1. Dòng Carmêlô được thành lập trước hết, trên núi Carmêlô bên Do Thái. Ban đầu, dòng ấy nổi tiếng đông đúc và thánh thiện. Nhưng năm 1248, thời người Hồi giáo nổi lên tàn phá đạo Công giáo, sát hại giáo dân và tu sĩ, dòng ấy bị tan rã.
Bấy giờ thánh Simong Stoc đang làm Bề trên cả nhà dòng. Người thương tiếc và đêm ngày cầu xin Ðức Mẹ liệu cách thế tu bổ lại nhà dòng.
Sau mấy năm ăn chay cầu nguyện, Ðức Mẹ hiện ra, tay cầm hai miếng nhung nhỏ bằng bàn tay, có hai giây đính hai miếng vải lại với nhau. Ðức Mẹ trao hai miếng nhung ấy cho người và bảo rằng: “Con hãy nhận áo này, làm áo riêng của dòng Mẹ, cũng là dấu Mẹ thương yêu phù hộ dòng Carmêlô và những người thuộc dòng ấy cách riêng. Áo này cứu người ta khỏi những cơn nguy khốn, là áo ban sự bình an, là tượng trưng tình liên kết cùng Mẹ. Ai chết đang khi mang áo này, thì chẳng phải lửa đời đời thiêu đốt”.
Nhờ ơn Ðức Mẹ, từ đó có nhiều người xin vào dòng, chẳng bao lâu dòng lại được đông như trước. Giáo dân nghe biết gốc tích áo Ðức Mẹ, lại thấy Ðức Mẹ che chở cách riêng những ai mang áo ấy, đều xin vào hội và mang áo Ðức Mẹ mỗi ngày một đông.
2. Những ơn ích bởi sự vào hội và mang áo Ðức Mẹ thì rất nhiều và trọng lắm. Ðây chỉ là một vài ơn ích.
Ðức Mẹ đã hứa cùng thánh Simong rằng:
“Những ai mang áo này, khi chết, không phải lửa đời đời thiêu đốt”. Nghĩa là ai mang áo Ðức Mẹ mà chết khi mắc tội trọng thì Ðức Mẹ sẽ giúp kẻ ấy được ăn năn hối cải.
Ðức Mẹ đã phán bảo Ðức Giáo Hoàng Gioan Rằng: “Những ai vào hội Ðức Mẹ, giữ đức trinh khiết theo bậc mình và đọc kinh tiểu nhật khóa Ðức Mẹ hằng ngày, khi chết sẽ được Ðức Mẹ cứu khỏi luyện ngục ngày thứ bảy sau khi kẻ ấy qua đời. Ai không đọc kinh tiểu nhật khóa được thì phải ăn chay các ngày Giáo hội buộc và kiêng thịt các ngày thứ sáu quanh năm trừ ngày lễ Sinh Nhật Chúa Giêsu”.
Những người vào hội áo Ðức Mẹ được thông công các việc lành của dòng Carmêlô và hội áo Ðức Mẹ trong cả Giáo Hội.
Tòa thánh đã ban nhiều ân xá cho những người mang áo Ðức Mẹ.
Ai mang áo Ðức Mẹ, được Ðức Mẹ nhận làm con và được người phù hộ nâng đỡ.
Vả lại áo Ðức Mẹ là thuẫn mộc vững chắc giữ ta khỏi thù địch. Xưa nay biết bao người vì mang áo Ðức Mẹ, được thoát khỏi những cơn cheo leo hồn xác. Biết bao tội nhân mang áo Ðức Mẹ, đến giờ chết được ơn sám hối.
Áo Ðức Mẹ chữa cả những nguy hiểm phần xác. Có tích nhà dòng bị hỏa hoạn lửa đang bốc ngùn ngụt, có người cầm áo Ðức Mẹ quăng vào, lửa liền tắt ngay. Một người lính vào trận, bị đạn bắn vào áo Ðức Mẹ đang mang trong mình, đạn chốt lại người lính thoát nạn và còn nhiều tích khác như vậy.
3. Vậy ta phải trọng kính áo thánh ấy vì là của trọng chính Ðức Mẹ ban cho. Ta hãy mang áo ấy trong mình hằng ngày, vì là dấu riêng của con cái Ðức Mẹ. Nhất là trong giờ chết, ta có mang áo ấy thì Ðức Mẹ sẽ phù hộ ta được chết lành bằng yên.
Lạy Mẹ rất thánh, chúng con xin vào hội áo Ðức Mẹ và mang áo thánh ấy cho đến trọn đời. Gặp cơn hiểm nghèo phần hồn phần xác chớ gì áo thánh ấy là khí giới mạnh sức cứu chữa chúng con. Ðến giờ chết, xin Mẹ cứ áo ấy mà nhận chúng con là con riêng của Ðức Mẹ đưa chúng con về Thiên đàng cùng Ðức Mẹ đời đời.
Thánh Tích:
Trong sách Thánh Mẫu phương danh, thánh Ligôriô kể truyện này: Ở tỉnh Persusia bên Ý, có một người làm văn tự bán linh hồn cho quỉ dữ, để nhờ nó giúp báo thù một người kia. Khi quỉ dữ đã giúp anh ta báo thù người kia rồi, thì đưa anh ta đến khúc sông. Quỉ dữ bắt anh ta phải đâm xuống sông nếu không sẽ bắt cả hồn xác anh xuống hỏa ngục.
Anh chàng vô phúc ấy sợ chết nên bảo quỉ dữ rằng: “Anh hãy đẩy tôi xuống, vì tôi không đủ can đảm để gieo mình xuống”.
Quỉ dữ nói rằng: “Anh hãy bỏ áo Ðức Mẹ đi thì tôi mới đẩy được”. Biết quỉ không làm gì được mình vì có áo Ðức Mẹ, anh ta nhất định không chịu bỏ áo ấy ra. Ðôi bên giằng co một lúc, quỉ thất bại bỏ đi.
Người tội lỗi ấy, được Ðức Mẹ chữa mình phần hồn phần xác, thì động lòng hối cải. Ðể biết ơn Ðức Mẹ, anh ta họa một bức tranh về tích truyện xảy ra ở bờ sông, và treo ở bàn thờ Ðức Mẹ trên bàn thờ tỉnh Perusia, để thiên hạ muôn đời ca tụng lòng nhân từ Ðức Mẹ đối với những con cái mang áo Người.