Lan tỏa sức sống mới (06.04.2024 – Thứ Bảy Tuần Bát Nhật Phục Sinh)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Cv 4,13-21, Mc 16,9-15

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 16,9-15)

9 Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. 10 Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. 11 Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.

12 Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. 13 Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.

14 Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. 15 Người nói với các ông : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”

Lan tỏa sức sống mới (06.04.2024)

Bài Tin Mừng hôm nay là phần kết thúc Tin Mừng Mác-cô, là bản tóm lược các sự kiện về Chúa Giêsu phục sinh và lên trời từ ba Tin Mừng Matthew, Luca và Gioan.

Điều dễ nhận ra nhất trong Tin Mừng là thái độ cứng lòng tin của các tông đồ về việc Chúa Giêsu phục sinh. Việc người Do Thái tin có sự sống đời sau rất muộn, dù trong sách Isaia và Thánh vịnh đã nói đến (x. Is 26,19 và Tv 49,16). Những tư tưởng về sự chết kiểu như “về với tổ tiên, sum họp với cha ông”, chết là hết vẫn là chủ yếu. Chỉ đến thờ Macabê và Đanien (khoảng từ hai, ba thế kỷ tCN), thì quan niệm có sự sống đời sau mới rõ ràng : «Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ chỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời!» (Đn 12,2); chuyện bẩy anh em tử đạo; việc ông Macabê quyên tiền gửi về Giêrusalem để cầu nguyện cho các tử sĩ (x. 2 Mcb 7,1-41. 12,43-45).

Hơn nữa văn hóa Hy Lạp đang ảnh hưởng mạnh đến dân Do Thái thời Chúa Giêsu, mà người Hy lạp không tin việc sống lại. Điển hình như trong hành trình rao giảng Tin Mừng của Thánh Phaolô, lúc Ngài tới thủ đô Athen, giới trí thức Hy Lạp đang rất hào hứng nghe Thánh Phao lô rao giảng về Thiên Chúa, nhưng khi Ngài nói đến Chúa Giêsu sống lại, lập tức họ mỉa mai nhạo cười đến nỗi Thánh nhân phải bỏ họ mà đi (x. Cv 17, 16-33).

Vì vậy khi bà Maria Mađalêna nói cho các môn đệ của Chúa Giêsu biết Chúa sống lại và bà đã thấy Người, rồi hai môn đệ về quê ở Emmaus cũng cho các môn đệ biết họ đã gặp Chúa sống lại, đã đồng hành và đồng bàn, đã nhận ra Người thế nào khi Người bẻ bánh, thì họ cũng không tin. Chỉ đến khi chính Chúa Giêsu hiện đến với họ, khiển trách họ cứng lòng thì họ mới tin.

Điều này làm cho việc tin Chúa Giêsu đã phục sinh càng vững chắc hơn vì đã được chính các tông đồ kiểm chứng kỹ lưỡng. Các ông trở thành những chứng nhân đáng tin cậy hàng đầu vì đã trực tiếp gặp Chúa Giêsu sống lại chứ không phải chỉ do thấy ngôi mộ trống.

Nhưng dù đã “thấy tận mắt, sờ tận tay” và đã nhận được lệnh của Chúa Giêsu là phải “đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài”, nhưng các môn đệ cũng vẫn chỉ ở trong nhà chuyên cần cầu nguyện (x. Cv 1, 13-14). Phải đến lễ Ngũ Tuần, sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần và được Ngài tác động, các tông đồ mới “bung ra”, mạnh dạn rao giảng và làm chứng cho dân chúng ở Giêrusalem biết về Chúa Giêsu đã chết và đã Phục Sinh, Vì chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe”, như hai ông Phê rô và Gioan đã trả lời các thủ lãnh, kỳ lão và luật sĩ Do Thái khi họ cấm các ông rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu Phục Sinh. Những lời rao giảng đầu tiên của các Tông đồ được Truyền thống Giáo hội gọi là “Kerygma- κήρυγμα”, là bản tóm lược toàn bộ và cốt lõi Tin Mừng : Chúa Giêsu là Người đã chết và đã sống lại. Nhiệm vụ đầu tiên và là cốt yếu của Kitô hữu, cũng là bản chất của Hội Thánh là đi rao giảng Tin Mừng của Chúa.

Ngay khi còn tại thế, dù gặp sự chống đối mãnh liệt nhất là bị loại trừ, Chúa Giêsu đã đi rao giảng. Giáo Hội sơ khai theo gương vị sáng lập nên luôn lấy việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu là nhiệm vụ chính yếu hàng đầu. Giáo hội làm đúng theo mệnh lệnh của Chúa, là rao giảng cho muôn loài thọ tạo chứ không chỉ nhằm một nhóm hoặc một dân tộc nào.

Ở Việt Nam, Kitô giáo chính thức có mặt tại Đàng Trong ngày 18-01-1615. Sau nửa thế kỷ, năm 1665 miền này có gần 50.000 bổn đạo. Tại Đàng Ngoài, đúng ngày lễ Thánh Giuse 19-3-1627, hai cha Pedro Marques và Alexandre de Rhodes đến cửa Bạng Thanh Hóa để rao giảng Tin Mừng. Đàng Ngoài là nơi mà các thừa sai nhận xét rằng “trong cõi phương Đông chẳng có dân tộc nào thích hợp với Kitô giáo hơn …”, “đó là dân tộc đơn sơ, ngoan hiền, không vướng mắc những thói tật xấu xa, thường làm cho người ta khó thực hành các nhân đức Kitô giáo”, nên Tin Mừng đã được tiếp nhận và phát triển nhanh chóng. Ba năm sau, khi hai cha rời khỏi Đàng Ngoài thì ở đây đã có 6.700 người theo đạo. Đến năm 1663 Đàng Ngoài đã có trên 350.000 giáo dân. (Theo Đỗ Quang Chính, S.J., Tàn mạn Lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, t. 49…)

Chúa Giêsu sống lại để ban sức sống mới cho các môn đệ, để Tin Mừng được loan truyền. Tin Mừng của Chúa Giêsu là Tin Mừng của sự sống chiến thắng sự chết, của yêu thương đẩy lui gian ác, của tha thứ thắng hận thù. Tin Mừng đem lại một thế giới yêu thương, bình an và hạnh phúc.

Kitô hữu và gia đình ngày nay thực hiện mệnh lệnh của Chúa Giêsu như thế nào rồi ?

Năm 2023 dân số Việt Nam có khoảng 100,3 triệu người, trong đó người Công giáo khoảng 7,21% . Tỉ lệ này khá “bền vững” sau nhiều năm. Nhưng số giáo dân rửa tội hàng năm hầu như chỉ là những trẻ mới sinh của các gia đình Công giáo, hoặc những bạn trẻ theo đạo để kết hôn. Còn rửa tội cho các tân tòng lớn tuổi, tự nguyện tìm hiểu và theo đạo thì rất ít.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng con luôn hãnh diện là con cháu của các Anh Hùng Tử Đạo, máu đào của các Thánh đã đổ ra để Hội Thánh Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Nhưng đến lượt chúng con thì mọi việc xem chừng bế tắc. Xin Chúa Giêsu Phục Sinh ban cho chúng con sức sống mới, giúp chúng con lan tỏa sức sống ấy đến mọi người mọi vật, để tất cả nhận ra Chúa chính là Đấng đem lại bình an và sự sống vĩnh cửu cho muôn loài. Amen.

Jos. NM Tưởng

Loan báo Tin Mừng cho mọi thọ tạo (15.04.2023)

Ghi nhớ:

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15)

Suy niệm:

Có một người tín hữu kia, đời sống đạo của anh ta thuộc loại bình thường. Bên cạnh nhà anh là một người ngoại đạo. Một hôm anh sang nhà hàng xóm chơi và tặng cho người ấy một quyển Phúc Âm.

Bẵng đi một thời gian khá lâu, người này sang nhà và vô tình thấy quyển Tin Mừng bị người hàng xóm cho vào sọt rác. Thấy vậy anh liền trách.

Tôi tặng anh quyển Kinh Thánh thế mà sao anh không đọc?.

Người hàng xóm nhẩn nha trả lời.

Đối với tôi, anh mới là quyển kinh thánh mà tôi đọc hàng ngày.

Thầy của mình đã từ cõi chết sống lại, đã có nhiều người làm chứng cho điều đó, thế nhưng những kẻ đã từng sống với Người vẫn không tin: là Đức Giê-su đã Phục Sinh. Cuối cùng Chúa tỏ mình ra cho nhóm Mười Một khi các ông đang cùng nhau dùng bữa. Đức Giê-su đã khiển trách các ông vì sự cứng lòng tin. Thật vây, các môn đệ rất đáng trách, vì đã ba năm theo Thầy, nghe những điều Thầy giảng dạy, chứng kiến bao phép lạ cả thể Thầy làm, và nhất là trước khi bước vào cuộc thương khó Thầy Giê-su đã tiên báo trước không chỉ một lần mà là ba lần cho các ông biết: “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án tử cho Người… Ba ngày sau Người sẽ sống lại” (Mc 10, 33-34). Như vậy mà các ông vẫn không nhớ ra.

Sau đó Người đưa ra một lệnh truyền là: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ, còn ai không tin sẽ bị kết án” (Mc 16, 15).

Qua bài học rút ra từ sự cứng lòng của các môn đệ, chúng ta nhìn lại bản thân mình. Chúng ta có để cho Chúa làm chủ và điều khiển mọi hành vi lời ăn tiếng nói cũng như mọi việc mình làm hay không? Chúng ta có hoàn toàn tin tưởng và phó thác mọi sự trong Chúa không? Thứ đến, một điều quan trọng và rất cấp bách là chúng ta có vâng lời và luôn thực hiện lời kêu gọi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo không? Mà cách giới thiệu Chúa đến với mọi người là bằng đời sống chu toàn bổn phận,  chu toàn mọi giới luật mà Chúa cũng như Hội Thánh chỉ dạy. Được như thế thì chúng ta mới xứng đáng là một Ki-tô hữu.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, biến cố Chúa Sống lại đã rõ ràng, nhưng để sống Mầu Nhiệm Phục Sinh lại là một vấn đề khác. Chúa đã Phục Sinh để chúng con cùng được sống lại với Chúa. Xin cho chúng con biết bỏ đi con người cũ, mặc lấy con người mới là sống đạo đức, không tham lam, không ghen ghét hận thù… để chúng con được sống lại trong con người mới: biết yêu thương, tha thứ. Khi biết sống như vậy chúng con đã sống Mầu Nhiệm Phục Sinh đồng thời trở nên chứng nhân loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người. Amen.

Sống Lời Chúa

Sông hiền lành, yêu thương và giúp đỡ mọi người khi họ cần.

Đaminh Trần Văn Chính.

Chung xây gia đình Hội Thánh (23.04.2022)

Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ là để trao cho các ông sứ vụ loan báo Tin Mừng. Các môn đệ Chúa Giêsu đã cố gắng thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng suốt 2000 năm qua. Tin Mừng Phục Sinh là Tin Mừng sự sống thắng sự chết, tình yêu thắng gian ác, tha thứ thắng hận thù. Kitô hữu là những người sống cùng một niềm tin, cần tin tưởng lắng nghe nhau, chia sẻ một tinh thần, ăn cùng một tấm bánh, để sức mạnh Chúa Kitô nối kết chúng ta chung xây gia đình mình là Hội Thánh nhỏ của Chúa.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, Chúa muốn ban sức sống mới cho mọi người, mọi vật. Xin cho chúng con biết đón nhận sức sống phục sinh của Chúa, để xây dựng và củng cố gia đình mình trở thành một Hội Thánh tại gia, một cộng đoàn đức tin, đức cậy và đức mến.

Niềm tin Phục Sinh (10.04.2021)

Tin Mừng hôm nay thuật lại sự kiện Đức Giê-su phục sinh hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Bà đã thấy và nhận ra Chúa, và bà đi báo tin Thầy Giê-su đã sống lại cho những kẻ đã từng sống, từng ăn uống ngủ nghỉ với Chúa trước đây; chắn chắc một điều đứng đầu danh sách những kẻ từng sống với Chúa chính là Nhóm Mười Hai và các môn đệ đang buồn bã khóc lóc cho cái chết của Thầy mình, nhưng họ một mực không tin. Vì thế, Chúa Giê-su đã tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm “buồn bã khóc lóc” đó, trong khi họ đang trên đường về quê. Hai ông này trở về báo tin cho các ông “buồn bã khóc lóc” khác hay Chúa đã sống lại, nhưng các ông ấy vẫn không tin lời chứng của hai người này. Cuối cùng, Đức Giê-su đích thân tỏ mình ra cho chính nhóm Mười Một nhận biết Người vẫn đang sống, đang khi các ông đang dùng bữa. Người khiển trách họ về tội không tin và cứng lòng trước những lời chứng của những kẻ đã thấy Ngài phục sinh. (x. Mc.16,9-15)

Chính khi đã được gặp Thầy Giê-su bằng xương bằng thịt, được chính Thầy đồng hành giải thích, mở trí cho hiểu Thánh Kinh… các ông mới tin. Từ đó, các ông mạnh dạn rao giảng Tin Mừng Chúa Phục Sinh dù bị cấm tuyệt đối không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giê-su (x. Cv. 4,18;20) và sẵn sàng chết để minh chứng niềm tin đó (x. Rm. 8,35-39).

Xem ra thật khó mà tin rằng Thầy Giê-su đã phục sinh, ngay cả đối với các môn đệ, dù họ đã được nghe Chúa Giê-su tiên báo nhiều lần khi họ cùng với Ngài đi khắp nơi trong xứ Pa-lét-tin để giảng dạy, chữa lành bệnh hoạn tật nguyền, và khử trừ ma quỷ.

Lạy Chúa, xin cho con luôn tín thác vào tình yêu của Người, một tình yêu không giới hạn, để được cảm nhận trọn vẹn tình yêu của Người trong từng biến cố của đời con. Amen.

CÁT BIỂN

Chứng tá Tin Mừng Phục Sinh (18.04.2020)

Chúa Giê-su đã sống lại – Đây không chỉ là một sự kiện quá khứ của lịch sử nhân loại; hay Chúa Giê-su đã sống lại chỉ đơn thuần là biến cố xảy ra bất ngờ trong một khoảng thời gian cố định. Nhưng Chúa đã sống lại là một sự thực hiển nhiên của tiến trình đức Tin. Đặc biệt sự sống lại của Chúa là một thực tại diễn ra mỗi ngày ngay bây giờ, trong thì hiện tại.

Thông thường thì dù có nghe bao điều hay về một sự kiện nào đó đã xảy ra ở một nơi nào đó cũng khó bì kịp với việc cảm nhận và trải nghiệm. Đây cũng chính là kinh nghiệm “phục sinh” đầu tiên của các tông đồ; kinh nghiệm của một niềm tin đích thật vốn không phụ thuộc vào những giác quan môi miệng hay suy gẫm của lý trí, nhưng là một ơn ban được đón nhận với hoa trái đi kèm là sự canh tân, biến đổi đời sống cá nhân của chính mình, và được cụ thể hóa bằng một đời sống chứng tá sống động. Họ đã làm chứng cho sự phục sinh của Chúa…

Bài Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến thái độ không tin của các môn đệ khi chưa cảm nghiệm sâu sắc tiến trình phục sinh của Đức Ki-tô.

Ma-ri-a Mác-đa-la một mình chạy ra mộ Chúa, là dấu chỉ có thể nhìn thấy được lần cuối cùng về sự hiện diện của thầy mình, để khóc thương cho cái chết của Người, và bà đã ngạc nhiên về những gì xảy ra: ngôi mộ được đóng kín vào hôm chiều thứ sáu nay đã mở toang ra. Bà chạy về và báo lại cho các môn đệ với lời giải thích là ai đó đã đánh cắp xác Chúa Giê-su. Và các môn đệ bắt đầu kiểm chứng lời của Ma-ri-a. Phê-rô đến và bước vào trong, ông thấy những dây băng và tấm vải liệm được xếp gọn ghẽ và được đặt ngay ngắn. Vì thế, ông loại trừ khả năng xác của thầy mình bị đánh cắp. Cuối cùng, người môn đệ được Chúa Giê-su yêu mến cũng bước vào, ông đã thấy và ông đã tin rằng Đức Giê-su đã sống lại từ cõi chết. Chỉ đến giây phút này, tác giả Tin Mừng mới nói với chúng ta về ý niệm phục sinh, một ý niệm mà chính Kinh Thánh đã loan báo trước, nhưng đã không bao giờ tồn tại trước đây trong suy nghĩ của các môn đệ. Trước ngôi mộ trống, người môn đệ được Chúa yêu mến đã cảm nghiệm hành trình đức tin của mình – Ông đã thấy và ông đã tin.

Sau đó, Đức Giê-su đích thân tỏ mình cho cả nhóm Mười Một; Ngài đã hiện ra với họ, cùng họ trò chuyện, và ăn uống cùng với họ nhiều lần, nhiều nơi. Các tông đồ đã tin và tin chắc chắn một cách mạnh mẽ. Chính niềm tin ấy mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của các tông đồ, hướng dẫn các ông bước qua tăm tối và giúp cho các ông sống vui tươi, can đảm, và kiên nhẫn trong mọi nghịch cảnh. Và là nguồn động lực giúp các ông sẵn sàng ra đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng Chúa đã phục sinh cho mọi người (x. Mc 16,15).

Lạy Chúa, qua thánh lễ mi-sa và bí tích Thánh Thể con cũng tuyên xưng niềm tin của mình. Nhưng liệu có thật sự là chứng tá về Đức Ki-tô phục sinh cho mọi người xung quanh con hay không ?

CÁT BIỂN  

 Vẫn khó tin (27.04.2019)

Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỉ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống vời Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin. (Mc. 16, 9-11)

Sự phục sinh của Đức Kitô là trung tâm của đức tin Kitô giáo. Thánh Phao-lô đã quả quyết với chúng ta: Nếu Đức Kitô không sống lại thì đức tin của anh em ra vô ích, rỗng tuếch, không mục đích, vô giá trị, vô dụng, vì anh em vẫn ở trong tình trạng như cũ.

Chúng ta tuyên dương sự phục sinh của Đức Giêsu vào sáng ngày lễ vượt qua. Nhưng tự đáy lòng, sự khó tin vẫn không bao giờ đẩy xa khỏi chúng ta được. Chúng ta không bao giờ thấy Đấng phục sinh, không biết bóng dáng hình hài Người thế nào. Và chúng ta thường nghĩ rằng nếu chúng ta được may mắn như các tông đồ, thì đức tin của chúng ta sẽ không bao giờ lay chuyển, dù gặp bất cứ thử thách nào.

Tuy nhiên, nếu chúng ta chú ý đến Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy rằng đức tin giả thiết đó có nồng nàn bốc cháy như đức tin của các tông đồ. Thánh Mác-cô đã ba lần nhấn mạnh: “Nhưng họ vẫn không tin”, “và các ông vẫn không tin hai người này”, “Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng”.

Tin Đức Giêsu phục sinh đòi hỏi một điều khác nữa cần thiết hơn điều tai nghe mắt thấy. Đó là cảm nghiệm được sự sống lại và được giải thoát. Điều đó đòi hỏi sống cảm nghiệm tích cực, không giới hạn và cởi mở vô cùng.

Tóm lại, đức tin vào Đức Giêsu phục sinh chỉ phát sinh từ lòng trông cậy riêng đối với tôi, riêng đối với mỗi người. Trông cậy có thể được sống lại cho chính bản thân chúng ta trong sự hợp nhất với Người và duy trì được sự hiện diện sâu xa với Người ngay ở đời này.

Chúng ta cần phải bắt đầu thực hiện ngay với sự kiện phục sinh của Đức Kitô khi chúng ta cảm nghiệm được ý nghĩa và tầm quan trọng của mầu nhiệm này. Lúc đó trong ta mới vọt lên sức sống cuồng nhiệt trọn vẹn, một sức sống tràn trề hy vọng đời sống đổi mới chứ không bị hủy diệt.

Chính lúc đó chúng ta sẽ hiểu được tầm quan trọng của sứ điệp phục sinh đối với đời chúng ta, làm cho chúng ta say mê rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật.

C.G

Chuyện khó tin (07.04.2018)

Vào thời cái tông đồ, việc Chúa Giêsu sống lại thật sự là một chuyện vô cùng khó tin, việc đó càng khó có thể được chấp nhận vào thời đại khoa học phát triển như thế giới ngày nay. Việc một người trỗi dậy từ cõi chết quả thật không vượt quá trí tưởng tượng của con người, nhưng điều đó vẫn yên vị trong đầu họ mà thôi, người ta không thể tin được việc đó là có thật. Trong khi đó, việc Chúa Giêsu Phục Sinh vinh hiển không phải là lần đầu người ta thấy người chết sống lại.

Thật vậy, trước khi từ cõi chết trở về, Người đã từng làm phép lạ cứu con người khỏi lưỡi hái tử thần, đó là con trai của một bà góa thành Naim, con gái của một viên sĩ quan của đế quốc Roma và người bạn thân thiết của Người – anh Lazarô, em của hai cô Mácta và Maria. Không chỉ vậy, các tông đồ cũng tận mắt chứng kiến những điều đó, nhưng họ vẫn không tin rằng Chúa có thể sống lại. Đối với họ, đó là chuyện vô cùng khó tin.

Là những người đầu tiên phát hiện ngôi mộ trống, những người phụ nữ đã nhanh chóng báo tin cho các tông đồ, các ông không tin vì theo quan niệm thời bấy giờ, phụ nữ không đáng tin cậy. Tuy nhiên, sau khi gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, hai môn đệ trên đường Emau cũng gấp rút báo tin mừng ấy cho các tông đồ, nhưng các ông vẫn không chịu tin. Mãi đến khi chính Người hiện ra và trách các ông cứng lòng, lúc ấy, họ mới tin rằng Chúa đã sống lại.

Đừng vội trách các tông đồ kém tin, chúng ta hãy đặt mình vào hoàn cảnh ấy, liệu ta có dám tin tưởng rẳng một người đã chết có thể phục sinh hay không? Có lẽ là không, vì chuyện đó nằm ngoài khả năng của con người. Tuy nhiên, Đức Giêsu không chỉ là người thật, Người còn là Thiên Chúa thật, những việc con người không làm được không có nghĩa là Thiên Chúa cũng thế.

Là người Kitô hữu, chúng ta không thể tránh khỏi việc bị chế nhạo vì tin tưởng vào một câu chuyện hoang đường trong mắt người đời. Thế nhưng, chính nhờ lòng tin tuyệt đối vào sự Phục Sinh nằm ngoài khả năng của con người của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ được cứu rỗi. Nhiệm vụ của chúng ta không chỉ dừng lại ở việc tin mà còn phải mang niềm tin ấy trao cho người khác, để hết thảy mọi dân tộc đều tin tưởng vào Người.

Lạy Chúa Giêsu, Ngài đã chịu đau đớn, tủi nhục vì chúng con và đã Phục Sinh vinh hiển để cứu chuộc cho tội lỗi của chúng con. Xin cho chúng con biết ý thức được tình yêu cao cả tuyệt vời mà Ngài đã dành cho chúng con, để từ đó chúng con biết sống xứng đáng với tình yêu đó và mang nó đến cho anh chị em tha nhân xung quanh. Amen.

Petrus Sơn

Đích thật Đức Kitô đã Phục Sinh (22.04.2017)

SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng hôm nay nêu rõ tình trạng đức tin của các môn đệ Đức Giêsu Kitô. Sau biến cố trọng đại Đức Giêsu bị đóng đinh treo trên cây thập giá, Người đã chết và được các môn đệ tháo xác xuống rồi mai táng trong mồ đá; nhưng đến ngày thứ ba, khi ra thăm mộ thì xác Người không còn ở đó nữa. Một vài người trong nhóm các môn đệ, sau khi gặp Người ở những nơi khác nhau đã khẳng định Người đã sống lại rồi, nhưng các ông hoài nghi.

Các ông là những người đã đi theo Đức Giê-su ngay từ những ngày đầu khi Người công khai rao giảng Nước Trời và Tin mừng cứu độ; được chứng kiến biết bao dấu kỳ, phép lạ Người thực hiện để biểu lộ lòng thương xót tha thứ và đem lại niềm vui cho nhiều người; nhưng trước mầu nhiệm Phục sinh của Thầy chí thánh Giêsu Na-da-rét, thì các ông vấp phải một rào cản khiến lòng tin của các ông như bị dừng lại, đó là “giới hạn” trí khôn loài người nơi các ông.

Trước  sự kiện ngôi mộ trống và những cuộc gặp gỡ riêng tư của Đức Giê-su với những người thân quen như Mác-đa-la, như Cơ-lê-ô-pát và một môn đệ khác nữa ở Em-mau, không đủ sức thuyết phục các ông tin Người đã sống lại.

Chuyện người chết sống lại không phải là chuyện xa lạ; bởi các ông đã tận mắt chứng kiến La-da-rô em của cô Mát-ta và Maria ở Bê-ta-ni-a, chết được bốn ngày rồi và đã chôn trong mộ, Đức Giêsu đã làm cho anh ta sống lại (Ga 11, 40 – 44); hoặc người thanh niên, con người đàn bà góa ở thành Na-in, anh đã chết và người ta đang khiêng đi chôn; Đức Giêsu gặp ở cổng thành, Người ra hiệu dừng lại và chạm tay vào quan tài bảo anh sống lại (Lc 7, 11 – 15); hoặc khi con gái trưởng hội đường tên Gia-ia chết, gia nhân của ông ta đang than khóc thì Đức Giê-su đến và bảo nó không chết đâu, rồi người cầm tay đỡ cô dậy, cô đã sống lại (Lc 8, 49 – 56). Như vậy nguyên nhân nào khiến các ông cứng lòng, không tin Đức Giê-su đã sống lại từ cõi chết?

a. Không am hiểu Kinh Thánh, không lưu giữ lời tiên báo của Người.

Mặc dù đi theo Đức Giêsu lâu ngày và cùng Người gánh chịu biết bao tủi nhục, khinh chê của dân chúng, nhất là của giới lãnh đạo Do Thái giáo; đồng thời được nghe những lời lẽ khôn ngoan, được thấy những việc đầy quyền năng của Người; nhưng bởi giới hạn của con người, lòng tin của các môn đệ chựng lại trước những thực tại hiển nhiên trong cuộc khổ nạn của Người. Khi Đức Giê-su bị bắt, bị giao nộp cho giới lãnh đạo Do Thái, bị dân chúng vào hùa, hành hạ Người và dùng nhục hình thập giá để loại trừ thì các môn đệ đã chạy trốn,; sự sợ hãi vì an nguy bản thân, nhất thời cuốn trôi những giáo huấn và lời tiên báo của Người về cái chết Người phải chịu và sự phục sinh vinh hiển của Người. Thiếu vắng Đức Giê-su, thiếu vắng lời của Người, nhất là không mấy am hiểu Kinh Thánh, khiến các môn đệ hoài nghi trước thực tại siêu nhiên “Người đã sống lại rồi”

b. Trí khôn thực dụng, chưa có kinh nghiệm sống với Đức Giêsu.

Đức Giêsu bị bắt, chịu khổ hình thập giá, chịu chết và mai táng trong mồ là một chuỗi những thực tế quá phũ phàng, làm cho lòng tin của các môn đệ lay chuyển. Bởi các ông nghĩ rằng Đức Giêsu quyền năng sẽ không gặp sự khốn khó ấy và Người cũng sẽ không để những ai đi theo người phải lâm vào hoàn cảnh ấy. Nhưng sự việc xẩy ra hoàn toàn khác với suy nghĩ của các môn đệ; do đó các ông hoang mang và không dám tin lời những người trong nhóm bảo rằng  Đức Giêsu đã sống lại.

Tuy nhiên, Đức Giêsu yêu “những người ở thế gian và yêu họ đến cùng”; Người trực tiếp tỏ mình ra với nhóm Mười Một và một số các môn đệ khác nữa. Người khiển trách các ông cứng lòng và chậm tin; đồng thời Người khai mở tâm trí cho các ông nhận ra Người đã sống lại thật, và sự sống lại của Người đã biến đổi thân xác của Người nên vinh hiển, hoàn toàn khác biệt với những kẻ đã được Người cho sống lại như La-da-rô, như con trai của bà góa thành Na-in hoặc con gái ông Gia-ia  trưởng hội đường; vì những người này được sống lại nhưng sẽ chết, còn Người sống lại và sẽ sống trường tồn. Đức Giê-su không chấp nhất sự yếu kém của các môn đệ,  Người củng cố lòng tin cho các ông và sai các ông ra đi: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.

Gặp được Đức Giêsu, tâm trí các môn đệ mở ra và các ông xác tín mạnh mẽ Đức Giêsu Kitô đã sống lại thật; các ông mạnh dạn tuyên xưng đức tin của mình và loan báo cho mọi người việc Đức Giêsu tử nạn và phục sinh nằm trong chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa.

Mầu nhiệm tử nạn và phục sinh vinh hiển của Đức Giêsu Kitô là mầu nhiệm cốt lõi của Kitô Giáo; đòi hỏi người tín hữu phải có đức tin mạnh mẽ và kiên vững để đón nhận và sống.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi nỗ lực củng cố đức tin của mình bằng việc:

– Siêng năng cầu nguyện, đọc và suy niệm Kinh Thánh, nhất là sách Tin Mừng, tham dự các giờ kinh phụng vụ để lòng tin không bị sói mòn.

– Kết hợp với Đức Giêsu Kitô qua thánh lễ, các bí tích để kín múc giồi dào ân sủng của Người mà sống mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Người, và chu toàn sứ mệnh tông đồ giữa lòng đời hôm nay.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin ban thêm lòng tin và sức mạnh thiêng liêng để trong đời sống thường ngày, con tuyên xưng việc  Chúa đã tử nạn vì tội lỗi nhân loại chúng con và con biết loan truyền việc Chúa sống lại để biến đổi con nên giống Chúa.

SỐNG TIN MỪNG

Cậy nhờ ân sủng Chúa Kitô Phục Sinh, luôn gắn bó với sự sống thần linh để đổi mới cách sống và loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người.

Lòng tin yếu kém (02.04.2016)

SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng hôm nay nêu rõ sự yếu kém đức tin của các môn đệ Đức Giêsu. Các ông là những người đã theo Đức Giê-su ngay từ những ngày đầu công khai rao giảng của Người, được chứng kiến biết bao dấu kỳ, phép lạ người thực hiện để biểu lộ lòng thương xót tha thứ và trao ban ân phúc, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều người; nhưng trước sự kiện ngôi mộ trống và Đức Giê-su từ cõi chết đã sống lại, thì các ông không thể chấp nhận được; mặc dù được những người thân quen như Mác-đa-la, như Cơ-lê-ô-pát và một môn đệ khác nữa ở Em-mau, có diễm phúc được gặp lại Người sau khi Người phục sinh, họ báo tin cho các ông nhưng các ông vẫn không tin. Chuyện người chết sống lại không phải là chuyện xa lạ; bởi các ông đã tận mắt chứng kiến La-da-rô em của cô Mát-ta và Maria ở Bê-ta-ni-a, chết được bốn ngày rồi và đã chôn trong mồ, Đức Giêsu đã làm cho anh sống lại (Ga 11, 40 – 44); hoặc người thanh niên, con người đàn bà góa ở thành Na-in, anh ta đã chết và người ta đang khiêng đi chôn; Đức Giêsu gặp ở cổng thành, Người ra hiệu dừng lại và chạm tay vào quan tài bảo anh sống lại (Lc 7, 11 – 15); hoặc con gái trưởng hội đường tên Gia-ia, gia nhân đang than khóc vì cô đã chết thì Đức Giê-su đến và bảo nó không chết đâu, rồi người cầm tay đỡ cô dậy, cô đã sống lại (Lc 8, 49 – 56). Như vậy nguyên nhân nào khiến các ông cứng lòng, không tin Đức Giê-su đã sống lại từ cõi chết?

a) Không am hiểu Kinh Thánh, không lưu giữ lời tiên báo của Người

Thánh sử Lu-ca đặt các môn đệ của Đức Giêsu vào tình trạng trước khi các ông ném cả cuộc đời vào lòng thương xót tha thứ của Đức Giêsu và nhận ra mầu nhiệm Phục sinh của Người sau cuộc khổ nạn đau thương, tàn khốc. Mặc dù đi theo Đức Giêsu lâu ngày và cùng Người gánh chịu biết bao tủi nhục, khinh chê của dân chúng, nhất là của giới lãnh đạo Do Thái giáo; đồng thời được nghe những lời lẽ khôn ngoan, được thấy những việc quyền năng Người làm; nhưng bởi giới hạn của con người, lòng tin của các môn đệ dừng lại trước những sự việc cụ thể. Khi Đức Giê-su bị bắt, bị giao nộp cho giới lãnh đạo Do Thái và dân chúng vào hùa, hành hạ Người, dùng nhục hình thập giá để loại trừ. Các môn đệ không còn Người nữa, sự sợ hãi cuốn trôi những lời giáo huấn và lời tiên báo của Người về cái chết Người phải chịu và sự phục sinh vinh hiển của Người. Thiếu vắng Đức Giê-su, thiếu vắng lời của Người, nhất là không am hiểu Kinh Thánh khiến các môn đệ hoài nghi trước tin báo “Người đã sống lại rồi”

b) Trí khôn thực dụng, chưa có kinh nghiệm sống với Đức Giêsu

Đức Giêsu bị bắt, chịu khổ hình thập giá, chịu chết và mai táng trong mồ là một chuỗi những thực tế quá phũ phàng, làm cho lòng tin của các môn đệ lay chuyển. Bởi các ông nghĩ rằng Đức Giêsu quyền năng sẽ không gặp sự khốn khó ấy và Người cũng sẽ không để những ai đi theo người phải lâm vào hoàn cảnh ấy. Nhưng sự việc xẩy ra hoàn toàn khác với suy nghĩ của các môn đệ; do đó các ông hoang mang và không dám tin lời những người trong nhóm bảo rằng  Đức Giêsu đã sống lại.

Tuy nhiên, Đức Giêsu yêu “những người ở thế gian và yêu họ đến cùng”. Do đó, Người trực tiếp tỏ mình ra với nhóm Mười Một và một số các môn đệ khác nữa. Người khiển trách các ông cứng lòng và chậm tin. Người khai mở tâm trí cho các môn đệ nhận ra Người đã sống lại thật, và sự sống lại của Người đã biến đổi thân xác của Người nên vinh hiển, hoàn toàn khác biệt với những người đã được Người cho sống lại như La-da-rô, như con trai của bà góa thành Na-in hoặc con gái ông Gia-ia  trưởng hội đường, vì những người này được sống lại nhưng sẽ chết, còn Người sống lại và sẽ sống trường tồn. Đức Giê-su không chấp nhất sự yếu kém của các môn đệ,  Người củng cố lòng tin cho các ông và sai các ông ra đi: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.
Gặp được Đức Giêsu, tâm trí các môn đệ mở ra và các ông xác tín mạnh mẽ Đức Giêsu Kitô đã sống lại thật; các ông mạnh dạn tuyên xưng đức tin của mình và loan báo cho mọi người việc Đức Giêsu tử nạn và phục sinh nằm trong chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa.

Mầu nhiệm tử nạn và phục sinh vinh hiển của Đức Giêsu Kitô là mầu nhiệm cốt lõi của Kitô Giáo; đòi hỏi người tín hữu phải có đức tin mạnh mẽ và kiên vững để đón nhận và sống.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi nỗ lực củng cố đức tin của mình bằng việc:

– Siêng năng cầu nguyện, đọc và suy niệm Kinh Thánh, nhất là sách Tin Mừng, tham dự các giờ kinh phụng vụ để lòng tin không bị sói mòn.

– Kết hợp với Đức Giêsu Kitô qua thánh lễ, các bí tích để kín múc giồi dào ân sủng của Người mà sống mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Người, và chu toàn sứ mệnh tông đồ giữa lòng đời hôm nay.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin ban thêm lòng tin và sức mạnh thiêng liêng để trong đời sống thường ngày, con tuyên xưng việc  Chúa đã tử nạn vì tội lỗi nhân loại chúng con và con loan truyền việc chúa sống lại để biến đổi con nên giống Chúa.

SỐNG TIN MỪNG

“Loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”.

Tích cực thực thi chủ đề năm Phụng vụ: “Sống và loan báo lòng thương xót của Chúa” trong môi trường làm việc.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *