1. Tại sao Giáo Hội Công Giáo đang mất dần Mỹ Châu Latinh
Tờ Wall Street Journal có bài nhan đề “Why the Catholic Church Is Losing Latin America”, nghĩa là “Tại sao Giáo Hội Công Giáo đang mất dần Mỹ Châu Latinh”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.
Tatiana Aparecida từng đi dạo trên các con phố của thành phố Rio de Janeiro với tư cách là một người hành nghề mại dâm, nghiện cocaine. Năm ngoái, bà mẹ 5 con gia nhập một hội thánh Ngũ tuần nhỏ ở trung tâm thành phố Rio có tên là Thánh hóa trong Chúa và bỏ lại cuộc sống cũ của mình.
Tatiana Aparecida nói: “Mục sư ôm tôi mà không hỏi gì cả”. Tatiana, 41 tuổi, lớn lên là một người Công Giáo và là một trong hơn một triệu người Công Giáo Brazil đã bỏ đạo để gia nhập một nhà thờ Tin lành kể từ đầu đại dịch. Cô nói “Khi bạn nghèo, sẽ có rất nhiều khác biệt khi ai đó chỉ cần nói ‘chào buổi sáng’ với bạn, ‘buổi chiều tốt lành’ hoặc bắt tay bạn”. Trong nhiều thế kỷ, người Mỹ Latinh thường có nghĩa là theo Công Giáo; Công Giáo hầu như không phải đối mặt với sự cạnh tranh. Ngày nay, Công Giáo đã mất đi các tín hữu cho các tín ngưỡng khác trong khu vực, đặc biệt là giáo phái Tin lành Ngũ tuần, và gần đây là cho một làn sóng vô thần. Sự thay đổi đã tiếp tục dưới thời vị giáo hoàng người Mỹ Latinh đầu tiên.
Vào năm 2018, bảy quốc gia trong khu vực — Uruguay, Cộng hòa Dominica và năm quốc gia ở Trung Mỹ — trở thành các quốc gia nơi người Công Giáo trở thành thiểu số, theo một cuộc khảo sát của Latinobarómetro, một nhà thăm dò có trụ sở tại Chí Lợi.
Trong một cột mốc mang tính biểu tượng, Brazil, quốc gia có nhiều người Công Giáo nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, dự kiến sẽ trở thành quốc gia nơi người Công Giáo trở thành thiểu số ngay trong năm 2022 này, theo ước tính của các học giả theo dõi tín ngưỡng tôn giáo. Ở bang Rio, nó đã xảy ra. Người Công Giáo chỉ còn có 46% dân số, theo điều tra dân số quốc gia mới nhất vào năm 2010, và chỉ còn hơn một phần ba dân số ở các khu ổ chuột hoặc các vùng nghèo đói.
José Eustáquio Diniz Alves, một nhà nhân khẩu học hàng đầu người Brazil và là cựu giáo sư tại cơ quan thống kê quốc gia, cho biết: “Vatican đang mất đi quốc gia Công Giáo lớn nhất trên thế giới – đó là một mất mát to lớn, không thể thay đổi”. Với tỷ lệ hiện tại, ông ước tính người Công Giáo sẽ chiếm dưới 50% tổng số người Brazil vào đầu tháng Bảy năm nay.
Các lý do cho sự thay đổi này rất phức tạp, bao gồm những thay đổi chính trị làm giảm lợi thế của Giáo Hội Công Giáo so với các tôn giáo khác, cũng như việc thế tục hóa ngày càng gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Ông Diniz Alves cho biết: Trong thời kỳ đại dịch, các nhà thờ Tin Lành đã đặc biệt hiệu quả trong việc sử dụng mạng xã hội để thu hút mọi người tham gia.
Các nhà phê bình trong và ngoài Giáo Hội Công Giáo cũng chỉ ra rằng Giáo Hội Công Giáo không thỏa mãn được các nhu cầu tôn giáo và xã hội của nhiều người, đặc biệt là ở những người nghèo. Người Mỹ Latinh thường mô tả Giáo Hội Công Giáo là xa cách với các cuộc đấu tranh hàng ngày của anh chị em giáo dân.
Sự trỗi dậy của thần học giải phóng trong những năm 1960 và 1970, thời điểm mà Giáo Hội Công Giáo ở Mỹ Latinh ngày càng nhấn mạnh sứ mệnh của mình là công bằng xã hội, trong một số trường hợp, dựa trên những ý tưởng cộng sản của Mark, đã không chống lại được sức hấp dẫn của các giáo phái Tin lành. Người nghèo cần tiền và của ăn hàng ngày, họ không cần đấu tranh giai cấp, họ không hứng thú với các cuộc biểu tình, với ý tưởng công bằng xã hội xa vời. Hoặc, theo cách nói của một câu thơ đã trở thành huyền thoại, được cho là từ các nguồn Công Giáo và Tin lành khác nhau: “Giáo Hội Công Giáo chọn người nghèo, nhưng người nghèo chọn Tin lành Ngũ tuần.”
Sự suy giảm ảnh hưởng của Công Giáo ở Mỹ Latinh đã gây ra những hậu quả chính trị và xã hội sâu rộng. Ở các quốc gia như Brazil, việc chuyển đổi sang Tin lành Ngũ tuần đã thúc đẩy các quan điểm bảo thủ về mặt xã hội từ các khu ổ chuột đến hội trường Quốc hội, giúp thúc đẩy Tổng thống cánh hữu Jair Bolsonaro lên nắm quyền vào năm 2018.
Trong khi Tổng thống Bolsonaro vẫn xác định mình là Công Giáo, ông đã nhận phép rửa tội bởi một mục sư Ngũ tuần ở sông Jordan vào năm 2016 trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông. Những người theo phái Ngũ tuần và những người theo đạo Tin lành được đại diện nổi bật trong nội các của ông và chiếm một phần ba Quốc Hội của Brazil. Vợ của ông tham dự thường xuyên một nhà thờ Tin Lành.
Source:Sismografo
2. Đức Tổng Giám Mục San Salvador lên tiếng về trường hợp các linh mục Dòng Tên bị giết hại
Đức Tổng Giám Mục José Luis Escobar Alas của San Salvador, hoan nghênh việc mở lại vụ thảm sát các tu sĩ Dòng Tên, và nhấn mạnh rằng đó là một hành động công lý cho các nạn nhân, chứ không phải trả thù.
Nhà lãnh đạo Công Giáo nhấn mạnh rằng bằng cách mở vụ án, người dân San Salvador mới có hy vọng phát hiện ra ai đứng đằng sau sự kiện.
Theo Đức Tổng Giám Mục, vụ án nên được mở ra như tội ác chống lại nhân loại và cần có công lý, bởi vì các nạn nhân và gia đình có quyền được bồi thường và sẽ không bao giờ có hòa bình nếu các nạn nhân không được trả lại công lý.
“Với toàn bộ tình tiết mới nhất dẫn đến quyết định mở lại vụ án, chúng ta vui mừng vì rất nhiều yêu thương có lợi cho công lý, nhưng liệu công lý có được thực hiện hay không? Đó là vấn đề, nếu vụ án được mở lại, người dân mong công lý được thực hiện, tất cả mọi người đều kỳ vọng điều đó. Nếu không thì những phiên tòa sắp tới sẽ vô nghĩa”.
Vụ sát hại sáu tu sĩ Dòng Tên và hai cộng tác viên xảy ra vào năm 1989 bên trong Đại học Trung Mỹ José Simeón Cañas. Trong 6 tu sĩ Dòng Tên, có 5 vị là linh mục người Tây Ban Nha.
Tháng 9 năm 2020, một tòa án ở Tây Ban Nha đã kết án một cựu đại tá người Salvador 133 năm tù về tội giết 5 linh mục người Tây Ban Nha ở El Salvador hơn ba thập kỷ trước.
Tòa án quốc gia của Tây Ban Nha đã ra phán quyết rằng Inocente Orlando Montano, một cựu đại tá từng là thứ trưởng bộ nội vụ của El Salvador trong cuộc nội chiến từ năm 1979 đến năm 1992, phải chịu trách nhiệm về “vụ ám sát khủng bố” năm 1989.
Montano, 77 tuổi, ngồi trên xe lăn khi các thẩm phán đọc bản án, phạt ông 26 năm, tám tháng và một ngày cho mỗi cái chết.
Mỹ đã dẫn độ Montano sang Tây Ban Nha vào năm 2017. Trong phiên xét xử đầu năm 2020, Montano phủ nhận đã tham gia hoặc ra lệnh thực hiện các vụ thảm sát dẫn đến cái chết của 8 người trong khuôn viên Đại học Trung Mỹ José Simeón Cañas.
Trước tòa Montano nhìn với vẻ mặt bàng quang, mặt lạnh như tiền, không để lộ cảm giác nào khi tòa tuyên án.
Người ta tin rằng còn có các nhân vật khác ngoài Inocente Orlando Montano dính líu đến quyết định thảm sát các tu sĩ Dòng Tên tại San Salvador.
Source:diariolahuella.com
3. CDC đã cập nhật các nguyên tắc về khẩu trang y tế. Những điều cần biết về ‘mức độ bảo vệ cao nhất’
Thông tấn xã CNN vừa có bài báo nhan đề “The CDC updated its mask guidelines. What to know about ‘the highest level of protection’“, nghĩa là “CDC đã cập nhật các nguyên tắc về khẩu trang y tế. Những điều cần biết về ‘mức độ bảo vệ cao nhất’“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đã thay đổi hướng dẫn về khẩu trang của mình để khuyến cáo mọi người “hãy đeo khẩu trang bảo vệ tốt nhất có thể, loại vừa vặn và bạn sẽ đeo một cách nhất quán.” Cơ quan này mô tả khẩu trang phòng độc vừa vặn đã được Viện Quốc gia về An toàn & Sức khỏe Nghề nghiệp, gọi tắt là NIOSH, phê duyệt – chẳng hạn như khẩu trang N95 – mang lại “mức độ bảo vệ cao nhất”.
Các hướng dẫn cập nhật được đưa ra sau khi nhiều chuyên gia sức khỏe cộng đồng đã khuyến cáo trong nhiều tháng rằng mọi người nên đeo khẩu trang hiệu quả hơn – đặc biệt là N95 – và CDC thay đổi hướng dẫn của mình về việc đeo khẩu trang.
“Khẩu trang vải không hơn gì đồ trang trí trên khuôn mặt. Nhà phân tích y tế của CNN, Tiến sĩ Leana Wen, bác sĩ cấp cứu và là giáo sư thỉnh giảng về chính sách và quản lý y tế tại Trường Y tế Công cộng Milken thuộc Đại học George Washington, gần đây cho biết như trên trong “CNN Newsroom.”
Ở những nơi đông người, “bạn nên đeo mặt nạ KN95 hoặc N95,” mỗi chiếc có thể tốn vài đô la, Wen nói thêm. Do một số vật liệu nhất định – chẳng hạn như sợi polypropylene – hoạt động như các rào cản cơ học và tĩnh điện, những khẩu trang này ngăn các hạt nhỏ đi vào mũi hoặc miệng của bạn tốt hơn và phải vừa khít với khuôn mặt của bạn để hoạt động bình thường.
Dưới đây là những điều bạn cần biết về khẩu trang y tế N95, nơi mua và cách sử dụng chúng an toàn.
Tại sao các chuyên gia khuyên dùng N95 ngay bây giờ?
Erin Bromage, phó giáo sư sinh học tại Đại học Massachusetts Dartmouth, nói với CNN vào tháng trước.
Khẩu trang vải – được khuyến khích trước đó trong đại dịch – có thể lọc các giọt lớn, trong khi các loại khẩu trang hiệu quả hơn, chẳng hạn như N95, có thể lọc cả những giọt lớn và những hại khí nhỏ hơn hoặc các hạt có khả năng chứa đầy vi rút trong không khí nếu có người bị nhiễm bệnh, Bromage nói.
Một khẩu trang che mặt bằng vải có 75% rò rỉ ở bên trong và bên ngoài, mà Hội nghị các nhà vệ sinh công nghiệp của chính phủ Hoa Kỳ xác định là “phần trăm hạt đi vào khẩu trang” và “phần trăm hạt thở ra bởi một nguồn thoát ra khỏi khẩu trang”.
Khẩu trang y tế N95 đã được NIOSH phê duyệt khi đeo phù hợp có thể lọc tới 95% các hạt trong không khí.
Hiện tại vẫn chưa rõ tại sao biến thể Omicron của coronavirus lại lây nhiễm sang nhiều người như vậy, nhưng điều đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang chất lượng cao, Bromage nói.
“Nếu ít vi-rút hơn đã đủ để nhiễm bệnh, hoặc nếu một người bị nhiễm đang đưa nhiều vi-rút ra ngoài, thì vai trò của một chiếc khẩu trang trong trường hợp này là, nếu chúng ta có thể cắt giảm lượng vi-rút mà bạn thực sự hít vào, bạn sẽ có được nhiều thời gian hơn” trước khi có khả năng bị nhiễm bệnh.
Sự khác biệt giữa N95s và KN95s là gì?
Theo sở y tế bang Oklahoma, sự khác biệt giữa khẩu trang N95 và KN95 là ở nơi nó được chứng nhận. N95 là loại khẩu trang y tế được kiểm tra, chứng nhận và giám sát tại Hoa Kỳ và được các chuyên gia sức khỏe cộng đồng khuyến nghị. Ngược lại, các nhà sản xuất ở Trung Quốc thử nghiệm KN95, nhưng chính phủ nước này không có cơ quan quản lý xác nhận chúng, Aaron Collins, giáo sư danh dự tại Trường Kỹ thuật của Đại học Mercer và là một kỹ sư cơ khí có nền tảng về khoa học cát hạt aerosol cho biết.
Theo CDC, khoảng 60% khẩu trang KN95 được NIOSH đánh giá trong đại dịch năm 2020 và 2021 không đáp ứng được các yêu cầu được quảng cáo.
“Nếu chúng được làm theo tiêu chuẩn và được chứng nhận bởi các hội đồng thích hợp ở quốc gia của họ như NIOSH ở đây, thì về cơ bản chúng đều hoạt động giống nhau,” Bromage nói. Các khẩu trang y tế KN95 “có thể đáp ứng các tiêu chuẩn, nhưng chúng không được chứng nhận là đáp ứng các tiêu chuẩn đó. Và có những trường hợp rõ ràng là không đạt”.
Kelly Carothers, giám đốc phụ trách các vấn đề chính phủ và tính bền vững trong Dự án N95, cơ quan trọng tài quốc gia đang làm việc để cung cấp quyền truy cập công bằng vào thiết bị bảo vệ cá nhân và các xét nghiệm coronavirus cho biết: Khẩu trang KF94 là khẩu trang của Nam Hàn được thử nghiệm và giám sát bởi Bộ An Toàn Thực Phẩm và Dược Phẩm nước này.
Nói tóm lại là như thế này: Quý vị và anh chị em đừng đeo khẩu trang vải, nhưng trước đà lây lan của biến thể Omicron, hãy dùng N95 là khẩu trang y tế của Mỹ hay khẩu trang y tế KF94 của Nam Hàn. KN95 là của Trung Quốc, không đạt tiêu chuẩn.
Source:CNN