SVCGTHQN Tĩnh Tâm và Thiện Nguyện Mùa Chay 2023: Còn chút gì đọng lại ?

Cha An-tôn chụp chung với Nhóm sau Thánh lễ
Là thế hệ genZ, sống trong thời đại 4.0, có vô vàn sự đổi mới, người trẻ hiện nay dễ bị cuốn vào những thú vui trần gian, những buổi tụ tập hội hè, cuốn vào vòng luẩn quẩn của cơm áo gạo tiền. Họ dường như không có thời gian dành cho chính bản thân mình, dành cho gia đình, huống gì cho đời sống thiêng liêng. Cũng là một người trẻ, tôi nhận thấy bản thân mình rất cần một khoảng lặng nhất định để nhìn lại mình của quá khứ và hiện tại. Tĩnh lặng trở về với chính mình để gặp gỡ Chúa. Vì thế, với cá nhân tôi, khi đăng ký tham gia tĩnh tâm và thiện nguyện với nhóm Sinh Viên Công Giáo Thanh Hóa Quê Nhà (NSVCGTHQN) trong Mùa Chay Thánh năm nay thật sự là một điều tôi rất mong đợi.

Giáo xứ Thanh Thủy 

Chuyến xe đưa chúng tôi về với giáo xứ Thanh Thủy trong những ngày cuối tuần của tháng kính Thánh Giuse (18/3 và 19/3/2023). Giáo xứ Thanh Thủy là một xứ đạo nhỏ nằm giữa cánh đồng lúa, thưa thớt dân. Sau hơn một tiếng ngồi trên xe di chuyển, một cảm giác dễ chịu tràn ngập tâm hồn tôi khi thấy bóng dáng ngôi nhà thờ. Cảm giác ấy thật sự khó tả, bình yên đến lạ. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi bước xuống xe, đó là hình ảnh các em nhỏ hiền lành, mến người, rất dễ thương. Tôi chỉ tiếp xúc với các em có một ít thời gian ngay khi vừa xuống xe thôi, nhưng đến chiều hôm sau gặp lại, các em đã xem tôi như một người bạn thân thiết; “chị đi chơi với em đi”. Trời, thấy thương ghê. Ngoài những hình ảnh dễ thương ấy, tôi còn bắt gặp điều dễ thương dễ mến nơi sự tiếp đãi chu đáo đầy quảng đại của Cha xứ An-tôn cùng nhiều quý ông bà và các bạn trẻ nơi xứ đạo. Tất cả rất thân thương!

Nhìn lại mình, “sám hối”, “Hoán cải”…
Bước vào chương trình Tĩnh Tâm, tôi được mời gọi sám hối và hoán cải theo đúng tinh thần Mùa Chay Thánh. Cuộc sống hưởng thụ với vô vàn những cám dỗ hay những thú vui tưởng chừng tao nhã ấy như ; những trò giải trí vô bổ, những hình ảnh xấu…. đầy tràn mạng xã hội. Giữa những căng thẳng ấy liệu chăng bạn và tôi sẽ nghiêng chiều về phía nào; theo tính xác thịt hay kỷ luật bản thân? Đó như là nổi chất vấn mời gọi tôi phải luôn đưa ra lựa chọn trong mỗi ngày sống. Tôi đã mấy lần chọn theo tiếng lương tâm, chọn điều tốt đẹp, hay lúc nào cũng tự nhủ “thôi kệ đi, đời còn dài”?

Giây phút thiêng liêng cùng với Chúa trên những Chặng Đàng Thánh Giá
Giây phút thiêng liêng cùng với Chúa trên những Chặng Đàng Thánh Giá
Cha An-tôn cùng hiệp thông với Nhóm trong giờ đi Đàng Thánh Giá

Ngày thường cứ ngồi đọc kinh, tự nghĩ thế là đủ. Xét lại, rỗng không, tôi đôi khi đọc cho có lệ, không nán lại với Chúa được vài phút. Tôi có thể đặt giới hạn thời gian cho một số sự việc, như là: buồn trong 5 phút thôichỉ làm lần này, chỉ nhớ trong 6 thángchỉ đợi trong 1 năm… nhưng tôi chẳng thể tính toán được ngày nào tôi phải đứng trước tòa Chúa chịu trách nhiệm về những việc mình đã làm. Đâu phải miệng cứ “lạy Chúa, lạy Chúa” là sẽ được vào nước Trời… Giật mình…

Những phút chia sẻ thiêng liêng theo nhóm
Những phút chia sẻ thiêng liêng theo nhóm

Dạo gần đây, tôi đè áp lực của tôi lên người khác, rất dễ cáu bẳn, nhăn nhó, dễ gằn giọng mỗi khi tôi thấy bất kì điều gì không hài lòng. Cứ xả cho thoải mái mà không để ý đến cảm xúc người khác, cứ muốn nói thì nói ngay cả khi chưa suy xét tường tận và thiếu sự lắng nghe chân thành. Tôi nhận ra, sống giữa môi trường khắt khe với những điều liên quan đến lợi ích, tôi phá vỡ nguyên tắc sống của mình, dần trở nên ích kỷ hơn, thiếu sự sẻ chia và thông cảm. Tiếp xúc với “nền văn hóa cao”, nơi người ta chỉ “bằng mặt”, tôi nhận ra mình cũng đang trở nên thiếu chân thành, thiếu đi những nụ cười thân thiện từ con tim. Thay vào đó là sự niềm nở, xã giao rỗng tuếch.

Những phút chia sẻ thiêng liêng theo nhóm

Kỳ tĩnh tâm này thức tỉnh tôi nhìn lại cuộc sống thường nhật, nhìn lại mối tương quan qua việc dành thời gian suy ngẫm từng hành động, lời nói của mình liên tục để điều chỉnh mỗi ngày. Bên cạnh đó, khoảng thời gian nhìn lại mình này cũng nhắc nhớ tôi phải luôn tỉnh táo để lựa chọn điều thiện, liên tục cầu nguyện để thoát khỏi những cám dỗ.

“May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi” (Dụ ngôn cây vả)
Dụ ngôn cây vả, được Thầy đưa vào giờ gợi điểm cầu nguyện, nhắc nhớ chúng tôi suy nghĩ về vai trò, bổn phận của mỗi người trong đời sống. Cây vả trong đoạn Tin Mừng đã “3 năm trời không sinh hoa trái”. Hình ảnh ấy khiến tôi suy tư rất nhiều; “Cuộc sống quá an toàn liệu có tốt ?” “Liệu mình có giống cây vả kia không?”.

Giây phút linh thiêng bên Chúa

Tôi đang từng bước trên hành trình cuộc đời của mình và đang ở thời điểm “vàng”, khi mà sức khỏe tốt nhất, năng lượng mạnh mẽ nhất, tinh thần hăng hái nhất. Ở tuổi này, tôi cũng hy vọng mình sẽ làm được thật nhiều điều ý nghĩa, khám phá ra thật nhiều những điều kì diệu và cống hiến hết mình để làm cho cuộc sống chung quanh trở nên tốt đẹp hơn. Thế nhưng, điều gì đã ngăn bước chân tôi khám phá bản thân, khám phá thế giới và dấn thân hết mình? Phải chăng đó là những nghi ngờ khả năng của mình, sự thiếu tự tin và cả nỗi sợ sẽ phạm sai lầm… Và tôi lại chọn thu mình trong góc, trong căn phòng an toàn của mình, trên quảng đường từ nhà đến trường.

Chia sẻ thiêng liêng

Cũng có đôi khi, tôi cựa mình thoát kén, đưa mình vào những cuộc thử thách nhưng rồi gặp một số cú sốc đầu đời, tôi lại vội vàng né tránh. Tôi hay kêu “Chúa thử con nhiều thế, con quá sức rồi…”. Gặp mọi người, câu đầu tiên của tôi sẽ than “Ôi, khổ quá! Mệt quá! Nản lắm”. Có lẽ, tôi đang nhìn cuộc sống bằng con mắt khá tiêu cực của thế gian, bởi quá ưa thích cuộc sống yên bình nên tôi cảm thấy những điều đó là sự bất hạnh. Tôi lờ đi ân sủng Chúa ban. Ngài ban cho tôi một môi trường học tập, thử sức cực tuyệt vời, giúp tôi trau dồi kỹ năng, tôi luyện bản thân rất tốt; Ngài ban cho tôi những người thầy nghiêm khắc, để tôi trưởng thành hơn mỗi ngày; Ngài ban cho tôi những người bạn với nhiều kiểu tính cách khác nhau giúp tôi biết sống thông cảm, sẻ chia nhiều hơn… Tôi không thấy! Tôi phủ nhận! Tôi phải thay đổi cách nhìn.

Cũng có đôi khi, tôi cựa mình thoát kén, đưa mình vào những cuộc thử thách nhưng rồi gặp một số cú sốc đầu đời, tôi lại vội vàng né tránh…

Khuôn mặt của Thiên Chúa…
Dù “cây vả” kia đã 3 năm nay không sinh hoa trái, mang tội danh “làm hại đất” nhưng “Người Chăm Vườn” kia vẫn nài nỉ để cây được sống. Ông tìm một cách tỉ mỉ, kiên trì với niềm hy vọng mong manh “may ra năm sau có quả”.

Lãnh nhận Bí tích Giao hòa

Thiên Chúa, Ngài vẫn luôn ở đó, lặng lẽ âm thầm
Thiên Chúa, Ngài vẫn nhìn tôi, vô cùng kiên nhẫn

Lãnh nhận Bí tích Giao hòa

Dẫu vậy, Thiên Chúa vẫn đặt ra cho chúng ta giới hạn để “ra hoa”, “năm sau nếu không có quả thì chặt nó đi”. Ngài đưa cho biết bao cơ hội để ta nắm lấy và nhờ đó mà sinh hoa. Ngài ban tặng chúng ta năng lực vừa đủ cho mỗi người để đối mặt với những khó khăn riêng. Ngài gửi cha mẹ, thầy cô, những người có trách nhiệm, ngay cả những người nhỏ nhất xung quanh ta, nhờ đó ta được những lời khuyên, những chia sẻ quý báu,…. Ngài đưa ta đến những môi trường sống khác biệt giúp ta học hỏi nhiều điều mới mẻ, chấp nhận bản thân, dám tiến lên, không chùn bước là những điều tôi phải làm ngay lúc này…

Canh thức…
Điều đặc biệt nhất với tôi trong kỳ Tĩnh Tâm này có lẽ là giờ canh thức. Cảnh vật im lìm, không gian tĩnh mịch, hơi sợ sợ nhưng tôi thấy gần Chúa vô kể… “Một mình con với Chúa…. trong nơi cô vắng, tâm hồn con nghe lắng đọng lời của Chúa trong lòng con thiết tha. Một mình con với Chúa, tâm tư thao thức, khi chiều buông nắng vàng nghe từng bước chân đi vội đi, về đâu?” Lời bài hát thấm vào trái tim tôi, đưa tôi chìm vào những suy tư. Đó là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong lần Tĩnh Tâm này. Khi đó, tôi dành toàn tâm trí để suy xét lại những điều đã được chia sẻ, nhìn lại mình một cách thẳng thật nhất và trút hết mọi tâm tư lên Chúa. Lạy Chúa, xin cất hết mọi sự nơi con, xin trao cho con một trái tim mới như những lời thơ mà thi sĩ R.Tagore đã từng cất lên…
“Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế Người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
Đến với Người trong mọi sự,
Và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
Nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
Nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
Và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.”

Giây phút linh thiêng bên Chúa Giê-su Thánh Thể
Giây phút tĩnh lặng bên Chúa Giê-su Thánh Thể
Giây phút tĩnh lặng bên Chúa Giê-su Thánh Thể

Thiện nguyện…
Cũng như các Tông đồ xưa, khi được ở với Chúa trên núi Tabor, có lẽ tôi cũng có những cảm thức như vậy khi muốn được ở với Chúa mãi trong những khoảnh khắc thiêng liêng. Nhưng, như lời mời gọi trong Mùa Chay Thánh; Cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái; tôi cũng được thúc đẩy “xuống núi” ra đi đến với gia đình của các cụ ông, cụ bà neo đơn hay hoàn cảnh khó khăn qua chương trình thiện nguyện của Nhóm. Tôi vẫn nhớ lời một người thầy từng nói với tôi; “Con hãy đến để trò chuyện, lắng nghe những câu chuyện của họ (người nghèo)”. Đến với họ, điều tôi thấy ấn tượng nhất là nụ cười. Tôi thấy một cuộc sống dù có thiếu thốn về vật chất nhưng trái tim họ luôn thổn thức những yêu thương và trân trọng cuộc sống. Điều đó tỏa ra từ ánh mắt, khuôn mặt và nụ cười vô cùng chân thật của họ. Nhờ đó, tôi thấy có thêm động lực để sống và học tập, làm việc, có thêm niềm tin yêu vào những điều thật giản dị xung quanh.

Nhóm chuẩn bị lên đường thiện nguyện
SVCGTHQN Tĩnh Tâm và Thiện Nguyện Mùa Chay 2023: Còn chút gì đọng lại ?
Nhóm tới thăm một gia đình trong giáo xứ Thanh Thủy
Nhóm tới thăm một gia đình trong giáo xứ Thanh Thủy
Nhóm tới thăm một gia đình trong giáo xứ Thanh Thủy
Trên con đường thiện nguyện​​​​

Nguyện xin Chúa giúp chúng con con dọn tâm hồn cho xứng đáng để bước vào Tuần Thánh, cùng bước với Chúa trên những chặng đường đau khổ, để được sống lại vinh quang.Chúng con cũng xin dâng lên Chúa những đau khổ, vất vả, lo toan trong đời sống chúng con, xin thánh hoá và gìn giữ chúng con theo chân Chúa mỗi ngày.

Tạm biệt giáo xứ Thanh Thủy, tạm biệt những nụ cười dễ mến
Thảo Vân
BTT Nhóm Sinh Viên Công Giáo Thanh Hóa Quê Nhà
Xin xem một số hình ảnh tại đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *