Tại biên giới Ukraine, đặc sứ của Đức Giáo Hoàng tố cáo việc đánh bom bệnh viện

1. Tại biên giới Ukraine, đặc sứ của Đức Giáo Hoàng tố cáo việc đánh bom bệnh viện

Một đặc phái viên của Giáo hoàng tại Ukraine đã tố cáo vụ đánh bom một bệnh viện nhi ở thành phố Mariupol.

Cardinal Michael Czerny at the Vatican press office on Feb. 12, 2020
Đức Hồng Y Michael Czerny, tổng trưởng lâm thời của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện, đang ở biên giới giữa Hung Gia Lợi và Ukraine khi nhận được tin này, nói: “Đánh bom và bệnh viện: hai từ này trong cùng một câu đã khiến bạn rùng mình”.

Đức Hồng Y Czerny đã nhắc đến phản ứng của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Ngài đã mô tả vụ bắn phá ngày 9 tháng 3 vào một bệnh viện phụ sản và trẻ em ở thành phố đông nam Ukraine là “không thể chấp nhận được”.

Tại biên giới Ukraine, đặc sứ của Đức Giáo Hoàng tố cáo việc đánh bom bệnh viện

Theo hội đồng thành phố Mariupol, một cuộc không kích của Nga đã giết chết ít nhất 3 người, trong đó có một trẻ em, và làm bị thương ít nhất 17 bác sĩ, trẻ em và phụ nữ mang thai.

“Đức Hồng Y Parolin nói rất đúng; không thể chấp nhận được hành động này. Chúng ta phải ngăn chặn những cuộc tấn công vào dân thường như thế”, Đức Hồng Y Czerny nói.

Đức Hồng Y Czerny, sinh ra ở Tiệp Khắc, trước khi gia đình chuyển đến Canada, là tổng trưởng lâm thời của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện thay cho Đức Hồng Y Peter Turkson.


Source:Catholic News Agency

2. Các giám mục Công Giáo Bắc Âu: Tiến Trình Công Nghị của Đức khiến chúng tôi lo lắng

Các giám mục Công Giáo Bắc Âu đã đưa ra một bức thư ngỏ vào hôm thứ Tư bày tỏ sự báo động trước tình trạng công khai bội giáo trong Tiến Trình Công Nghị của Đức.

Trong bức thư ngày 9 tháng 3, các ngài cảnh báo chống lại việc “đầu hàng theo chủ nghĩa hiện đại” và “làm nghèo đi nội dung đức tin của chúng ta”.

Trong khi thừa nhận những thách thức mà Giáo Hội Công Giáo ở Đức đang đối mặt, các ngài nói rằng “định hướng, phương pháp và nội dung trong Tiến Trình Công Nghị của Giáo hội ở Đức khiến chúng tôi lo lắng”.

Tiến Trình Công Nghị Đức là một quá trình kéo dài nhiều năm giải quyết cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội, đạo đức tình dục, chức tư tế và vai trò của phụ nữ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lạm dụng giáo sĩ ở Đức.

Các giám mục Bắc Âu đã công bố bức thư của các ngài sau khi những người tham gia Tiến Trình Công Nghị Đức bỏ phiếu ủng hộ các dự thảo văn bản kêu gọi bãi bỏ chế độ độc thân linh mục trong Giáo hội Latinh, phong chức linh mục cho phụ nữ, chúc lành các kết hiệp đồng tính và thay đổi giáo huấn Công Giáo về đồng tính luyến ái.

“Trên khắp thế giới, một số người Công Giáo đặt câu hỏi về lối sống và sự đào tạo của các linh mục, vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, quan điểm về tình dục con người, v.v.”, các giám mục Bắc Âu viết.

“Để tìm kiếm câu trả lời hợp pháp cho những câu hỏi của thời đại chúng ta, chúng ta dù sao cũng phải tôn trọng những ranh giới được đặt ra bởi những chủ đề đại diện cho những khía cạnh không thể thay đổi của giáo huấn Giáo hội.”

“Đã từng có trường hợp những cải cách thực sự trong Giáo hội được đặt ra từ giáo huấn Công Giáo dựa trên Mặc khải của Chúa và Truyền thống đích thực, để bảo vệ nó, giải thích nó và biến nó thành sự sống đáng tin cậy – chứ không phải từ sự đầu hàng theo chủ nghĩa hiện đại.”

Hội đồng Giám mục các nước Bắc Âu quy tụ các giám mục Công Giáo của Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Iceland.

Một bức thư ngỏ đã được gửi cho chủ tịch hội đồng giám mục Đức, Georg Bätzing, được ký bởi các nhà lãnh đạo Giáo hội bao gồm Hồng Y Anders Arborelius của Stockholm, Giám mục Erik Varden của Trondheim, Giám mục David Tencer của Reykjavik, và chủ tịch hội đồng giám mục Bắc Âu, Giám mục Czesław Kozon của Copenhagen.

Nữ tu Anna Mirijam Kaschner, tổng thư ký của hội nghị, cũng ký vào bức thư ngỏ. Nữ Tu này là người Đức, và là một thành viên của Dòng Truyền giáo Máu Châu Báu Chúa Kitô.


Source:Catholic News Agency

3. Hai giám mục Anh giáo từ chức để trở thành người Công Giáo

JONAHTAN GOODALL AND JOHN GODDARD

Các động thái này diễn ra sau khi Giáo Hội Công Giáo đón nhận hai vị Giám Mục Anh Giáo là Michael Nazir-Ali và Peter Forster.

Thêm hai giám mục Anh giáo đã công bố ý định trở thành người Công Giáo. Tin tức này theo sau quyết định diễn ra vào năm ngoái của hai cựu giám mục khác của Giáo hội Anh về việc hiệp thông với Rôma.

Các giám mục Anh giáo mới nhất quyết định “bơi qua sông Tiber” là Jonathan Goodall, người từng là giám mục của giáo phận Ebbsfleet, trong tám năm, và John Goddard, cựu giám mục của Burnley. Cả hai đều là đã kết hôn và được phong chức linh mục trong Giáo Hội Công Giáo. Cụm từ “swim the Tiber” hay “bơi qua sông Tiber” là cách nói bóng bẩy để chỉ việc gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Tiber là con sông bao quanh Rôma.

“Tôi đã đi đến quyết định từ chức Giám mục Ebbsfleet, để được hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, sau một thời gian dài cầu nguyện. Đây là một trong những giai đoạn thử thách nhất trong cuộc đời tôi,” Đức Cha Goodall cho biết trong một tuyên bố được công bố trên trang web của Tổng Giám mục Canterbury.

“Cuộc sống trong sự hiệp thông của Giáo hội Anh đã hình thành và nuôi dưỡng tư cách môn đệ của tôi với tư cách là một Kitô hữu trong nhiều thập kỷ. Đây là nơi tôi nhận được lần đầu tiên – và trong nửa cuộc đời tôi đã phục vụ, với tư cách là linh mục và giám mục – ân sủng bí tích của đời sống và đức tin Kitô. Tôi sẽ luôn trân trọng điều này và biết ơn vì đức tin đó. Tôi mong tất cả anh chị em hãy tin rằng tôi đã đưa ra quyết định của mình như một cách để nói đồng ý với lời kêu gọi và lời mời hiện tại của Thiên Chúa, chứ không phải từ chối những gì tôi đã biết và kinh nghiệm trong Giáo hội Anh, là điều mà tôi mang ơn rất sâu sắc.”

Vợ của Đức Cha Goodall, là bà Sarah, cũng quyết định theo đạo Công Giáo.

Giáo phận Ebbsfleet được thành lập vào năm 1994 để phục vụ các giáo xứ Anh giáo không chấp nhận phụ nữ làm linh mục. Một giám mục khác của Ebbsfleet, Andrew Burnham, cũng đã trở thành một người Công Giáo trước đây, khi từ chức vào năm 2010 để cùng với những cựu thành viên Anh giáo khác tham gia vào Giáo Hạt Tòng Nhân Đức Mẹ Walsingham.

Các lễ phong chức sắp tới

Tổng giám mục của Canterbury Justin Welby cho biết trong tuyên bố trên trang web của mình rằng ngài đã chấp nhận đơn từ chức của Goodall “với sự hối tiếc.”

“Tôi vô cùng biết ơn Đức Cha Jonathan về chức vụ và nhiều năm trung thành phục vụ của ngài. Những lời cầu nguyện của tôi dành cho ngài và Sarah, cho cả chức vụ trong tương lai của ngài và hướng đi họ đang được kêu gọi trong cuộc hành trình liên tục phục vụ Chúa Giêsu Kitô”.

Sau lễ tấn phong tại nhà thờ chính tòa Westminster của Công Giáo vào ngày 12 tháng 3, Cha Goodall sẽ phục vụ với tư cách là linh mục quản xứ của giáo xứ Thánh William thành York ở Stanmore trong Tổng giáo phận Westminster và ở quận Harrow phía bắc London.

Cha Goddard hy vọng sẽ được bổ nhiệm vào một giáo xứ trong Tổng giáo phận Liverpool sau khi ngài được Đức Giám Mục Phụ Tá Tom Williams của Liverpool tấn phong trong một buổi lễ ngày 2 tháng 4 tại Nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Vua ở Liverpool.

Ngài nói với tờ Catholic Herald rằng: “Tôi không có niềm vui nàolớn hơn trong cuộc sống là được phục vụ với tư cách là một linh mục quản xứ. Đó có lẽ là món quà lớn nhất đối với một linh mục.”

Năm ngoái, cựu Giám mục Anh giáo của Rochester, Michael Nazir-Ali, và cựu Giám mục của Chester, Peter Forster, đã được tiếp nhận vào Giáo Hội Công Giáo. Vào năm 2019, Giám Mục Gavin Ashenden, cựu tuyên úy của Nữ hoàng và là giám mục Anh giáo truyền thống, đã trở thành một người Công Giáo.


Source:Catholic News Agency

4. Putin dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết kể từ khi bắt đầu chiến tranh Ukraine

Một chuyên gia về các vấn đề quốc tế cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lao mình vào một tảng băng mỏng dính sau khi cuộc xâm lược Ukraine của ông ta không diễn ra theo kế hoạch, và bây giờ sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi xem xét bất kỳ động thái táo bạo nào trong tương lai.

Mark Katz – Giáo sư môn Chính phủ và Chính trị tại Đại học George Mason, Hoa Kỳ và là thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương đưa ra nhận xét rằng Putin bây giờ sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi cân nhắc bất kỳ động thái táo bạo nào trong tương lai.

Theo Giáo sư Katz, Putin đã khiến bản thân mình trở nên dễ bị tổn thương hơn so với trước chiến tranh. Bây giờ ưu tiên cao nhất của ông ta là làm sao giữ được tính mạng của mình.

Ông nói: “Tôi không nghĩ rằng họ mong đợi cuộc chiến lớn này kéo tới Mạc Tư Khoa, tôi nghĩ rằng họ giả định mọi chuyện sẽ rất dễ dàng, và sẽ kết thúc trong vài ngày mà thôi”

“Bây giờ họ đang mắc kẹt với một cái gì đó lớn hơn, tồi tệ hơn nhiều và tôi chắc chắn rằng quân đội Nga không hài lòng lắm về điều đó.”

Giáo sư Katz cho biết Putin đã thể hiện mình ở cả trong nước và quốc tế là một người đã tính toán sai lầm.

“Ông ta đã vượt quá giới hạn và tôi nghĩ rằng ông ta sẽ bị coi là quá kém khả năng”.

Giáo sư Katz nói rằng việc nhìn thấy Putin bị lật đổ hoặc các nhà tài phiệt không ủng hộ nữa là mơ ước của nhiều người.

Giáo sư Katz cho biết ông không chắc liệu Putin có thể cứu vãn thể diện mà không kéo theo sự đau khổ liên tục của người dân Ukraine hay không. Tuy nhiên, Giáo sư Katz ghi nhận trong suốt mấy tuần qua, Putin gần như tê liệt và không thấy có các quyết định đáng kể nào.

5. Thượng viện Mỹ nhất trí tuyên bố Putin là tội phạm chiến tranh

Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua nghị quyết lên án Tổng thống Nga Vladimir Putin là tội phạm chiến tranh, một sự thể hiện đoàn kết hiếm có trong Quốc hội đang bị chia rẽ sâu sắc.

