Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: 1 Ga 5,5-13, Mc 1,7-11
Bài đọc 1: 1 Ga 5,5-13
Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ.
Anh em thân mến,
ai là kẻ thắng được thế gian,
nếu không phải là người tin rằng
Đức Giê-su là Con Thiên Chúa ?
Chính Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu ;
không phải chỉ trong nước mà thôi,
nhưng trong nước và trong máu.
Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật.
Có ba chứng nhân :
Thần Khí, nước, và máu.
Cả ba cùng làm chứng một điều.
Chúng ta vẫn nhận lời chứng của người phàm,
thế mà lời chứng của Thiên Chúa còn cao trọng hơn,
vì đó là lời chứng của Thiên Chúa,
lời Thiên Chúa đã làm chứng về Con của Người.
Ai tin vào Con Thiên Chúa,
người đó có lời chứng ấy nơi mình.
Ai không tin Thiên Chúa,
thì coi Thiên Chúa là kẻ nói dối,
vì kẻ ấy không tin vào lời Thiên Chúa
đã làm chứng về Con của Người.
Lời chứng đó là thế này :
Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời,
và sự sống ấy ở trong Con của Người.
Ai có Chúa Con thì có sự sống ;
ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống.
Tôi đã viết những điều đó cho anh em
là những người tin vào danh Con Thiên Chúa,
để anh em biết rằng anh em có sự sống đời đời.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 1,7-11)
7 Khi ấy, ông Gio-an rao giảng rằng : “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. 8 Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.”
9 Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. 10 Vừa lên khỏi nước Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người. 11 Lại có tiếng từ trời phán : “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”
Khiêm nhường và vâng phục Thánh ý Chúa (06.01.2024)
Gioan Tẩy giả là một người luôn hoàn thành trọn vẹn vai trò, sứ mệnh tiền hô dọn đường cho Đấng Cứu Thế : dù được dân chúng tôn sùng, ngưỡng mộ nhưng ông vẫn khiêm tốn nhận mình chỉ là vai phụ, nếu so với nhân vật chính “là Đấng đến sau” thì ông thua kém nhiều lắm, đến nỗi “không đáng cởi dây giầy cho Người”; rằng phép rửa của ông chỉ bằng nước sông Giô đan, không thể so sánh với phép rửa trong Thánh Thần của Đấng Cứu Thế; rằng “Người phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại”.
Ông Gioan hiên ngang làm chứng cho sự thật, dù rằng chính sự can đảm ấy đã khiến ông phải chết.
Và đúng như ông Gioan đã giới thiệu, Chúa Giêsu, Chiên Thiên Chúa, đấng xóa tội trần gian, đã có những biểu hiện vượt trội khi Người xuất hiện. Người là Con thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng vẫn hành xử như một người bình thường. Người vô tội nhưng vẫn thực hiện điều mà một kẻ tội lỗi phải làm : Người chịu phép rửa bởi ông Gioan.
Chúa Giêsu làm việc ấy vì Người hoàn toàn vâng phục và thực hiện theo ý của Chúa Cha. Điều đó làm đẹp lòng Chúa Cha, được Chúa Cha xác nhận. Ngay giây phút Chúa Giêsu bắt đầu bước vào giai đoạn hoàn tất kế hoạch cứu chuộc nhân loại của Chúa Cha thì Ba Ngôi Thiên Chúa đã hiện diện. Tầng trời, vốn bị đóng lại khi ông bà nguyên tổ loài người phạm tội phản nghịch với Thiên Chúa, đã mở ra. Và Thiên Chúa Cha đã lên tiếng xác nhận Chúa Giêsu là “Con yêu dấu của Cha, con đẹp lòng Cha mọi đàng.”
Lắng nghe bài Tin Mừng hôm nay, trong lòng tôi nhiều cảm xúc mâu thuẫn. Trước hết tôi thấy hạnh phúc vô cùng vì mình đã được làm con Thiên Chúa bởi Phép Rửa tôi đã lãnh nhận khi con bé. Nhưng rồi tôi bùi ngùi buồn bã vì thấy mình chưa ý thức đủ, chưa hành xử đúng vị thế là con Thiên Chúa. Tôi biết tôi sống chưa đẹp lòng Chúa, nhưng tôi cũng biết Tình Chúa yêu tôi còn lớn hơn những tội lỗi của tôi. Điều này làm tôi không thất vọng và giúp tôi can đảm chạy đến với Chúa.
Con đường theo Chúa Giêsu là con đường hẹp, là con đường Thập giá nên không dễ gì theo được, mà đường đời thì vô vàn những quyến rũ để tiến vào. Thế nên trên đường đi theo Chúa tôi luôn bị lực kéo của trần gian làm tôi chệch hướng.
Chúa Giêsu đã căn dặn các môn đệ khi ở trong vườn Cây Dầu : “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối.” (Mc 14,38). Đây chính là phương thuốc Chúa đã chỉ ra để chữa chứng bệnh yếu đuối của tôi.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho con biết noi gương Chúa, noi gương Thánh Gioan Tiền Hô mà khiêm nhường vâng phục thi hành Thánh Ý Chúa. Xin Chúa ban thêm sức mạnh cho con, giúp con có thể nỗ lực, kiên trì không mệt mỏi, luôn sống đẹp lòng Chúa, để con tạ ơn và đền đáp lại những hồng ân Chúa đã ban cho con trong cuộc sống này. Amen.
Jos. NM Tưởng
Đi tìm Chúa tôi (06.01.2023)
Chắc hẳn khi nhắc đến Giáng Sinh, mọi người đều nghĩ về những hình ảnh lung linh lấp lánh của những dây đèn neon. Các gia đình lại có dịp quy tụ để cùng ăn uống thâu đêm, giới trẻ thì cùng nhau đi dạo trên những con phố tràn ngập ánh sáng và nô nức tiếng cười đùa. Mọi người chụp nhiều hình đẹp lắm, ở đâu có nhà thờ trang trí Noel mà ở đó có người đến tham quan. Đôi lúc bản thân nghĩ lại, nếu hang đá trơ chọi không có ánh đèn, thì liệu có còn ai đến với hài nhi Giêsu không?
Hơn hai ngàn năm trước, con người thời điểm đó đã không biết Chúa đến, cũng chẳng đón tiếp Người. Trong một đêm giá rét thấu xương, thì Thánh Giuse và Đức Maria lại bị ghẻ lạnh, bị khinh chê đến nỗi không thể tìm được một quán trọ dung thân. Một hài nhi ra đời trong “chuồng bò” – nơi dành cho đàn vật, nơi mà cái lạnh mùa đông có thể khiến hài nhi sơ sinh qua đời ngày lập tức. Các vua chúa Do Thái đâu? Chăn ấm nệm êm đâu? Hay là hơi thở của đàn bò còn ấm cúng hơn lòng người? Người đến thờ lạy Chúa lại là những trẻ chăn chiên nghèo khó. Kẻ tìm kiếm Chúa lại là ba vị đạo sĩ dân ngoại từ phương Đông trẩy về.
Đến hôm nay, đã là hơn hai nghìn năm sau. Loài người chúng ta vẫn không khác năm xưa. Tôi đi đến hang đá Giáng Sinh là vì tôi đi tìm sự hào nhoáng, tôi đi tìm sự đẹp đẽ chóng qua. Mấy ai thật sự quan tâm đến Chúa Giêsu hạ sinh cho đời. Nếu hang đá không có tượng Chúa, nhưng vẫn lộng lẫy đèn sao, người ta vẫn sẽ đến chụp hình. Con người ta thật sự đã quên mất Thiên Chúa. Giống hệt như Hêrôđê chỉ nghĩ cho địa vị bản thân, chúng ta cũng chỉ muốn đẹp đẽ, muốn vui thích với “Mùa Noel” này.
Chỉ còn vài ngày nữa là chúng ta sẽ đến Lễ Hiển Linh, và cũng báo hiệu gần hết mùa Giáng Sinh năm nay. Hãy để con tim của ta được hòa cùng một Chúa Giêsu cô đơn trong hang đá. Ngài lạnh lẽo, Ngài buồn phiền vì con người mượn Chúa để thỏa niềm vui thế gian, mà quên mất rằng chính Ngài mới là niềm vui cứu độ. Hãy dâng những lời cầu nguyện lên hài nhi Giêsu, hãy đến bên Người để trao hơi ấm của chính mình.
Không cần văn chương, không cần nghi thức rườm rà, cũng chẳng cần đọc thật nhiều kinh nguyện. Hãy để đôi chân con đi tìm Chúa! Tìm Người nơi hang đá, tìm Người nơi Bí Tích Thánh Thể, đi tìm hết mọi ngóc ngách cuộc đời con như ba vị đạo sĩ đã từng.
“Để con chạy đến bên Chúa, con ở cùng Chúa và Chúa ở cùng con.”
Ngọn cỏ ven đường.
Con là Con yêu dấu của Cha (06.01.2017)
Chúa Giê-su đã khởi sự rao giảng tin mừng bằng việc chịu phép rửa bởi ông Gioan tại sông Gio-đan. Tại dòng sông này một đoàn người rất đông từ mọi nơi tuôn đến. Họ đã nghe lời Gioan kêu gọi, nhìn nhận tội lỗi của mình để xin Gioan làm phép rửa. Với lòng thực tâm ăn năn sám hối và muốn thay đổi nếp sống cũ, thay đổi đời sống đầy những đam mê để trở nên một con người mới.
Trong dòng người đông đảo, Chúa Giê-su đã hòa mình với những con người đang từ nhiều nơi tuôn đến, Người muốn chia sẻ về thân phận yếu đuối, muốn thấm thía và đồng cảm gánh nặng tội lỗi để cứu con người, một hành trình độc đáo và thời điểm khởi sự lộ trình cứu độ đã bắt đầu.
Lộ trình này không diễn ra theo chiều từ trên ban xuống nhưng từ vực sâu thẳm của thân phận con người mà đi lên. Từ sự mỏng dòn, đầy đam mê bất lực để vươn tới sức mạnh và uy quyền của tình yêu cao cả. Đúng là chỉ có một Thiên Chúa cao cả, một Thiên Chúa đầy tình yêu thương nhân loại mới nghĩ ra được một đường lối tuyệt vời để đến và ở cùng nhân loại như thế. Chúa đã sống và hòa nhập với loài người, chịu thánh tẩy trên sông Gio-đan như mọi người. Chính nhờ sự khiêm hạ yêu thương của Chúa, khiến tầng trời mở ra để giao hòa đất với trời, Thần Khí của Chúa Cha lại được ban xuống qua vị trung gian duy nhất sau nhiều thời gian đứt đoạn. Trong Đức Ki-tô, nhân loại được hòa giải với Thiên Chúa, từ thân phận tro bụi, con người được cứu chuộc để trở nên con Thiên Chúa, nhờ sự tự hủy của Người mà chúng ta được hưởng ơn cứu độ.
Ôi làm sao ta có thể suy hiểu được một Thiên Chúa cao cả, muôn loài muôn vật cung kính ngợi khen, mà Ngài lại cúi mình xuống nhận dấu chỉ sám hối từ một người phàm. Thực ra điều này không làm mất đi phẩm giá nơi con người Chúa Giê-su mà trái lại làm ảnh hưởng của Ngài càng lớn. Chính sự kiện này mà mầu nhiệm Thiên Chúa được tỏ ra cho loài người. Vì yêu thương thế gian, Người không muốn trừng phạt mà muốn cứu vớt để đưa con người trở về với sự trung tín giữ lệnh truyền của Chúa.
Chính cái hành động muốn đứng bên con người để cứu rỗi con người mà Chúa Cha đã rất hài lòng về người: “Vừa lên khỏi nước Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người. Lại có tiếng từ trời phán : “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” (Mc 1, 10-11)
Thiên Chúa Cha hài lòng bởi Con Một Ngài đã tín thác trọn hảo mà loài người phải đạt đến. Ngài đã tin vào Tình yêu của Thiên Chúa, nhận mình yếu đuối và cậy trông vào lòng nhân từ thương xót của Chúa Cha. Noi gương Chúa Ki-tô Ngôi Hai nhập thể cứu đời, xin cho mỗi người chúng con được sống khiêm hạ, nhận biết mình tội lỗi mọn hèn, để chúng con được Chúa dẫn vào chốn vinh quang mai này. Muốn được thế, qua bài Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy luôn tự hỏi mình: Trong mỗi ngày sống của mình, tôi có cố gắng để làm Chúa Cha hài lòng về tôi chưa? Ngài đã có thể nói với tôi như đã nói với Chúa Giê-su: “Hỡi con yêu dấu, hôm nay Ta rất hài lòng vì con”?
Lạy Chúa, con ngợi khen Chúa, con cảm ơn Chúa vì Chúa luôn yêu thương con, Chúa đã cho Con Chúa xuống làm người vì con. Xin Chúa cho con luôn biết sống đẹp long Chúa để đáp trả những gì Chúa đã ban tặng cho loài người chúng con.
Thanh anh Nhàn