BÀI HÁT CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO
NL: ĐẸP THAY
DL: NGÀY VỀ
DL: LỜI THIÊNG
HL: CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU
KL: NHÂN CHỨNG PHÚC ÂM
Bài đọc 1: Is 2,1-5
“Đây là điều mà ông I-sai-a, con ông A-mốc, đã được thấy về Giu-đa và Giê-ru-sa-lem.
Trong tương lai, núi Nhà ĐỨC CHÚA
đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao,
vươn mình trên hết mọi ngọn đồi.
Dân dân lũ lượt đưa nhau tới,
nước nước dập dìu kéo nhau đi.
Rằng: “Đến đây, ta cùng lên núi ĐỨC CHÚA,
lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp,
để Người dạy ta biết lối của Người,
và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ.
Vì từ Xi-on, thánh luật ban xuống,
từ Giê-ru-sa-lem, lời ĐỨC CHÚA phán truyền.
Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia
và phân xử cho muôn dân tộc.
Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày,
rèn giáo mác nên liềm nên hái.
Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau,
và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.
Hãy đến đây, nhà Gia-cóp hỡi,
ta cùng đi, nhờ ánh sáng ĐỨC CHÚA soi đường!”
Bài đọc 2: Rm 4,10-9-18
“Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ. Kinh Thánh nói: Mọi kẻ tin vào Người sẽ không phải thất vọng. Như vậy, không có sự khác biệt giữa người Do-thái và người Hy-lạp, vì tất cả đều có cùng một Chúa, là Đấng quảng đại đối với tất cả những ai kêu cầu Người. Vì: Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát.
Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng! Nhưng không phải mọi người đều đã vâng theo Tin Mừng; chính ngôn sứ I-sai-a đã nói: Lạy Đức Chúa, ai đã tin khi nghe chúng con giảng? Ấy vậy, có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Ki-tô.
Nhưng tôi xin hỏi: Phải chăng họ đã không được nghe giảng? Có chứ!
Tiếng các ngài đã dội khắp hoàn cầu,
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.”
Bài Phúc Âm: Mc 16,15-20
“Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”
Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.”
Hiến lễ nhiệm mầu
Lời Chúa nơi bài đọc một dẫn chúng ta đến miền ánh sáng đầy niềm hy vọng của bầu trời ân phúc
“Dân dân lũ lượt đưa nhau tới,
nước nước dập dìu kéo nhau đi.”
Lời kinh tự ngàn xưa này đã ứng nghiệm, dân các nước hồ hởi cùng nhau kéo về miền cao quang chân lý, bước vào bầu trời vĩnh phúc mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho Dân của Người, một dân mới thời Tân ước. Chúng ta được phép hiểu như thế, xác tín mối phúc này, vì lời Chúa ghi rõ “Dân dân… nước nước”. Chứ không phải nói riêng dân Ít-ra-en, dâng riêng của Chúa thời Cựu ước. Và
“Rằng: “Đến đây, ta cùng lên núi ĐỨC CHÚA,
lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp,”
Tất cả các dân nước kéo về “núi Đức Chúa”, “Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp” những ngôn từ mang đậm sắc màu ngôn sứ, không những dùng để chỉ nơi chốn linh thiêng Chúa ngự, mà còn nhắm đến đỉnh non cao đồ sộ của bậc sủng ân, nói đến mối giao tình thân thiết thâm sâu với Đức Chúa vì Người đã đến và ở giữa chúng ta. Nhưng Đức Chúa ấy vốn từng ghi đậm nét hãi hùng khi dân Ít-ra-en diện kiến với Người (x. Xh 33,20; Đnl 18,16b)
Như thế, làm sao muôn dân dám tiến bước đến cùng Thiên Chúa đáng sợ hãi này cho được? Nếu không có một ai đó làm hướng dẫn viên cho họ, cho dân nhận ra rằng đây là một Thiên Chúa đầy ắp yêu thương và cực cùng thương xót, thật gần gũi và đáng yêu kính biết chừng nào! Thiên Chúa ấy với vòng tay thật dịu dàng của một người Cha, với một tấm lòng nhân ái vô vàn, thật quảng đại thương xót các tội nhân. Chính vì thế mà Đức Ki-tô Giê-su – Ngôi Hai Thiên Chúa làm người đã đến thế gian, để làm Đấng Trung Gian giữa con người với Thiên Chúa bằng cái chết và sự phục sinh của Người. Làm chứng Thiên Chúa là Cha của những con người tin nhận vị thế chủ quyền độc tôn của Người, đồng thời nhìn nhận Người đã cứu độ họ bằng giá tình Thập Giá vô biên vĩ đại khôn cùng. Nhờ vậy, thánh Phao-lô tông đồ – nhà thần học uyên sâu đầu tiên của Hội Thánh dám khẳng định “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ.” Rồi Đấng Phục Sinh mới sai các môn đệ đi làm tông đồ cho Người, lời sai đi nối tiếp muôn thế hệ. Trong ý nghĩa này, thánh Phao-lô tích cực dạy “Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng!”
Ngày lễ Khánh Nhật Truyền Giáo nhắc nhở chúng ta về bổn phận ngôn sứ của bí tích Rửa Tội. Một sủng ân cao cả, một đặc huệ của tình Trời, cũng là một lời mời gọi đầy tha thiết của giá máu Chúa Ki-tô. Người tín hữu không có ý thức làm tông đồ, là người đã tự hạ phẩm giá đức tin mình, biến mình thành kẻ ích kỷ, hẹp hòi thích nhận chứ không phải người cao thượng muốn cho đi. Tự liệt mình vào hàng ngũ những người không được ở trong mối phúc tuyệt hảo của lời Chúa “cho thì có phúc hơn là nhận.” (Cv 20,35c) Sống như thế, chẳng khác nào tự đong cho mình đấu bất hạnh đời đời.
Thánh Mác-cô thánh sử chân chất ghi lại “Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.”
Thời trung cổ các nhà thần học đã hiểu lời nầy cách hạn hẹp, thời nay chúng ta được khai sáng hơn. Khi Chúa Giê-su truyền mệnh lệnh cho các môn đệ Người phải rao giảng Tin Mừng trên khắp thế gian, là một mệnh lệnh phổ quát, mang nghĩa rộng. Không phải chỉ có ra đi và chính thức rao truyền lời Chúa mới là rao giảng Tin Mừng. Thực hiện nhiệm vụ tông đồ của đức tin có rất nhiều cách: tông đồ rao giảng, tông đồ bác ái, tông đồ phục vụ, tông đồ hy sinh, tông đồ bệnh nhân, tông đồ hoạt động, tông đồ cầu nguyện v.v… Khi người môn đệ Chúa mang hồn tông đồ, kết hiệp với Chúa Giê-su trong mọi công việc làm hay trọn đời sống của họ, thì họ làm bất cứ việc gì, dù âm thầm, cũng đem lại giá trị lợi ích phần rỗi cho tha nhân và làm vinh danh Chúa.
Được cùng Chúa lo lắng cho phần rỗi các linh hồn là một đặc ân rất cao trọng và thật vinh quang cho người thực hiện nó. Các con dù ở bất cứ nơi nào, có học thức hay không, giàu hay nghèo đều có thể làm tông đồ cho Chúa. Dầu xông xáo hoạt động, hay ẩn khuất âm thầm, tất cả đều có thể trở thành một chứng nhân của đức tin làm vinh danh Chúa và đem lại lợi ích cho phần rỗi các linh hồn.
“Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.” Câu “Ai tin và chịu phép rửa” không thể hiểu theo nghĩa đen và dừng lại ở hình thức bên ngoài. Tin và chịu phép rửa nhưng không sống đức tin, tự giam mình trong tội trọng luôn mãi thì làm sao được cứu độ. Cho nên chữ “tin” ở đây phải được hiểu rộng “tin và tuyên xưng bằng cuộc sống mình” Đó là lý do thánh Phao-lô phải khẳng định lại “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ.” Tin ở trong lòng là điều không ai biết, chỉ có Chúa biết, nhờ tin con người được thánh hóa trong Chúa nên được công chính. Còn tuyên xưng ra ngoài miệng, cũng đồng nghĩa sống đức tin đó của mình tất nhiên được lãnh nhận ơn cứu độ.
Chúng ta nên biết thêm, “phép rửa” không dừng lại ở bí tích Rửa Tội. Từ “phép rửa” còn có nghĩa: được rửa bằng lửa và bằng máu. Lửa là lòng yêu kính Chúa, là tiếp nhận ánh sáng chân lý, là đón nhận đức tin và sống chân lý của Chúa Ki-tô, là tôn vinh Danh Chúa dù không chính thức ở trong Hội Thánh. Máu là chịu đau khổ hay khốn khó, bách hại vì Danh Chúa, hay là chịu tử đạo vì Chúa Ki-tô dù chưa phải là người chính thức có đạo. Những người chịu phép rửa như thế đều được ơn nghĩa với Chúa Giê-su Ki-tô, xứng đáng được hưởng phúc thiên đàng.
Tình Yêu Hoa Cỏ
Làm Cho Muôn Dân Trở Thành Môn Đệ
Điểm hẹn cuối cùng của Đức Giêsu với mười một môn đệ tại một ngọn núi thuộc miền Galilê, ngọn núi Người đã truyền cho các ông đến đó. Tại sao Người hẹn gặp các ông ở Galilê, mà không phải ở đền thờ hay hội đường? Có lẽ Galilê là nơi đặc biệt, nơi xảy ra những biến cố lịch sử cứu độ nhân thế của Người, là một cứ điểm truyền giáo. Đây là miền đất của dân ngoại, thật cần kíp để gieo Tin Mừng. Chính nơi đây Satan đã đưa Người lên để thỏa hiệp với hắn nhưng Người đã chiến thắng. Nên hôm nay trên núi này Đức Giêsu đã công bố với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18). Khởi đầu sứ vụ, nơi đây Thầy đã gọi các môn đệ đầu tiên. Và cuối cùng hôm nay, điểm hẹn này là nơi Thầy trao sứ vụ loan báo Tin Mừng: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19.20a).
Suốt ba năm, các ông chỉ đi theo Thầy, trực tiếp cận kề học tập bên Thầy. Giờ đến lúc Thầy không còn trực tiếp dạy dỗ các ông, giờ là lúc các ông phải tự “thực hành thực tế” trong khi Thầy “vắng mặt”. Các ông phải “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền”. Đây là trọng trách lớn lao và thật khó khăn vất vả, nhất là khi không thuận tiện, trong cái chật hẹp, tối tăm của đời các môn đệ cũng như mỗi chúng con hôm nay. Nhưng một lời hứa chắc chắn kèm theo để an ủi và thúc bách chúng con: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 20b). Đây là lời hứa để chúng con an tâm khi thi hành sứ vụ khó khăn mà cao cả. Chính Thầy sẽ thực hiện những điều lớn lao kỳ diệu nơi con người mỏng giòn yếu đuối của mỗi chúng con. Từ buổi Thiên sứ truyền tin đã loan báo về Đức Giêsu: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23). Vâng, Đấng Emmanuel vẫn luôn hiện diện, đồng hành, ở cùng các môn đệ và những người nhiệt tâm loan báo Tin Mừng trong mọi nơi mọi lúc. Chúa luôn ở cùng chúng con trên bước đường loan báo, trải dài cho đến ngày tận thế.
Chúa ơi! trước khi về trời Chúa đã trao cho chúng con sứ vụ “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” của Chúa. Lạy Chúa! sức chúng yếu lắm, lòng người đời thì cứng cỏi, nhưng chúng con tin Chúa sẽ ở cùng và ở với chúng con trong mọi nơi mọi lúc. Để dù khó khăn hay gian nguy, chính Chúa sẽ thực hiện những điều kỳ diệu trong con người hèn mọn yếu đuối chúng con, cho muôn dân nhận biết Chúa và đi theo Ngài. Amen.
Én Nhỏ