Nghị quyết do Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham đưa ra và được các thượng nghị sĩ của cả hai bên ủng hộ, đã khuyến khích Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague và các quốc gia khác nhắm mục tiêu vào quân đội Nga trong bất kỳ cuộc điều tra tội ác chiến tranh nào trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Reuters trích lời Lãnh đạo Đa số Thượng viện đảng Dân chủ Chuck Schumer trong bài phát biểu tại Thượng viện trước cuộc bỏ phiếu:

Tất cả chúng tôi trong phòng này cùng tham gia, với các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa, để nói rằng Vladimir Putin không thể trốn tránh trách nhiệm giải trình cho những hành động tàn bạo đã gây ra đối với người dân Ukraine”.

6. Ukraine khởi động các biện pháp phản công chống lại lực lượng Nga

Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết các lực lượng vũ trang của Ukraine đang phát động các chiến dịch phản công chống lại lực lượng Nga “ở một số khu vực đang có giao tranh”.

“Điều này thay đổi hoàn toàn quan điểm của các bên,” ông viết trên Twitter.

Trong một bản cập nhật về cuộc chiến, bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang của Ukraine đã đề cập đến “cường độ cao của các hành động thù địch” nhưng không cho biết nơi nào giao tranh là nặng nề nhất.

Quân Ukraine có vẻ lên tinh thần sau các chiến thắng gần đây.

Tối ngày thứ Hai 14 tháng Ba, sau hơn hai tuần pháo kích liên tục suốt 24 giờ, người Nga tưởng rằng quân Ukraine đã thiệt hại rất nặng nên quân Nga do những kẻ nằm vùng DPR dẫn đường đã mở cuộc tấn công quy mô nhằm dứt điểm thành phố này.

Trong đợt tấn công đầu tiên, Lữ đoàn đặc nhiệm số 22, được kể là một trong các đơn vị tinh nhuệ của Nga, bị thiệt mất hơn 100 quân nhân, hai xe tăng, ba xe chiến đấu bộ binh và một xe bọc thép chở quân.

Đợt tấn công thứ hai từ hướng Volnovakha cũng không thắng nổi quân Ukraine. 4 xe chiến đấu bộ binh và 2 trung đội bộ binh của quân Nga bị loại khỏi vòng chiến.

Máy bay và pháo binh Ukraine đã trả đũa tấn công vào Lữ đoàn thủy quân lục chiến 336 và Lữ đoàn biệt kích số 11 của Nga. Các đơn vị này của Nga được báo cáo đã rút lui.

Thê thảm nhất, sáng 15 tháng Ba, Lữ đoàn đặc nhiệm số 22 được tăng viện bởi sư đoàn súng trường cơ giới số 150, từng tham chiến ở Syria, mở cuộc tấn công quy mô dưới sự chỉ huy của thiếu tướng Oleg Mityaev.

Lúc 18 giờ cùng ngày, Cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko, đã công bố một bức ảnh trên Telegram mà ông nói là của Oleg Mityaev, đã chết hôm thứ Ba.

Oleg Mityaev là vị tướng thứ tư của Nga thiệt mạng. Ba vị tướng của Nga đã bị giết trước đó tại Ukraine là Thiếu tướng Vitaly Gerasimov, Thiếu tướng Andrei Kolesnikov và Thiếu tướng Andrei Sukhovetsky.

7. Cựu tổng thống Trump ‘ngạc nhiên’ về cuộc chiến của Putin ở Ukraine

Cựu Tổng thống Donald Trump cho biết ông “ngạc nhiên” khi Vladimir Putin xâm lược Ukraine và đàn áp các quyền tự do ở Nga, trong một cuộc phỏng vấn với Washington Examiner hôm thứ Ba.

“Tôi ngạc nhiên – tôi ngạc nhiên. Tôi nghĩ ông ta đang đàm phán khi đưa quân đến biên giới. Tôi nghĩ rằng ông ấy đang đàm phán”

“Tôi nghĩ rằng đó là một cách đàm phán nhưng là một cách đàm phán láu cá.”

Cuối cùng, cựu tổng thống Trump nói rằng chiến tranh sẽ không xảy ra nếu ông tái đắc cử.

Trong khi đó, Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết Mỹ đang cố gắng hạn chế và chấm dứt chiến tranh của Nga.

8. Tổng thống Zelenskiy nói: Chiến tranh sẽ kết thúc với ‘sự ô nhục, nghèo đói, cô lập kéo dài nhiều năm trời’

Trong bài diễn văn đêm qua, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói:

Tuần thứ ba sắp kết thúc. Tất cả chúng ta đều muốn hòa bình. Tất cả chúng ta đều muốn chiến thắng. Và có cảm giác rằng chỉ một chút nữa thôi là chúng ta sẽ đạt được những gì mà chúng ta, những người Ukraine, đáng được hưởng.

Tổng thống Zelenskiy nói thêm rằng các cuộc họp giữa các quan chức Ukraine và Nga vẫn tiếp tục.

Các cuộc họp vẫn tiếp tục. Tôi được báo cáo rằng các quan điểm tại các cuộc đàm phán hiện thực tế hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cần thêm thời gian để bảo đảm rằng quyết định đó là vì lợi ích của Ukraine.

Tổng thống cho biết Nga đã mất hàng loạt thiết bị, binh sĩ và tướng lĩnh Nga.

Nhiều lính nghĩa vụ Nga đã bị giết. Có hàng chục sĩ quan trong số những kẻ xâm lược bị giết, và một vị tướng nữa đã bị giết ngày hôm nay. Những người chiếm đóng đã phạm tội ác chiến tranh mới và rõ ràng, nã đạn vào các thành phố hòa bình, cơ sở hạ tầng dân sự.

Số lượng rocket mà Nga sử dụng để chống lại Ukraine đã vượt quá 900 quả. Có rất nhiều quả bom không thể đếm được. “

Khi nói với công dân Nga, tổng thống Zelenskiy chuyển sang tiếng Nga:

Các bạn công dân nước Nga, thân mến, bất kỳ ai trong số các bạn có quyền truy cập thông tin trung thực có thể đã nhận ra cuộc chiến này sẽ kết thúc như thế nào đối với đất nước của các bạn: với sự ô nhục, nghèo đói, sự cô lập kéo dài hàng năm, một hệ thống đàn áp tàn bạo sẽ đối xử vô nhân đạo với công dân Nga như các bạn, như những kẻ xâm lược đối xử với người Ukraine. Điều gì sẽ đến tiếp theo phụ thuộc vào hành động của bạn.

Tôi muốn nói chuyện với các quan chức Nga và tất cả những người có liên quan đến chính phủ đương nhiệm. Nếu các bạn ở lại vị trí của mình, mà các bạn lại không lên tiếng phản đối chiến tranh, cộng đồng quốc tế sẽ tước bỏ tất cả những gì các bạn kiếm được trong nhiều năm. Họ đang làm việc đó. Điều này bao gồm cả tuyên truyền ở Nga. Nếu bạn tiếp tục làm công việc tuyên truyền, bạn sẽ tự đặt mình vào một nguy cơ lớn hơn mà bạn phải đối mặt nếu bạn từ chức: đó là nguy cơ bị trừng phạt bởi tòa án quốc tế vì tuyên truyền chiến tranh xâm lược, vì sự biện minh cho tội ác chiến tranh. Hãy bỏ công việc của các bạn. Vài tháng không có việc làm còn hơn cả đời bị quốc tế truy tố.”

Tổng thống Zelenskiy tiếp tục bằng tiếng Ukraine:

Vì vậy, tất cả mọi người, những người sát cánh cùng chúng tôi, sẽ nhận được sự biết ơn không chỉ từ chúng tôi mà từ toàn thế giới. Tất cả những ai sát cánh cùng chúng tôi đều có cơ hội trở thành người hùng thực sự.

Tổng thống Zelenskiy cũng cảm ơn sự ủng hộ của người dân Canada và Tổng thống Mỹ Biden về gói hỗ trợ mới trị giá 13.6 tỷ Mỹ Kim. “Chúng tôi coi đó là bước đầu tiên để khôi phục đất nước của chúng tôi,” ông nói thêm.

Tổng thống vẫn lạc quan rằng vào thứ Tư sẽ có một cuộc di tản đã được chờ đợi từ lâu của những người dân Izyum trong vùng Kharkiv.

“Một hành lang nhân đạo đã được đồng ý. Trong 24 giờ qua, chúng tôi đã di tản được 28,893 người Ukraine khỏi các vùng Sumy, Kharkiv và Donetsk. Trong số họ, 20,000 người đã có thể rời Mariupol, hiện tại, trên xe riêng của họ”.

“Viện trợ nhân đạo của Ukraine đang bị chặn bởi các binh sĩ Nga trên đường tới thành phố. Nhưng chúng tôi sẽ không từ bỏ việc cố gắng cứu người dân và thành phố của mình “.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã thẳng thừng dự đoán ai sẽ còn lại sau cuộc chiến ở Ukraine.

“Bằng cách này hay cách khác, Ukraine sẽ còn ở đó và một lúc nào đó Putin sẽ biến mất”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trên trong chương trình “The Situation Room” của CNN hôm thứ Ba.

Nhận xét của ông được đưa ra khi Mỹ đang cố gắng tìm sự cân bằng giữa việc hỗ trợ đồng minh của mình và không làm leo thang thêm cuộc xâm lược của Nga.

Mỹ đang “làm việc chăm chỉ nhất có thể để hạn chế, ngăn chặn, chấm dứt cuộc chiến mà Nga gây ra”, ông nói.

9. Cư dân Kiev sợ hãi các khu vực của thành phố có thể không chịu được pháo kích ‘không ngừng’

Giáo sư đại học Olga Polotska, người đã chuyển đến sống ở ngoại ô Kiev, đã tiết lộ cuộc sống ở thủ đô như thế nào sau đợt tấn công mới nhất của Nga.

Cô ấy nói rằng người dân của cô ấy đã kiên cường như thế nào và hy vọng các cuộc tấn công sẽ kết thúc, nhưng sợ một số khu vực trong thành phố thân yêu của mình có thể không thể chịu đựng được các cuộc ném bom không ngừng.

Cô tin rằng Kiev sẽ tiếp tục đứng vững.

“Tôi không nghi ngờ gì về việc Kiev sẽ đứng vững,” cô nói.

“Nhưng đồng thời tôi lo về cái giá mà Kiev có thể phải trả, và đã phải trả, và đang phải trả có thể là quá cao bởi vì người Ukraine đang phải đương đầu với tình trạng này trên đất liền, và bầu trời có thể là một thảm hỏa”

Vị Giáo sư đại học thừa nhận bà lo sợ nhiều di tích lịch sử và biểu tượng của nền văn hóa Slav ở Kiev sẽ bị phá hủy nếu các cuộc tấn công diễn ra.

Bà cũng nói rằng điều quan trọng là cuộc chiến phải kết thúc và người Ukraine có thể trở về nhà.

10. Reuters đưa tin về những bình luận mới nhất từ Điện Cẩm Linh

Điện Cẩm Linh cho biết những người Nga nói rằng họ cảm thấy xấu hổ về “hoạt động quân sự đặc biệt” của đất nước ở Ukraine không phải là người Nga thực sự.

Người phát ngôn Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên khi được hỏi về khẩu hiệu “xấu hổ khi là người Nga” mà một số người đã lặp lại cả trong và ngoài nước Nga.

Peskov nói: “Nếu ai đó nói những điều như vậy thì họ không phải là người Nga.”

Peskov nói rằng tình cảm chống Nga đang dâng cao một cách nguy hiểm ở phương Tây và nói rằng ông hy vọng các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ ngừng khơi dậy tâm lý sợ hãi người Nga như vậy.

Reuters cũng đưa tin rằng một cơ sở dữ liệu của cảnh sát Nga hôm nay cho thấy Kira Yarmysh đang nằm trong danh sách truy nã và họ đang tìm cách tống cổ cô vào tù.

Yarmysh rời Nga vào năm ngoái sau khi cô bị tòa án đưa ra 18 tháng hạn chế di chuyển vì bị cáo buộc vi phạm các quy tắc an toàn của Covid.

Navalny đã kêu gọi các cuộc biểu tình chống chiến tranh ở các thành phố bao gồm cả Mạc Tư Khoa vào hôm Chúa Nhật.


Source:The Guardian

11. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk than thở: Quân Nga đã biến ‘Thành phố của Đức Maria’ ở Ukraine thành nghĩa trang

Một nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine than thở rằng thành phố Mariupol bị bao vây đã bị biến thành nghĩa trang do bị Nga bắn phá. Mariupol có nghĩa là “Thành phố của Đức Mẹ”.

Mariupol, southeastern Ukraine

Trong một thông điệp video được đưa ra vào ngày 10 tháng 3, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã than thở về điều mà ngài mô tả là “vụ tàn sát hàng loạt” người Ukraine trong cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

“Hôm nay lương tâm của tôi và lương tâm của mọi Kitô hữu đòi hỏi chúng ta phải lên tiếng khắp thế giới và lớn tiếng nói ‘Không’, để phản đối mạnh mẽ vụ giết người hàng loạt ở Ukraine”.

“Đặc biệt là trong những giây phút cuối cùng này, chúng ta chứng kiến vụ giết người hàng loạt ở thành phố Mariupol bị bao vây. Thành phố này, được cộng đồng người Hy Lạp đặt tên là ‘Thành phố của Đức Maria’, đã được biến thành nghĩa trang cho hàng chục nghìn người. “

Ngài nói tiếp: “Hôm qua chúng tôi đã thấy những cảnh tượng khủng khiếp về vụ bắn phá một bệnh viện hộ sinh cũng như cảnh những ngôi mộ tập thể, những khu chôn cất chung, nơi hàng trăm thi thể an nghỉ mà không hề được vinh danh, không hề có các nghi lễ Kitô Giáo”.

“Ngày nay trên toàn thế giới chúng ta phải nói rằng: Không! Không được giết người hàng loạt ở Ukraine! Kể từ sau thời kỳ chủ nghĩa Quốc xã và sự đàn áp của Stalin, Ukraine chưa từng chứng kiến những cuộc chôn cất tập thể như vậy trong những ngôi mộ chung, không danh dự, không lời cầu nguyện của người tín hữu Kitô”.

Văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm 9 tháng 3 cho biết họ đã ghi nhận 1,424 thương vong dân thường ở Ukraine, với 516 người thiệt mạng và 908 người bị thương. Họ nói rằng các số liệu thực tế có thể “cao hơn rất nhiều.”

Một linh mục đang chạy trốn khỏi Mariupol, một thành phố cảng trên Biển Azov ở đông nam Ukraine, nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ hôm Chúa Nhật rằng thành phố này là “địa ngục”.

Vị linh mục, chỉ được xác định là Cha Pavlo, nói: “Mariupol giống như Armageddon. Đó là địa ngục. Xin hãy nói với thế giới rằng: đó là một thảm kịch. Người ta tác xạ một cách ngẫu nhiên. Toàn bộ thị trấn như một chiến trường lớn. Bom rơi ở khắp mọi nơi. Ở khắp mọi nơi bạn chỉ nghe thấy tiếng súng. Mariupol là một thành phố bị bao vây bởi quân đội Nga. Mọi người chỉ đang ngồi trong tầng hầm của họ.”

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói rằng Mariupol có dân số gần 400.000 người.

“Trong gần hai tuần thành phố bị bao vây hoàn toàn. Mọi người đang chết vì đói. Mọi người đang chết vì lạnh. Trên đầu họ có hỏa tiễn, đạn pháo, bom rơi xuống”, vị Tổng Giám Mục 51 tuổi nhận xét.

“Hôm nay chúng ta phải tưởng nhớ họ và nhân danh họ, nói với lương tâm của toàn thế giới. Chúng tôi cầu xin bạn: Hãy mở những hành lang nhân đạo! Cho phụ nữ, trẻ em và người già cơ hội rời khỏi thành phố lạnh lẽo bị bao vây này. Hãy cho chúng tôi cơ hội để gửi thức ăn và thuốc men đến đó. Hãy cho chúng tôi một cơ hội để giải cứu mọi người”.

“Nhân danh thành phố Mariupol, chúng ta hãy kêu gọi toàn thế giới: Hãy cứu lấy bầu trời Ukraine! Làm mọi thứ có thể để đóng cửa bầu trời Ukraine, đóng cửa vũ khí Nga và máy bay Nga đang thả bom xuống những cư dân hòa bình”.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã bày tỏ sự thất vọng trước vụ đánh bom các cơ sở bệnh viện ở Mariupol.

Ngài nói với một phóng viên tại một sự kiện ở Rôma vào ngày 9 tháng 3 rằng “không thể chấp nhận được việc đánh bom một bệnh viện.”

Nhà ngoại giao hàng đầu của Vatican cho biết: “Không có lý do hay động cơ nào để làm như vậy.

Trong khi đó, Đức Tổng Giám Mục của thủ đô Belarus đã yêu cầu người Công Giáo cầu nguyện trong tuần cửu nhật cho hòa bình.

Đức Tổng Giám Mục Iosif Staneuski đã kêu gọi giáo dân và giáo sĩ trong tổng giáo phận Minsk-Mohilev cầu nguyện một tuần cửu nhật xin cùng Thánh Giuse, đấng bảo trợ của Nhà thờ Hoàn vũ.

Chính phủ Belarus, do Tổng thống Alexander Lukashenko đứng đầu, liên minh chặt chẽ với Nga.

Trong thông điệp video của mình, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk kêu gọi các linh mục và giám mục của cộng đồng Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương trên toàn thế giới chia sẻ “sự thật về tội ác diệt chủng của người Nga đối với dân Ukraine”.

Ngài nói: “Trong tất cả các nhà thờ của chúng ta, tôi yêu cầu các bạn cử hành các buổi lễ tưởng niệm cho những người đã được chôn cất trong những ngôi mộ chung mà không có lời cầu nguyện của Kitô giáo và một đám tang”.


Source:Catholic News Agency

12. Linh mục Chính thống giáo Nga bị bắt vì lập trường phản đối cuộc xâm lược của Nga

Russian Orthodox priest arrested for anti-war stance

Một linh mục Chính thống giáo Nga, người đã ký đơn kêu gọi chấm dứt ngay lập tức chiến tranh ở Ukraine đã bị chính quyền Nga bắt giữ trong bối cảnh nước này đang tiếp tục đàn áp những người biểu tình chống chiến tranh.

Cha Ioann Burdin của Nhà thờ Phục sinh ở vùng Kostroma phía tây của Nga đã bị giam giữ vì bị cáo buộc làm mất uy tín của lực lượng quân đội Nga trong bài giảng ngày 6 tháng 3 về “Chúa Nhật của sự tha thứ”, là ngày Chúa Nhật cuối cùng trước khi bắt đầu Mùa chay Chính thống giáo Nga.

Trong bài giảng của mình, Cha Burdin nói với các giáo dân của mình về “Quân đội Nga ở Ukraine đã pháo kích vào các thành phố của Ukraine như Kiev, Odesa, Kharkiv và giết chết công dân Ukraine – những người anh chị em trong Chúa”, theo Media Zona, một hãng truyền thông độc lập của Nga.

Cha Burdin sẽ bị xét xử vì có tình cảm chống chiến tranh và vì đã công bố trên trang web giáo xứ của mình một đường liên kết tới một bản kiến nghị chống chiến tranh mà ngài đã ký.

Giáo xứ của ngài được cho là đã đăng một liên kết đến bản kiến nghị vào tuần trước cùng với một tuyên bố chỉ trích quyết định xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 24 tháng 2.

Trong tuyên bố, Cha Burdin nói rằng “Chúng tôi, những Kitô Hữu, không thể đứng yên khi một người anh giết một người em, một Kitô Hữu giết một Kitô Hữu. Chúng ta đừng lặp lại tội ác của những kẻ đã ca ngợi những việc làm của Hitler vào ngày 1 tháng 9 năm 1939”.

Theo báo cáo của cảnh sát được Media Zone trích dẫn, Cha Burdin bị bắt vì đã “phạm tội công khai làm mất uy tín của các lực lượng vũ trang Nga đang tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Đó là cách Putin mô tả về cuộc chiến.

Cha Burdin dự kiến sẽ ra hầu tòa vào tuần này tại Tòa án Quận Krasnoselsky của vùng Kostroma để trả lời về những cáo buộc chống lại ngài.

Ngài là người thứ 77 trong số 286 linh mục Chính thống giáo Nga đã ký vào bản kiến nghị, được đưa ra vào ngày 27 tháng 2 và kêu gọi “một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.”

Trong đơn thỉnh cầu, các linh mục cho biết những người chịu trách nhiệm về cuộc chiến sẽ phải trả lời về hành động của họ trước mặt Chúa tại Tòa Phán Xét sau cùng và nói rằng Ukraine nên được tự do lựa chọn tương lai của mình, không phải trước mũi súng.”

Các linh mục cũng chỉ trích việc bắt giữ và đàn áp những người phản đối chiến tranh một cách ôn hòa, và nói rằng “không một lời kêu gọi bất bạo động nào cho hòa bình và chấm dứt chiến tranh nên bị đàn áp cưỡng bức và bị coi là vi phạm pháp luật, vì đó là điều răn thiêng liêng: ‘Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình. ‘“

Đáng chú ý, người đầu tiên ký đơn là Cha Igumen Arseny, của Tòa Thượng phụ đại diện cho Tòa Thượng phụ Antiôkia của Mạc Tư Khoa, người vừa tháp tùng Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thánh Công Đồng Mạc Tư Khoa, trong chuyến công du ngày 5 tháng 3 tới Syria.

Người thứ hai ký đơn là Cha Hegumen Nektary, người được biết đến rộng rãi và được đánh giá cao trong Chính thống giáo Nga về các bài viết của ngài.

Tuy nhiên, trong vài ngày gần đây, có rất ít chữ ký bổ sung được thêm vào bản kiến nghị, đó có thể là kết quả của một cuộc đàn áp những người chỉ trích chiến tranh.

Cho đến nay, hơn 13,000 người được cho là đã bị bắt ở Nga kể từ khi quân đội nước này xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, với khoảng 5,000 người bị giam giữ trong các cuộc biểu tình cuối tuần trước ở Mạc Tư Khoa.

Nhà phê bình Điện Cẩm Linh Alexei Navalny Sunday đã lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình.

Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, ít nhất 15 giáo phận của Ukraine đã công khai yêu cầu các linh mục ngừng cầu nguyện cho Thượng phụ Kirill của Chính thống giáo Nga, là người đã đưa ra một số tuyên bố ủng hộ chiến tranh.


Source:Crux

13. Cậu bé 11 tuổi này đã một mình chạy trốn khỏi cuộc chiến Ukraine

Nhiều người đã giúp em trên đường đi, và các tình nguyện viên ở biên giới đã cho em thức ăn và quần áo ấm.

Em đeo một ba lô và một túi ni lông, trên cánh tay em có những số điện thoại được viết bằng một cây bút. Cha mẹ em phải ở lại Ukraine. Mẹ em không thể rời bỏ mẹ ruột của bà, là người cần sự hỗ trợ, và cha em đã đi chiến đấu trên chiến trường. Gia đình phải đối mặt với một sự lựa chọn đầy khó khăn: hoặc mạo hiểm mạng sống của cậu bé ở một đất nước đang bị chiến tranh tàn phá, hoặc để cậu trốn thoát một mình. Họ đã chọn điều sau.

Một mình ra đi

Cậu bé chạy khỏi Zaporizhzhia, Ukraine, đi về phía biên giới với Slovakia, và sau đó đi về phía thủ đô Bratislava, nơi em có người thân. Một mình em vượt quãng đường dài khoảng 1,300 km. Bộ Nội vụ Slovakia gọi cậu bé 11 tuổi dũng cảm là “người hùng lớn nhất của đêm qua”.

Em đã đến đích một cách an toàn và bình yên. Trên đường đi, em được nhiều người tốt bụng giúp đỡ, trong đó có những người tình nguyện đã cho em ăn ở biên giới. Như Bộ Nội vụ Slovakia đã viết trên mạng xã hội, “Em khiến mọi người quý mến mình bằng nụ cười, thái độ không sợ hãi và lòng quyết tâm xứng đáng là một anh hùng thực sự”.

Một anh hùng thực sự

Nhờ có số điện thoại ghi trên cánh tay và một mảnh giấy trong hộ chiếu, người ta có thể liên lạc được với người thân của em. Họ đã đến đón em.

Zaporizhzhia, thị trấn mà cậu bé trốn thoát, gần đây đã trở thành mục tiêu của những đợt nã pháo tàn bạo. Đó là nơi mà người Nga ném bom trước và sau đó tiếp quản một nhà máy điện hạt nhân.


Source:Aleteia

14. Đập phá khách sạn của con rể Putin

Hôm thứ Hai cảnh sát đã bắt giữ bốn người đột nhập vào một dinh thự ở London có liên quan đến gia đình một nhà tài phiệt Nga bị trừng phạt. Cảnh sát Pháp cũng đã bắt những người đang chiếm giữ một biệt thự sang trọng do con rể của Putin làm chủ.

Một video clip được đăng tải trên Twitter cho thấy cảnh sát Anh mặc đồ chống bạo động bị những kẻ vô chính phủ ở London chửi bới từ trên ban công.

Trong một tuyên bố sau đó, cảnh sát cho biết, “Bốn người biểu tình trên ban công của một tòa nhà ở Quảng trường Belgrave đã xuống và bị bắt.”

Một phát ngôn viên của nhà tài phiệt Nga bị trừng phạt Oleg Deripaska cho biết việc tịch thu các máy đào đất khổng lồ trị giá 65 triệu Mỹ Kim thuộc sở hữu của các thành viên trong gia đình ông ta, và việc đóng băng tài sản của ông ta ở Vương quốc Anh vào tuần trước là “thông đồng với các hạng người cướp phá tài sản tư nhân”.

Trong khi đó, cảnh sát Pháp hôm thứ Hai đã bắt giữ hai nhà hoạt động chiếm một biệt thự sang trọng ở thành phố ven biển Biarritz mà họ cho rằng có liên quan đến con rể cũ của Putin là Kirill Shamalov.

Pierre Haffner, người Pháp và Sergei Saveliev, một người tị nạn chính trị từ Belarus, đã đột nhập vào ngôi nhà 8 phòng ngủ hôm Chúa Nhật và dự định sử dụng nó để làm nơi ở cho những người tị nạn Ukraine. Vladimir Osechkin, một nhà hoạt động nhân quyền Nga tại Biarritz, cho biết.

“Họ gọi tôi để giúp mua những thứ ở IKEA, giường và ga trải giường. Nhưng dự án của họ đã kết thúc vì cảnh sát đã bắt họ,” Osechkin nói.

15. Mỹ ‘sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nào trợ giúp cho Nga’ trong bối cảnh các lệnh trừng phạt đang lan rộng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết Mỹ sẽ “không cho phép bất kỳ quốc gia nào trợ giúp các thiệt hại cho Nga” trong bối cảnh các lệnh trừng phạt đang lan rộng.

Price đưa ra bình luận sau khi xuất hiện thông tin cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ đang xem xét cung cấp hỗ trợ kinh tế cho Nga.

“Chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ, mức độ mà Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa hoặc bất kỳ quốc gia nào khác tham gia vào vấn đề đó, cung cấp bất kỳ hình thức hỗ trợ nào cho dù đó là hỗ trợ vật chất, hỗ trợ kinh tế, hay hỗ trợ tài chính cho Nga – bất kỳ hỗ trợ nào như vậy từ bất kỳ nơi nào trên thế giới được chúng tôi rất quan tâm,” Price nói trong cuộc họp báo hôm thứ Hai.

Ông nói: “Chúng tôi đã thông báo rất rõ ràng với Bắc Kinh rằng chúng tôi sẽ không đứng ngoài cuộc, sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nào trợ giúp các thiệt hại cho Nga.”

Ông không tiết lộ liệu Mỹ có đang cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia như vậy hay không.

Sau đó trong cuộc họp báo, Price tiết lộ Bộ Ngoại Giao đã có “cuộc trò chuyện với các đối tác của chúng tôi” ở Nam Á, Ấn Độ Dương, Trung Đông và Phi Châu. Anh ta không tiết lộ 0bất kỳ chi tiết nào về những cuộc trò chuyện đó.

16. Người đứng đầu LHQ: Triển vọng xung đột hạt nhân trở lại ‘trong phạm vi có thể xảy ra’

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết mối đe dọa của chiến tranh nguyên tử là rất thực tế sau khi Nga đặt các lực lượng hạt nhân của họ trong tình trạng báo động cao.

“Nâng cao cảnh báo về các lực lượng hạt nhân của Nga là một bước phát triển lạnh tóc gáy. Viễn cảnh xung đột hạt nhân, từng là không thể tưởng tượng được, giờ đã quay trở lại trong phạm vi có khả năng xảy ra.”

Ông Guterres kêu gọi Nga ngừng ngay lập tức các hoạt động quân sự ở Ukraine sau khi cuộc xâm lược của nước này bắt đầu vào ngày 24 tháng 2. Hàng triệu người đã bỏ trốn khỏi đất nước và hàng nghìn người khác vẫn bị mắc kẹt tại các thành phố hiện đang bị quân Nga tấn công.

Ông Guterres nói: “Đã đến lúc ngăn chặn nỗi kinh hoàng gây ra cho người dân Ukraine và tiến tới con đường ngoại giao và hòa bình”.

Putin đã ra lệnh chuẩn bị kho vũ khí hạt nhân của đất nước và đặt ở mức sẵn sàng chỉ ba ngày sau cuộc xâm lược.

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki đã phản ứng bằng cách chỉ trích động thái của Putin như một phần trong khuôn mẫu leo thang xung đột thường thấy của Nga. Cô cũng nói rằng Mỹ có khả năng tự bảo vệ mình.

17. Video cho thấy cuộc tấn công hỏa tiễn chết người trên xe buýt Kiev

Đoạn video kinh hoàng hôm thứ Hai ghi lại cảnh một vụ tấn công bằng hỏa tiễn chết người vào một chiếc xe buýt ở thành phố Kiev khiến nó bùng phát thành một quả cầu lửa.

Đoạn video giám sát do Hội đồng thành phố Kiev công bố cho thấy một chiếc xe buýt màu xanh lá cây đứng yên tại một ngã tư Kiev vào khoảng 11 giờ sáng giờ địa phương ngày thứ Hai 14 tháng Ba. Một người ngoài xe buýt, ở phía trước xe, ngước nhìn lên bầu trời, và ngay sau đó chiếc xe buýt phát nổ sau một cú tấn công thẳng vào chiếc xe.

Trong video được quay sau đó và có vẻ như tại hiện trường vụ việc tương tự, thị trưởng Kiev Vitaly Klitschko cho thấy cận cảnh chiếc xe buýt bị lật.

Hãng tin Bild của Đức đưa tin 2 người chết và 9 người bị thương vì cuộc tấn công.

18. Một tuyên úy quân đội Ukraine báo cáo từ tiền tuyến

Cha Maxim từ thành phố Kherson bị chiến nói: “Người Nga săn lùng chúng tôi – họ biết chúng tôi là ai”.

Cha Maxim, linh mục Tuyên úy quân đội Ukraine từ giáo xứ Chính thống Sinh Nhật Đức Trinh nữ Maria ở Dariyvka, chia sẻ một câu chuyện đau lòng về cuộc chiến và thực tế của việc Nga chiếm đóng Ukraine.

Cha Maxim đã đưa ra một cái nhìn sâu sắc về thừa tác vụ cực kỳ khó khăn hiện tại của ngài trong một cuộc phỏng vấn với MarketWatch. Vào ngày 24 tháng 2, khi rõ ràng rằng Ukraine đã bị tấn công, vị linh mục và những người bạn của ngài từ tiểu đoàn hải quân 124 đã tập trung tại một điểm tập kết, nơi họ được giao vũ khí tự động. Vị tuyên úy nhớ lại rằng đây là một buổi sáng đầy nắng và mùa xuân đang vương trong không khí. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều nhận thức được rằng một khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử của Âu Châu đương đại đã bắt đầu.

Các binh sĩ Ukraine đã nhận thức được nguy cơ bị Nga xâm lược trong nhiều tháng. Ngay sau khi họ nhận được vũ khí, đơn vị của họ đã bị tấn công bởi một phi đội trực thăng Nga. Một vài người trong số bạn bè của Cha Maxim bị thương. “Ba ngày đầu tiên trôi qua như nhau. Không có thời gian để ngủ, ăn uống hay thậm chí là cầu nguyện,” ngài với MarketWatch.

“Mặc dù tôi là một linh mục, tôi có đầy đủ quyền về mặt đạo đức để cầm vũ khí bảo vệ người dân và gia đình tôi,” vị tuyên úy lập luận. Ngay trong ngày đầu tiên của trận chiến, đơn vị của ngài đã ở dưới các trậm mưa pháo của hỏa tiễn Grad. Cha Maxim cũng là nhân chứng cho việc người Nga nổ súng vào dân thường đang cố gắng chạy trốn khỏi thành phố.

Tuy nhiên, vào ngày thứ năm, đơn vị của vị tuyên úy dũng cảm cuối cùng đã bị áp đảo và buộc phải rút lui về thành phố Nikolaev gần đó. Đây là nơi mà một phòng tuyến mới được hình thành. Theo Cha Maxim, thành phố Kherson đã bị cướp phá bởi quân đội Nga, những kẻ đã đánh cắp xe hơi của người dân và lục soát các cửa hàng điện thoại di động.

Bản thân Cha Maxim và một số binh lính vẫn ở lại thành phố, nơi ngài đang lẩn trốn quân Nga. “Chúng tôi biết họ săn lùng chúng tôi và chúng tôi biết rằng họ biết chúng tôi là ai. Vào lúc này, tất cả những gì chúng tôi có thể làm là chờ đợi và giữ thái độ ẩn nhẫn”, vị linh mục kết luận.

Kherson là một thành phố cảng với hơn 300,000 cư dân. Nó nằm ở cửa sông Dnepr ra đến Biển Đen. Rõ ràng ngay từ đầu cuộc chiến, do vị trí chiến lược của nó, Kherson là một trong những mục tiêu chính của quân Nga khi tiến quân từ Crimea. Sau một tuần chiến đấu ác liệt, thành phố đã bị kẻ xâm lược chiếm giữ vào ngày 2 tháng 3. Cho đến nay, đây là đô thị lớn nhất do người Nga nắm giữ.

Mặc dù bị đàn áp và bắt giữ, theo người Ukraine, người Nga đã giam giữ hơn 400 người trong thị trấn, người dân Kherson vẫn tiếp tục xuống đường biểu tình chống lại quân xâm lược. Các cuộc giao tranh với các nhóm binh sĩ Ukraine diễn ra thường xuyên ở ngoại ô thành phố. Tình hình đầy biến động và thái độ của những kẻ xâm lược đã ngăn cản việc di tản dân thường khỏi Kherson. Người Nga đang ngăn chặn thực phẩm và nguồn cung cấp y tế và đã thực hiện một chiến dịch tuyên truyền sâu rộng, thay thế các phương tiện truyền thông và mạng điện thoại di động của Ukraine bằng các mạng của Nga.


Source:Aleteia

19. Những người tị nạn Ukraine trẻ tuổi nhận được sự chào đón nồng nhiệt tại ngôi trường mới

Một số trẻ em tị nạn Ukraine đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt trong ngày đầu tiên đến trường mới ở Ý sau khi chạy trốn khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Trong đoạn clip, hai anh em ruột – chỉ được xác định là Dmitri, 10 tuổi và Victoria, 8 tuổi – hồi hộp chờ đợi bên ngoài cửa trước trường Don Milani ở Napoli vào tuần trước.

Khi cánh cửa mở ra, họ được chào đón bằng tiếng cổ vũ nồng nhiệt từ giáo viên và học sinh, với nhiều người được nhìn thấy vẫy cờ Ukraine.

Những người tị nạn trẻ tuổi lúc đầu dường như không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Sau đó, những người bạn học mới của họ nồng nhiệt nắm tay và dắt họ vào tòa nhà. Video đã được xem hơn 4.2 triệu lần.

Khoảng 35,000 người tị nạn Ukraine chạy trốn sau khi Nga xâm lược Ukraine ba tuần trước đã vào Ý, hầu hết qua biên giới phía đông bắc với Slovenia. Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 2.8 triệu người đã rời Ukraine.

https://nypost.com/2022/03/14/russia-ukraine-news-live-coverage-from-the-battlefield/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *