Sáu Bậc Sống – Bậc sống thánh thiện (P.3)

Sáu Bậc Sống

B. Các Bậc Sống Tâm Linh

IV. Bậc sống thánh thiện

1.   Làm việc đạo đức với tinh thần siêu thoát bản thân. Làm hoàn toàn vì vinh danh Thiên Chúa và lợi ích cho các  linh hồn.

2.   Sống nhân đức, bác ái với tha nhân.

3.   Từ bỏ nhiều ý riêng, còn chút ít tự ái, vẫn chưa sống trọn thánh ý Chúa.

4.   Không còn phạm tội mọn cả lòng.

5.   Hiểu biết nhiều về niềm tin, luôn cố gắng học hỏi và chiêm suy chân lý.

*.*

3. Từ bỏ nhiều ý riêng, còn chút ít tự ái, vẫn chưa  sống  trọn Thánh Ý Chúa

Đây là những yếu điểm làm cho linh hồn chưa vươn tới bậc trọn lành. Từ bỏ được ý riêng hoàn toàn là từ bỏ được chính mình hoàn toàn. Linh hồn ở Bậc Sống Thánh Thiện, nhất là ở giai đoạn cuối, họ phải tranh đấu quyết liệt với bản thân để từ bỏ tận tuyệt ý riêng mình.

Trong bước tiến nhân đức ở chặng này, có hai mặt trận cam go mà linh hồn phải đối mặt:

Từ bỏ ý riêng để vâng phục bề trên, vâng phục người có thẩm quyền đã rất khó mà còn dễ. Còn từ bỏ ý riêng mình để biết lắng nghe, chọn lấy ý kiến người đồng sự, đồng hàng hoặc lắng nghe cả người dưới mình. Rồi khiêm hạ nhận ra ý Chúa mà vâng theo thật chẳng dễ chút nào.

Trong sách Góp Nhặt có câu chuyện kể về gương khiêm tốn bỏ ý riêng mình của Thánh Bô-na-ven-tu-ra “Hồi ấy, Bô-na-ven-tu-ra và Tô-ma, hai vị tiến sĩ tương lai của Giáo Hội, được Đức Giáo Hoàng giao phó cho công việc sáng tác một bài thơ kính phép Thánh Thể. Tô-ma được yêu cầu trình bày tác phẩm của mình trước. Đang khi ngồi nghe, người ta nhận thấy hai bàn tay của Bô-na-ven-tu-ra hoạt động một cách bí mật…

Nghe Tô-ma xong, Bô-na-ven-tu-ra đứng lên đột ngột nói:

– Tác phẩm của Tô-ma tuyệt tác vô song…

Rồi mở bàn tay ra trình bày lên một…mớ giấy vụn! Bô-na-ven-tu-ra đã xé nát tan bài của mình ra trong khi nghe bài của Tô-ma.” (GN)

Bỏ cả ý riêng mình để lắng nghe ý kiến của người chống nghịch mình, hoặc vâng phục vị bề trên mà mình biết họ đang làm sai càng khó hơn nữa. “Cha Piô thuộc hàng ngũ con cái của Thánh Phanxicô Assisiô, cư ngụ tại Tu Viện San Giovani Rotondo, miền Nam nước Ý.

Ngài là người đã được Chúa in năm dấu thánh trên mình. Ngày đêm máu thấm ra liên lỉ và gây đau đớn nhức nhối cho ngài như Chúa Giê-su trên thánh giá năm xưa…

Cha Piô còn phải liên tục chịu nhiều thử thách vô số, nhưng sau đây còn là cơn thử thách nặng nề hơn cả: Số là còn nhiều giáo dân khắp năm châu đến xưng tội với ngài. Nhờ ngài họ làm lại cuộc đời, nên mang của cải đến dâng ngài để làm việc thiện. Có người sau khi cho tất cả sản nghiệp, còn tình nguyện ở lại phục vụ dưới quyền ngài nữa. Với số tiền khổng lồ ấy, ngài đã xây nhiều bệnh viện miễn phí, nhiều nhà đón tiếp mọi người đến tĩnh tâm. Đức Thánh Cha Piô XII rất quí mến ngài nên đã cho phép ngài được phép quản lý và sử dụng số tiền người ta dâng cúng để làm việc bác ái đạo đức, cũng như gây vốn để đài thọ chi phí cho các bệnh viện, nhà tĩnh tâm vừa nói. Công cuộc tốt đẹp ấy ngày càng phát triển…

Một hôm, vị tổng quản lý nhà dòng mang hết tiền bạc của nhà dòng và vay mượn thêm ở ngân hàng một số lớn nữa để hùn vốn trong một “áp phe” (vụ làm ăn) mang tên “áp phe Dreyfus”. Cha Piô biết được rất đau lòng, vì đó là một việc vừa rất phiêu lưu, vừa trái với tinh thần khó nghèo của vị Thánh sáng lập.

Quả thế, sau đó ít lâu, “áp phe Dreyfus” sụp đổ và gây tai tiếng khắp nơi. Vị quản lý nhà dòng hết sức hoảng hốt, chỉ còn một cách duy nhất là bán hết cơ sở của dòng để trả nợ cho ngân hàng. Nhưng phép đâu mà bán nhà dòng? Ông liền nghĩ đến số vốn của cha Piô, và lợi dụng lúc Đức Thánh Cha Piô XII mới băng hà, Tòa Thánh đang bề bộn công việc, để thi hành một diệu kế. Mấy ngày sau đó, đúng theo kế hoạch của vị Tổng quản lý, nhà dòng San Giovani Rotondo đệ trình lên Tòa Thánh một tờ đơn với nội dung: “Nay cha Piô xin Tòa Thánh rút lại đặc ân của Đức Piô XII đã cho phép ngài quản trị số vốn người ta dâng cúng để lo việc đạo đức bác ái, và giao số vốn ấy lại cho nhà dòng quản lý thay”. Tòa Thánh thấy trình bày hợp lý, lại thêm đang lúc ở giao thời giữa hai triều đại Giáo hoàng, chẳng ai rõ ý định của Đức Piô XII lúc trước, nên Tòa Thánh đã chấp nhận.

Một buổi chiều nọ, Bề Trên gọi cha Piô đến và trình bày rõ ràng quyết nghị của Tòa Thánh. Ngài cho phép Cha Piô tự quyết định: chấp nhận hoặc khiếu nại. Cha Piô xin phép được suy nghĩ trong ít ngày. Suốt đêm hôm ấy cha trằn trọc, khổ tâm, vì biết đây là âm mưu đen tối của vị Tổng quản lý. Rồi đây các bệnh viện, nhà tĩnh tâm lấy đâu ra tiền để đài thọ? Số phận biết bao người nghèo sẽ đi về đâu? Cha vô cùng buồn khổ như đang cơn hấp hối.

Nhưng con người khiêm nhường ấy đã phó thác mọi sự trong tay Chúa. Không đợi lâu, ngay sáng hôm sau, Cha Piô mang tất cả sổ sách đến gõ cửa phòng Bề trên. Ngài đặt tất cả trên bàn rồi quì gối, chắp tay thưa: “Thưa bề trên, con xin giao tất cả trong tay Bề trên, vì con là đứa con của đức vâng phục”.

Người ta không biết rõ số tiền ấy lớn bao nhiêu, nhưng chỉ biết đó là 300 ngàn cổ phần trong các công ty đủ loại” (Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng – Chương XVI).

Linh hồn từ bỏ mãi ý riêng, cho đến lúc chỉ còn lại Ý Riêng Nhiệm Mầu tựa vầng trăng tròn sáng ngời lên từ đáy nước đã trong veo, sau khi lắng hết vẩn đục phù sa. Ý Riêng Nhiệm Mầu còn lại ấy là ý Chúa nơi linh hồn. Sau khi lập dòng một thời gian ngắn, Thánh Đa Minh quyết định chia ra từng tốp hai người đi truyền giáo. Đức Cha giáo phận và Đức Cha đồng sự với ngài đều can ngăn. Nhưng ngài nói “Các ngài đừng cản tôi, tôi biết rõ việc tôi làm”.

Ở mức độ tâm linh và nhân đức bậc sống này, Thiên Chúa sẽ đòi hỏi linh hồn mỗi lúc một gắt gao hơn. Ngài đã từng đòi hỏi thánh Phanxicô Assisi “Con có thể giày xéo dưới chân, hạ nhục anh Phanxicô ấy không? Anh ta làm phiền chúng ta, cản chúng ta gặp nhau. Hãy tiêu diệt anh ta đi! Trẻ em sẽ đuổi theo con mà ném đá con. Các thiếu nữ sẽ thò đầu ra cửa sổ mà cười vang. Còn con, con sẽ đứng đó, cả người đầy máu me và thương tích, nhưng vui tươi và con hô to “Ai ném tôi một hòn đá, thì được Chúa chúc phúc một lần. Ai ném tôi hai hòn đá, thì được Chúa chúc phúc hai lần. Ai ném tôi ba hòn đá, thì được Chúa chúc phúc ba lần… Con có làm được việc ấy không? Con có làm được không?” (CĐCHTY).

Lời câu chuyện trên còn thiếu một điều là thánh nhân phải thoát y, trả lại cho thân sinh mình món nợ trần ai còn dính lại trên thân thể. Sau đó thánh nhân đã thực hiện trong tòa giám mục At-xi-xi.

Để từ bỏ ý riêng, từ bỏ chính mình trước Thiên Chúa không phải chỉ mất đi cái là mình, nhưng phải bỏ trong bối cảnh sỉ nhục, đau thương tan nát hồn, để giết chết luôn cả lòng tự ái còn sót lại sau các bậc sống thấp hơn. Linh hồn phải trút đi hết khỏi bầu da cũ chứa đầy chất rượu bùn tục lụy, bầu da cũ mới thăng hoa thành mới, và được đong đầy lại rượu Thần Khí tinh khiết (Mt 9,17), phải chịu tước lột như chính Chúa Giê-su chịu tước lột trên thánh giá, chẳng còn gì ngoài sự trần trụi của thể xác và linh hồn.

Ở bậc sống này Thiên Chúa sẽ đòi hỏi như thế nhưng linh hồn, có thể nói, đa số chưa đủ sức đáp trả trọn vẹn. Qua các cuộc thử thách linh hồn lộ ra những tì ố của tính tự ái, có thể còn giận, ghét, oán trách tha nhân vì họ đem đau khổ, bất hạnh hay sỉ nhục oan ức đến cho mình. Linh hồn chưa thâm tín đủ tất cả đều nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Các tác nhân ấy lại là sứ giả của Ngài (2Sm 16,5-12). Bởi vậy Thánh Ý Chúa chưa thể hoàn tất nơi linh hồn. Trong cuộc sống, vì đó linh hồn vẫn sai lạc trong việc chọn lựa sao cho đẹp lòng Chúa.

Tình Yêu Hoa Cỏ 
05/09 – 31/10/2007