chối bỏ chức tư tế riêng; vì thế công đồng Trentô và Giáo Hội sau này đã nhấn mạnh đến vai trò của phẩm trật và sự phân biệt giữa giáo dân và giáo sĩ cho đến nay, một sự phân biệt nằm ở trong mối hiệp thông của nhiệm thể Ðức Kitô.

Hiện nay, Giáo Hội thường nói về ba hàng ở trong cộng đồng giáo hữu: giáo dân, giáo sĩ và tu sĩ; điển hình là Vaticanô II: trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, chương 3 bàn về giáo sĩ, chương 4 bàn về giáo dân, còn tu sĩ thì được bàn đến ở trong chương 6. Như thế, giáo dân và giáo sĩ khác nhau qua bí tích và chức vụ; còn giáo dân và tu sĩ thì khác nhau qua bậc sống.

 

GIÁO DÂN TÁC ĐỘNG TRONG HỘI THÁNH  

Ðã là đa số trong dân Chúa, thì bao giờ giáo dân cũng có ảnh hưởng lớn trên đời sống của Giáo Hội. Rõ nhất là vai trò của các vua chúa công giáo ngày trước. Những thế kỷ đầu, các công đồng chung đều do hoàng đế triệu tập. Thời Trung cổ, trước cuộc cải cách Grêgôriô (thế kỷ 11-12), các vua chúa Châu Âu bổ nhiệm giáo sĩ vào các chức vụ của Giáo Hội tại  các vùng thuộc lãnh địa của họ, và giữ vai trò tích cực trong các công đồng. Hẳn là ngày nay Giáo Hội không muốn trở lại với thói lệ ấy; tuy nhiên, đó cũng là điều có thể giúp cho các chính trị gia công giáo ý thức rõ hơn về khả năng họ nắm giữ trong tay để hoạt động cho Nước Chúa ở giũa thời đại này.

Vĩ nhân thì bao giờ cũng có ảnh hưởng trên xã hội, hoặc là về mặt chính trị hoặc là về mặt tôn giáo. Các nhà trí thức là thành phần đáng kể nhất. Trong những thế kỷ đầu Giáo Hội, đã có các nhà biện giáo nổi tiếng như Aristiđes, Giuxtinô, Athênagôras, Minucius Felix, Téctullianô… Thời đế quốc Bydănxiô, chính hoàng đế Giuxtinianô (527-565) đã viết sách thần học, cũng như nhiều giáo dân khác. Boetius († 524) ở Ý đại lợi, một triết gia và là chính khách, cũng đã viết nhiều tác phẩm tầm cỡ và gây được ảnh hưởng lớn. [7] Nghị sĩ Cassiôđôrô († 580) giã từ cuộc sống trần thế để đi sáng lập đan viện, nhưng vẫn tiếp tục viết nhiều sách có tầm hưởng lớn. Ở Âu châu, trong thời Trung cổ, khi đa số giáo dân đều mù chữ, bất lực, thì cũng đã có những cá nhân xuất sắc, chẳng hạn như Ðantê (1265-1321) là một thi sĩ đặc thù công giáo, tiếng tăm quốc tế.

Từ khi có Ðại học (thế kỷ 12-13), đa số thành phần giáo sư đều thuộc giới giáo dân, và là những người thường xuyên hoạt động trong các lãnh vực trực tiếp liên quan với đời sống Hội Thánh. Suốt nhiều thế kỷ, ở Âu châu, “khoa học” luôn luôn mang một chiều kích “thần học.” Khó mà kể ra hết được con số các vĩ nhân giáo dân công giáo. Dưới đây, xin lược kê chẳng hạn: Thomas More (†1535),Erasmus († 1536), B. Pascal († 1662), Joseph de Maistre († 1821), F. R. Chateaubriand († 1848), J. Donoso Cortés († 1853), De Lisle († 1878), L. Veuillot († 1883), M. Blondel († 1949), hoặc gần đây hơn, J. Maritain († 1973), E. Gilson († 1978), X. Zubiri († 1983), v.v. Những nhà trí thức công giáo này đã quyết dấn thân hoạt động trong lãnh vực tôn giáo.

Chúng tôi đã không liệt kê các phụ nữ thời xưa, vì đa số đều là tu sĩ: dẫu các ngài không phải là giáo sĩ nhưng dư luận cũng không xếp họ vào hàng giáo dân. Tuy nhiên, vẫn phải nhắc đến các bà vợ công giáo lùng danh trong lịch sử Giáo Hội, như nữ nô lệ Ninô – một khi trở thành vợ của vua nước Gêócgia, thì đã làm cho chồng (và cả nước) tin vào Ðức Kitô – hoặc thánh Mônica, mẹ thánh Âugutinô; hoặc Gidêla vợ của Thánh Stêphanô vua Hungari, v.v. Còn các nữ tu, thì ở đây, chỉ cần nhắc đến thánh Gertrude Cả, hai thánh Catarina Sienna và thánh Têrêsa Mẹ – cả hai đều là tiến sĩ Giáo Hội – v.v. Hoặc gần đây hơn, thì có thể nhắc đến Edith Stein, Mẹ Têrêsa Calcutta hay Chị Chiara Lubich chẳng hạn.

Trong lịch sử Giáo Hội, các giáo dân đã ghi đậm những nét hoạt động vàng soi hết sức nổi bật và đặc biệt trong lãnh vực dạy giáo lý cả cho trẻ con lẫn cho dự tòng, trong công tác rao giảng Tin Mừng, nhất là tại các lãnh địa truyền giáo, cũng như trong các công việc đạo đức.

Khi cần phải cải cách Giáo Hội đang bị sa sút (do lối sống tệ hại của hàng giáo sĩ), thì chính giáo dân đã mạnh mẽ ra tay hành động, như một thánh Phanxicô Assisi († 1226) hay một D. Êrasmô († 1536): các pho sách của ông này là những tác phẩm được đọc nhiều nhất hồi thế kỷ 16. Cùng với Thomas More (†1535) ở Anh, J. Luis Vives († 1540) ở Tây ban Nha, Casparo Contarini († 1542) ở Ý đại Lợi, Êrasmô đã cố tạo nên dư luận công giáo đưa tới việc triệu tập công đồng Trêntô, bắt đầu cuộc cải cách: cuộc cải cách của Giáo Hội đã bắt đầu trước Luther! Khi Ðức Phaolô III quyết định phải đổi mới Giáo Hội, ngài đã bổ nhiệm vào chức hồng y một số giáo dân nổi tiếng như Reginal Pole, người Anh – sau này sẽ chủ tọa khóa đầu tiên của công đồng (n. 1546) – M. Cervini – sau này sẽ trở thành giáo hoàng Marcello II († 1555) – A. Massarelli, thư ký của công đồng dù chưa phải là linh mục. Trong công đồng cũng còn có nhiều giáo dân, như bá tước L. Nogarola, là người thuyết giảng cho các giám mục.

Trong thời thế kỷ 17, đặc biệt là tại Pháp, các ‘nhóm mạn đàm’ (sa­lon) đã gây được ảnh hưởng lớn, như các nhóm mạn đàm họp tại nhà bà de Bérulle hoặc bà Acarie († 1618): là mẹ của 6 người con, bà này vẫn hăng say làm việc cho Giáo Hội với ảnh hưởng rất mạnh. Là sĩ quan có 5 con, là tác giả củacuốn sách viết về cách giáo dục con cái, được gọi là “linh hồn” của hội Thánh Thể, Ông Gaston de Renty († 1649) lo phụ trách việc linh hướng cho nhiều nữ tu viện và được coi là “cố vấn của các thánh.” Các vị này đều là bạn của thánh Phanxicô Salê, người đã tẩy xóa thành kiến thời trước, và cắt nghĩa cho thấy là các giáo dân có thể nên thánh trong đời sống hằng ngày trong đấng bậc giáo dân của họ. Trong xã hội thời ấy, đã có những giáo dân “thường” sống một cuộc sống đức tin rất sâu xa, những giáo hữu hăng say “đấu tranh” trong các hoạt động tông đồ, các bà cùng hợp tác làm việc bác ái với thánh Vinh Sơn Phaolô, và cả các bà quý phái như Mme [de] Sêvigné cũng sống một đời thấm nhuần sâu đậm tinh thần kitô.

Thế kỷ 18 là một thời tai biến cho Giáo Hội: giới trí thức bội giáo phá hoại đức tin, tấn công cơ cấu của Hội thánh; việc bắt ép giáo hoàng giải tán Dòng Tên là một dẫn chứng cụ thể; rồi phải kể đến việc cách mạng Pháp làm đảo lộn cả trật tự cổ truyền và bắt giam Ðức Piô VI (1775-1799). Giới trí thức rơi vào tình trạng tê liệt, không phản ứng; trái lại, giới bình dân đã phản ứng mạnh mẽ bằng cách nổi dậy, như cuộc nổi dậy ở Vendée (1793),  hoặc cuộc “chiến của nông dân” ở Bỉ (năm 1798).

Thế kỷ 19 đã phải chứng kiến hiện tượng tục hóa ào ạt, cọng với thái độ chống đối Giáo Hội ra mặt từ phía các chế độ chính trị. Thần học chỉ còn hoạt động tương đối hữu hiệu tại một vài nơi, như ở Ðức hoặc ở Anh với Henry Newman; còn tại các nước khác thì đúng là thời trị vì của các loại sách giáo trình. Nhưng giáo dân thì lại rất sinh động. Joseph Goerres – người Ðức – đã xuất bản bộ sách bốn cuốn về thực tại thần nghiệm kitô trong các năm 1836-1842; W. G Ward –người Anh – đã viết về tự nhiên và ân sủng (n. 1860); Louis Veuillot – người Pháp – đã xuất bản cuốn sách viết về cuộc đời của Ðức Giêsu Kitô (n. 1864).

Ðầu thế kỷ 19, ở Ðức quốc, có nhóm gọi là ‘Câu lạc bộ Muenster’ (Circle of Mušnster) – công chúa Amelia Gallitzin làm chủ tịch – đã nối liên lạc với nhiều phong trào và nhà trí thức, như Goethe; quaviệc khảo luận Kinh Thánh và các Giáo phụ, nhóm đã tạo ra được bầu khí trí thức công giáo; người nổi tiếng nhất là J. Goerres; ông viết nhiều sách và kiên trì đấu tranh cho quyền tự do lương tâm; ông cũng là người đã nêu cao xác tín này là Giáo Hội cần phải sống trọn phổ quát tính, chứ không được đóng khung trong não trạng quốc gia cục bộ. Những giáo sĩ tham gia nhóm ấy là J. A. Moehler và I. von Doellinger.

Trong khi đó, ở Pháp, cũng thấy xuất hiện một số giáo dân đặc tài là R. Chateaubriand (1768-1848), J. de Maistre (1751-1821) và L. de Bonald (1754-1810). De Maistre đã minh bạch khẳng định vai trò tích cực của giáo dân ở trong Hội thánh, cho dù tư tưởng của ông có còn mang nặng quan niệm lỗi thời của quá khứ. Trong thế hệ tiếp theo sau thì đã có Ch. de Montalambert (1810-1870), F. Ozanam(1813-1853) và bà Swetchine – gốc Nga – là người thường tiếp đón tại nhà mình những nhân vật đặc sắc nhất của Paris. Cha Lacordaire O.P., đã viết như thế này về bà: “Các lời khuyên của bà đã giúp nâng đỡ tôi nhiều trong những lúc gặp cơ nguy mất can đảm và hứng khởi.” Nhờ sống thánh ở giữa thế gian, theo tư thế là một giáo dân, bà quả đã trở thành “mẹ linh hướng” cho nhiều tâm hồn.

Nước Bỉ đã sống qua một giai đoạn đặc biệt: giáo dân và giáo sĩ tán đồng về tình trạng biệt lập giữa Giáo Hội và Nhà nước; nhờ bầu khí ôn hòa ấy, đại học Louvain đã được hồi phục (n. 1835). Tại Pháp thì dư luận công giáo chia rẽ trầm trọng do việc đối chọi giữa các khuynh hướng “tự do” (libé­raux) và “bảo thủ quá khích” (ultramontains = “bên kia núi Alpes”), chủ trương giáo hoàng có quyền độc tôn, hoặc Tòa thánh Rôma có quyền can thiệp vào nội bộ Giáo Hội Pháp, tức nhằm chống lại một số đông giám mục vẫn còn nhuốm nặng chủ nghĩa Pháp giáo (Gallicanisme), bảo vệ quyền độc lập hoàn toàn của Giáo Hội Pháp. Thêm vào đó là “vấn đề Rôma,” tức sự việc nước Ý thống nhất đã tiếm quyền của giáo hoàng trên các lãnh thổ tòa thánh và trên cả thủ đô Rôma. Dư luận công giáo, nhất là giáo dân, đã phản ứng mạnh mẽ và can đảm.

Giữa thế kỷ 19, cuộc cách mạng 1848 tại Pháp, đã gây nhiều thay đổi sâu xa cho châu Âu. Tại Ðức quốc, hàng giáo phẩm đã được giải phóng khỏi ách chính trị và cùng năm ấy đã nhóm họp lần đầu tiên; cố vấn của các giám mục là một giáo dân, ông Moritz Lieber, và là người đã soạn bản tuyên ngôncủa các giám mục gửi cho các tín hữu toàn quốc; rồi sau đó, cuộc họp mặt của cộng đồng Giáo Hội Công giáo Ðức gọi là “Ngày Công Giáo” (Katholikentag) đã được tổ chức, như vẫn thấy hằng năm cho đến ngày nay. Các nước khác cũng tổ chức các nghiệp đoàn công giáo và các nhóm chính trị, tựa như các đảng “dân chủ kitô giáo” ngày nay.

Về diện trí thức, nước nào cũng có vấn đề riêng của nước đó, cần giải quyết. Tại Anh quốc, Ambrose M. P. de Lisle (1809-1878) đã đứng lên đẩy mạnh việc hồi phục các đan viện công giáo, tổ chức một hội quốc tế để cầu nguyện và thành lập một hội cổ võ công tác đại kết (n. 1857). Cũng nên lưu ý là cho đến năm 1850, giáo phẩm công giáo Anh quốc mới được hồi phục. Còn William G. Ward (1818-1882) là một nhà biện giải sắc bén và là giáo sư thần học; trả lời cho một linh mục phàn nàn về ông, Ðức Piô IX nói: “Sao mà không dạy thần hoc được… ông ta là một người công giáo dấn thân cho Chúa và đã nhận một bí tích mà cha và tôi cũng không nhận được!” Ðại diện tiêu biểu của nhóm công giáo tự do Anh quốc là lord Acton (J. Dalberg: 1834-1902), là người sáng lập hai tạp chí nổi tiếng: The Rambler và The Home and Fo­reign Review, gây được ảnh hưởng lớn trên dư luận; thời Vaticanô I, ông đã vận động chống lại giáo lý về bất khả ngộ của giáo hoàng, nhưng sau công đồng, ông đã công khai chấp nhận tín điều. Cuối thế kỷ 19, Việt Nam cũng đã có một giáo dân xuất chúng là Petrus Ký (1837-1898), người đã làm rạng danh lớn cho đức tin công giáo.

Tại Pháp, dư luận cho rằng Léon Ollée-Laprune (1841-1898) là giáo dân xuất sắc nhất của thời ấy. Ông đã giúp Ðức Lêô XIII soạn thảo thông điệp Tân Sự (Rerum Novarum, n. 1891) và văn kiện gọi là thông điệp Union à la République của Ðức Lêô yêu cầu người công giáo Pháp chấp nhận chế độ cộng hòa. Trong thế kỷ 20, Ðức Piô X và nhất là các Ðức Piô XI và XII đã đặc biệt nêu bật vai trò của giáo dân trong Hội thánh, và như thế dọn đường cho hiện trạng ngày nay. Ở Ðức quốc, một nhóm giáo dân đã sáng lập một hội mang tên là Goerresgesellschaft (1876), có mục đích đẩy mạnh đà tiến của khoa học theo tinh thần kitô, và cho đến nay, hội vẫn còn hoạt động. Ðại diện của nhóm là Karl Muth (1877-1944), người mạnh dạn cổ võ việc phát huy văn hóa công giáo, đặc biệt là qua tạp chí Hochland. Ở Pháp, bầu khí đã bị tục hóa đến một mức đáng lo ngại: chỉ có thể tự do sống đức tin âm thầm biệt lập đối với chế độ chính trị; thực vậy, nhà nước tỏ rõ thái độ kỳ thị đối với các nhà trí thức công giáo, như  G. Fonsegrive (1952-1917) đã nhận định. Các sử giả công giáo thời ấy đã có công nêu lên cho công luận biết rõ không biết bao nhiêu điều khích lệ về Giáo Hội; đáng ghi nhớ hơn hết trong các sử gia nói trên là G. Schuerer, ở Ðức (1860-1941), G. Goyau, ở Pháp (1969-1939) và G. Brom, ở Hà Lan (1882-1959). Thời ấy, nước nào cũng bắt đầu xuất bản tạp chí công giáo, chẳng hạn như ở Pháp thì có tờ Esprit, với những nhân vật hợp tác đáng kể như J. Maritain (1882-1973), J. Lacroix (1900-1986), H. Marrou (1904-1977), và nhất là Emmanuel Mounier (1905-1950).

Trong thế kỷ 20, thì khó mà liệt kệ cho hết được – bởi quá đông – số các giáo dân đã tích cực góp phần về mặt trí thức, cho sứ mệnh của Giáo Hội. Nên nhắc đến các tên tuổi như Charles Péguy (1873-1914), Paul Claudel (1868-1955) và George Bernanos (1888-1948) ở Pháp; G. K. Chesterton (1874-1936), Hilaire Belloc (1870-1953), v.v. ở Anh quốc; Menénđez Pelayo (1856-1912), M. de Unamuno (1864-1936), X. Zubiri (1898-1983), v.v., ở Tây ban nha; A. Manzoni (1785-1873), G. Marconi (1874-1937) – người phát minh kỹ thuật phát thanh – v.v. ở Ý Ðại Lợi; còn ở Nhật bản thì không thể quên được ảnh hưởng của Shusaku Endo (1923-1996). [8]

 

CÁC PHONG TRÀO CÔNG GIÁO

Trên đây là những giáo dân xuất chúng, được kể như là “vĩ nhân.” Tuy nhiên, không phải chỉ có thế, bởi còn có đại đa số giáo dân xưa nay chỉ được coi như là thuộc hàng “thứ dân” hay “dân đen,” nhưng chính họ là Giáo Hội sống động. Kỳ thực, Giáo Hội đã khởi sinh với một nhóm người bình dân được Thánh Thần linh ứng soi dẫn và hằng không ngừng từng bước lớn lên cho đến bây giờ. Không có tài liệu về sinh hoạt của Giáo Hội trong những thế kỷ đầu; hễ nói đến “nhóm” hay “phong trào” là người ta nghĩ ngay đến các người lạc giáo, ly khai khỏi thân thể của đại Giáo Hội. Chỉ khi Giáo Hội được tự do (sau n. 313), danh xưng “phong trào” mới được phổ biến và hiểu theo nghĩa là một hội, một nhóm sinh hoạt… giữa lòng Kitô giáo.

Trước hết, có phong trào tu hành. Cũng nên nhớ lại rằng đời tu trì là sáng kiến do giáo dân đề xuất nhằm phản ứng chống lại lối sống tục hóa của giáo sĩ. Hoặc nói cách khác, nhiều tín hữu ước muốn được làm chứng một cách hoàn hảo cho Ðức Kitô, theo mẫu gương của các vị tử đạo trong những thời bị bách hại trước kia: khi mà đức tin không còn bị cấm cách, khi mà lối sống của giáo sĩ chẳng còn nói lên được gì lý tưởng Tin Mừng, thì các tín hữu muốn thoát ra khỏi những dính bén thế tục, đi vào sa mạc sống đời ẩn tu riêng lẻ hoặc trong các đan viện, để tìm cách thể hiện trọn vẹn lý tưởng cao đẹp ấy. Thời thế kỷ 4, bên Ai cập, đã có từng ngàn ẩn tu và đan sĩ. Hồi thế kỷ 5, thánh Biển Ðức – một giáo dân – đã khai sáng lối sống tu trì cho Tây phương. Quả vậy, rất nhiều dòng tu đã được thành lập do giáo dân, như: thánh Phanxicô Assisi, bảy vị sáng lập dòng Tôi tớ Ðức Mẹ, thánh I-nhã, v.v.

Tại Châu Âu, trong thời Trung cổ, đã xuất hiện từ gốc bình dân, nhiều phong trào cải cách. Phát sinh từ dòng Phanxicô hồi thế kỷ 13-14, phong trào Fratricelli đã được nhiều giáo dân ủng hộ. Rồi từ nhóm này, một số phong trào khác đã xuất phát ở vùng bắc Âu, như các nhóm Lollards hoặc Beghards  Beguines ở Bỉ, Hà Lan và Anh quốc; đa số đều mang sắc thái lạc giáo, nhưng cũng có nhiều người đạo đức thật lòng. Ðáng chú ý hơn hết là nhóm Begui­nes, vì họ là nhóm phụ nữ sống nghèo, ở chung thành cộng đoàn, không có lời khấn như tu sĩ, và chăm lo làm việc phục vụ dân nghèo vì Ðức Kitô. Noi gương họ, phía nam giới cũng tổ chức thành cộng đoàn mang tên là Beghards, thường sống ở ngoại ô các thành phố, theo tinh thần Phanxicô. Trong các thế kỷ 14-15, hơn cả hàng giáo sĩ, hai nhóm này đã trở thành trọng tâm thiêng liêng của xã hội trong vùng. Một số cộng đoàn thuộc phong trào này đã tồn tại cho đến thời cách mạng Pháp hồi cuối thế kỷ 18. [9]

Một hiện tượng khác đáng lưu ý là các Dòng Ba. [10] Từ lúc khởi đầu đời sống tu hành đã có nhiều giáo dân muốn “thông hiệp” với các người sống lối sống ấy, chẳng hạn như là với các đan sĩ dòng Biển Ðức – hoặc là với tu sĩ của nhiều dòng khác – trong tư cách là hiến sĩ (oblati). Tuy nhiên, phải nói là Dòng Ba đã thực sự xuất hiện cùng với các dòng khất thực hồi thế kỷ 13: nhiều giáo dân ao ước được thông dự vào tinh thần của các dòng mới này, như dòng Phanxicô (chính thánh Phanxicô đã soạn luật cho họ), rồi các dòng Ða Minh, Cát Minh, Âugutinô, Ba Ngôi, Xitô, Thánh Norbert, v.v. Nếu có một số thành viên khấn giữ một vài điều, thì tất cả đều hứa sống theo linh đạo của dòng, và như thế được hưởng nhiều đặc ân thiêng liêng Tòa thánh ban cho các dòng, như các ân xá chẳng hạn; trong một số trường hợp, họ cũng được mặc tu phục khi khi liệm xác để chôn cất. Thành quả thánh thiện quả là lớn: chỉ dòng ba Phanxicô không thôi thì đã có chừng 75 thánh và chân phước. Thời tân đại, thay vì Dòng Ba, Dòng Tên đã lập ra Hiệp hội Thánh Mẫu, giúp cho các giáo dân muốn sống linh đạo Inhã; còn các dòng mới khác cũng có một tổ chức tương tự như Dòng Ba và kêu mời giáo dân chia sẻ tinh thần của họ. Gần đây, vẫn còn xuất hiện những Dòng Ba mới, như Dòng Ba của Dòng Ngôi Lời Nhập Thể (Instituto del Verbo Encarnado) ở Áchentina, thành lập năm 1988. Hiện đại hơn, còn có Ðạo binh Thánh Micaê chuyên lo việc Truyền giáo qua Internet. Hiện có nhiều nhóm mang tên trùng lẫn, làm cho khó nhận diện, như “dòng giáo dân” (secular orders, ordres séculiers …); tuy nhiên, điều đó cho thấy tinh thần mới đang hiện diện ở trong Giáo Hội. [11]

Từ thời Trung cổ cho đến về sau thời Phục hưng, giáo dân đã họp thành những Hội Ái Hữu (Confraternities), với mục đích thiêng liêng khác nhau. [12] Các hội này vốn dành cho nam giới; nhưng nữ giới cũng đã tổ chức những nhóm tương tự. [13] Các nhóm này cho thấy là giáo dân đã ý thức rõ về bổn phận của mình, bổn phận nên thánh ở giữa thế gian, và quả thật, họ sống mạnh đời sống đức tin giữa lòng xã hội. Có khi họ tụ họp theo giai cấp, hoặc theo nghề nghiệp, và cũng có thể là tự do, không theo một tiêu chí nào cả; có khi thì gồm cả giáo sĩ lẫn giáo dân. Trong một xã hội thuần túy công giáo như thế, các phường hội cũng có mục đích tôn giáo, cũng có thánh bổn mạng và những ngày lễ riêng, những việc đạo đức và cả đến sách phụng vụ riêng, v.v. Thông thường họ nhắm mục đích từ thiện, tức sống đức tin qua bác ái; nhưng cũng cổ vũ nghệ thuật, việc học hỏi Kinh Thánh hoặc khoa học, và nhất là sống tương trợ lẫn nhau về mọi mặt. Giáo dân rất ái mộ các hội này đến nỗi, thí dụ, ở Firenze (Ý) năm 1500 đã có 156 hội, và chừng 120 hội ở Venezia. Mỗi hội đều có quy chế được thẩm quyền Giáo Hội phê chuẩn. Hiện nay, ở Tây ban nha vẫn còn có nhiều hội như thế. Khi xã hội bị tục hóa (sau thế kỷ 18), các phường hội đã biến hóa và trở thành nghiệp đoàn như thấy trong thời nay; nhiều tổ chức trí thức hoặc kỹ thuật khác cũng đã bắt nguồn từ các hội ngày xưa.

Giữa thế kỷ 19, xuất hiện những hiệp hội xã hội. Ở Ðức quốc, A. Kolping († 1865), một thợ đóng giày, đã thành lập hội đồng nghiệp để làm chứng cho Tin Mừng trước các đồng nghiệp. Ở Áo quốc, đã có một phong trào tương tự. Ở Pháp, sau 1870, nhóm “catholiques sociaux” (công giáo xã hội) đã thay thế cho nhóm “catholiques libéraux” (công giáo tự do); năm 1887, xuất hiện nghiệp đoàn kitô giáo đầu tiên ở Paris và Lyon. Ở Bỉ, các nghiệp đoàn kitô giáo – khởi đầu năm 1866­  hiện là những nghiệp đoàn lớn nhất trong nước, thu nạp được hơn 1 triệu 6 trăm ngàn công nhân. Các nước Châu Âu đều có những nghiệp đoàn như thế cả. Bỉ có công đặc biệt vì một người Bỉ, J. Cardijn đã sáng lập tổ chức JOC, tức Thanh Lao Công (Jeu­­nesse Ouvrière Chrétienne) năm 1925; tổ chức đã phát triển rộng lớn, có mặt và hoạt động trong hết mọi nước công giáo, giúp cho hàng triệu thanh niên sống đạo tích cực ở giữa thế giới lao động. Tổ chức áp dụng mẫu thức sư phạm ba bước: quan sát, nhận định, và hoạt động. [14] Ảnh hưởng các nghiệp đoàn kitô giáo gây được, hơn kém tùy nơi, nhưng bất cứ ở nơi nào cũng đều đáng kể. Gần đây, nổi tiếng nhất có lẽ là hoạt động của Công đoàn Liên Ðới (Solidarnosk)(Công đoàn) ở Balan, bởi đã góp phần lớn trong việc làm cho đế quốc cộng sản đổ sụp.

Có lẽ phong trào “phổ quát” nhất trong thế kỷ 20 là Công giáo tiến hành (CGTH). Trong thời các giáo hoàng Piô IX và Piô XI, tôn chỉ, mục đích và lãnh vực hoạt động của CGTH đã không được xác định rõ ràng; chỉ biết là trong thực tế nó bao gồm tất cả các việc tông đồ của giáo dân; quả thế, Ðức Lêô XIII đã coi tổ chức “dân chủ kitô giáo” và “công giáo tiến hành” chỉ là một. Khi chế độ phátxít giải tán các tổ chức tư (1926-1927), Ðức Piô XI đã lên tiếng phản ứng bằng cách “định nghĩa” CGTH là một“phương thức thông phần vào việc tông đồ của hàng giáo phẩm,” và nói rõ rằng chánh phủ không có quyền cấm chỉ. Tại nhiều nước, phong trào giữ một phong thái độc lập hơn; sau này, Vaticanô II sẽ nói đó là việc “hợp tác với giáo phẩm” trong sứ mệnh của Hội Thánh, theo cương vị đặc thù của giáo dân. Quả vậy, sau thế chiến II, CGTH sáp nhập nhiều phong trào khác và chia thành nhánh, nhằm đáp ứng nhu cầu của từng giới, như: thanh niên, phụ nữ, sinh viên, lao động, v.v. đúng theo lời của Ðức Piô XII thúc dục mọi người dấn thân làm việc tông đồ trong hết mọi lãnh vực: xã hội, trí thức, chính trị, v.v… bởi giáo dân là tiền quân của Giáo Hội, đặc biệt là trong các lãnh vực chuyên nghiệp. Nhưng tại nhiều nơi, hàng giáo phẩm tỏ ra ái ngại, sợ giáo dân dấn thân “quá mức” và cố giữ họ lại ở trong phạm vi tôn giáo; chẳng hạn, trong thư chung năm 1953 của các giám mục Việt nam, có đoạn viết: “Công giáo tiến hành là một phương tiện truyền giáo và chỉ có mục đích truyền giáo.” Từ CGTH đã phát sinh nhiều tổ chức khác, như Caritas  Cursillo ở Tây ban nha, chẳng hạn. Khởi đầu năm 1867, phát triển mạnh dưới thời Ðức Piô XI, CGTH Ý đại lợi đã bừng lớn hẳn lên dưới thời Ðức Piô XII, đạt đến con số 3.372.000 thành viên trong năm 1953, và gây được ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và chính trị. Sau Thượng Hội Ðồng Giám Mục 1987, CGTH Ý đã thành lập một ủy ban đối ngoạiđể cổ võ giáo dân tham gia truyền giáo và dấn thân hoạt động cho hòa bình thế giới. Tổng quát mà nói, trong thập kỷ 70, phong trào CGTH cũng đã trải qua cơn khủng hoảng chung trong bối cảnh văn minh Tây phương và trong Giáo Hội; đầu thế kỷ 21, hình như phong trào đã nhìn thấy được những dấu chỉ phục hưng.

Sau Vaticanô II và một khi đã vượt qua thời khủng hoảng, nhiều phong trào ngày trước vẫn tồn tại và nhiều phong trào mới đã mọc lên đông đảo có lẽ hơn bất cứ thời đại nào khác trong lịch sử Giáo Hội. Chính Ðức giáo hoàng đã viết: “Thời gian gần đây, đã thấy được hiện tượng các hiệp hội giáo dân mặc lấy những hình thái đặc biệt đa dạng và rất ư là sống động. Nếu trong lịch sử Giáo Hội, các tổ chức giáo dân đã không ngừng tiếp nối nhau mọc lên, như đang thấy rõ qua sự hiện diện của các đoàn thể, các dòng ba và các hiệp hội khác nhau. Gần đây, hiện tượng ấy quả đã trở thành đặc biệt phồn vinh: chúng ta đang chứng kiến việc phát sinh và nẩy nở của các tổ chức, các nhóm hội, các cộng đồng, các phong trào, v.v. dưới vô số dạng thái khác nhau; trước sự kiện ấy, ai mà không nghĩ rằng đây là một thời đại mới của các hiệp hội giáo dân.” [15] Tháng 5, 1998, các phong trào đã tụ họp tại Rôma (250.000 đại diện) và trong bài ngỏ lời với các đại diện, hồng y Ratzinger đã nói là Giáo Hội đang sống qua “một mùa xuân  Thần Khí” và, vì thế, cần phải “bớt đi những hình thức để dành chỗ nhiều hơn cho Thần Khí” ngõ hầu giáo dân mạnh dạn nắm lấy sứ mệnh của mình. Khó mà kể cho hết được trong một danh sách: [16] nào là các nhóm phong trào canh tân trong Thánh Linh hoặc phong trào Focolare do Chiara Lubich sáng lập sau thế chiến II, đã gầy dựng nên; nào là các nhóm hoạt động trong lãnh vực gia đình (Catholic Fa­mily…, Marriage encounters…, Couples for Christ…); nào là những tổ chức dành cho thanh thiếu niên, những cộng đoàn Tân dự tòng (Neocatechumenal) do Kiko Argüello, một người vô thần trở lại công giáo, đã khai sinh tại Madrid; rồi còn có phong trào Hiệp thông và Giải phóng (Communion a­nd Liberation), v.v.

Cuối cùng, có lẽ đặc thù nhất của thời đại là phong trào các Cộng đoàn cơ bản (Comunidades de base/ Basic Christian communities). Khởi sự tại Châu Mỹ Latinh như một trào lưu “tự dưới lên,” các Cộng đoàn cơ bản đã lan dần ra khắp thế giới như là hiện thân của quần dân trong cuộc đấu tranh cho các quyền lợi căn bản của họ. Ðó là một sáng kiến công giáo, nhưng sau này không chỉ Tin lành mà cả đến các tôn giáo khác cũng đã lấy lại để tổ chức các cộng đoàn nhỏ làm phương tiện phát huy tinh thần huynh đệ và tương trợ giữa xã hội. [17] Trong các cộng đoàn cơ bản, giáo hữu quen nhau, cầu nguyện với nhau, chia sẻ Kinh Thánh và phát huy tinh thần huynh đệ nhằm đối phó với tình thế tôn giáo và xã hội. Trong các nhóm như thế, giáo dân và giáo sĩ hợp tác với nhau trong bối cảnh hàng xóm, nơi môi trường làm việc, v.v.; giáo xứ có thể giữ vai trò phối hợp các cộng đoàn. Cộng đoàn cơ bản giúp củng cố căn tính tôn giáo cho các thành viên cũng như giúp họ kháng cự những công kích từ phía tinh thần tục hóa, các tôn phái quá khích, các tổ chức bóc lột và áp bức, v.v. Quả thật, các cộng đoàn nhỏ này đã trở thành công cụ truyền giáo hữu hiệu vào bậc nhất. Khi các kitô hữu là thiểu số, thì một cộng đoàn như thế quả là bối cảnh sống đạo cần thiết để có thể dễ dàng cảm nghiệm mầu nhiệm Giáo Hội. Một cộng đoàn chưa phải là Giáo Hội, song là một phần tử trong niềm hiệp thông công giáo. Hiện có những cộng đoàn kitô giáo như thế ở thôn quê cũng như nơi thành thị, ở giữa giới tiện dân cũng như giữa giai cấp giàu có, trong các đại học cũng như giữa những người di dân mù chữ: đức tin chỉ là một cho mọi người và bất cứ ở đâu. [18]

———o O o———

Trong lịch sử Giáo Hội, như phác trình lại trên đây, giáo dân đã tích cực tham gia và tác động vào trong sứ mệnh của Giáo Hội bằng nhiều cách thể, tùy khả năng nhận được và hoàn cảnh từng thời đại. Vì có nhiều cách thể tham gia, cho nên ai cũng có thể tìm thấy được cho mình một chỗ đứng ở trong Hội thánh. Hơn bao giờ hết, hiện giờ giáo dân đang ý thức rõ về quyền lợi và nhiệm vụ của mình trong cộng đoàn Giáo Hội; đó là một ân huệ của Thần khí. Nếu thế, thì đã có đủ cơ sở vững vàng để hy vọng là tương lai của Giáo Hội sẽ rực rỡ hơn.

[1] Osborne, Kenan, Ministry: Lay Ministry in the Roman Catholic Church. Its History and Theology, New York, Paulist Press, 1993.

[2] Cộng đoàn kitô như là Dân mới của Thiên Chúa xuất hiện mới ở trong các văn bản của Phaolô và Luca: xem Rm 9:25-6; 2Cr 6:16; Tt 2:14; Cv 15:14; 18:10; x. Dt 4:9; 8:10; 10:30; 13:12; 1Pr 2:5-10; Kh 18:4; 21:3…

[3] Bruce, F. F. The Spreading Flame, Eerdmans 1980; Ramsay MacMullen, Chris­tianity in the Roman Empire (A.D. 100-400),New Haven: CT, Yale Univ. Press 1984; Faivre, Alexandre. The Emergence of the Laity in the Early Church, Paulist Press 1990 (nguyên văn Pháp ngữ Les laðcs aux origines de l’Église, Le Centurion 1984).

[4] Thư của Clêmentê gửi Giáo Hội Côrintô, 42-45.

[5] In Jeremiam, homilia 11,3.

[6] St Romata, 3.12.90.1; 5.6.33.3; Paedagogus 3.10.83.2.

[7] Xin xem chẳng hạn De Trinitate, De consolatione Philosophiae…

[8] Xin xem Jay P. Corrin, Catholic Intellectuals and the Challenge of Democracy, Unversity of Notre Dame Press 2002.

[9] Astell, Anne, ed., Lay Sanctity, Medieval and Modern, Notre Dame Univ. Press, 2000.

[10] “Ðược gọi là Dòng Ba hay với tên nào khác tương tự, các Hiệp Hội gồm các thành viên sống giữa đời, nhưng dự phần vào tình thần thiêng liêng với một Dòng tu, làm việc tông đồ và tiến tới sự hoàn thiện dưới sự điều hành tối cao của Dòng tu đó” (Giáo luật, điều 303).

[11] Jordan Hite (Ed.), A Handbook on Canons 573-746: Religious Institutes, Secular Institutes, Societies of the Apostolic Life, Liturgical Press 1985.

[12] “Prière et charité sous l’Ancien Regime. Actes du Colloque de Nancy-Epinal, 6 et 7 octobre 1990”: số chuyên đề của Historie, Economie et Société, 10:3 (1991), tt. 279-435; Vincent, Catherine, Les confréries médiévales dans le Royaume de France: XIII-XVe siècle, Paris: A. Michel, 1994; Confraternities & Catholic reform in Italy, France, & Spain. Edited by John Patrick Donnelly and Michael W. Maher, Kirksville, MO: Thomas Jefferson University Press, 1999.

[13] Marie A. ConnNoble Daughters: Unheralded Women in Western Christia­nity, 13th to 18th Centuries, Greenwood Publishing 2000.

[14] Françoise Richou, La Jeunesse ouvière chrétienne. Genèse d’une jeunesse militante, L’Harmattan, collection “Logiques sociales,” 1997.

[15] Christifideles laici, số 29.

[16] Xin nhắc đến một số nhóm và phong trào đặc biệt nổi tiếng: Movements and Communities: ADSIS Communities; Caritas Internationalis (CI);  Catholic  Fraternity of Covenant Communities and Fellowships of Charismatic Renewal; Catholic Family Movements; Catholic Fraternity of Covenant Communities and Fellowships; Communauté de l’Emmanuel and  Schušnstatt Movement; Communauté des Béatitudes “Marthe et Marie de Béthanie”; Communauté des Béatitudes; Communion and Libération;  Conference of Catholic International Organizations (CIO); Cursillos de Cristiandad; Équipes Notre Dame (END)[ Teams of Our Lady]; Focolare Movement; Foyers de Charité; Fraternity of St. Thomas Aquinas Associations (FASTA); International Catholic Centre for UNESCO (CCIC);  International Catholic Conference of Scouting (CICS); International Coordination of Christian Worker Youth (CIJOC);  International Federation of  Communities of Parish Catholic Youth (FIMCAP); International Federation of Catholic Men (FIHC-Unum Omnes);   International Federation of Catholic Rural Adults (FIMARC); International Federation of Marriage Preparation Centres (FICPM); International Forum of Catholic Action (FIAC); Knights of Columbus; L’Arche; Marriage Encounters; Movement for a Better World; Neocatechumenal Way; Pax Romana; Prelature of Opus Dei; Regnum Christi Movement; Retrouvaille International Inc.; Society of St. Vincent de Paul; Sodalitium Christianae Vitae; St. Egidio Community; Talleres de Oración y Vida; Teresian Association; Volunteer Missionary Movement; World Organization of Former Pupils of Catholic Education (OMAAEEC); World Union of Catholic Women’s Organizations (UMOFC), etc…

[17] Sergio Torres and John Eagleson (Eds), The Challenge of basic Christian communities: papers from the International Ecumenical Congress of Theology (1980: Sao Paulo, Brazil), Maryknoll: Orbis Books 1981; Andrew DawsonSusan Peterson,,The Birth and Impact of the Base Ecclesial Community,  International Scholars Publications 1998.

[18] Tại Châu Á, xin xem về cô Cora Mateo và giám mục Orlando Quevedo, FABC Paper số 92i (Tháng Giêng 2000).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *