Thánh Đa Minh, đuốc vẫn soi và sao vẫn sáng

http://lh3.googleusercontent.com/-FOEci-H4Y0w/Vbn7R5g5RqI/AAAAAAAABFI/tQM3X9lWjVQ/s1600/dm52.jpgChúng ta thường có một ý nghĩ sai lầm về các thánh, rằng các ngài sống vào thời đại khác với chúng ta, rằng các ngài có ơn Chúa đặc biệt, rằng thời thế tạo anh hùng, rằng… và rằng chúng ta không nên thánh được cũng là vì thời đại, vì… và vì…

Nhưng nếu đọc lại cuộc đời của các thánh, chúng ta thấy rằng điều đó không đúng một chút nào. Thời đại nào cũng có những thách đố, khó khăn và thử thách của thời đại đó. Đặt mình vào bối cảnh thời thánh Đa Minh, chúng ta sẽ thấy rằng ngài cũng phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thử thách và những thách đố lớn … Nào là sự xáo trộn về xã hội do hiện tượng di dân, gia tăng dân số, sự xung đột giữa các vùng miền, quốc gia … Nào là sự tục hóa trong lối sống đạo và lối sống tu, khi mà con cái Giáo hội cũng chạy theo những thói đời đua đòi hưởng thụ và tìm kiếm vinh hoa thế tục… Nào là sự tấn công từ các bè rối có chiều hướng lan rộng và câu khách. Nhưng trong bối cảnh ấy, thánh Đa Minh đã không chùn bước cũng chẳng buông xuôi, mà can đảm lội ngược dòng để trở về với những giá trị Tin Mừng.

Đọc bối cảnh hôm nay, chúng ta cũng thấy bóng dáng của những thách đố vào thời thánh Đa Minh: sự xáo trộn và xuống cấp về luân lý nơi môi trường xã hội, “sự tục hóa từ bên trong” của không ít tín hữu và cộng đoàn, sự “tấn công” vây bủa của các thứ chủ nghĩa như tương đối, dửng dưng, tiêu thụ, thực dụng… đang làm sa sút đáng kể tinh thần đức tin và lòng đạo.

Thánh Đa Minh, vì thế, không phải là một vị thánh của quá khứ, mà ngài vẫn có thể soi sáng cho chúng ta nhiều điều khi nhìn vào bóng tối hôm nay.

Trước hết, ngài dạy chúng ta hãy đi vào nội tâm qua việc đắm mình trong cầu nguyện, yêu thích sự thinh lặng, say mê nói với Chúa, suy niệm và chiêm ngắm Lời Chúa, đa dạng hóa và nội tâm hóa việc cầu nguyện, kết hiệp thâm sâu với Chúa Giêsu Thánh Thể, đặt Chúa như là tâm điểm và kho tàng cho đời sống.

Thứ đến, ngài dạy chúng ta hãy đào sâu đức tin qua việc yêu mến Lời Chúa, chuyên chăm học hỏi các chân lý Tin Mừng qua phụng vụ, giáo lý, giảng thuyết, chia sẻ, học tập. Đừng hài lòng với vốn hiểu biết sơ sài, tối thiểu hay lười biếng đức tin, nhưng đi vào sự hiểu biết mỗi ngày một sâu rộng qua học hỏi, qua cảm nghiệm, qua cầu nguyện, qua đối thoại.

Thánh Đa Minh cũng dạy chúng ta đẩy mạnh truyền giáo qua việc ý thức, thao thức và tìm ra những phương thức luôn luôn sáng tạo và hấp dẫn để trao tặng Niềm Vui Tin Mừng cho thế giới. Quả thực, lòng nhiệt thành truyền giảng Tin Mừng và những sáng kiến táo bạo của Thánh Phụ có thể gợi ý cho chúng ta rất nhiều : tập trung vào Tin Mừng, bám sát Chân Lý, yêu mến người nghèo và các linh hồn, rao giảng bằng đời sống (khó nghèo triệt để, thanh thoát, bác ái, nội tâm), lưu ý tới lòng đạo đức bình dân (lần hạt Mân Côi, cầu nguyện với các tư thế đặc biệt…), đối thoại và hợp tác với nhau và với mọi người (tinh thần uyển chuyển, tinh thần cộng đoàn, óc cởi mở…).

Thánh Đa Minh (1170-1221) đã sống cách xa chúng ta hơn 800 năm, nhưng xem ra gương sáng và đời sống của ngài vẫn tỏa sáng và soi rọi cho chúng ta. Riêng đối với con dân Bùi Chu, tinh thần Đa Minh vẫn luôn sáng ngời thể hiện qua lòng đạo sốt sắng, sầm uất, nhiệt thành; lòng sùng kính Đức Mẹ và yêu mến Kinh Mân Côi; tâm tình yêu mến và trung thành với Giáo hội… Tuy nhiên, thiết nghĩ tinh thần ấy cũng cần được bảo tồn và đào sâu thêm qua việc sống tương quan cá vị thân tình với Chúa, qua việc yêu mến Lời Chúa và chuyên chăm giáo lý, qua việc đẩy mạnh đời sống bác ái và chứng tá truyền giáo trong đời sống thường ngày.

Trên bầu trời Bùi Chu, có một ngọn đuốc vẫn soi, có một vì sao vẫn sáng, đó là Thánh “Đầu Dòng” rất kính yêu của con cái Mẹ Vô Nhiễm.

Bùi Chu, ngày 8-8-2015
Dominic Trần (http://gpbuichu.org)