Nội dung :
1. Một số băng reo (P.1, P.2, P.3)
2. Một số trò chơi
3. Và một số ca khúc
***
Băng reo, tiếng reo là lời nói, lời hát, tiếng động của một tập thể sinh hoạt làm đồng loạt nhịp nhàng. Trước đây băng reo, tiếng reo còn được gọi là canon (đại bác) vì hình thức lặp đi lặp lại của băng reo như tiếng nổ của súng đại bác được vang và âm xa nhiều lần.
Trong sinh hoạt, băng reo, tiếng reo dùng để chào mừng, ngợi khen giải trí, góp vui, làm thay đổi không khí sinh hoạt và có thể chống mệt mỏi cho tập thể đang sinh hoạt.
* Đặc biệt nhất là loại hình băng reo từ lâu nay không đề cập đến tác giả. Tác giả cũng không bao giờ đặt vấn đề bản quyền và cũng không ai muốn tìm hiểu tác giả vì nó là một loại hình sinh hoạt cộng đồng. Do đó từ một loại băng reo, mọi người có thể tự do biến chế, sáng tạo nhiều kiểu cách khác nhau, tuy nhiên cũng cần lưu ý không nên để tính vui tươi giải trí của băng reo thành quá trớn, nghịch phá, trêu chọc không mang tính giáo dục (điều thường xảy ra ở băng reo ).
* Băng reo, tiếng reo thường thấy trong tập thể sinh hoạt mà nhiều người không hiểu là băng reo như : các hiệu lệnh sinh hoạt tập thể khi người điều khiển hay quản trò (QT) ra lệnh: – NGỒI. Tập thể (TT) hô và làm theo : XUỐNG. Hoặc : – đứng. –lên. Hay: đất ta. –ta ngồi. –trời ta, ta đứng. Trong sân bóng đá, khán giả cùng nhau hô vang những câu, từ, cổ động đội bóng. Đó cũng là hình thức băng reo, tiếng reo…
Sau đây chúng tôi giới thiệu một số băng reo tiêu biểu được dùng nhiều trong các sinh hoạt tập thể lâu nay.
A. Một số băng reo dân gian
Băng reo 1 : Trống Chiêng
Đây là băng reo điển hình và lâu đời nhất , mang tính dân gian.
QT chia TT ra làm hai nhóm; một nhóm làm trống, khi QT đưa tay đánh xuống thì kêu to: THÙNG. Nhóm kia làm chiêng, hô to: CHENG khi có hiệu lệnh của QT.
QT làm nháp và điều khiển trống chiêng kêu từ chậm đến nhanh và ngược lại. Tuỳ tài năng của QT làm cho băng reo hấp dẫn và có thể biến băng reo thành một trò chơi phản ứng nhanh bằng cách dùng tay đánh trống, chiêng nhưng đánh chưa hết tầm đánh để TT kêu sai.
Băng Reo 2 : Cúng Đình
Băng reo này cũng có từ lâu, mang tính dân gian.
QT chia TT làm hai nhóm và dùng tay điều khiển như băng reo “trống chiêng”. Đánh tay xuống phía nhóm nào thì nhóm đó kêu to:
Nhóm 1: Cúng chi? –Nhóm 2: -Cúng đình, cúng đình
Nhóm 1: Có chi, có chi? Nhóm 2:– Có chè, có chè
Nhóm 1: Bưng…bưng. Nhóm 2:- …Cất,…cất…
B. Các Băng Reo Vỗ Tay, Pháo Tay
Loại băng reo này rất sinh động dùng trong nghi thức đón rước, chào mừng, ngợi khen,…một hình thức thay pháo.
Băng reo 3 : Vỗ Tay Theo Nhịp 1-2, 1-2-3
QT hướng dẫn vỗ tay như sau: nhịp đầu vỗ hai cái, ngưng một nhịp rồi vỗ tiếp nhịp sau ba cai liền.
Lần vỗ đầu tập dượt, QT mời TT vừa vỗ vừa đếm số (1,2-1,2,3). Khi tiếng vỗ nhịp nhàng rồi không cần đếm số tiếp. Muốn sinh động QT điều khiển từ chậm đến nhanh dần.
Băng reo 4: Vỗ Tay Theo Nhịp 1-2-3.1-2-3-4-5
Cách vỗ tay giống như cách vỗ trên nhưng khó hơn vì nhịp vỗ tay dài hơn : nhịp đầu vỗ ba cái liên tiếp, ngưng một nhịp, vỗ tay tiếp năm cái liền.
Cách vỗ tay theo nhịp có thể sáng tạo nhiều cách rất hay như vỗ tay theo nhịp trống nghi thức…
Băng Reo 5 : Vỗ Tay Theo Cử Động
QT mời người khác hay chính QT di chuyển bước chân trong vòng tròn; mỗi khi bước chân chạm xuống đất, TT vỗ một cái to. Cứ thế tuỳ theo bước chân nhanh, chậm, tiếng vỗ tay sẽ rộn ràng theo bước chân.
Băng Reo 6 : Vỗ Tay Làm Mưa Nhân Tạo
QT cầm một đồ vật (khăn quàng, nón…) để TT chú ý hướng điều khiển nhịp vỗ tay.
QT để vật dưới thấp, TT vỗ tay nhỏ (mưa nhỏ).
QT đưa tay lên cao dần, tiếng vỗ tay lớn dần (mưa to dần).
QT đưa tay cao khỏi đầu quay vòng tròn, vỗ tay to và nhanh (mưa to).
QT phất tay một cái qua một bên, TT vỗ to một tiếng,
QT phất qua bên kia, vỗ to một tiếng khác (mưa rào).
QT phối hợp ba loại mưa (nhỏ, to, rào) thật nhịp hàng và sinh động và chấm dứt bằng một tiếng sấm bằng cách TT hô to: đùng.
Băng reo vỗ tay làm mưa có một hình thức khác, vỗ từng ngón tay từ ít đến nhiều ngón để làm mưa từ nhỏ đến to.