Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Gr 14,17-22 (năm chẵn), Xh 33,7-11 ; 34,5b-9.28 (năm lẻ), Mt 13,36-43
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 13,36-43)
36 Khi ấy, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng : “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” 37 Người đáp : “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. 38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. 39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là quỷ dữ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên sứ. 40 Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. 41 Con Người sẽ sai các thiên sứ của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, 42 rồi quăng chúng vào lò lửa ; ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng. 43 Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.”
Bài học kiên nhẫn (30.07.2024)
Dụ ngôn cỏ lùng – Một trong sáu bài giảng bằng dụ ngôn nói về Nước Trời ở Chương 13 của Tin Mừng theo thánh Mát-thêu – Dạy ta bài học kiên nhẫn.
Kiên nhẫn là đỉnh cao của đức Tin trước lằn ranh xấu – tốt; thiện – ác; thật – giả; lành – dữ (x. G.1;2);
Kiên nhẫn là nền móng của sự khoan dung, tha thứ (x. Mt.18,21-22; Lc. 23,24; Cv.7,59-60)
Kiên nhẫn là khả năng nghe, thấy, sờ chạm đến, nếm cảm được những biến cố ngay từ trong và bên ngoài cuộc sống của ta (x. Mt.26,39-55; 2Tm.2,9-10; 2Cr.11,19-27)
Kiên nhẫn là cha của sự điềm tĩnh, là mẹ của tự chủ bản thân (x. Gc.1,19-21);
Kiên nhẫn là tường thành vững chắc của đức Cậy (x. Gc.5,7-11.13)
Tóm lại, Kiên nhẫn là một điều khó thực hành nhưng lại là đức tính cần thiết cho người tín hữu Chúa Ki-tô. Khi lựa chọn chấp nhận những khó khăn như một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa trong cuộc đời của mỗi người – Những cám dỗ, thử thách hay dịp tội – Sẽ trở thành những con đường để mỗi người thăng tiến trong ân sủng và trưởng thành trên bình diện thiêng liêng.
Hôm nay, toàn thể Giáo hội mừng kính thánh Phêrô Kim Ngôn, giám mục người Ý vào thế kỷ thứ 5 S.C – Nhà giảng thuyết đại tài về Ngôi Lời nhập thể – Thánh nhân là người có tài hùng biện, có khoa ăn nói rất thuyết phục, nên nhiều người đã ghép thêm cho thánh nhân biệt danh kim ngôn (lời vàng) để tỏ lòng ngưỡng mộ và khâm phục Ngài.
Lời của thánh Phêrô nói ra có giá trị như vàng và Ngài rất có uy tín đối với mọi người vì các lời nói đầy vẻ thuyết phục và lôi cuốn con người về với Thiên Chúa.
Thánh nhân là mẫu gương của sự khoan dung, kiên nhẫn cảm hóa lòng người; đã sống hết mình cho Chúa và các linh hồn. Ngài là con người hiền từ và khoan dung, nhưng cũng rất nghiêm khắc và nói không với việc thỏa hiệp, nhất là rất cương quyết đối với sự giữ đạo hời hợt bề ngoài và giả dối của nhiều giáo dân đương thời.
Lạy Chúa,
Xin thêm sức cho con, để con có thể kiên nhẫn và kiên định trong mọi hoàn cảnh, thử thách, cám dỗ… và nhờ đó đức Tin của con được vững mạnh. Amen.
CÁT BIỂN
Hãy nghe và đổi thay (01.08.2023)
Ngày 01.08: Lễ Nhớ Thánh An-phong Ma-ri-a Li-gô-ri, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Sự thiện – ác cùng tồn tại trong mỗi con người – tựa như lúa và cỏ lùng cùng mọc và cùng lớn lên trong cùng một đám ruộng vậy – Chúng cách nhau chỉ một lằn ranh rất đỗi mong manh. Bởi thế cho nên, sự thiện đặt không đúng chỗ có thể trở thành sự ác và ngược lại.
Qua trình thuật Tin Mừng hôm nay (Mt 13,36-43), Chúa Giê-su cho thấy toàn cảnh ngày phán xét cánh chung: Nếu chỉ nghe mà không chịu sám hối, thay đổi đời sống ngay từ đời này thì đến ngày tận thế Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi Nước Chúa. Giống như tới mùa gặt lúa, chủ mùa gặt sẽ sai các thợ gặt thu lấy cỏ lùng rồi ném tất cả chúng vào lửa – ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng.
Ngày nay, tâm thái kiêu ngạo, không tin, không chấp nhận và loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình đã làm cho nhân loại không những rơi vào lối sống sa đọa, thích sự gian trá, hận thù, giết hại lẫn nhau… Chắc chắn những ai có lối sống như thế sẽ phải chịu trách nhiệm về sự tự do của mình khi quyết định làm điều lành lánh điều dữ hay chọn sống tha hóa, làm điều ác khi đời này tận cùng.
Lạy Chúa, xin cho con biết tận dụng thời giờ và cơ hội Chúa ban cho con, để con ngày càng trở nên hoàn thiện như Cha trên trời. Amen.
CÁT BIỂN
Thiên Chúa nhẫn nại (26.07.2022)
Thánh Gio-a-kim và thánh An-na, song thân Đức Ma-ri-a – Lễ nhớ
Dụ ngôn về cỏ lùng thoạt tiên gợi lên cho chúng ta một trong những thảm kịch lớn của nhân loại. Ở thời đại nào cũng có những người muốn thanh tẩy xã hội bằng các cuộc sàng lọc không tiếc xót: từ Tần Thủy Hoàng đến Hitler, Pônpốt qua các cuộc chiến hiện nay. Khi người ta muốn loại bỏ cỏ lùng, thì người ta cũng nhổ đi cả cây lúa tốt tươi.
Cỏ lùng có hình dáng chẳng khác gì cây lúa nên dù là nông dân “chính hiệu con nai vàng”, dạn dày kinh nghiệm cũng khó lòng mà phân biệt được. Cỏ cũng phát triển lớn lên, ôm đòng giống hệt cây lúa, và chỉ cho đến lúc trổ bông người ta mới biết được đâu là cỏ, đâu là lúa; nhưng như thế, để không làm tổn hại đến lúa, người ta chỉ còn cách chờ đến mùa gặt – lúa gặt được thì cho vào kho lẫm, còn cỏ thì phải đốt đi.
Trên cánh đồng trần gian, tình trạng cũng không khác mấy, người lành, kẻ xấu cùng sống cạnh nhau trên hành tinh này. Có đủ thứ loại người xấu mà người ta có thể nhận ra rõ ràng vì các hành động và thái độ sống không đẹp của họ; nhưng đáng ngại nhất vẫn là những người xấu mà khoác vẻ bề ngoài tốt lành với những công việc và cách sống rất ư là “đẹp”.
Tuy thế, sự phá hoại và tội ác tiềm ẩn của họ rất ghê gớm mà khó ai có thể nhận ra; hoặc những hành động ‘đẹp’ của họ lại ẩn chứa những thói kiêu căng, tự mãn, hay nhắm kiếm cho mình một lợi ích cá nhân nào đó lớn hơn…. Vì sự khó nhận ra như thế nên việc xét đoán con người không thuộc thẩm quyền con người mà chỉ ở nơi Thiên Chúa, và điều duy nhất con người nên làm là kiểm điểm chính bản thân mình để loại đi cỏ dại ở nơi chính mình.
Mặt khác, dụ ngôn “cỏ lùng – lúa tốt” mà Đức Giê-su đưa ra trong trình thuật Tin mừng hôm nay nhắm đến một điều còn lớn hơn, đó là lòng từ bi, thương xót, kiên nhẫn, bao dung, quảng đại của Thiên Chúa. Chúng ta thường có khuynh hướng chung là muốn tiêu diệt sự dữ ngay tức khắc: “Sao Chúa không phạt cho nó méo miệng khi nó nói xấu bôi nhọ con trong khi con vô tội!” “cầu cho nó ra đường xe đụng bởi nó độc ác làm hại mọi người!”, hoặc “cái thứ xấu xa như ngữ ấy sống làm gì cho chật đất.”….Và dường như trong những tư tưởng, những mong ước xem ra rất là “hợp lý và tự nhiên” ấy lại tiềm ẩn một tư tưởng báo thù – ‘xin Chúa Trời báo oán!’ Nhưng Thiên Chúa là “Đấng từ bi và nhân hậu, Người đại lượng và chan chứa tình thương. Người không xử với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lối của ta.” (Tv.)
Và tư tưởng của Thiên Chúa thì khác xa với tư tưởng con người. Vì không như những cánh đồng trần gian, cỏ muôn đời là cỏ mà lúa vạn kiếp vẫn là lúa, nơi cánh đồng tâm linh con người, cỏ vẫn có khả năng cải tạo thành lúa tốt (gương những vị thánh như Maria Ma-đa-lê-na, Phao-lô, Au-gus-ti-nô, Inhaxio…) mà lúa cũng có thể biến thành cỏ dại. Do đó mà Thiên Chúa vẫn luôn chờ đợi, và Người luôn mong chờ nơi cánh đồng của Người một mùa gặt bội thu.
Thiên Chúa đã ban ân sủng cũng như Lời của Người cho con người. Tâm hồn con người như một cánh đồng bao la huyền nhiệm đón nhận ân sủng và hạt giống Lời Chúa. Hạt giống ấy có được phát triển phong nhiêu, sinh nhiều hoa thơm trái tốt hay không là tùy tình trạng của mảnh đất tâm hồn này. Mảnh đất tâm hồn con người có được cày xới, chăm chút bằng sự giáo dục đúng đắn của gia đình, của xã hội và của giáo hội, thì dù ma quỉ có gieo cỏ lùng là những gương xấu, những chủ trương, triết thuyết sai lầm lôi kéo…cũng không thể lấn át được sự phát triển của hạt giống tốt trong tâm hồn.
Vì vậy, mỗi Ki-tô hữu phải được bồi dưỡng, trang bị cho mình những kiến thức thánh kinh, luân lý và giáo huấn của Giáo hội, nuôi dưỡng bằng các bí tích và đời sống cầu nguyện để có một đức tin mạnh mẽ, lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam, làm lẽ sống để lấn át và tiêu diệt cỏ lùng. Đồng thời xin Chúa ban cho chúng ta có được tấm lòng nhân hậu và trái tim đầy tình yêu thương của Chúa, để chúng ta biết mong muốn điều tốt lành nơi anh chị em mình, để chúng ta biết kiên nhẫn, biết thứ tha trước những lỗi lầm, khuyết điểm của tha nhân; và xin cho mỗi Ki-tô hữu là hạt giống tốt, nên như gương sáng, như muối, như men cho đời thêm phong phú đẹp tươi.
Qua dụ ngôn cỏ lùng, có lẽ Chúa Giêsu còn muốn nói đến một thảm kịch khác sâu sắc hơn, đó là thảm kịch của lòng người. Trong đáy thẳm tâm hồn, ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được sự giằng co xâu xé giữa một bên là khả năng hướng thiện và một bên là sức mạnh của tối tăm. Cỏ lùng vẫn cố gắng vươn lên trong cánh đồng tâm hồn chúng ta. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy một cách chính xác khi Ngài nói: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, còn sự ác không muốn thì tôi lại làm”. Sức mạnh của tội ác, của ma quỉ, của sự dữ trong tâm hồn mỗi người chúng ta là một thực tại không thể chối cãi được. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã chẳng dạy chúng ta cầu nguyện: Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ đó sao?
Kiên nhẫn là một trong những bộ mặt của niềm hy vọng Kitô giáo. Con người làm lịch sử, nhưng chính Thiên Chúa mới là Ðấng hướng dẫn mọi nẻo đường về với Ngài. Ðó là bài học mà có lẽ Giáo Hội muốn nhắn gửi chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay.
Lm. Huệ Minh
Khao khát Nước Trời (27.07.2021)
Ghi nhớ:
“Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quang chúng vào lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 13, 41-42).
Suy niệm:
Tại đất nước Việt Nam cũng như mọi quốc gia trên thế giới vào nhừng ngày này đang phải đối diện với đại dịch Covid-19. Và để đối phó với sự lây nhiễm khủng khiếp của nó. Những ngưới hữu trách đã khuyến cáo nhiều cách thức đề phòng chống sự lây lan của bịnh dịch, mà một trong số đó là; mọi người hãy đeo khẩu trang mỗi khi ra đường, hoặc mỗi khi tiếp xúc với người khác và giữ khoảng cách an toàn v.v…
Vì việc đeo khẩu trang là để ngăn chặn việc con virus Corona xâm nhập vào cơ thể của mình qua đường hô hấp, cũng như hạn chể không cho nó phát tán ra ngoài không khí khi trong người mang mầm bệnh, bởi vì những người chung quanh sẽ có nguy cơ hít vào mà nhiễm bệnh! Tóm lại; khi chúng ta tuân thủ việc đeo khẩu trang đúng cách cũng như việc thực hành những hướng dẫn khác như ở nhà, cách ly (theo chỉ thị 16 của CP)v.v… thì cũng là chúng ta đang tích cực trong công việc ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch rồi.
Cho đến hôm nay, mặc dù các nhà khoa học đã tốn phí rất nhiều công sức trong việc truy tìm nguồn gốc phát sinh ra con Virus Corona để xác định xem nó từ phòng thí nghiệm hay do thiên nhiên mà ra thì vẫn chưa có câu trả lời. Mặc dầu vậy, một điều mà người có đức tin cần phải xác tín; đó là: “Mọi sự xảy ra trong vũ trụ này đều không ngoài sự quan phòng của Thiên Chúa”. Nói như thế, không phải là Thiên Chúa không thương yêu loài người, mà muốn cho con người khổ đau vì bệnh! Chắc chắn là không. Nhưng trái lại. Ngài luôn muốn điều tốt đẹp đến cho mọi người
Sự tồn tại của con Virus Corôna, nói lên đây là dấu chỉ của thời đại mà qua đó Thiên Chúa muốn cảnh tỉnh để con người nhận ra Thiên ý, để từ đó họ nhìn lại mình mà thay đổi cuộc sống sao cho đẹp lòng Ngài, để có thể tìm kiếm được hạnh phúc vĩnh cửu trên Nước Trời mai sau.
Việc đeo khẩu trang nếu nhìn từ khía cạnh tâm linh thì nó gián tiếp nhắc nhở chúng ta là đừng để vì miệng lưỡi mình mà làm cho người khác “mắc bệnh” có nghĩa là đừng cám dỗ, làm gương mù gương xấu để ai đó vì ta mà sa ngã, phạm tội! Đồng thời người đeo khẩu trang cũng ý thức rằng; bản thân mình đừng để cho người khác gây ảnh hưởng xấu, mà phải “lây bệnh” có nghĩa là phạm tội.
Có một vị linh mục nói: “Ngày nay dường như ma quỷ không còn phải vất vả đi cám dỗ loài người phạm tội nữa, mà làm thay cho nó là loài người ta, họ đang dốc sức cám dỗ lẫn nhau, lôi kéo lẫn nhau phạm tội”.
Việc dãn cách xã hội, ở lại trong nhà. Cũng đồng nghĩa với những điểm tụ tập ăn chơi… phải được dừng lại; bời từ những nơi đó là nguồn gốc tạo ra biết bao tội lỗi: Trụy lạc, phá thai, xì ke, ma túy, chém giết, trộm cắp… Lại nữa, việc dãn cách ở nhà cũng sẽ là một cơ hội để mỗi người có dịp tĩnh lặng, hồi tâm để nhìn lại chính mình hầu có những thay đổi cho phù hợp hơn cho đời sống đạo của mình trong tương lai.
Để gìn giữ và bảo vệ sự sống thể xác, chúng ta sẵn sàng làm tất cả mọi việc (trừ việc phạm tội) cho dù việc ấy gian khổ đến mấy và phải hy sinh đến đâu, thì chúng ta vẫn cố gắng thực hiện, để cho mình được sống…Vì mọi thứ sẽ được làm lại từ đầu với điều kiện là mình còn được sống. Nhưng nếu một khi đã chết rồi thì chẳng còn làm được gì nữa! Bởi vậy người đời hay nói: “còn người còn của”. Đấy là nói về sự sống phần thể xác, nó có giới hạn mà mọi người còn phải trân quý đến thế, phương chi nói đến sự sống phần linh hồn bất tử, thì chúng ta còn phải biết quý trọng nó dường nào?.
Bài Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su nói cho các môn đệ biết ý nghĩa của dụ ngôn cỏ lùng khi các ông xin Ngài giải thích. Qua lời giải nghĩa, chúng ta rút ra được nhiều điều bổ ích; Đó là Thiên Chúa Đấng luôn luôn yêu thương và muốn cho con cái của mình những điều tốt đẹp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người”. Ngài đã gieo chúng ta vào “thuở ruộng” thế gian. Nếu trong cuộc sống trần gian đó, chúng ta đón nhận Lời Ngài và đem ra thực hiện thì chúng ta trở thành những con cái Nước Trời: “Hạt giống tốt đó là con cái Nước Trời.”. Nhưng nếu chúng ta để cho những tính mê nết xấu phát triển, chi phối và hướng dẫn thì chúng ta biến thành cỏ lùng và: “Cỏ lùng là con cái ác thần”.
Chúng ta biết rằng trong cuộc sống trần thế, chúng ta phải chiến đấu và phải chiến thắng ba kẻ thù là; thế gian, xác thịt và ma quỷ, vì nó luôn rình rập xui bẩy để chúng ta xa rời, không nghe Lời Chúa để không còn là hạt giống tốt nữa. Trong đó kẻ thù đầu xỏ nhất là ma quỷ: “Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ.”.
Ai trong chúng ta cho dầu có gìn giữ và bảo vệ sự sống thân xác này giỏi lắm thì cũng chỉ được 70, 80 hay là 100 tuổi là cùng, rồi sau đó cũng phải xuôi hai bàn tay xuống để trở về với cát bụi mà thôi. Vậy có thể ví; ngày chúng ta mãn phần đó là mùa gặt của mỗi người. Như vậy: “ Mùa gặt là ngày tận thế” của mỗi người. Nhưng chúng ta có gì để cho các thiên thần thu hoạch?. Bởi vì khi chết đi hành trang mà chúng ta mang theo bên mình chỉ là công phúc, những việc thiện và tội lỗi hay những việc gian ác. Đây là điều kiện tối quan trọng để thợ gặt là các thiên thần căn cứ vào đó mà xếp loại cho chúng ta vào Nước Trời. “Nơi những người công chính sẽ chói lọi như mặt trời”. Hay bị quăng vào biển lửa, “ở đó chúng sẽ phải đau khổ, khóc lóc nghiến răng”.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa xin cho chúng con luôn ý thức rằng: “Chúng con được sinh ra từ bởi lòng yêu thương của Chúa và chúng con sẽ phải thực hiện một cuộc hành trình để tìm về bên Ngài. Xin cho chúng con, trong suốt cuộc hành trình đó, luôn biết chiên đấu và trong khi chiến đấu chúng con tìm cậy dựa vào ơn Chúa, để chúng con sẽ chiến thắng những cám dỗ của chính bản thân, của thế gian và của ma quỷ hầu được đứng vững để xứng đáng lãnh nhận phần thưởng Nước Trời khi chúng con kết thúc cuộc lữ hành trần gian. Chúng con cầu xin nhờ Danh Đức Giê-su Ky tô là Chúa chúng con”. Amen.
Sống Lời Chúa:
Thà chịu thiệt thòi vì Danh Chúa chứ không phạm tội mất lòng Chúa.
Đaminh Trần Văn Chính.
Hãy sống trong sự thật (28.07.2020)
“Người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy”. (Mt 13, 40)
Cỏ lùng giống y như cây lúa. Người gian ác chẳng khác kẻ có lòng ngay. Đôi khi kẻ giả vờ đạo đức còn có sức cuốn hút người khác nhiều lần hơn là những người đạo đức thật. Kẻ giả vờ yêu lại đánh lừa được người có lòng yêu chân thật. Kẻ giả vờ công chính có vẻ công chính hơn là những người công chính. Kẻ giả vờ từ thiện, bác ái, lại kiếm chác được nhiều của từ thiện bác ái hơn là những người có lòng yêu người thật. Cỏ lùng và lúa giống y nhau. Cái thiện cái ác vẫn sống chung trong một con người. Chính mình đôi khi không nhận ra cái “hai mặt” của lòng mình, thì làm sao mà nhận ra cái hai mặt của người khác. Vì thế, đừng vội trách ai là cỏ lùng, cũng đừng vội mừng ai là cây lúa tốt. Chỉ có Thiên Chúa mới thấu suốt cái “hai mặt, hai lòng” của mỗi con người. Chúng ta luôn lầm lẫn, cả lầm lẫn chính mình và lầm lẫn anh em. Đối với Chúa, thì không hề lầm lẫn, một là phải, hai là không, chứ giống là không phải. Chúa biết rõ mọi sự kín nhiệm, mọi ý định gian dối, mọi động thái giả vờ, đóng kịch trong lòng ta.
Đừng làm cỏ lùng xinh đẹp cho người ta biết mình giống cây lúa. Hãy sống thật chân thành với Chúa và với mọi người. Nếu muốn đánh bóng đạo đức ở đời này để được người ta tôn vinh mình hôm nay, thì hãy nhớ câu nói này của Chúa Giê-su: “Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy”. (Mt 13, 40). Dại gì mà chọn cho mình một cái kết đắng ở đời sau như vậy. Hãy sống trong sự thật. Hãy sống thật, hãy yêu thật, hãy khiêm nhường thật, hãy sẻ chia thật… Ai sống trong sự thật là sống trong Thiên Chúa. Ai sống giả dối là sống cách của ma quỷ.
Lạy Chúa, xin cho con sống thật, yêu thật. Amen.
BCT
Sự kiên trì, nhẫn nại và khoan dung của Thiên Chúa (30.07.2019)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã giải thích về ý nghĩa của bài dụ ngôn cỏ lùng như sau : hạt giống tốt là con cái Nước Trời, cỏ lùng là con cái ma quỷ. Ngày tận thế là mùa gặt; đến ngày đó sẽ có việc phân biệt một cách rành mạch giữa người lành và kẻ dữ; đồng thời cũng có thưởng có phạt một cách phân minh rõ ràng.
Giống tốt Người Chủ đã gieo
Lúa lên xanh tốt mang theo tin mừng
Chủ vui phấn khởi tưng bừng
Chờ ngày thu hoạch đã từng ước mơ
*
Kẻ xấu rình rập đợi chờ
Đến khi chủ ngủ là quơ tay liền
Cỏ lùng chúng rắc đan xen
Lớn lên cùng lúa, sống bên nhau cùng
Trong thực tế hiện nay vẫn còn có người tốt, kẻ xấu; người lành, kẻ dữ sống chung với nhau trong xã hội cũng như Giáo Hội. Nhưng Thiên Chúa không thẳng tay trừng phạt kẻ tội lỗi ngay ở đời nầy, chỉ vì Ngài khoan dung, độ lượng và kiên nhẫn chờ đợi tội nhân sám hối trở về, để được hưởng ơn tha thứ. Do đó, chúng ta phải tích cực làm những việc hữu ích và xa tránh, loại trừ những việc làm xấu, bằng sự sám hối, canh tân đời sống và thực hành Lời Chúa; từ đó những điều xấu sẽ bị tiêu diệt, còn những gì tốt đẹp sẽ ngày càng được nảy sinh và phát triển nhiều hơn.
Đến ngày lúa kết trổ bông
Cỏ lùng bên cạnh cũng không kém gì
Đầy tớ tức tốc kịp thì
Đến thưa với Chủ nhổ đi cho rồi
*
Chủ rằng: “Chớ vội, hãy nguôi”
Kẻo khi nhổ cỏ, lúa thời cũng tan
Kiên trì nhẫn nại, hãy khoan!
Đến mùa thu hoạch sẽ làm hẳn hoi
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta hãy là hạt giống tốt thì mới xứng đáng là con cái Nước Trời. Một người hôm nay là xấu, nhưng ngày mai có thể trở thành tốt và ngược lại. Bởi đó, chúng ta đừng nên vội đánh giá hay kết án người khác và cũng đừng tự mãn về mình. Chúng ta hãy tận dụng những cơ hội để kín múc ân sủng của Chúa qua việc lãnh nhận các bí tích để ngày càng trở nên tốt như Cha chúng ta ở trên trời là Đấng tốt lành.
Cỏ lùng tách biệt một nơi
Bó lại rồi đốt xong rồi chẳng lo
Lúa tốt thì chất vào kho
Để mà sử dụng đến cho mọi người
*
Ngày đó Lúa sẽ “vui cười”
Vì đã đem lại đẹp tươi an lành
Cỏ lùng tro bụi tan tành
Bài học kiên nhẫn, chớ đành nào quên
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết ăn năn, sám hối, trở về cùng Chúa để được hưởng sự thứ tha của Chúa. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết ra sức thực hiện những việc làm tốt đẹp, những hy sinh cần thiết để giúp cho đời sống của chúng con được an lành và thánh thiện hơn. Amen.
HOÀI THANH
Chung sống (31.07.2018)
Ông tổ của triết hiện sinh thế kỷ XIX Soren Kierkegaard (Đan Mạch) cho rằng:
“Sự kiên nhẫn rất cần thiết, bởi người ta không thể gặt hái ngay khi vừa gieo trồng”.
Qua dụ ngôn Lúa và Cỏ Lùng, Thiên Chúa muốn cứ để lúa và cỏ lùng cùng mọc lên và sống chung với nhau. Thiên Chúa muốn cả hai có thể nhìn thấy nhau, sống chung với nhau mà biến đổi. Cũng như người tốt có thể qua kẻ xấu mà thăng hoa cuộc sống của mình. Ngược lại, kẻ xấu cũng có thể qua người tốt mà biến đổi đời sống của họ trở nên tốt lành và hữu ích.
Hôm nay đi vào lối sống đạo, Thiên Chúa cũng muốn những ai đang theo Người hãy sống khoan dung, nhân hậu, hãy biết tha thứ, và luôn quảng đại đối với tha nhân. Bất kể họ là ai, là người xấu xa hay tốt lành.
Thiên Chúa lên án lối sống giả hình, đạo đức giả. Nhưng lại rất thương xót, và bao dung với những ai yếu đuối, tội lỗi mà lại biết ăn năn sám hối.
Lạy Thiên Chúa là Đấng nhân hậu và hay thương xót. Xin cho con biết sống yêu thương, và bao dung với hết thảy mọi người như Chúa đã yêu thương con. Amen.
CÁT BIỂN
Chờ đợi … (01.08.2017)
Người dân Nam bộ có câu: “Cạn đìa mới biết lóc trê”. Ý nói, ao đìa cạn nước mới biết được trong ao đó có các loại cá nào. Cá lóc hay cá trê…
Hôm nay, Tin Mừng theo thánh Mát-thêu cũng cho thấy trong cuộc sống này luôn có người tốt kẻ xấu sống chung; điều thiện lẫn sự ác vẫn tồn tại song song. Thậm chí có khi dường như kẻ xấu luôn thắng thế, người thiện lành luôn bị chèn ép, thiệt thòi; điều xấu bạo ngược lại được số đông ủng hộ, và xem như là sống biết thế biết thời…
Thế nhưng, Thiên Chúa luôn có cách của Ngài. Thời giờ của Thiên Chúa không phải là thời giờ của con người…Mọi diễn biến trên đời này không nằm ngoài ý muốn của Thiên Chúa.
Thánh Mát-thêu cho thấy đức kiên nhẫn chính là đỉnh cao của đức trông cậy Kitô giáo vậy. Thiên Chúa kêu gọi hãy chờ đợi đấy. Hãy chờ đợi đến mùa gặt. Chờ đợi đến ngày tận thế. Lúc đó, sẽ phân rõ trắng đen. Ai trở nên chói lọi như mặt trời; ai sẽ ra tối tăm bị quăng vào lò lửa – thì chỉ tới lúc chung cuộc sẽ rõ mà thôi.
Lạy Chúa Giê-su, sức mạnh của tội ác, của ma quỉ, của sự dữ và ơn Chúa cùng lúc tồn tại, ngự trị trong tâm hồn con là một thực tại không thể chối cãi được. Điều thiện con muốn làm nhưng con lại thường không làm. Xin Chúa chớ để con sa chước cám dỗ; xin cứu con khỏi mọi sự dữ. Amen.
CÁT BIỂN
Dụ ngôn cỏ lùng
Khi rời đám đông về nhà, các môn đệ xin Đức Giê-su giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng. Người giải thích thật rõ ràng: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần.” Bức tranh “ruộng thế gian” luôn gồm đủ mọi hạng người. Nhân thế không chỉ có sự khác biệt giữa người với người, mà còn có cả sự thù nghịch giữa người với người nữa. Cỏ lùng và lúa ví như kẻ xấu người tốt luôn hiện diện, luôn có đó trong cùng một thế gian này.
Có khi cỏ lùng ngay bên cạnh mình. Mọi người trong xã hội sống trà trộn với nhau. Người được coi là “tốt” thì thường có tư tưởng muốn thanh toán, khử trừ những người bị cho là xấu xa, hư hỏng, tội lỗi, nghiện ngập… bên cạnh, để tránh tai họa, ảnh hưởng xấu đến mình. Có khi người không ưa cũng bị đối phương coi như một thứ “cỏ lùng” và không muốn sống chung.
Ngôn sứ I-sa-ia từng mô tả một bức tranh tình đại đồng thật đẹp: “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang” (Is 11,6-8).
Trong dụ ngôn cỏ lùng, người đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?” Ông bảo: “cứ để cả hai lớn lên cho tới mùa gặt… Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy.” Thiên Chúa là Đấng cho mưa xuống trên cả người lành và kẻ dữ. Ngài tôn trọng những quy luật tự nhiên, cũng như tôn trọng sự tự do của con người. Ngài kiên nhẫn chờ đợi sự hoán cải, đổi mới từ cỏ lùng trở thành lúa tốt. Trong bài đọc I, Đức Chúa ngự xuống trong đám mây và nói với Mô-sê: “ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi”.
Như vậy lúa sẽ sống chung với cỏ lùng, hy vọng “cỏ lùng” được Chúa biến đổi trở thành lúa tốt tươi. Có những thứ cỏ lùng lại mọc ngay trong lòng mỗi người. Vậy tự sức riêng tôi có thể nhổ cỏ lùng ra khỏi chính con người của mình được không? Khi tôi mở lòng đón Chúa vào cuộc đời hãy còn cỏ lùng ngổn ngang, nhưng có Chúa bên trong sẽ dần đẩy xa điều xấu, biến đổi thành cây lúa tốt lành.
Én Nhỏ
Thiên Chúa khoan dung, kiên nhẫn chờ đợi tội nhân sám hối (28. 07. 2015)
1. Ghi nhớ: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con người” (Mt 13,37).
2. Suy niệm: Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ hiểu ý nghĩa bài dụ ngôn cỏ lùng : hạt giống tốt là con cái Nước Trời, cỏ lùng là nô lệ ác thần. Chúa nhấn mạnh đến ngày tận thế là mùa gặt, sẽ có việc phân biệt rõ ràng kẻ lành người dữ, và sẽ có thưởng có phạt phân minh. Thế gian nói chung và Hội Thánh nói riêng, vẫn luôn có kẻ lành người dữ, kẻ tốt người xấu sống chung lẫn lộn với nhau. Thiên Chúa không trừng phạt kẻ tội lỗi ở đời này, chỉ vì Người khoan dung, kiên nhẫn chờ đợi tội nhân sám hối trở về, để được hưởng ơn tha thứ.
3. Sống Lời Chúa: Mọi sự tốt lành đều bởi Chúa, do đó, ai sống tốt và làm điều tốt thì thuộc về Thiên Chúa.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, mầm sống của hạt giống tốt đã có sẵn trong tâm hồn con. Xin cho con biết tận dụng để làm cho mầm sống ấy được mỗi ngày mỗi lớn lên trong tâm hồn con. Amen.