1. SUY NIỆM
Trình thuật Tin Mừng theo thánh sử Lu-ca hôm nay trình bày hai thực tại thiêng liêng đó là: sự sám hối của con người và lòng kiên nhẫn đợi chờ của Thiên Chúa.
Ở phần đầu Tin Mừng thuật lại: Có một số người (có lẽ là những người nhóm Pha-ri-sêu) đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Người Do Thái quan niệm tai họa, khổ đau, chết chóc là hậu quả của những hành vi tội lỗi; vì thế, rất nhiều người quy kết những ai bị bệnh tật, nghèo đói, gặp tai họa, khổ đau đều là những kẻ tội lỗi đáng bị trừng phạt. Chính quan niệm sai trái đó đã khiến họ tự hào về chính bản thân; đồng thời coi thường, khinh miệt những người ở trong hoàn cảnh ấy. Kể lại chuyện những người Ga-li-lê bị giết, với Đức Giêsu, những người kể chuyện muốn nói: hạng tội lỗi thì đáng phải gánh chịu hậu quả; còn họ tự hào mình là người công chính. Nhưng thật bất ngờ, Đức Giê-su nói với họ: “…không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ … như vậy”. Người còn nhắc lại biến cố đã xẩy ra không lâu: tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết mười tám người, và Người khẳng định những người gặp nạn ấy không phải là mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem.
Đức Giêsu cảnh báo và mời gọi mọi người sám hối để “không phải chết”.
Sám hối là khiêm tốn hạ mình trước nhan Thiên Chúa, để nhận ra sự yếu đuối và những hành vi sai trái của mình mà quyết tâm sửa chữa, đổi mới. Người Do Thái xưa được các kinh sư, luật sĩ giải thích và hướng dẫn thực thi lề luật dựa vào những tập tục, truyền thống của tiền nhân; do đó, lối sống và suy nghĩ có nhiều điểm khác biệt với lề luật nguyên thủy do Môsê truyền lại. Bên cạnh đó, sự kiêu căng, tự phụ của giới lãnh đạo tinh thần là những người tự cho mình là hạng đạo đức, khuôn mẫu đã dẫn mọi người vào con đường lầm lạc và làm phát sinh thái độ ương ngạnh, chống đối Tin Mừng Cứu độ. Đức Giêsu xuất hiện và công khai rao giảng: “Nước Trời đã gần đến, hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”; Người kêu gọi họ tin vào quyền năng của Người và mời gọi họ thực hiện việc sám hối.
Nhiều người nhìn nhận “sám hối” là việc cần thiết nhưng lại không mấy quan tâm; vì thấy mình không có tội. Những người Do-thái xưa, luôn tự hào mình thông hiểu lề luật, là người công chính; nhưng nếu để ánh sáng Tin Mừng Cứu độ chiếu giọi vào, họ sẽ thấy rất nhiều những điều trái ngược với lề luật Môsê và với giáo huấn của Đức Giêsu; bởi trọng tâm của luật Cựu ước cũng như lời giảng dậy của Người đều quy hướng về lòng kính yêu Thiên Chúa và yêu mến đồng loại cả trong tư tưởng, lời nói và hành vi của mỗi người. Thực tế họ đã không làm như vậy.
Ở phần thứ hai của trình thuật Tin Mừng, bàn văn trình bày dụ ngôn: “cây vả không ra trái” để nói lên lòng nhân hậu, khoan dung và nhẫn nại của chủ vườn là Thiên Chúa. Cây vả, một loại cây cho trái quanh năm, nhất là vào mùa hè nhiều nắng, ít mưa; trái có thể chế biến nhiều món ăn ngon. Cây vả được nói đến trong Tin mừng hôm nay, đã nhiều năm không đơm bông kết trái, nên chủ vườn có ý chặt bỏ đi; nhưng người làm vườn xin với chủ khoan giãn thêm thời gian để vun xới và bón phân, nếu qua năm mà còn không ra trái thì sẽ chặt đi; ông chủ đã đồng tình với người làm vườn để cây vả tồn tại thêm một năm nữa. Thời gian chính là một đặc ân cho sự sống của cây vả, nó sẽ tạo cơ hội để cây biến đổi, cải thiện mà sinh hoa trái; tuy nhiên, điều quan trọng là cây vả có khả năng cải thiện bộ rễ để khi người làm vườn xới đất chung quanh gốc và bón phân mà đón nhận, mà ra hoa, kết trái hay không?
Mỗi người còn có giá trị, còn quý hơn cây vả bội phần. Trong ngôi vườn của Thiên Chúa, Thiên Chúa muốn mỗi người phải sinh hoa kết trái theo địa vị của mình, trái đó phải thơm ngọt, hữu ích, đặc trưng của lòng bác ái yêu thương; trong quá trình sống, thời gian trôi qua từng ngày là hồng ân; lòng thương xót, nhẫn nại của người làm vườn và công sức cầy xới, chăm bón phân tro chính là Đức Giêsu Kitô và ân sủng của Người.
Thiên Chúa nhân hậu, chậm bất bình và hết sức khoan dung. Ngài chờ đợi nhân loại bỏ đàng tội lỗi và quay trở lại với Ngài trong tinh thần sám hối và nỗ lực canh tân biến đổi cách sống, cách suy nghĩ theo Tin Mừng để sinh hoa trái là lòng bác ái yêu thương và để có được sự sống đời đời.
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:
– Khiêm hạ để nhận biết sự yếu đuối và tội lỗi của bản thân mà ăn năn, sám hối về những tư tưởng, hành vi, lời nói đã xúc phạm đến Thánh danh Thiên Chúa và làm tổn thương anh chị em mình.
– Tận dụng thời gian Chúa ban cho để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh em; đồng thời cộng tác với ân sủng của Đức Giêsu Kitô trao ban trong các Bí tích, trong suy niệm Lời Chúa để sinh ích cho phần rỗi của bản thân cũng như của tha nhân.
2. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, xin cho con biết thật lòng ăn năn sám hối, nhận ra những lỗi lầm của mình và biết kiên trì đặt trọn niềm tin vào lòng thương xót, thứ tha của Chúa, mỗi khi con vấp ngã. Xin cho con biết khao khát đón nhận ân sủng của Chúa Giêsu Kitô và cộng tác với Chúa Thánh Thần mà trổ sinh hoa trái trong cuộc sống như lòng Chúa mong ước.
3. SỐNG TIN MỪNG
Khiêm hạ kiểm điểm đời sống mỗi ngày và chân thành sám hối, canh tân theo Tin Mừng.