Tên Phim: Bà Thánh Maria Mađalêna
Tên Tiếng Anh: Mary Magdalene
Năm sản xuất: 2018
Thể loại: Phim Công Giáo
Quốc gia: Phim Mỹ, Phim Châu Âu
Thời lượng: 120 Phút
Đạo diễn: Garth Davis
Thánh Maria Mađalêna (hoặc Maria Mácđala, Mai Đệ Liên) được cả Công giáo, Chính thống giáo, Anh giáo, và Tin lành Luther tôn kính là một vị thánh, lễ nhớ ngày 22-7 hằng năm. Các Giáo hội Tin lành khác tôn kính bà là nữ anh hùng đức tin. Chính thống giáo Đông phương cũng kính nhớ bà vào Chúa nhật Myrrh-bearers (người mang dầu thơm).
Tên “cúng cơm” của Thánh Maria Mađalêna là Μαρία (Maria), và người ta thường chấp nhận ở dạng Latin được viết là Μαριὰμ(Mariam). Tên Maria rất phổ biến trong thời Chúa Giêsu vì liên quan việc cai trị thời Hasmonea và các triều đại Hêrôđê.
Tuy nhiên, bà bị tai tiếng vì bà bị hiểu lầm là “người phụ nữ tội lỗi” đã khóc và xức dầu thơm chân Chúa Giêsu.
Thực ra Maria Mađalêna (Hy ngữ: Μαρία ἡ Μαγδαληνή) là một phụ nữ đạo đức và can đảm. Trong Tân ước, Thánh Maria Mađalêna được coi là người phụ nữ quan trọng thứ nhì sau Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Bà đồng hành với Chúa Giêsu cùng với các Tông đồ. Bà hiện diện trong hai thời điểm quan trọng nhất của Chúa Giêsu: Chịu đóng đinh và phục sinh. Trong 4 Phúc Âm, tài liệu lịch sử cổ xưa nhất nhắc đến tên bà, ít nhất 12 lần, hơn cả các Tông đồ khác. Phúc Âm diễn tả bà là người đủ can đảm nên mới có thể đứng bên Chúa Giêsu trong thời gian Ngài chịu khổ nạn, chịu chết và sau đó.
Trong Tân ước, Chúa Giêsu đã trừ bảy quỷ và chữa bệnh cho bà (x. Lc 8:2; Mc 16:9), đôi khi được hiểu là các chứng bệnh phức tạp. Bà nổi bật nhất trong những ngày cuối đời của Chúa Giêsu trên thế gian. Khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh, bà có mặt ở đó với Ngài, trong giây phút khủng khiếp nhất, và bà đã than khóc Ngài. Sau khi các Tông đồ “bỏ của chạy lấy người”, trừ Thánh Gioan Tông đồ, bà vẫn ở bên Chúa Giêsu. Khi an táng Chúa Giêsu, bà là người duy nhất được kể tên trong cả 4 Phúc Âm khi biết Chúa Giêsu phục sinh và chính bà là nhân chứng đức tin. Ga 20:11-18 và Mc 16:9 xác nhận bà là người đầu tiên gặp Chúa Giêsu phục sinh. Bà có mặt vào ngay giây phút đầu tiên mà sau đó biến đổi Tây phương. Bà là “Tông đồ đối với các Tông đồ”, một cách nói kính cẩn mà thần học gia Augustine (Chính thống giáo, thế kỷ IV) đã dành cho bà, và những người thời Giáo hội sơ khai cũng nói về bà như vậy.
Mặc dù ngày xưa bà bị mang tai tiếng khi người ta mô tả trong tôn giáo, nghệ thuật, văn chương, và cả những cuốn sách và các bộ phim mới đây, như The Da Vinci Code (Mật mã Da Vinci), ngày nay người ta cũng đồng ý điều này: “Không có chứng cớ Kinh Thánh nào chứng tỏ bà là gái điếm, người vợ, người mẹ, hoặc người yêu bí mật”.
Trong cả 4 Phúc Âm, Thánh Maria Mađalêna hầu như luôn được phân biệt với các phụ nữ khác tên là Maria bằng cách thêm chữ Mađalêna vào tên bà. Theo truyền thống, điều này có nghĩa bà là người vùng Mađalêna, một thành phố thuộc Tây duyên hải Galilê. Lc 8:2 nói rằng bà thực sự được gọi là Mađalêna. Theo tiếng Do thái, Mađalêna (Migdal, מגדל) nghĩa là “tháp”, “thành lũy”; theo tiếng Aram, Mađalêna nghĩa là “tháp” hoặc “được nâng lên, cao cả, nguy nga”. Các bản văn truyền thống Do Thái nói: “Miriam, hamegadela se’ar nasha” – Maria, người bện tóc phụ nữ (Hagigah 4b; x. Shabbat 104b), có thể nói Maria Mađalêna phục vụ như một người thợ làm tóc (kiểu làm đầu, uốn tóc ngày nay).
Trong Phúc Âm theo Thánh Gioan, Thánh Maria Mađalêna cũng được nhắc tới bằng tên Maria ít nhất là 2 lần. Các văn bản không chính thức khác thì dùng tên Maria, Maria Mađalêna, hoặc Mađalêna.
Ngày nay, hầu như người ta đồng ý điểm quan trọng: Người ta cho rằng Thánh Maria Mađalêna là “gái điếm sám hối”, đó là vô căn cứ. Tuy nhiên, Thánh Maria Mađalêna vẫn bị lầm lẫn với các phụ nữ khác cũng tên Maria và vài phụ nữ nặc danh vẫn bị coi là phụ nữ phạm tội ngoại tình. Người ta đồng hóa Maria Mađalêna với nữ tội nhân vô danh nào đó (thường biết đến là phụ nữ ngoại tình) trong trình thuật Lc 7:36-50. Mặc dù Thánh Maria Mađalêna được nhắc tên trong cả 4 Phúc Âm, nhưng không lần nào nói bà là gái điếm hoặc tội nhân. Tân ước không hề có “gợi ý” nào nói bà là một cô gái làng chơi hoặc một phụ nữ trắc nết. Các học giả đương đại đã phục hồi “danh tiếng” cho Thánh Maria Mađalêna là người dẫn dắt quan trọng của Kitô giáo thời sơ khai.
Nhiều thế kỷ qua, Công giáo Tây phương dạy rằng Thánh Maria Mađalêna là người được nói tới trong các Phúc Âm vừa là Maria ở Bêthania vừa là “người đàn bà tội lỗi” xức dầu thơm chân Chúa Giêsu (Lc 7:36-50). Khái niệm về Thánh Maria Mađalêna là gái điếm sám hối đã phổ biến qua nhiều thế kỷ, ít là từ Ephraim người Syria (thế kỷ IV), Thánh GH Grêgôriô Cả (thế kỷ VI), nhiều họa sĩ, văn sĩ và các nhà chú giải Kinh Thánh cũng theo xu hướng đó. Từ thế kỷ XII, Abbot Hugh ở Semur (qua đời năm 1109), Peter Abelard (qua đời năm 1142), và Geoffrey ở Vendome (qua đời năm 1132) đều nhắc tới Thánh Maria Mađalêna là người tội lỗi và được tặng danh hiệu “apostolarum apostola” (Tông đồ đối với các Tông đồ), danh hiệu này trở thành phổ biến trong các thế kỷ XII và XIII.
Do đó, hình ảnh cô-gái-điếm-sám-hối trở thành “đặc điểm” bị gán cho Thánh Maria Mađalêna trong nghệ thuật và văn chương tôn giáo ở Tây phương. Vì hiểu sai về bà nên trong nghệ thuật, người ta thường vẽ bà mặc áo hở cổ, lả lơi, thậm chí có họa sĩ còn vẽ bà khỏa thân bên chiếc sọ đầu lâu với bình dầu thơm, và một tay cầm Thánh Giá, hoặc là một phụ nữ xa lánh mọi người để sám hối nơi hoang địa.
Sự đồng hóa đó là do Công giáo Tây phương, có trong bài giảng của Thánh GH Grêgôriô Cả vào khoảng năm 591. Thánh GH Grêgôriô Cả được coi là một trong những người ảnh hưởng nhất và trở thành giáo hoàng. Trong các bài giảng nổi tiếng của ngài về Thánh Maria Mađalêna, giảng tại Rôma, ngài đã xác định Mađalêna không chỉ là phụ nữ tội lỗi trong Phúc Âm theo Thánh Luca, mà còn là Maria ở Bêthania, chị của Matta và Ladarô; chính bảy quỷ được Chúa Giêsu trục xuất “đã tạo thành 7 tội trọng, và Maria Mađalêna bắt đầu bị kết án không chỉ vì tội dâm dục mà còn vì tội kiêu ngạo và tham lam”. Bài giảng của Thánh GH Grêgôriô Cả về Phúc Âm theo Thánh Luca đã tạo thành cách hiểu chính thức của Giáo hội về Thánh Maria Mađalêna, cho rằng bà là phụ nữ “alabaster jar” (gái điếm).
Trong bài giảng XXXIII, Thánh GH Grêgôriô Cả nói: “Bà [Maria Mađalêna] là người mà Thánh Luca gọi là phụ nữ tội lỗi, Thánh Gioan gọi là Maria, chúng ta tin là Maria được trừ bảy quỷ trong Phúc Âm theo Thánh Máccô. Bảy quỷ này biểu hiện điều gì, nếu không phải là các thói hư? Anh chị em thân mến, rõ ràng là phụ nữ này trước đó đã xức thơm thân xác cô bằng những hành động bị cấm. Do đó điều cô biểu hiện càng khiếm nhã hơn, nhưng nay cô dâng cho Chúa bằng động thái đáng khen. Cô đã ham muốn bằng con mắt trần tục, nhưng nay cô ăn năn bằng nước mắt. Cô đã xõa tóc che mặt, nhưng nay cô dùng tóc lau khô nước mắt. Miệng cô đã nói những điều kiêu ngạo, nhưng nay cô dùng miệng hôn chân Chúa, cô đặt miệng mình lên chân Đấng Cứu Thế. Do đó, đối với mỗi niềm vui, cô đã có trong lòng, nay cô hy sinh chính mình. Cô biến tội lỗi thành nhân đức để phục vụ Thiên Chúa hoàn toàn trong sự ăn năn”.
Với điều này, tác giả Susan Haskins viết trong cuốn “Mary Magdalene: Myth and Metaphor” (Maria Mađalêna: Huyền thoại và Ẩn dụ): “Cuối cùng, hình ảnh xung đột của Thánh Maria Mađalêna cũng được sáng tỏ… sau gần 140 năm”.
Năm 1969, trong triều đại giáo hoàng của Chân phước Phaolô VI, Tòa Thánh không phê bình về nhận xét của Thánh GH Grêgôriô Cả, mà chỉ bỏ điều đó bằng cách tách biệt người phụ nữ tội lỗi trong Phúc Âm theo Thánh Luca với bà Maria ở Bêthania và Maria Mađalêna qua Sách lễ Rôma.
Do đó, tai tiếng vẫn cứ “lờn vờn” bị gán cho Thánh Maria Mađalêna. Sau thời gian quá lâu, cách tin này trở thành “thâm căn cố đế” không chỉ trong Giáo hội Tây phương mà còn trong một số Giáo hội Tin lành đã từng theo truyền thống Công giáo Rôma. Cách hiểu sai về Thánh Maria Mađalêna là cô-gái-điếm-sám-hối vẫn được nhiều văn sĩ và họa sĩ hồi thập niên 1990. Thậm chí ngay cả ngày nay, cách hiểu sai đó vẫn được truyền bá. Điều đó được phản ánh trong bộ phim của Martin Scorsese – phỏng theo tiểu thuyết “Cơn Cám Dỗ Cuối Cùng của Đức Kitô” (The Last Temptation of Christ) của Nikos Kazantzakis, trong phim “Phúc Âm theo Chúa Giêsu Kitô” (The Gospel According to Jesus Christ) của José Saramago, trong “Siêu Sao Giêsu Kitô” của Andrew Lloyd Webber, trong “Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô” của Mel Gibson, trong “Màu Thập Giá” (Color of the Cross) của Jean-Claude La Marre và trong “Sách Sự Sống” (The Book of Life) của Hal Hartley.
Vì hiểu sai về Thánh Maria Mađalêna là gái điếm nên người ta mới chọn bà làm bổn mạng của “các phụ nữ hư hỏng”, vì có một truyền thuyết lâu đời trong Giáo hội nói rằng bà là người phụ nữ tội lỗi vô danh đã xức dầu chân Chúa Giêsu được thuật lại trong Lc 7:36-50, và Viện tế bần Mađalêna đã được thành lập để “cứu vớt” các chị em từ nhà thổ. Bà còn được coi là bổn mạng của những người bị vu khống.
Thánh sử Luca cho biết: “Đức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Mađalêna, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gioanna, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ” (Lc 8:1-3).
Lúc Chúa Giêsu chịu khổ hình và phục sinh, Thánh Maria Mađalêna đã có mặt bên Chúa Giêsu. Trong số những người theo Chúa Giêsu chỉ có bà được nói rõ tên là nhân chứng 3 sự kiện quan trọng: Chúa Giêsu chịu khổ nạn, Chúa Giêsu chịu mai táng, và ngôi mộ trống. Mc 15:40, Mt 27:56 và Ga 19:25 nói đến Thánh Maria Mađalêna là nhân chứng khi Chúa Giêsu chịu khổ nạn, cùng với các phụ nữ khác. Thánh Luca không nêu tên nhân chứng, nhưng nói: “Đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giêsu cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Galilê; các bà đã chứng kiến những việc ấy” (Lc 23:49). Thánh Máccô nói: “Còn bà Maria Mađalêna và bà Maria mẹ ông Giôxết, thì để ý nhìn xem chỗ họ mai táng Người” (Mc 15:47), và Thánh Matthêu nói: “Còn bà Maria Mađalêna và một bà khác cũng tên là Maria ở lại đó, quay mặt vào mồ” (Mt 27:61). Lc 23:55 cho biết: “Cùng đi với ông Giô-xếp, có những người phụ nữ đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào”. Ga 19:39-42 mô tả: “Ông Nicôđêmô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Đức Giêsu ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Đức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do-thái. Nơi Đức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do-thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giêsu ở đó”.
Thánh Máccô, Matthêu và Gioan đều nói Thánh Maria Mađalêna là nhân chứng đầu tiên đối với việc Chúa phục sinh. Ga 20:1 cho biết Thánh Maria Mađalêna mô tả việc thấy ngôi một trống. Mc 16:9 nói: “Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mađalêna, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ”. Thánh sử Mátthêu cho biết: “Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Maria, đi viếng mộ” (Mt 28:1).
Sau khi thuật lại cho các Tông đồ biết Chúa Giêsu đã phục sinh, Thánh Maria Mađalêna không được nhắc đến trong Tân ước nữa. Bà cũng không được nhắc tên trong sách Công vụ, và “số phận” bà vẫn không được tài liệu ghi lại và không được “minh oan”. Có phải vì vậy mà bà cứ bị hiểu lầm là “người phụ nữ tội lỗi” chăng?
Đa số các học giả Kinh thánh ngày nay đều chứng tỏ rằng không có nền tảng Kinh thánh nào để lẫn lộn hai phụ nữ này. Maria Magđalêna, nghĩa là Maria ở Magđalêna, là người mà Chúa Giêsu đã đuổi “bảy quỷ” (Lc 8:2). Maria Mađalêna là một trong những người “giúp Chúa Giêsu và Nhóm Mười Hai”. Bà là một trong những người đứng bên Thánh giá với Đức Mẹ.
LM W.J. Harrington, Dòng Đa Minh, viết trong cuốn “Chú giải Công giáo mới” (New Catholic Commentary): “Bị bảy quỷ ám không có nghĩa là Thánh Maria Mađalêna đã sống cuộc đời vô luân, một kết luận chỉ đạt được bằng cách lầm lẫn với phụ nữ vô danh trong Lc 7:36”. LM Edward Mally, Dòng Tên, viết trong cuốn “Chú giải Kinh thánh của Thánh Giêrônimô” (Jerome Biblical Commentary): “Bà (Maria Mađalêna) KHÔNG là phụ nữ tội lỗi trong Lc 7:37, mặc dù có truyền thống lãng mạn Tây phương đã nói về bà”.
Hy vọng Thánh Maria Mađalêna sẽ không còn bị “mang tiếng” và không còn bị chúng ta hiểu lầm như xưa nay nữa!
Lạy Thánh nữ Maria Mađalêna, xin thương nguyện giúp cầu thay. Amen.
TRẦM THIÊN THU