Thánh Lễ Tuyên Chân Phước cho Đức Hồng Y Stefan Wyszyński và Mẹ Elżbieta Róża Czacka

Một Hồng Y của Vatican đã tuyên chân phước cho hai nhân vật lừng lẫy của Công Giáo Ba Lan trong thế kỷ 20 vào hôm Chúa Nhật.

Đức Hồng Y Marcello Semeraro, tổng trưởng Bộ Tuyên thánh, đã tuyên bố Đức Hồng Y Stefan Wyszyński và Mẹ Elżbieta Róża Czacka được tuyên Chân Phước trong một thánh lễ tại Đền thờ Chúa Quan phòng ở thủ đô Warsaw của Ba Lan.

Ngài ca ngợi Đức Hồng Y Wyszyński, Giáo chủ Ba Lan, là người đã lãnh đạo cuộc kháng chiến của Giáo hội chống lại chủ nghĩa cộng sản, và Sơ Czacka, một nữ tu mù đã cách mạng hóa việc chăm sóc người khiếm thị, vì đã đưa ra một “mô hình phục vụ”.

“Các vị mới được tuyên Chân Phước ngày hôm nay đã nhận được từ quốc gia này đức tin tốt đẹp không gì sánh được cùng với sức sống của truyền thống yêu mến Chúa lâu đời hàng thế kỷ”, Đức Hồng Y tổng trưởng nói trong Thánh lễ ngày 12 tháng 9, lễ kính Thánh Danh Đức Trinh Nữ Maria.

“Đáp lại, các vị đã trao tặng lại cho mọi người những gì? Thưa: các ngài đưa ra một niềm xác tín về quyền tối thượng của Thiên Chúa. ‘Soli Deo’ – ‘Chỉ duy có Chúa mà thôi’ – là khẩu hiệu giám mục của Đức Hồng Y Wyszyński. Phương châm ấy có khả năng khôi phục nhân phẩm cho con người”.

“Các vị đã đưa ra lời chứng về một đời sống trung thành với Tin Mừng, bằng mọi giá. Các vị đã để lại một mô hình phục vụ cho những người cụ thể đang quẫn bách, ngay cả khi không có ai đoái hoài đến người ấy, và sự thờ ơ dường như chiếm ưu thế”.

Số người tham dự buổi lễ đã bị hạn chế do đại dịch coronavirus. Các giám mục Ba Lan khuyến khích người Công Giáo tham dự các lễ kỷ niệm ở địa phương và theo dõi việc phong chân phước trên truyền hình và trực tuyến.

Buổi lễ diễn ra cùng lúc với Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế tại Budapest, Hung Gia Lợi, do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành.

Trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

“Ngày hôm nay, cách đây không xa, tại Warszawa, hai nhân chứng của Tin Mừng được tuyên phong Chân Phước: đó là Đức Hồng Y Stefan Wyszyński và Sơ Elisabetta Czacka, đấng sáng lập Dòng Các Nữ Tu Dòng Thánh Giá Phanxicô. Hai nhân vật hiểu biết rõ ràng về thập tự giá: Vị Giáo Chủ Ba Lan, bị bắt và bị biệt giam, luôn là một mục tử can đảm noi theo trái tim của Chúa Kitô, sứ giả của tự do và phẩm giá con người; Sơ Elizabeth, người bị mất thị lực khi còn rất nhỏ, đã dành cả cuộc đời mình để giúp đỡ người mù. Gương của những vị vừa được tuyên Chân Phước kích thích chúng ta biến bóng tối thành ánh sáng bằng sức mạnh của tình yêu.”

Những người nhận được các phép lạ mở đường cho việc tuyên Chân Phước đã tham dự buổi lễ.

Karolina Gawrych, 18 tuổi, mang theo di vật của sơ Czacka, là người đã giúp cô hồi phục sau một tai nạn kinh hoàng.

Di tích của Đức Hồng Y Wyszyński đã được đưa lên bàn thờ bởi Sơ Nulla, người đã hồi phục sau một khối u dài 5cm trong cổ họng sau khi các thành viên trong cùng dòng đã xin sự cầu bầu của vị Hồng Y.

Tại buổi lễ, Đức Hồng Y tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh thông báo rằng lễ nhớ Sơ Czacka sẽ được tổ chức hàng năm vào ngày 19 tháng 5 và lễ nhớ Đức Hồng Y Wyszyński vào ngày 28 tháng 5.

80 giám mục từ Ba Lan, 45 giám mục từ nước ngoài và 600 linh mục đã tham dự Thánh lễ. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Thủ tướng Mateusz Morawiecki và Phó Thủ tướng Jarosław Kaczyński cũng có mặt.

Trong số các vị Hồng Y tham dự có Đức Hồng Y Konrad Krajewski, là quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Dominik Duka người Tiệp, là Tổng Giám Mục Praha, Đức Hồng Y Kazimierz Nycz của Warsaw, và Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, thư ký riêng của Thánh Gioan Phaolô II. Đức Hồng Y Dominik Duka là người từng phải vào tù ra khám dưới thời cộng sản Tiệp.

Một cộng đoàn khoảng 7,000 người đã tham dự lễ tuyên chân phước, một nửa ngồi bên trong nhà thờ và một nửa ngồi bên ngoài dưới bầu trời u ám.

Hai vị tân Chân Phước đã từng gặp gỡ và làm việc cùng nhau khi còn sống, lần đầu tiên vào năm 1926 tại Laski, một ngôi làng cách Warsaw khoảng 10 dặm về phía tây, nơi hai vị đã đồng sáng lập một trung tâm hỗ trợ người mù.

Trong cuộc nổi dậy Warsaw năm 1944, sơ Czacka và Cha Wyszyński đã giúp tổ chức một bệnh viện dã chiến cho những người bị thương ở Laski.

Đức Hồng Y Semeraro bắt đầu bài giảng của mình bằng tiếng Ý, trước khi giao cho Đức Cha phụ tá Warsaw Piotr Jarecki, đọc tiếp bản văn của Đức Hồng Y bằng tiếng Ba Lan.

Đức Hồng Y Semeraro nói rằng trong cuộc nổi dậy chống lại những kẻ chiếm đóng Đức Quốc xã, Cha Wyszyński đã tìm thấy một mảnh giấy cháy dở được gió thổi tung lên từ đống đổ nát của thủ đô.

“Trên đó, ngài đọc những lời này: ‘Bạn hãy yêu thương,’” Đức Hồng Y tổng trưởng nói. “Cha Wyszyński, vô cùng xúc động trước những lời này, đã mang mảnh giấy đến nhà nguyện, đưa cho các nữ tu xem và nói: ‘Trong cuộc chiến tại Warsaw, đây là lời kêu gọi thiêng liêng nhất đối với chúng ta và toàn thế giới. Một lời kêu gọi và một chứng tá: Bạn hãy yêu thương’”.

“Ngài đã sống chức vụ của mình với tư cách là linh mục và một giám mục để đáp lại lời kêu gọi và lời di chúc này”.

Sau chiến tranh, Cha Wyszyński được bổ nhiệm làm tổng giám mục Gniezno và Warsaw, và trở thành Giáo chủ Công Giáo Ba Lan. Năm 1953, ngài bị quản thúc tại gia sau khi từ chối phục tùng bọn cầm quyền cộng sản.

“Trong thời kỳ phức tạp về chính trị và xã hội này, ngài can đảm, siêng năng và quyết tâm chèo chống con thuyền của Giáo hội tại Ba Lan, bất chấp ý thức hệ đang làm mất nhân tính và khiến con người xa rời cuộc sống sung mãn, xa rời chân lý chứa đựng trong Tin Mừng của Chúa Kitô. Ngài đã sống trung thành và đã hoàn thành sứ vụ của mình,” Đức Hồng Y Semeraro nói.

“Trong cuộc chiến bảo vệ quyền tự do của những người nam nữ Ba Lan, ngài thường nhắc đi nhắc lại: ‘Ai căm ghét, thì đã thua rồi.” Ngài không nề hà bất cứ điều gì; ngài đã phải gánh chịu tất cả những sỉ nhục và đau khổ mà đỉnh điểm là ba năm tù, từ năm 1953 đến năm 1956”.

Đức Hồng Y Wyszyński được biết đến với biệt danh “Giáo chủ của Thiên niên kỷ” vì ngài đã giám sát một chương trình chuẩn bị kéo dài 9 năm với đỉnh điểm là lễ kỷ niệm 1000 năm Ba Lan đón nhận ánh sáng Tin Mừng.

Ngài cũng giúp bảo đảm sự chấp thuận cho Đức Karol Wojtyła làm tổng giám mục Kraków vào năm 1964, điều này cuối cùng dẫn đến việc Đức Wojtyła được bầu làm Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1978.

Đức Hồng Y Semeraro lưu ý rằng: Trong một lá thư gửi người Ba Lan sau khi lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Phaolô II đã bày tỏ sự tôn kính đối với Đức Hồng Y Wyszyński. Ngài viết: “Vị giáo hoàng người Ba Lan này, người ngày nay, đầy kính sợ Chúa, nhưng cũng hết dạ tin tưởng, đang bắt đầu một triều đại giáo hoàng mới, sẽ không thể ngồi trên ngai tòa Phêrô nếu không có đức tin của Đức Hồng Y Wyszyński, một đức tin không lùi bước trước ngục tù và đau khổ, nếu không có đức cậy anh dũng của ngài, và sự tin tưởng vô biên của ngài vào Mẹ Giáo hội!”

Đức Hồng Y Semeraro sau đó chuyển sang sơ Czacka, người sinh ra trong một gia đình quý tộc ở Ukraine ngày nay và bị mất thị lực ở tuổi 22. Sau những nỗ lực tuyệt vọng của gia đình trong việc khôi phục thị lực cho cô mà không thành công, một bác sĩ đã khuyên cô nên cống hiến cuộc đời mình để phục vụ người mù ở Ba Lan.

Cô đã thành lập Hiệp hội Chăm sóc Người mù, cũng như Hội Dòng các Nữ tu Dòng Thánh Giá Phanxicô, và điều chỉnh bảng chữ cái Braille sang tiếng Ba Lan.

“Qua sự siêng năng và dấn thân phi thường của mình, Chân phước Elżbieta Róża cho chúng ta thấy rằng không có trở ngại nào cho những ai muốn yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân như Ngài đã yêu”.

Nhắc lại mối quan hệ chặt chẽ giữa hai vị chân phước, vị Hồng Y nói rằng từ lần gặp gỡ đầu tiên trở đi, họ đã hợp nhất trong “một sự hiệp thông của đức tin, tình yêu đối với Thiên Chúa và những con người thiếu thốn và không được bảo vệ”.

“Cả hai đều biết cách lấp đầy cho nhau sức mạnh, sự bền bỉ và lòng dũng cảm. Cá nhân Đức Hồng Y đã tham gia vào việc giúp đỡ tất cả những người bị bách hại và bị hạn chế trong việc thực hành tự do và tuyên xưng đức tin của họ; Vị nữ tu, người mù trong số những người mù về thể chất và tinh thần, đã giúp đỡ tất cả những người bị bỏ rơi và bị bỏ lại bên lề xã hội.”

Đức Hồng Y tổng trưởng lưu ý rằng khi Wyszyński chủ trì đám tang cho Sơ Czacka vào năm 1961, vị Hồng Y người Ba Lan đã mô tả vị nữ tu là “một người thường xuyên đứng trước mặt Chúa nhân lành của mình”.

“Đó là lý do tại sao sơ ấy có thể chia sẻ và nuôi dưỡng rất nhiều người xung quanh mình bằng tình yêu thương”, Đức Hồng Y Wyszyński nói.

Trước lễ tuyên chân phước, một lá thư của các giám mục Ba Lan đã được đọc trong các nhà thờ.

Các giám mục nói: “Thiên Chúa đã kết hợp hai con người này, dù sao thì cũng rất khác nhau, và nhờ họ mà Ngài đã làm được những điều tuyệt vời. Những lời của vị Hồng Y Giáo Chủ – Soli Deo (Chỉ duy có Chúa mà thôi) – và của Mẹ Elżbieta – Qua Thập giá để đến Thiên đường – mà các vị đã để lại cho chúng ta, vẫn còn rất phù hợp cho đến ngày nay. Các ngài đã chỉ đường cho chúng ta. Không có cách nào khác để tìm kiếm Chúa”.

Sau cái chết của sơ Czacka, Đức Hồng Y Wyszyński thường xuyên đến thăm mộ sơ ấy.

Các Giám Mục viết: “Trước khi khởi hành đến Rôma tham dự các phiên họp của Công đồng Vatican II, trước những cuộc đàm phán khó khăn với bọn cầm quyền cộng sản trong những ngày đó, ngài thường đến Laski mà không thông báo cho ai để cầu nguyện ở đó ít nhất một khoảng thời gian”.

“Hàng năm, ngoại trừ khoảng thời gian bị giam cầm hoặc ốm đau, sau ngày Thứ Năm Tuần Thánh tại nhà thờ chính tòa của tổng giáo phận, ngài sẽ đến Laski để chầu lượt với người mù, các nữ tu, và các nhân viên giáo dân của trung tâm, và được tràn đầy sức mạnh tuôn chảy từ ánh sáng của Thập giá Vượt qua và sự chiến thắng của tình yêu Chúa Kitô, để sau đó ngài có thể trao lại cho mọi người”.

Quốc hội Ba Lan đã tuyên bố năm 2021 là Năm Hồng Y Stefan Wyszyński để vinh danh vị giáo chủ.

Kết thúc bài giảng của mình, Đức Hồng Y Semeraro nói: “Ba Lan, Quốc gia của Mẹ Maria, vùng đất của các vị thánh và các phước lành, trong Đền thờ Chúa Quan phòng này, nhờ sự chuyển cầu của Đức Trinh nữ Maria, Chân phước Stefan Wyszyński và Chân phước Elżbieta Róża Czacka, hôm nay chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để trở thành những chứng nhân trung thành về tình yêu thương xót của Ngài đối với mọi người thiếu thốn trong thời đại chúng ta”.

“Cầu mong hai vị tân Chân Phước là những người cầu bầu mạnh mẽ cho quốc gia có công này, mong các ngài là ánh sáng cho chính quyền trung ương và địa phương, và có thể hỗ trợ Giáo hội ở Ba Lan luôn trung thành với Tin Mừng của Chúa Kitô”.


Source:Catholic News Agency

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *