I . GIỜ ĐÃ ÐIỂM…
Felipe Gómez Ngô Minh [1]
Có lẽ một trong những thành quả đáng kể nhất của công đồng Vaticanô II là việc nêu bật vai trò của giáo dân ở giữa lòng cuộc sống Hội Thánh. Chỉ trong quãng thời gian trên dưới một thế hệ nay, đã thấy có nhiều giáo hữu không chịu chức thánh đóng giữ những vai trò trọng yếu hoặc trở nên nhữngthành phần năng động trong Giáo Hội. Hẳn là còn phải tiến xa hơn nữa cho đến khi đa số thầm lặng này tham gia hàng loạt và tích cực vào sứ mệnh của Ðức Kitô ở giữa thế giới. Trong quá khứ, giới giáo dân được quan niệm như là Giáo Hội thụ huấn, hoàn toàn ở dưới quyền chi phối của giáo sĩ. Họ chỉ là giới tiêu dùng tựa như khách hàng trong siêu thị tôn giáo của các bí tích. Nói Giáo Hội là người ta nghĩ ngay đến hàng giáo phẩm hoặc các giáo sĩ: Giáo Hội bảo… Giáo Hội dạy… Giáo Hội tỏ rõ lập trường của mình… v.v. có nghĩa là các giám mục và lắm khi chỉ một mình Giáo chủ Rôma! làm như thế; còn khối các tín hữu khác thì chỉ là đàn chiên được chăn dắt bởi các mục tử.
Thánh Piô X đã quả quyết với một lời bi tráng như sau: Chỉ duy các mục tử mới có quyền hành và uy thế… Còn dân chúng [tức giáo dân] thì chỉ có quyền để các mục tử dẫn dắt, và như đàn chiên dễ bảo, biết nghe theo các ngài… [2] Nhân đức căn bản của giáo dân là vâng lời và cách thức góp phần vào công trình của Giáo Hội là góp tiền của cho các cuộc lạc quyên, là góp “tiền oi” mỗi Chúa nhật. Thực vậy, đối với đa số, sống đạo chỉ cốt tại việc xem lễ các ngày Chúa nhật và lễ buộc. Ðó là bổn phận cốt cán của đời sống Kitô!
May thay, hình ảnh có phần biếm họa trên đây hiện đang chuyển mình biến đổi. Bởi một mặt, Giáo Hội (hàng giáo phẩm) đang mạnh mẽ thúc dục giáo dân gia nhập các phong trào tông đồ muôn hình thái và tham gia tích cực vào trong sứ vụ chung của Giáo Hội. Giáo Hội đã phải đấm ngực thú nhận lỗi tại tôi… mọi đàng vì thái độ tiêu cực đã từng có đối với dân Chúa, vì đã bỏ quên các đặc sủng Thánh Thần ban cho họ, đã bỏ rơi tài năng đa dạng của họ, cũng như vì đã đối xử với họ như là loại dân thiêng liêng thứ cấp. Và mặt khác, bởi có kiến thức đầy đủ và được đào tạo chu đáo, giáo dân ngày nay không những không còn ngại ngùng, mà hơn nữa, còn mạnh mẽ dấn thân vào trong các công tác tông đồ và hành chánh của Giáo Hội.
Không thiếu gì giáo dân đích thân đứng ra thành lập các phong trào hoặc hội đoàn tông đồ hay đạo đức. Và hiện nay, cũng không thiếu gì giáo dân đang đứng đầu dẫn dắt các cộng đoàn giáo xứ. Và trong khắp thế giới, đại đa số các giáo lý viên đều là giáo dân: họ là những thầy giáo khai tâm, có sứ mạng gieo hạt giống Lời Chúa vào lòng các thế hệ trẻ. Giáo Hội có bổn phận nhìn nhận địa vị của họ, không chỉ cứ sự không thôi mà còn cứ luật nữa. Bởi thế, đã đến lúc phải gấp rút sửa đổi nhiều điều trong Giáo Hội, phải thay đổi cả não trạng, thái độ và cơ cấu: thời kỳ đã mãn! [3]
GIÁO HỘI TRUNG ƯƠNG
Trong thời tân đại, giáo dân công giáo đã sống đạo theo lối hầu như hoàn toàn thụ động. Ðã có ít nhiều sáng kiến cá nhân: Pauline-Marie Jaricot đã sáng lập hội Truyền Giáo tại Lyon (năm 1822); cùng với một nhóm bạn, Frédéric Ozanam đã khởi động và khai sinh Hội Thánh Vinh Sơn Phaolô (năm 1835). Rồi năm 1924, phong trào JOC (Jeuneuse Ouvrière Catholique, Thanh Lao Công) được sáng lập tại Bỉ dù do sáng kiến của một giáo sĩ, Joseph Cardinj và đã lan rộng đến nhiều nước dưới nhiều thể dạng khác nhau. Còn có một số sáng kiến xuất hiện tại nhiều nơi khác, nhưng chỉ là những sáng kiến đơn thuần địa phương, không có được tầm hưởng quốc tế.
Phong trào Công Giáo Tiến Hành đã khởi đầu hồi thế kỷ 19 bằng những bước ngập ngừng, mập mờ, với sự ủng hộ chưa nói được là hoàn toàn của Ðức Piô IX. Rồi tiếp đó, các thông điệpTân Sự(Rerum novarum) của Ðức Lêô XIII và Năm Thứ Bốn Mươi (Quadragesimo anno) của Ðức Piô XI đã thúc giục người công giáo dấn thân vào các lãnh vực chính trị và lao động. Qua Ubi arcano Dei (năm 1922), Ðức Piô XI đã đặt nền móng nhằm thiết kế một phương thức mới cho công tác hoạt động tông đồ giáo dân; ngài cũng đã viết môﴠthông điệp cho Công Giáo Tiến Hành nước Ý (Non abbiamo bisogno, 29-6-1931), với mục đích chinh phục môi trường đang bị tục hóa của Châu Âu. Các Giáo hoàng đã lưu ý cách riêng đến các nước Tây phương, là những nước có đông người công giáo.
Ðức Piô XII đã dốc lực tổ chức các phong trào công giáo trên bình diện quốc tế. Theo ngài, giáo dân có thể được quan niệm như là phụ tá của giáo sĩ; trong thông điệp Năm Thánh (Anni sacri, 12.3.1950), ngài viết: Bởi linh mục không thể đến với tất cả và làm hết mọi sự, và cũng chẳng có thể thường xuyên thỏa mãn cho tất cả được, nên các thành phần chiến đấu trong hàng ngũ Công Giáo Tiến Hành có bổn phận góp phần trợ lực cho kinh nghiệm và công lao của họ (số 8). Và trong thông điệp Những Người Loan Báo Tin Mừng (Evangelii praecones), ngài phát biểu tiếp: Cần phải có những giáo dân quảng đại và nhiệt thành hợp tác với giáo sĩ trong việc tông đồ, cũng như tham gia đông đảo vào trong các hàng ngũ Công Giáo Tiến Hành. [4]
Khi ngõ lời với Công Giáo Tiến Hành Ý (7.12.1963), Ðức Phaolô VI đã tóm lược như sau về quan niệm đối với giáo dân trong thời tiền Vaticanô II: Các con thường khẳng định rõ: là những giáo dân nam nữ thuộc mọi giai tầng xã hội, chúng con cương quyết gắn bó với thừa tác vụ phẩm trật của Giáo Hội, hầu trở nên, trước tiên, những người con nhiệt tình hiếu thảo, luôn biết lắng nghe lời hàng giáo phẩm, sẵn sàng đón nhận các huấn lệnh, cũng như chia sẻ những lo âu, khổ nhọc và niềm hy vọng của các ngài; chúng con cũng cam kết đem toàn lực hoạt động với tất cả lòng trung thành để tiếp tay làm cho sức hữu hiệu tông đồ của các ngài được dâng cao và tỏa rộng thêm mãi.
Ðức Gioan XXIII cũng đã từng khai triển tư tưởng này, như đọc thấy chẳng hạn, ở trong thông điệp Thủ Lãnh Các Mục Tử (Princeps pastorum, 28.11.1959), bàn Về tác vụ truyền giáo, các giáo sĩ địa phương, và việc hợp tác của giáo dân. Ngài viết: Thời đại chúng ta đòi hỏi cần phải cố gắng không những như xưa, mà còn nhiều hơn nữa (trong việc giáo dân dấn thân hoạt động cho các công tác tông đồ), bởi lẽ nhu cầu ngày càng lớn càng nhiều, nhu cầu ứng đáp cho lòng mong ước của đông đảo con người hiện đang khao khát lương thực thiêng liêng của giáo lý chân thật… Cũng là điều thiết yếu, việc hết mọi thành viên trong Giáo Hội đều cùng nắm tay hợp tác để thực hiện công cuộc cứu độ của Giáo Hội. [5]
Hầu như bao giờ các văn kiện này cũng quan niệm hoạt động của giáo dân như chỉ là một yếu tố phụ thuộc; giáo dân được phép hợp tác với giáo phẩm trong công việc tông đồ của giáo phẩm; họ có thể bổ túc cho những thiếu hụt của giáo sĩ, nhưng thật ra không cần thiết.
Công đồng Vaticanô II đã đổi hẳn cách quan niệm, và hơn nữa đã đổi luôn cả mô biểu quy chiếu của Giáo Hội học. Suy tư dựa theo thực trạng biện chứng giữa mầu nhiệm và dân Thiên Chúa, công đồng đã nhận ra ngay là cần phải đổi mới Giáo Hội. Các nghị phụ đã thấy là phải không ngừng thanh luyện (x. GH 8) và cải cách Giáo Hội (x. HN 6). Ít khi công đồng dùng đến từ reformatio (cải cách), nhưng lại dùng rất nhiều đến từ renovatio (đổi mới, canh tân) để nhấn mạnh đến tính chất liên tục trong Hội thánh. Mục đích của việc đổi mới là để làm cho mình trở thành ngày càng hữu hiệu hơn đối với ơn gọi của mình (x. HN 6), tức là để chu toàn hoàn hảo hơn sứ mệnh tại thế gian của mình.
Ðiều đó giả thiết một nỗ lực căn bản và trường kỳ nơi mọi tín hữu (từ giáo hoàng cho tới người tân tòng cuối cùng), nỗ lực thống hối và cải thiện nội tâm, cũng nỗ lực cải tiến các hình thức sống đạo cá nhân, cách tổ chức và quản trị cộng đoàn, cách thể thi hành sứ vụ, v.v. Còn về những phương tiện thì chính sắc lệnh về Ðại kết cũng đã đề ra một số chỉ dẫn: Giáo Hội thực hiện cuộc canh tân ấy bằng nhiều hình thức khác nhau trong đời sống Giáo Hội, như phong trào Kinh Thánh và phụng vụ, việc rao giảng LờiChúa và giáo lý, hoạt động tông đồ giáo dân, những hình thức mới trong đời tu trì, nền linh đạo hôn nhân, học thuyết và hoạt động xã hội của Giáo Hội (x. HN 6b). Ðáng chú ý là việc tông đồ của giáo dân được đặc biệt nêu bật. Và hơn nữa, công đồng Vaticanô II là công đồng đầu tiên đã công bố một sắc lệnh về giáo dân, Sắc lệnh về Hoạt Ðộng Tông Ðồ giáo Dân! [6]
Làm thế nào để thay đổi mô biểu của Giáo Hội học? Khi ủy ban chuẩn bị công đồng đề nghị lược đồ về Giáo Hội, thì đa số nghị phụ đã từ chối không nhận và yêu cầu một nhóm thần học gia nổi tiếng soạn thảo một lược đồ khác. Sau nhiều buổi thảo luận gay go và nhiều lần bỏ phiếu, công đồng đã đạt được một kết quả bất ngờ, tựa như theo lối biểu đạt của cha D.-M. Chenu, O.P. một cuộc cách mạng Copernic trong Giáo Hội học: ngày trước, Giáo Hội được quan niệm chủ yếu như là một xã hội đặt dưới quyền thống trị của hàng giáo phẩm, và làm như tâm điểm của Giáo Hội tập trung cả vào nơi quyền bính của hàng giáo phẩm; [7] còn công đồng thì lại đặt tâm điểm nơi chính Thiên Chúa (mầu nhiệm), và cộng đồng tín hữu là dân Thiên Chúa.
Trong cộng đồng Giáo Hội, mọi thành viên đều có phẩm giá ngang nhau, dù chức năng có khác nhau. Nguồn gốc chung của mọi thừa tác vụ là phép Thánh Tẩy, rồi các bí tích khác thì làm phát sinh nhiều thừa tác vụ khác nhau; vì thế, trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, chương 3 bàn về cơ cấu phẩm trật và chương 4 về giáo dân, nói cách khác: trước tiên bàn về nhiệm vụ chung, rồi sau đó mới đến các đặc tính của từng phần. Hơn nữa, sử liệu công đồng cũng cho thấy rằng tính chất chung này, đặc biệt là ơn gọi chung tiên tri, tư tế và vương giả là nguyên tắc chú giải (hermeneutical principle) áp dụng cho toàn bộ Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, tức cho nền Giáo Hội học của Vaticanô II. Hiến chế được chấp nhận ngày 21.11.1964, với 2151 phiếu thuận và 5 phiếu phủ quyết. Cho đến Vaticanô II, không một công đồng nào đã bàn luận như thế về giáo dân.
Như vậy, Dân Thiên Chúa (toàn thể tín hữu không phân biệt trật bậc) là nền tảng của Hội thánh cả về phương diện xã hội lẫn về phương diện bí tích. Giáo dân và giáo sĩ quả là khác nhau, song không phải như bề trên với bề dưới: hai bên đều chia sẻ cùng một ơn gọi nên thánh và cùng một sứ mệnh chung là xây dựng Nước Trời. Phải nói là ơn gọi chung này phức tạp và bao gồm nhiều ơn gọi riêng, cùng những đặc sủng tập thể cũng như cá nhân, thông thường thì được ban qua các bí tích khác nhau.
Vậy, nguồn suối của sức đổi mới trong Giáo Hội là missio Dei, tức sứ mệnh Thiên Chúa trao phó(qua sự việc Chúa Cha sai phái Chúa Con, và Chúa Con sai phái Giáo Hội); và mục đích của sứ mệnh ấy là làm chứng cho Thiên Chúa và triển dương vương quyền tại thế của Người. Sứ mệnh là lý do hiện hữu (raison dêtre) của Giáo Hội: thiết lập Giáo Hội là Ðức Kitô có ý tạo nên một phương thế làmkhí cụ của việc kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, và của mối hiệp nhất giữa toàn thể nhân loại (GH 1); nói cách khác: Giáo Hội là để cho thế gian, chứ không phải ngược lại, và Dân Chúa (mà đa số là giáo dân) là phương thế để đạt tới mục đích ấy; căn tính của Giáo Hội cốt tại ở sứ vụ này, và giáo dân càng dấn thân cho sứ vụ thì Giáo Hội càng thành tựu chính mình, càng lớn lên, v.v. Giáo Hội sẽ đổi mới hay không và đến mức độ nào, thì đó là tùy vào mức độ dấn thân của toàn thể Dân Chúa cho sứ vụ làm chứng về Ðức Kitô và phục vụ muôn loài. Việc gặp gỡ với xã hội, văn hóa, tôn giáo, v.v. phải diễn ra trong khuôn khổ và với tinh thần của sứ mệnh. [8]
Vaticanô II đã đặc biệt bàn về giáo dân trong chương 4, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, và trong Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân. Tất cả những gì nói về Dân Thiên Chúa thì đều liên quan đồng đều đến cả giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ (GH 30) để mọi người cùng góp phần vào công cuộc chung tùy theo cách thếcủa mình. Theo công đồng, cứu cánh của Dân thiên sai là phát triển thêm mãi Nước Thiên Chúa và không ngừng tự đổi mới dưới tác động của Chúa Thánh Thần (GH 9). Tất cả mọi thành viên đều tham dự vào chức tư tế cộng đồng (x. GH 10-11) và hưởng nhận những đoàn sủng khác nhau khiến họ có đủ khả năng và sẵn sàng đảm nhận những công tác và nhiệm vụ khác nhau, hữu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo Hội (GH 12).
Vì thế, làm việc tông đồ là giáo dân thông phầnvào chính sứ mệnh cứu độ của Giáo Hội. Qua việc lãnh nhận bí tích Rửa tội và Thêm sức, hết thảy mọi tín hữu đều được Chúa đề cử làm tông đồ (GH 33b). Ðã được làm anh em của Ðức Kitô cũng như của hàng giáo phẩm và giáo sĩ (x. GH 32d), tất giáo dân có nhiệm vụ cao cả là làm cho quyết định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan rộng tới tất cả mọi người ở mọi nơi, trong mọi thời đại (GH 33c). Cuối cùng, chương 4 kết thúc với lời trích dẫn thư gửi Diognetus (thế kỷ 20): Người kitô làm cho thế giới sống hệt như linh hồn làm cho thân xác sống vậy (GH 38).
Tiếp theo sau đó, Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân đã bắt đầu với lời xác định nói rằng: các kitô hữu giáo dân giữ một phần cá biệt và thiết yếu trong sứ mệnh của Giáo Hội (TÐ 1), rồi khai triển nội dung của nhiệm vụ này, và sau cùng kết thúc với lời kêu gọi: Nhân Danh Chúa, thánh công đồng tận lực kêu mời tất cả các giáo dân hãy quảng đại, mau mắn đáp lại tiếng của Chúa Kitô hiện đang khẩn khoản mời gọi, cũng như hưởng ứng đà thúc đẩy của Chúa Thánh Thần (TÐ 33). Công đồng đã nhắc đi nhắc lại lời kêu mời này trong nhiều văn kiện; chẳng hạn, Hiến chế Mục vụ đã lên tiếng phàn nàn rằng: Tình trạng ly gián giữa đức tin các kitô hữu tuyên xưng và cuộc sống thường nhật của nhiều người, là một trong số những sai lầm trầm trọng nhất của thời đại chúng ta, và đồng thời khẳng định như sau: Giữ những phận vụ sinh động cần được thi hành trong đời sống Giáo Hội toàn thể, không những người giáo dân có sứ mạng đưa tinh thần kitô giáo thấm đượm vào trong thế giới, mà còn được kêu gọi để làm chứng cho Ðức Kitô trong mọi hoàn cảnh, ngay giữa lòng cộng đoàn nhân loại (MV 43ad).
Qua những lời lẽ như thế, rõ ràng là Giáo Hội muốn gióng lên lời mời tha thiết kêu gọi giáo dân hăng say, quảng đại cùng tận lực dấn thân cho sứ mệnh kitô, và hy vọng nhiều người sẽ đáp ứng tích cực.
Ðức Phaolô VI đã đổi mới hệ thống thừa tác vụ không-bí tích trong Giáo Hội (Ministeria Quaedam, 15.8.1972). Chức Cắt tóc và chức Phụ phó tế không còn; các chức Ðọc sách và Giúp lễ thì đã trở thành những Thừa tác vụ mở rộng cho cả giáo dân.
Bộ Giáo luật mới liệt kê nhiều nhiệm vụ giáo dân có thể đảm trách và thi hành: không chỉ các tác vụgiúp lễ và đọc sách trong phụng vụ (đ 230), mà còn cả tác vụ giảng Lời Chúa (trừ bài giảng sau Phúc âm, đ 776; 762.1). Giáo dân có thể dạy thần học với danh nghĩa chính thức (đ 229.3), và đến một mứcnào đó, đảm nhiệm cả những phận vụ chưởng ấn (đ 483.2), lục sự (đ 483.2) và biện lý trong giáo phận (đ494); có thể làm thẩm phán trong một tòa án tập đoàn (đ 1431.2), cố vấn thẩm phán (đ 1424), chưởng lý vàbảo hệ viên (đ 1435); có thể làm kiểm toán viên (đ 1428.2) cũng như thụ ủy (đ 1483).
Trong giáo phận,giáo dân có thể làm thành viên của hội đồng kinh tế (đ 492.3) và hội đồng mục vụ (đ 512.1); còn trong họ đạo thì giáo dân có thể phối trí những công tác tông đồ dưới quyền chỉ đạo của cha xứ, và nếu không có linh mục, giáo dân có thể đảm trách việc trông coi họ đạo (đ 517.2). Giáo dân có thể làm thừa sai (đ 784), làm thừa tác viên ngoại thường của Phép Rửa (đ 861.2), phân phát (đ 910.2) và đặt Mình Thánh Chúa (đ 943); giáo dân cũng có thể cử hành phụng vụ hôn phối (đ 1112), phụng vụ an táng và nhiều á bí tích khác (đ 1168). Khuôn mẫu pháp lý đã sẵn có, chỉ cần có ứng viên có đủ khả năng và điều kiện vào các chức vụ ấy.
Trong những thập kỷ gần đây, Tòa Thánh cũng đã đề xuất một số văn kiện về giáo dân. Trong Tông huấn về việc dạy giáo lý Catechesi tradendae (16.10.1979), Ðức Gioan Phaolô II đã nêu bật vai trò của các giáo lý viên giáo dân (số 66). Ðặc biệt, Tông huấn Christifideles laici (30.12.1988), thành quả củaThượng hội đồng giám mục năm 1987, đã được coi là hiến chương của giáo dân. Tình trạng của giáo dân trong Giáo Hội có thể được ví như những người đứng đường rỗi rãi vì không ai mướn, trong khi có nhiều việc phải làm cho vườn nho; giờ đây, gia chủ (Ðức Kitô và Giáo Hội) bảo họ: Cả các anh nữa, hãy đi vào làm vườn nho cho tôi! (Mt 20:3-7).
Cả một thế hệ sau Vaticanô II, các giám mục mới đấm ngực thú tội là đã không dùng hoặc không dùng cho đúng mức tài năng và đặc sủng của giáo dân.Bước vào thiên kỷ thứ ba này, trong Giáo Hội, không ai có thể ở rỗi rãi mà không ra tay làm việc được cả. Ðức Giáo hoàng đã nhắc lại lời của Ðức Piô XII nói rằng giáo dân không chỉ thuộc về Giáo Hội, mà chính là Giáo Hội! Thế nên, họ tham dự vào thừa tác vụ tính (ministeriality) của Nhiệm thể Ðức Kitô, nghĩa là chia sẻ bản chất tư tế, tiên tri và vương giả của Ðầu là Ðức Kitô, trong chiều kích làm men muối và ánh sáng giữa trần thế, như Vaticanô II đã dạy. Ðể chu toàn sứ mệnh, trước hết giáo dân phải thực sự nên thánh theo ơn gọi và thể cách riêng của mình, phải biết sống hiệp thông với Hội thánh toàn thể và áp dụng những ân huệ của Thánh Thần để phục vụ mọi người. Từ các ân huệ ấy xuất phát các nhiệm vụ, các thừa tác vụ và vai trò khác nhau trong Giáo Hội, lãnh nhận qua các bí tích; do đó, mọi người đều được mời gọi đảm nhận phần trách vụ trong sứ mệnh của Giáo Hội, cả đến trách nhiệm mục vụ trong giáo xứ (Catechesi trad. 25-26), cùng tác vụ công bố Tin mừng cho lương dân (x. số 33, 35).
Ðức Gioan Phaolô II quả quyết: đã đến giờ phải tiến hành công cuộc tân phúc âm hóa, và nếu đã thông dự trọn vẹn vào trong sứ mệnh tiên tri của Ðức Kitô, tất giáo dân cũng có bổn phận thông dự hoàn toàn vào trong sứ vụ của Giáo Hội (số 34). Chắc hẳn giáo dân cần phải được đào tạo chu đáo hơn cả về mặt giáo lý đức tin lẫn về mặt kỹ năng và đối với công tác đào luyện này, giáo sĩ có một bổn phận đặc biệt Cuối cùng ngài kết thúc: Tôi tha thiết kêu gọi hết thảy mọi giáo hữu, mục tử cũng như giáo dân, hãy mãi mãi kiên trì giữ gìn cho sống động cảm thức về Giáo Hội, luôn luôn ý thức mình làthành phần của Hội thánh Chúa Giêsu Kitô, được thông dự vào mầu nhiệm hiệp thông của Giáo Hội, vào sức năng động của sứ mệnh tông đồ Giáo Hội đảm nhận (số 64).
Các tài liệu khác cũng đều đi theo cùng một đường hướng và đều gióng lên cùng một lời mời gọi. Quả vậy, càng ý thức về những nhu cầu của Giáo Hội, thì Tòa thánh càng mạnh mẽ kêu gọi giáo dân góp phần vào sứ mệnh chung.
GIÁO HỘI CHÂU Á
Ngay từ đầu, Giáo Hội Châu Á đã nhìn nhận vai trò trọng yếu của giáo dân, đặc biệt là ở một vài Giáo Hội địa phương như Ðại Hàn và Việt Nam; ở nhưng nơi này, các giáo lý viên đã có một phần đóng góp lớn lao và đặc thù. Từ khi các giám mục Châu Á nhóm họp lần đầu (1970) với việc thành lập FABC (Liên hiệp các Hội đồng Giám mục Châu Á) hàng giáo phẩm đã ý thức về việc giáo dân phải đóng một vai trò đặc thù tại lục địa nhà. Thế nên, một cuộc hội thảo đã được tổ chức tại Hongkong (1977) với chủ đề các thừa tác vụ trong Giáo Hội. [9] Ðể chuẩn bị Ðại hội thứ ba (1982), hai tài liệu về cương vị của giáo dân đã được gửi đến trước cho các thành phần tham dự. [10] Trong số các ủy ban đặc nhiệm của FABC thì có BILA chuyên trách về công tác tông đồ giáo dân (BishopsInstitute for Lay Apostolate); ủy ban này đã nhóm họp lần đầu hồi năm 1985 với chủ đề: Trusting, Entrusting the Laity (Tin tưởng và ủy nhiệm cho giáo dân). Năm sau, Ðại hội thứ tư của FABC (Tokyo 16-25 tháng 9,1986) đã bàn riêng về vai trò của giáo dân trong Giáo Hội.
Các giám mục xác nhận là giáo dân đã và đang góp phần to lớn cho đời sống đức tin của Dân Chúa (x. số 2.4), cũng như nêu lên những lãnh vựctrong đó họ phải đóng giữ một vai đặc biệt, như: gia đình, giáo dục, phương tiện truyền thông đại chúng, lao động, nghề nghiệp, y tế, nữ giới, v.v. Các giám mục quyết định đổi mới các cơ cấu của Giáo Hội để cổ võ niềm hiệp thông theo tinh thần tập thể và đồng trách nhiệm (4.5). Các ngài đã kết luận rằng: muốn cho Giáo Hội Châu Á cường thịnh hơn, thì phải có một giới giáo dân năng động hơn, và điều này đòi hỏi cần phải đào tạo cho tốt hơn cả giáo dân lẫn giáo sĩ để mọi phía biết chung sức tương tác. Và như vậy, chúng tôi hy vong kết quả sẽ là việc phối hợp sâu xa hơn giữa thừa tác vụ của linh mục và tác vụ phục vụ của giáo dân, ngõ hầu công tác phụng sự Giáo Hội và các dân tộc Châu Á tiến hành tốt đẹp hơn (4.8.11).
Trong tất cả các văn kiện đại hội, các giám mục đều lưu tâm đến vai trò của giáo dân. FABC 5 (Bandung, 17-27 tháng 7, 1990) nói rõ rằng: Giáo dân phải đảm trách đặc nhiệm canh tân xã hội Châu Á, làm cho ăn khớp với những giá trị của Phúc Âm. Họ là thừa sai số một trong lãnh vực văn hóa vàtrong toàn bộ cơ cấu đời sống xã hội (5.1). Ðại hội FABC năm 2000 tại Thái lan, đã nhắc lại một tư tưởng thường xuất hiện trong các văn kiện thần học Châu Á: Chúng ta phải phát huy những cơ cấu tham gia (participative) trong Giáo Hội, ngõ hầu các tài năng và chuyên môn của giáo dân nam nữ có cơ hội được xử dụng đến.
Ðược Thánh Thần ban sức năng và nhờ các bí tích cũng cố, giáo dân phải quyết tâm dấn thân vào trong cuộc sống và sứ mệnh của Giáo Hội, đem Tin mừng của Ðức Giêsu áp dụng vào các lãnh vực nghề nghiệp: chính trị, giáo dục, y tế, phương tiện truyền thông và lao động. Muốn được như vậy, thì cần phải sống linh đạo làm môn đồ, để nhờ đó, cả giáo sĩ lẫn giáo dân biết chung sức làm việc với nhau, giữ những vai trò đặc thù của mình, trong sứ mệnh chung của Giáo Hội. Văn kiện này đề xuất một sáng kiến đáng chú ý: để đạt mục tiêu ấy Trong việc huấn luyện các linh mục và tu sĩ tương lai, cũng như trong chương trình huấn luyện liên tục, cần phải làm sao để việc hợp tác của những giáo dân có khả năng vào trong kế hoạch huấn luyện được bảo đảm, ngõ hầu công cuộc đào tạo thực sự hướng tới việc hình thành một Giáo Hội tham gia.
Riêng tại Việt Nam, ngày từ buổi đầu đón nhận đức tin, giáo dân đã đóng giữ một vai rất đáng ghi nhớ: các thầy giáo và thường dân đã viết lên những trang vẻ vang trong lịch sử Hội thánh. Thư chung của các Giám mục viết năm 1953 ghi nhận rằng: Việc tông đồ giáo dân là việc khẩn cấp cần thiết và ở đây chúng tôi vẫn có ý khuyếch trương việc đó dưới mọi hình thức hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Dù bối cảnh đã thay đổi nhiều, thì năm 2001, các Giám mục Việt nam cũng nói rõ: Chúng tôi ghi nhận sự hợp tác của anh chị em giáo dân. Nhờ được củng cố và đào sâu đức tin qua việc học hỏi và sống Lời Chúa cũng như nỗ lực canh tân đời sống, anh chị em đã quảng đại chia sẻ vật chất và tinh thần cho các điểm truyền giáo cũng như có mặt trong mọi lĩnh vực mà xã hội cho phép.
Bây giờ không ai có thể làm ngơ đối với việc tông đồ giáo dân và vai trò của họ trong Giáo Hội. Ðành là phải thay đổi một số cơ cấu, như hồng y Ratzinger đã nhận định: Những thể chế và tổ chức pháp luật của Giáo Hội đã trở thành lỗi thời. Nguy hiểm là ở chỗ coi chúng như là bản chất của Giáo Hội, đến nỗi chúng ta không còn nhận ra được đâu là điều thật sự chính yếu. Vì thế, cần phải tháo bỏ chúng đi, tựa như giàn giáo không còn cần đến nữa. Bao giờ việc cải cách cũng giả thiết hành động ablatio, cắt bỏ, ngõ hầu nobilis forma, dạng thể thanh cao, của Hiền Thê xuất hiện, và đồng thời quý tướng của Tân Lang, của chính Chúa, tỏ lộ. [11] Một số Giáo Hội đã bắt đầu tiến bước trên con đường này; còn phần đông thì tuy có bàn đến, nhưng trong thực tế cũng vẫn như cũ.
[1] Về tác giả xin xem Lời Nói Ðầu, Hợp Tuyển Thần Học, các số 18&19 (1997), 18-22 (1997-1998) và 31 (2001).
[2] Thông điệp Vehementer, 11.2.1906.
[3] Về lời phát biểu của một giám mục Úc, xin xem John Heaps, A Love That Dares to Question, A Bishop Challenges His Church, Grand Rapids: Eerdmans 2002.
[4] AAS 43 (1951) 513. Xin xem Jean-Loup Ducasse, et al, Chrétiens dans le monde rural. LAC-MFR-CMR, 1939-1989: 50 ans d’histoire, Éditions ouvrières, 1989.
[5] AAS, 1959, tr. 849.
[6] Về lịch sử Vaticanô II nói chung, xin xem Giuseppe Alberigo, Joseph A. Komonchak (Eds.), History of Vatican II, Vol 1-4,Orbis Books 1996-1999; Collectif, Histoire du concile Vatican II, 3 vols., Cerf 1997.
[7] Vatican II: The Faithful Revolution, Thomas More Publishing, 1998.
[8] Wilbert R. Shenk, Mission, Renewal, and the Future of the Church, International Bulletin of Missionary Research 21 (1997): 154-159.
[9] Asian Colloquium on Ministries, FABC Paper n. 3.
[10] Is the Laity the marginalized majority in the Church? (FABC paper 33f) và Laity in the Church of Asia (Paper 33k).
[11] Joseph Ratzinger, Called to Communion. Understanding the Church Today, San Francisco: Ignatius Press 1996, tr. 142.