Thư tháng 10.2022: Can đảm (hoán cải và thay đổi)

Ngày nay người ta thường hay nói về thái độ “dám liều”. Liều lĩnh một cách bốc đồng chắc chắn là điều không hay, vì thái độ ấy chỉ bộc lộ sự thiếu khả năng kiểm soát bản thân. Nhưng “dám liều” cũng có thể hiểu theo nghĩa tích cực, bởi vì thực sự người ta bước vào đời, nhất là trong thế giới phức tạp và biến chuyển quá nhanh ngày hôm nay, luôn trong tình trạng không bao giờ có thể hoàn toàn chắc chắn với một lựa chọn nào cả. Khi đó, điều trái ngược với liều lĩnh lại là một thái độ nhát đảm, biểu lộ trong một sự thận trọng quá đáng, chọn sự an toàn là trên hết và không làm được điều gì cả…

Thái độ “dám liều” một cách đúng đắn không phải là sự liều lĩnh bốc đồng, nhưng bao gồm một sự cẩn trọng. Thái độ dám liều là, sau khi đã suy xét kỹ lưỡng và sáng suốt, người ta dám chọn lựa, cho dù chọn lựa đó không được bảo đảm 100%. Chính thái độ này mới thực sự là lòng can đảm cần thiết để đi vào cuộc sống ngày hôm nay.

Tuy nhiên, nếu hiểu sự can đảm và “dám liều” như thế chỉ thuần túy là một đức tính nhân bản, thì thật ra không phải là điều ai cũng có thể làm được. Những phẩm tính luân lý của con người tùy thuộc một phần lớn vào bẩm sinh, di truyền và giáo dục trong thời thơ ấu và tuổi trẻ. Những điều mà người ta thường đòi hỏi nhau, ca tụng nhau hoặc lên án nhau… phần lớn là những điều mà con người không có hoặc có rất ít sự dự phần của tự do.

Nói như vậy không có nghĩa là chối bỏ phần trách nhiệm của cá nhân. Nhưng, trong niềm tin Kitô giáo, chúng ta còn nhận ra một yếu tố khác có phần quyết định vận mạng của một đời người : tin.

Người ta thường nghĩ rằng tin là thái độ của những người chọn một tôn giáo cho đời mình. Thật ra, người ta có thể thấy ý nghĩa của thái độ tin sâu xa hơn nhiều. Tin là một nhu cầu của phận người và thái độ tin, một cách căn bản, trước cả khi ai đó bước vào một tôn giáo nào đó, chính là thái độ mang tính quyết định cho một vận mạng người. Bởi vì tin hay không tin chính là chọn lựa chân lý nền tảng của đời mình hoặc chối bỏ nền tảng chân lý ấy.

Mỗi con người thực sự chỉ là một hạt cát trong đại dương mênh mông của nhân loại và của vũ trụ. Nhưng “cái tôi” ấy không bao giờ chấp nhận được tình trạng trôi nổi, mặc chăng hay chớ, bèo dạt mây trôi… Chính “đại dương bao la”, không thấy bến bờ, của vũ trụ bao quanh, của những huyền nhiệm khôn dò trong con người,… khiến cho con người luôn cần phải tìm được một chiếc “phao cứu sinh” cho tình trạng chơi vơi của mình…. Do đó mà có nhu cầu tin.

Chưa đặt ra vấn đề tôn giáo và chỉ khảo sát “hành động tin” mà thôi, ta cũng đã thấy vấn đề nền tảng nằm trong chính ưu tư về thân phận con người. Nếu chúng ta cho rằng con người có nhu cần tin, nghĩa là chân nhận con người, tự bản chất, không thể nào quán xuyến được cái toàn thể bao trùm cái tôi nhỏ bé của mình. Con người tin chính là kẻ chấp nhận tôi không chiếm hữu chân lý, những tôi để cho chân lý chiếm hữu tôi. Kẻ ấy sẽ biết lắng nghe, biết học hỏi, dám nhìn nhận mình sai và chấp nhận hoán cải. Kẻ ấy sẽ đi trên nẻo được chân lý được phác họa do thái độ chấp nhận tin. Còn kẻ không tin chính là kẻ cho rằng chính tôi có khả năng chiếm hữu chân lý và quyết định chân lý của bản thân mình cũng như của thế giới chung quanh mình. Kẻ này sẽ luôn tìm cách cưỡng bức cuộc sống theo lập trường của mình… Trình thuật cám dỗ trong sách Sáng Thế có thể được hiểu theo ý nghĩa nêu trên : Adong cùng với Evà đã chọn cách thức giải quyết cuộc đời của mình bằng chính sự hiểu biết, bằng năng lực lý trí của mình (ăn trái cây biết lành biết dữ theo sự xúi dục của con vật tinh khôn…). Khi chọn cách thức đó, nguyên tổ bỏ quên lòng trung tín với Chúa. Do đó, ăn trái cấm cũng đóng lại cánh cửa tin, để tự mở ra cho mình cánh cửa “biết”, một thứ biết như hành trang duy nhất cho cuộc đời mình. Nguyên tổ đã bị đuổi ra khỏi địa đàng, đó thực sự là con người đi lạc. Đây là vấn đề có tầm ảnh hưởng căn bản và bao trùm toàn bộ cuộc đời con người.

Quả thật, nếu tin là một nhu cầu tự nhiên và có thật, thì ta cũng có thể nói rằng vấn đề tin hay không tin gắn liền với vấn đề mỗi người cần trở về, hoặc “hoán cải” để tìm lại cảm quan hồn nhiên và chân thật; hoặc là dấn thân vào việc việc vun quén đời mình trong những thành tựu trước mắt… Vấn đề này gần tương tự như trường hợp : nếu con người ở thời sung sức, đang lao mình vào cuộc cạnh tranh giữa lòng thế giới, và cho  đó chính là con người thật, thì người ta cảm nhận về nhu cầu tin trong tuổi già chỉ là một cách nhìn méo mó lệch lạc. Ngược lại, nếu cho rằng, trong tuổi già bệnh tật, người ta dễ có được cái nhìn toàn diện để hiểu vận mạng của con người hơn, thì tuổi trẻ sung sức nói trên chính là một hành trình lạc lối…

Hơn nữa, tin là một bước nhẩy phiêu lưu, nhưng đó không phải là thứ phiêu lưu như một cuộc dã ngoại cuối tuần, hoặc tham dự vào một thứ câu lạc bộ sinh hoạt nào đó, mà là dám phóng mình vào một tuyệt đối. Tin là chọn đặt tất cả vận mạng của đời mình vào trong bước nhẩy phiêu lưu ấy.

Một khi chấp nhận tin vào đức Giêsu Kitô, người Kitô hữu tìm thấy một thứ can đảm, một thái độ dám liều, không phải như một thái độ luân lý tùy thuộc vào tài năng hay đức độ của cá nhân, mà là sống đức Cậy. Lòng can đảm và dám liều như thế chính là Ân ban Thiên Chúa muốn thông ban cho mọi người, nhưng mỗi con người vẫn được tự do để lãnh nhận hoặc từ chối. Mong sao người Kitô hữu càng vững tin thì lại càng được thêm can đảm, để dám hoán cải và thay đổi để buông mình cho Chân Lý chiếm hữu mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *