Tại sao Đức Tổng Giám Mục Paris giải thể Giáo xứ St. Merry?

1. Vì đại dịch coronavirus Đền Thờ Thánh Phêrô không được trang trí hoa, nhưng Hà Lan sẽ tặng hoa hồng cho Đức Giáo Hoàng

Theo một truyền thống bắt đầu từ năm 1985, nhờ ông Nic van der Voort nhân dịp phong chân phước cho Thánh Titus Bransma, ngày nay được em của ông là Charles van der Voort tiếp tục, hàng năm thềm Đền Thờ Thánh Phêrô được trang hoàng bởi 30 công ty sản xuất hoa tại Hà Lan với 2, 500 bông hồng Avanlanche, 6,000 hoa huệ đủ mầu và 8,000 hoa huệ vàng, thêm 1,200 hoa tulip đỏ, vàng, cam, trắng, hồng và tím, 2,500 hoa jacinthe thơm ngào ngạt, rhododendron, hoa mận, acer, forsithia vàng, strelizia, magnolia, delphinum trắng, xanh, hồng, nâu, và các hoa đặc biệt khác như hoa eliconia mầu da cam… Và tại ban công chính giữa Đền Thờ Thánh Phêrô có những hoa lan trắng mảnh mai.

Ông Charles van der Voort cho biết hàng năm có những xe vận tải chở hoa đã chạy suốt 24 tiếng từ Thứ Hai Tuần Thánh để cho sự phục sinh của Chúa được thể hiện huy hoàng với cơ man những hương thơm ngào ngạt, và biết bao mầu sắc và hình thể chung quanh bàn thờ.

Năm nay là năm thứ hai liên tiếp, các bậc thềm của Đền Thờ Thánh Phêrô ở Rôma vào lễ Phục sinh không được trang điểm bằng hoa Hà Lan, vì các tín hữu không được phép tụ tập trong buổi ban phép lành Phục sinh và đọc sứ điệp Urbi et Orbi truyền thống. Tuy nhiên, nhà thiết kế hoa Paul Deckers từ Posterholt, là người phụ tách chính trong việc sắp xếp các hoa Hà Lan trên thềm Đền Thờ Thánh Phêrô từ năm 2015, vừa thông báo rằng một chuyến vận chuyển hàng nghìn bông hoa hồng sang Rôma sẽ khởi hành vào thứ Hai Tuần Thánh. Họ dự kiến sẽ có mặt tại thủ đô của Ý vào thứ Năm Tuần Thánh.

Trước khi lên đường, những bông hồng Avalanche đã được Đức Cha Hans van den Hende, Giám Mục Rotterdam chúc phúc.

Theo Deckers, những bông hồng không chỉ dành cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô mà còn dành cho những người già trong các trung tâm chăm sóc và cư trú ở Rôma như một dấu hiệu của hy vọng. Hoa hồng Avalanche là loại hoa hồng lớn, có thân dài và ít gai. Theo Deckers, chúng tượng trưng cho hy vọng, sự thuần khiết, sức mạnh, sự kết nối, sự đơn giản và lòng thương xót. Những người bán hoa ở Hà Lan cũng đã tặng 20,000 bông hồng vào lễ Phục sinh năm ngoái. Nhưng sau đó chúng được dành cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Hà Lan.

Deckers nói: “Tôi biết Đức Giáo Hoàng rất thích hoa hồng Avalanche. Chúng tôi gửi tặng ngài những hoa hồng bốn màu. Chúng tượng trưng cho cuộc sống mới, và mùa xuân”.


Source:Kerk Net

2. Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm 150 năm thánh Alfonso được tôn phong Tiến sĩ Hội thánh

Thánh Alfonso, thánh Tổ Dòng Chúa Cứu Thế, được Đức Giáo Hoàng Pio IX tôn làm Tiến sĩ Hội thánh, với Tông sắc ngày 23/3/1871. Ngài là nhà luân lý nổi bật của Giáo hội.

Trong sứ điệp gửi đến cha Michael Brehl, Bề trên tổng quyền dòng Chúa Cứu Thế, Đức Thánh Cha nhận xét rằng thánh Alfonso được đào tạo trong não trạng luân lý ngặt nghèo, nhưng đã hoán cải, trở nên từ nhân qua việc lắng nghe thực tại. Thánh nhân dần dần hoán cải, tiến đến một nền mục vụ thừa sai, có khả năng gần gũi dân chúng, biết đồng hành với bước đường của họ, chia sẻ cuộc sống cụ thể của dân chúng giữa những giới hạn và thách đố lớn.

Đức Thánh Cha viết: “Theo gương thánh Alfonso, tôi mời gọi các nhà thần học luân lý, các thừa sai và các cha giải tội hãy có tương quan sinh động với các thành phần dân Chúa, và hãy nhìn cuộc sống từ góc nhìn của họ, để hiểu những khó khăn thực sự mà họ gặp và giúp họ chữa lành các vết thương, vì chỉ có tình huynh đệ đích thực “mới biết nhìn sự cao cả thánh thiêng của tha nhân, biết khám phá thấy Thiên Chúa nơi mọi người, biết chịu đựng những phiền toái của cuộc sống chung, gắn bó với tình thương của Thiên Chúa, biết mở rộng con tim cho tình yêu của Thiên Chúa để tìm kiếm hạnh phúc của người khác, như Chúa Cha nhân từ tìm kiếm hạnh phúc cho họ”


Source:Holy See Press Office

3. Tại sao Đức Tổng Giám Mục Paris giải thể Giáo xứ St. Merry?

Một trung tâm mục vụ thử nghiệm ở trung tâm thủ đô nước Pháp đã bị đóng cửa vào ngày 1 tháng 3 theo chỉ thị của Đức Tổng Giám Mục Paris.

Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit đã công bố quyết định đóng cửa Trung tâm Mục vụ Saint-Merry, trong khu vực Beaubourg-Les Halles, trong một lá thư gửi cộng đồng này vào ngày 7 tháng Hai.

Theo Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, quyết định này, đang được bàn tán xôn xao trên các phương tiện truyền thông ở Pháp, không phải là một quyết định một sớm một chiều, nhưng thực ra là kết quả của nhiều năm căng thẳng giữa một số giáo dân của giáo xứ và ba linh mục cuối cùng của giáo xứ này.

Trung tâm mục vụ này đã được thành lập vào năm 1975 bởi Đức Hồng Y François Marty, tổng giám mục lúc bấy giờ của Paris. Sau Công đồng Vatican II, trung tâm này được dự định là nơi để “phát minh ra những phương thức mới cho Giáo hội ngày mai”. Nó nhanh chóng trở thành điểm nóng của trào lưu Công Giáo cấp tiến.

Các hoạt động trong nhà thờ Gothic thế kỷ 16 được giám sát bởi cả các linh mục và anh chị em giáo dân, là những người có thể đưa ra các quyết định liên quan đến phụng vụ và thuyết giảng trong các thánh lễ Chúa Nhật.

Nhà thần học người Tây Ban Nha José Arregi đã mô tả trung tâm này là “một nhà thờ mở, nơi không đặt thành vấn đề những chuyện như giấy tờ hợp pháp, tôn giáo, giáo lý chính thống, khuynh hướng tình dục, hay bản sắc giới tính”. Nói cụ thể là như thế này: cái gọi là Hội Đồng Giáo Xứ gồm khoảng 20 người có đầu óc cấp tiến rất cực đoan. Trong video này, quý vị và anh chị em có thể thấy 20 giáo dân này mời các nhà sư, các đạo trưởng Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo, và các thầy rabbi Do Thái Giáo đến thuyết pháp. Họ tự hào là những người Công Giáo cởi mở, có khả năng tinh thông các khái niệm Phật Pháp như Niết Bàn, thuyết Luân Hồi, Nghiệp Chướng, Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế, có khả năng giải thích các surah của Kinh Koran vân vân và vân vân. Họ bị tẩu hỏa nhập ma với các đạo lý trái ngược và mâu thuẫn gay gắt với nhau.

Để đáp lại bức thư của Đức Tổng Giám Mục Aupetit, các thành viên giáo dân của cộng đồng này đã đưa ra một bản kiến nghị trực tuyến, đã thu được khoảng 12,000 chữ ký, kêu gọi Đức Tổng Giám Mục tiếp tục đối thoại và để cho họ tiếp tục theo đuổi sứ mệnh của mình.

Karine Dalle, người phát ngôn của tổng giáo phận, nói với CNA rằng quyết định này không liên quan đến tính chất mục vụ của trung tâm, mà là do sự thái quá nghiêm trọng tại giáo xứ có từ nhiều năm trước.

Cô nói rằng hai cha sở cuối cùng của giáo xứ Saint-Merry – là Cha Daniel Duigou, là Cha sở từ 2015 đến 2019, và Cha Alexandre Denis từ 2019 đến 2020 – đã phải xin từ chức vì các ngài không thể thiết lập được một cuộc đối thoại với các nhân vật chủ chốt tại trung tâm mục vụ. Người tiền nhiệm của các vị, là Cha Jacques Mérienne, cũng phải từ chức sau chín năm lãnh đạo giáo xứ trong bối cảnh khó khăn vào cuối nhiệm kỳ của ngài.

Người phát ngôn của tổng giáo phận Paris giải thích rằng Đức Tổng Giám Mục quyết định thu hồi vị thế đặc biệt của Saint-Merry sau khi Cha Denis đã ra đi cách đây vài tháng trong tình trạng suy nhược tâm thần trầm trọng vì bị các giáo dân tẩu hỏa nhập ma này đàn áp.

Cô Dalle nói: “Sự hợp tác giữa các linh mục và giáo dân không còn nữa, và Đức Tổng Giám Mục Aupetit đã đưa ra một quyết định có trách nhiệm khi đối mặt với tình huống vô vọng khi các linh mục của ngài lần lượt đổ bệnh”.

Trong lá thư ngày 7 tháng 2, Đức Tổng Giám Mục Aupetit tố cáo “sự gian ác, thiếu đức bác ái và ý chí hủy diệt” mà ngài cáo buộc Hội Đồng Giáo Xứ đã thể hiện với các mục tử liên tiếp của họ.

Đức Tổng Giám Mục cho biết sau khi Cha Duigou quyết định ra đi, ngài đã cử Đức Ông Benoist de Sinety, là cha tổng đại diện của tổng giáo phận Paris đến coi sóc tạm thời. Đức Ông tường trình với ngài rằng một nhóm nhỏ trong Hội Đồng Giáo Xứ “đã ngăn chặn bất kỳ quá trình thảo luận tự do nào” và “ tạo ra một bầu không khí trong đó đức bác ái dường như bị lãng quên hoàn toàn”.

Ba linh mục cuối cùng không phải là các linh mục có khuynh hướng bảo thủ. Nói như thế vẫn chưa đúng. Các vị thực ra được biết đến với các quan điểm rất cấp tiến của họ. Đặc biệt, Cha Duigou đã khai thác các tính năng thử nghiệm tại Saint-Merry và hình thức quản trị của nó, thậm chí còn đề cao nó, và đã từng có ý muốn nhân rộng “điển hình tiên tiến” này một cách đại trà trong toàn thể Giáo Hội trong một cuốn sách năm 2018 có tựa đề “Lettre ouverte d’un curé au Pape François”, nghĩa là “Thư ngỏ của một mục tử gửi đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Theo một nguồn thạo tin bên trong giáo xứ, bầu khí độc hại bên trong giáo xứ này là do một thành phần cứng rắn của cộng đồng – khoảng 20 người, chủ yếu là những người trên 70 tuổi. Họ là những người “bất khoan dung” và có “tâm lý bè phái” đã làm cho nhiều giáo dân, nhiều người trong số họ còn trẻ, đã bỏ đi giáo xứ khác, thậm chí bỏ đạo.

Nguồn tin nói với CNA: “Những người này đều ở độ tuổi 20 vào năm 1968, là thời kỳ bất ổn dân sự ở Paris, và họ đã cùng nhau định hình cộng đồng này bằng một trực giác ban đầu đẹp đẽ. Nhưng rồi họ cùng nhau già đi với những cố chấp của riêng mình, mà không bao giờ đổi mới bản thân hoặc chào đón những người mới, cắt đứt bản thân khỏi thực tế”.

“Những người trẻ chạy trốn vì những đề nghị của họ bị từ chối một cách có hệ thống và họ không nhận ra đức tin của mình trong một môi trường xa lạ như vậy”.

Nguồn tin nói rằng sự hung hăng của nhóm chủ yếu nhắm vào các linh mục của họ, những người mà họ coi là những nhân vật có thẩm quyền nhưng không được họ hoan nghênh.

“Các linh mục này không phải là người tranh cãi với họ, nhưng chính thẩm quyền của các ngài là vấn đề. Họ từ chối chính thẩm quyền này và họ muốn vị linh mục phải im lặng để mặc cho họ muốn làm gì thì làm”, nguồn tin bình luận.

“Trong các cuộc họp mục vụ, họ chống lại ý kiến và quan điểm của các linh mục một cách có hệ thống. Họ nghĩ rằng họ là những người duy nhất hiểu Giáo hội ngày nay phải như thế nào nhưng chính họ lại không có khả năng tự vấn lương tâm”.

CNA đã hỏi những giáo dân liên quan về những cáo buộc này, nhưng họ đã từ chối không trả lời yêu cầu bình luận.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Le Monde của Pháp, Guy Aurenche, một thành viên lâu năm của nhóm mục vụ, đã tố cáo “tính thẳng thừng trong quyết định đơn phương và tàn bạo” của tổng giáo phận Paris, nhưng lưu ý rằng vị linh mục cuối cùng “có thể đã bị họ thách thức một cách quá quyết liệt”.

Aurenche gợi ý rằng quyết định đóng cửa trung tâm có thể được thúc đẩy bởi sự thù địch của tổng giáo phận đối với một nơi “chào đón vô điều kiện các Kitô hữu đồng tính luyến ái và những người ly hôn và tái hôn dân sự, sự tham gia của nam giới và phụ nữ trong việc chuẩn bị phụng vụ và chính sách đồng -trách nhiệm của giáo dân và linh mục”.

Tuy nhiên, lời buộc tội này đã bị tổng giáo phận phủ nhận một cách mạnh mẽ, Cô Dalle cho rằng nếu đúng như vậy thì Đức Tổng Giám Mục có thể đã kết thúc cuộc thử nghiệm này từ lâu rồi.

“Chúng tôi biết rằng, đằng sau tất cả những điều này, có những người chân thành đã từng đến nhà thờ đó thường xuyên và không hiểu quyết định của Đức Tổng Giám Mục vì họ không phải là thành viên trung tâm của Hội Đồng Giáo Xứ và không trải nghiệm các phương pháp quản trị từ bên trong”, Dalle nói với CNA.

Mặc dù không loại trừ khả năng giáo phận có thể cho phép các thí nghiệm mục vụ tương tự trong tương lai, nhưng cô nói rằng họ không thể theo mô hình của Saint-Merry, trong đó người ta bác bỏ chính thể chế cũng như nền tảng của Giáo hội.

Bất chấp phán quyết của Đức Tổng Giám Mục, các cựu lãnh đạo của Hội Đồng Giáo Xứ đang tìm cách thiết lập lại cộng đồng. Gần đây họ đã ra mắt trang web Saint-Merri-Hors-les-Murs, nghĩa là giáo xứ Thánh Merry Ngoại Thành, sau khi giáo phận giành lại quyền kiểm soát trang web chính thức của giáo xứ. Họ có ý định “thành lập các tổ chức tư vấn và hướng tới tương lai của nhà thờ riêng của họ”.


Source:Catholic News Agency

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *