Thánh lễ bế mạc Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục (29/10/2023)

Lúc 10 giờ sáng, Chúa nhật ngày 29 tháng Mười vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ thánh Phêrô để bế mạc Khóa I của Thượng Hội đồng Giám mục Kỳ thứ XVI, sau gần bốn tuần tiến hành tại Vatican, về đề tài: “Tiến tới một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ mạng”.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Cách đây gần bốn tuần, ngày 04 tháng Mười, Thượng Hội đồng Giám mục thế giới này đã được Đức Thánh cha chủ tế thánh lễ khai mạc. Hôm đó trùng vào lễ tạ ơn của 21 hồng y mới, nên số người tham dự đông đảo với 20.000 tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô và đồng tế với ngài có hơn 300 hồng y, giám mục và linh mục tham dự Thượng Hội đồng Giám mục này với tư cách là thành viên, hoặc chuyên gia, cùng với gần 200 linh mục khác. Thánh lễ bế mạc hôm Chúa nhật, ngày 29 tháng Mười vừa qua chỉ có hơn 5.000 tín hữu tham dự và có khoảng gần 300 vị đồng tế, gồm các hồng y, giám mục và linh mục Thượng Hội đồng vừa kết thúc. Đức Hồng y Mario Grech, người Malta, Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, đã thay Đức Thánh cha cử hành các nghi lễ tại bàn thờ.

Thánh lễ bế mạc Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục (29/10/202

Bài giảng của Đức Thánh cha

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh cha đã đi từ câu Chúa Giêsu trả lời cho một thầy thông luật hỏi Người, xem đâu là giới răn cao trọng nhất (Mt 22,36): “Hãy kính mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như chính mình” (Mt 22,37-39). Ngài nhấn mạnh hai động từ: thờ lạy và phục vụ:

Yêu mến là thờ lạy. Thờ lạy là lời đáp trả đầu tiên của chúng ta cho tình thương nhưng không và lạ lùng của Thiên Chúa. Thờ lạy có nghĩa là nhìn nhận trong đức tin rằng chỉ có Thiên Chúa là Chúa, và cuộc sống chúng ta, hành trình của Giáo hội và số phận của lịch sử tùy thuộc tình thương dịu dàng của Chúa… Đúng vậy, khi thờ lạy Chúa, chúng ta khám phá mình tự do. Vì thế, lòng kính mến Chúa trong Kinh thánh thường gắn liền với cuộc chiến đấu chống mọi điều thờ thần tượng. Ai thờ lạy Thiên Chúa thì chối bỏ các thần tượng, vì Thiên Chúa giải thoát, còn thần tượng biến ta thành nô lệ….

Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng: “Chúng ta phải luôn chiến đấu chống lại sự tôn thờ thần tượng, tôn thờ thế tục. Nó thường xuất phát từ sự háo danh, ham mê thành công, thành đạt cho bản thân bằng mọi giá, tham lam tiền bạc, ham hố công danh sự nghiệp; và cả những thứ tôn thờ thần tượng được che đậy bằng tâm linh, như những ý tưởng tôn giáo của tôi, tài năng mục vụ của tôi. Vậy, chúng ta hãy cảnh giác để đừng rơi vào tình trạng đặt mình ở trung tâm thay vì Chúa. Ước gì trọng tâm đối với các mục tử chúng ta là dành thời giờ mỗi ngày cho cuộc sống thân mật với Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành trước Nhà Tạm Mình Thánh Chúa….”

Sang đến động từ thứ hai là phục vụ. Yêu thương là phục vụ. Đức Thánh cha nói: “Trong giới răn cao trọng, Chúa Kitô gắn liền Thiên Chúa và tha nhân, vì hai điều ấy không bao giờ tách rời nhau. Không có kinh nghiệm tôn giáo chân chính nào mà lại giả điếc trước tiếng kêu của thế giới. Nếu có lòng mến Chúa mà lại không chăm sóc tha nhân, thì ta có nguy cơ trở thành biệt phái giả hình…

“Anh chị em thân mến, tôi nghĩ đến bao nhiêu nạn nhân của chiến tranh tàn ác; nghĩ đến những đau khổ của những người di dân, đau khổ âm thầm trong thân phận nghèo khổ; tôi nghĩ đến những người bị gánh nặng cuộc sống đè bẹp, những người không còn nước mắt, không có tiếng nói…

“Giáo hội mà chúng ta được kêu gọi mong ước trở thành là một Giáo hội nữ tỳ của tất cả mọi người, của những người rốt cùng. Một Giáo hội không bao giờ đòi hỏi bảng điểm hạnh kiểm tốt, nhưng đón tiếp, phục vụ, yêu thương. Một Giáo hội có những cánh cửa mở rộng trở thành cảng của lòng thương xót. Như thánh Gioan Kim Khẩu đã nói: “Người thương xót là một cảng cho người túng thiếu: cảng đón tiếp và giải thoát tất cả những người đắm tàu khỏi nguy hiểm; dù đó là những người bất lương hay tốt lành, dù họ thế nào đi nữa […]. Giáo hội là cảng cho họ được trú ẩn trong lòng của mình…” (Discorsi sul povero Lazzaro, II, 5).

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: Anh chị em rất thân mến, Thượng Hội đồng chấm dứt. Trong “cuộc chuyện vãn của Thần Khí” này, chúng ta đã có thể cảm nghiệm sự hiện diện dịu dàng của Chúa và khám phá vẻ đẹp của tình huynh đệ. Chúng ta đã lắng nghe nhau và nhất là trong lịch sử phong phú, với những nhạy cảm khác nhau của chúng ta, chúng ta lắng nghe Thánh Linh. Ngày hôm nay, chúng ta không thấy thành quả đầy đủ của tiến trình này, nhưng với sự nhìn xa trông rộng, chúng ta có thể hướng về chân trời đang mở ra trước chúng ta; Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta và giúp chúng ta thành một Giáo hội đồng hành và thừa sai hơn, tôn thờ Thiên Chúa và phục vụ những người nam nữ thời đại chúng ta, đi ra ngoài để mang cho tất cả mọi người niềm vui an ủi của Tin mừng”.

Sau cùng, Đức Thánh cha không quên cám ơn các hồng y, các anh em giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân vì đã đồng hành với nhau, lắng nghe và đối thoại. Ngài cầu chúc tất cả tăng trưởng trong sự thờ lạy Chúa và phục vụ tha nhân.

Trong phần các lời nguyện phổ quát, cộng đoàn đã lần lượt cầu nguyện cho Giáo hội thời nay trong hành trình tiến về nhân loại đang khao khát Tin mừng, cầu cho các nhà cầm quyền cũng như cầu cho hòa bình trên thế giới, cầu cho người di dân, và sau cùng cầu cho các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, để họ tìm kiếm những con đường mới bảo vệ sức khỏe thân xác và toàn thể thụ tạo, hướng dẫn hoạt động của họ để mưu ích cho mọi sinh vật.

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 15, sau đó lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh cha đã chủ sự buổi đọc Truyền tin với tín hữu hành hương, cũng tại Quảng trường thánh Phêrô.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *