Xin quy tụ chúng con về một mối (23.03.2024 – Thứ Bảy Tuần V Mùa Chay)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Ed 37,21-28, Ga 11,45-57

Tin Mừng Chúa Giê- su Ki- tô theo thánh Gio-an (Ga 11,45-57)

Khi ấy, sau khi ông La-da-rô sống lại ra khỏi mồ, trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm. Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói : “Chúng ta phải làm gì đây ? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.” Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng : “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là : thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su. Vậy Đức Giê-su không đi lại công khai giữa người Do-thái nữa ; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Ép-ra-im. Người ở lại đó với các môn đệ.

Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do-thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giê-ru-sa-lem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ. Họ tìm Đức Giê-su và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau : “Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không ?” Còn các thượng tế và người Pha-ri-sêu thì ra lệnh : ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt.

Xin quy tụ chúng con về một mối (23.03.2024)

Đọc Tin Mừng hôm nay một nỗi buồn dâng trào ! Tin mừng mà lại buồn ?

Khi nghe Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chứng kiến những dấu lạ Người làm thì có những kẻ tin Người, nhưng cũng có những kẻ đã không tin, thậm chí còn đi tố cáo Người với các nhà lãnh đạo dân Do thái. Chúa Giêsu chỉ làm những việc tốt đẹp, thánh thiện, thể hiện tình yêu của Thiên Chúa với con người. Thế mà Người lại bị kết án tử vì những việc ấy, một việc hết sức vô lý.

Những người tin thì như mất hút vào vũ trụ vô tận, không thấy dấu tích, còn những kẻ ủng hộ cái ác thì ồn ào nổi trội ! Không buồn sao được ?!

Thực tế chuyện đời là như vậy. Ngày nay cũng thế, khi chứng kiến một việc làm người ta cũng có những ý kiến trái chiều nhau. Ngay cả những việc làm tốt đẹp người ta cũng không cùng ý kiến. Lại có những khi người tiếp nhận đã có ngay những ý nghĩ xuyên tạc. Có thể do vô tình, hiểu lầm, hoặc do thành kiến với người thực hiện việc tốt, vì định kiến bởi những kiến thức và thói quen cho mình bao giờ cũng đúng v.v…

Việc không tin và xuyên tạc đó không chừa một ai, từ những người thân trong gia đình, đến bạn bè, cộng đồng, giáo xứ, Giáo hội …

Người Kitô hữu có bao giờ suy nghĩ về Đức Tin của mình chưa ?

Tin : Tôi đã tin vào một Thiên Chúa toàn năng, Ngài sẽ lo cho tôi mọi thứ để tôi luôn sung sướng hạnh phúc trên đời này. Tôi vẫn cầu xin “như ý”, là như ý của tôi chứ không phải như Ý Cha trên Trời và Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời. Khi tôi không được như ý mình thì Đức Tin của tôi cũng mờ nhạt. Tôi vẫn đọc kinh đi lễ, nhưng như thói quen chứ chẳng còn sốt sắng.

Không tin : tôi tự hỏi mình đã không tin và hiểu sai ý nghĩa của những việc tốt đẹp người khác làm chưa ? Nhất là những việc làm của các nhà lãnh đạo trong Giáo quyền, từ cha xứ đến những vị có thẩm quyền cao hơn. Tệ hơn nữa là đôi khi tôi còn về hùa, a dua (ngôn ngữ mạng là “đú trend”) theo những nhận định về một tình huống nào đó của các ngài mà không suy xét phân biệt phải trái, thực hư. Rồi theo cảm tính và sự lôi kéo, hướng dẫn của ai đó mà cứ thế hoặc ném gạch đá, hoặc tung hô mà không biết rằng mình đang làm một việc sai trái, thiếu sự công bằng, thậm chí là “giết người” vì bôi nhọ, làm mất danh dự, giảm uy tín người khác… Làm cho người bị công kích và cộng đoàn mất đi sự bình an, đoàn kết.

Trong cộng đồng Do Thái rõ ràng đã có những kẻ xu nịnh, muốn lập công nên đã “đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm.

Những nhà lãnh đạo Do Thái đã tìm ra lý do để giết Chúa Giêsu : “hy sinh một người mà cứu cả dân tộc”, vì khi đông đúc dân chúng theo Chúa Giêsu, người Rôma sẽ nghĩ rằng dân làm loạn nên sẽ kéo quân đến tiêu diệt dân Do Thái, phá hủy Đề thờ. Lý luận của các nhà lãnh đạo Do Thái che dấu nỗi lo sợ thực sự của họ là khi dân theo Chúa Giêsu thì họ sẽ mất uy tín, mất hết những quyền lợi ăn trên ngồi chốc của họ. Vì thực tế người Rôma chẳng hề quan tâm đến những việc liên quan đến tôn giáo trong đời sống xã hội Do Thái.

Chúa Giêsu đã chết thay tôi, vì tội lỗi của tôi. Người chết để tôi Tin vào Người thì tôi sẽ có sự sống đời đời. Xúc động trước Tình yêu vô biên của Ngài, tôi xin đáp trả lại Tình yêu đó với sự hữu hạn của tôi. Tôi sẽ dìm chết cái tôi ích kỷ, các ý riêng của mình để phục vụ và làm vui lòng người khác, từ những người thân yêu nhất của tôi trong gia đình. Nói thì dễ nhưng làm thì khó quá. Chúa ơi, xin thêm sức cho con.

Tin Mừng chắc chắn phải là tin vui. Bài đọc 1 trích trong sách ngôn sứ Êdêkien, vị ngôn sứ của giao thời giữa độc lập tự do và lưu đày. Khi dân Do Thái bất trung, phản nghịch với Thiên Chúa và bị Ngài sửa phạt phải bị phân tán, bị lưu đày. Trong thân phận nô lệ, họ đau khổ tột cùng vì mất tự do, bị ly tán, mất Đền thờ, xa Giêrusalem. Họ mới hối hận, khóc than :

Bờ sông Ba-by-lon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Xi-on ; (Tv 137,1).

Thiên Chúa từ bi đã an ủi họ, cho họ biết Ngài đã tha thứ mọi tội lỗi của họ và hứa sẽ quy tụ họ từ mọi nơi chốn họ đang bị phân tán đến để quay về đất hứa và đoàn tụ thành một nước Israel duy nhất, không còn Bắc Nam nữa mà chỉ còn một dân của Ngài.

Lời hứa quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối được Chúa Giêsu thực hiện mang một tầm vóc mới, không chỉ là dân Israel xưa, mà là một dân Israel mới, một Hội Thánh của Đức Giêsu Kitô, bao gồm mọi dân nước trên trái đất.

Lời hứa là niềm hy vọng đã làm cháy sáng niềm tin và nỗi hân hoan của biết bao tâm hồn đang lạc lõng.

Hôm nay là thứ Bẩy tuần cuối của mùa Chay, mai là Chúa Nhật lễ Lá, bắt đầu Tuần Thánh. Tôi nhìn lại trong suốt thời gian thực hành chay tịnh vừa qua, tôi đã thay đổi được điều gì trong cuộc sống của tôi, để tôi tốt đẹp hơn lên, chuẩn bị được một tâm hồn trong sạch xứng đáng đón nhận mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu ?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chết để chúng con có sự sống đời đời. Nhưng chúng con vẫn luôn sống theo ý riêng của mình mà bỏ qua những điều Lời Chúa đã dạy chúng con phải làm. Chúng con đã phản kháng trước những giáo huấn và hướng dẫn của các vị chủ chăn, đã không màng tới ý muốn, sự mong mỏi của những người thân. Xin Chúa giúp chúng con thay đổi từ trong tư tưởng đến hành động để tất cả chúng con được quy tụ trong một đàn chiên của Chúa. Amen.

Jos. NM Tưởng

Để một người chết thay cho toàn dân (01.04.2023)

Ghi nhớ:

Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng không nghĩ đến điều lợi cho các ông là; thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt ”. (Ga 11, 49)

Suy niệm:

`Trong đại thế chiền thứ hai, tại trại giam tù nhân nổi tiếng Auschwitz, ngày nọ có một tù nhân vượt ngục, bởi vì bọn cai tù muốn các tù nhân phải canh chừng nhau thật chặt chẽ, sát sao. Vì thế chúng đặt ra một cái luật rất là dã man và khủng khiếp. Gọi là luật phát xít Đức; đó là nếu trong trại có một tù nhân trốn thoát thì mười người khác phải chịu đền mạng bằng cách nhịn đói, nhịn khát cho đến chết! Sự việc xảy ra vào buổi sáng hôm đó khi điểm danh, thấy thiếu một người, tên sỹ quan liền đi lại trên sân nhà tù, ai nấy đều thinh lặng hồi hộp đợi chờ, trong khi viên sỹ quan với bộ mặt giận dữ, hắn rảo bước nhìn vào các tù nhân đang xếp hàng, rồi bất ngờ giơ tay chỉ: Tên này…tên này…tên này. Những ai bị hắn điểm mặt lập tức phải rời hàng đứng sang xếp thành một hàng mới. Bỗng có tiếng kêu gào thảm thiết. “Khốn thân tôi, tôi còn vợ và một đàn con còn nhỏ!”.

Đang lúc bầu không khí nặng nề và rùng rợn ấy bao trùm, thì có một tù nhân bước ra khỏi hàng, đứng nghiêm nghị. Thấy vậy viên sỹ quan Đức quát:

  • Mày là ai?.

Cha Maximilien Kolbe trả lời:

  • Một Linh mục Công Giáo.
  • Mày muốn gì?
  • Tôi xin tình nguyện chết thay cho anh bạn tù kia, vì anh ta còn đàn con nhỏ và người vợ đang trông chờ ở nhà.

Viên sỹ qua đồng ý.

Mọi người có mặt trên sân đều ngơ ngác, ngạc nhiên và sau cùng là thán phục!

 Liền sau đó những người chết thay bị lột hết quần áo và nhét vào một căn hầm tối. Kể từ giờ phút đó, các tử tù này không còn được cho ăn và khủng khiếp hơn là không có gì để uống nữa! 12 ngày sau cửa căn hầm này được mở ra. Mọi người đều đã chết hết, trừ một mình Cha Kolbe, với đôi mắt vẫn sáng ngời dù thân thể đã tàn rũ. Cha ngồi tựa đầu vào vách. Viên cai ngục kéo tay ngài ra và tiêm cho ngài một mũi thuốc độc ân huệ. Vị Linh mục chết. Họ đưa xe đến xúc xác ngài và các tử tù khác đem đi, xác Cha bị hoả thiêu và nắm tro tàn bị chúng ném tung ra theo gió bay đi!

 Phép lạ Đức Giê-su làm cho ông Lazaro sống lại có thể nói là biến cố “như giọt nước tràn ly”, nó khiến cho giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái phải lập tức họp lại bàn luận với nhau để đi đến quyết định giết Đức Giê-su: Các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Roma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta”. Và thế rồi có một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, ông ta góp ý, nói rằng: “ Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”.

Thực ra hồi ấy, đế quốc Roma không xen vào các công việc tôn giáo của dân bản địa, vì biết rằng đây là một vấn đề rất nhạy cảm, một khi đụng chạm vào lợi lộc đâu chẳng thấy mà còn rất dễ xảy ra những xung đột gây ra hậu quả khó lường. Như vậy, cái lý do người Roma sẽ đến để phá huỷ cả nơi thánh và cả dân tộc của họ,  đây chỉ là lý do “tưởng tượng” của nhóm người Pha-ri-sêu vẽ ra để vim vào đó mà có cớ trừ khử Đức Giê-su mà thôi.

Nếu suy nghĩ theo hướng trần gian thì Cai-pha nói rất đúng: Thà hy sinh một mình Đức Giê-su để cho xã hội người Do Thái được an toàn, khỏi sợ bị rày rà phiền nhiễu, mà mối đe doạ lớn nhất là có nguy cơ bị sát hại bởi người Roma. Vậy để cho an tâm thì họ đi đến một quyết định; chẳng gì hay bằng loại trừ Ông Giê-su đi là thượng sách!”.

Thực ra, cái lý do cốt lõi của việc quyết tâm giết Đức Giê-su nằm ở chỗ những người lãnh đạo tôn giáo hồi đó cứ nơm nớp lo sợ rằng nếu để Đức Giê-su tự do hoạt động thì dần dà Ngài sẽ thu phục hết nhân tâm, dân chúng ai nấy sẽ tin vào Đức Giê-su hết thảy, như vậy một viễn cảnh là dân chúng sẽ rời bỏ họ mà theo Đức Giê-su đang hiển hiện, và vì thế chỗ đứng của họ, danh dự cùng nồi cơm và tương lai của họ đang có nguy cơ trở thành con số không! Vì thế bằng mọi cách là phải tiêu diệt Đức Giê-su! Ôi lòng dạ con người. Tính ghen ghét, tính ích kỷ, sự đố kỵ đáng sợ là dường nào!

Một điều lạ là sự suy nghĩ và cách nói ra những suy nghĩ rất trần tục của ông Cai Pha lại đúng với Mầu Nhiệm Cứu Độ mà Chúa Cha đã hoạch định để cứu độ thế gian; đó là sai Con Một đến thế gian để chịu chết chuộc tội cho loài người. Vì Ngài chịu chết, bởi thế mọi người mới được cứu sống. Như vậy, vô tình mà ông Cai Pha đã nói lời tiên tri: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Có điều không chỉ riêng người Do Thái khỏi phải bị tiêu diệt mà chính xác là cả toàn thể nhân loại sẽ được cứu sống.

Bởi tội nguyên tổ và tội cá nhân, nếu Đức Giê-su không xuống thế làm người, không chịu tử nạn khi treo trên Thánh Giá thì loài người nói chung và riêng mỗi cá nhân chúng ta sẽ không bao giờ được ơn giao hoà cùng Thiên Chúa và tất nhiên chúng ta sẽ bị hư đi trong tội lỗi. Nhưng hạnh phúc thay! Chúng ta đã có Đấng gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Đấng trung gian giao hoà loài người cùng Thiên Chúa. Và qua cái chết trong tủi nhục và đau đớn của Ngài, Thiên Chúa cho chúng ta được sống. Vậy để đáp lại ân tình trời biển của Ngài chúng ta phải cố gắng sống sao cho đẹp lòng Thiên Chúa và sống hữu ích cho tha nhân. Sống biết chia sẻ và cho đi như chính Chúa đã hy sinh mạng sống của Ngài cho nhân loại.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chịu chết trên Thánh Giá vì tội lỗi chúng con để cho chúng con được giao hoà cùng Thiên Chúa. Xin cho chúng con và mọi người biết chuẩn bị tâm hồn mà đón nhận ơn Cứu Độ Chúa mang đến cho hết thảy chúng con. Amen.

Sống Lời Chúa.

Chúng con xin chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ vì Chúa đã dùng Cây Thánh Giá mà Cứu Chuộc cho thiên hạ.

Đaminh Trần Văn Chính.

Mầu nhiệm cứu rỗi (09.04.2022)

Chúa Giê-su khi thi hành sứ vụ tại thế.

Ngài dong ruổi khắp đất nước Pa-lét-tin: chữa lành mọi ốm đau bệnh tật từ thể xác lẫn tâm hồn, xua trừ ma nhập quỷ ám con người ta, làm nhiều phép lạ, xưng mình là Con Thiên Chúa làm cho người Do-thái nổi giận lấy đá ném Người, vì cho rằng Chúa Giê-su dám ăn nói phạm thượng. Bấy giờ, họ tìm cách bắt Chúa, nhưng Người lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, nơi trước kia Gio-an Tẩy giả làm phép rửa và ở lại đó.

Sau đó không lâu, ngài và các môn đệ đã cùng nhau trở lại miền Giu-đê, và đến nhà của hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a ở làng Bê-ta-ni-a để thực hiện phép lạ làm cho anh La-da-rô sống lại, cho dù anh đã chết trước đó bốn ngày. Sự kiện này đã như thể “giọt nước làm tràn ly”, nên các thượng tế và các người Pha-ri-sêu đã triệu tập Thượng Hội Đồng và quyết định giết Đức Giê-su vì lòng ganh ghét Đức Giê-su, vì lo sợ mất ảnh hưởng trong dân chúng, và cũng vì sợ mất lợi lộc bản thân của họ.

Thế nhưng, cái chết của Đức Ki-tô đem đến cho nhân loại một đảm bảo chắc chắn rằng: Sự sống chiến thắng sự chết, tình yêu chiến thắng hận thù. Mặt khác, sự chết của Đức Giê-su phơi bày ra trước mắt nhân loại mầu nhiệm của thập giá và đau khổ. Mầu nhiệm đó mang tính cứu rỗi.

Lạy Chúa, xin cho con biết đón nhận tình yêu thương của Chúa qua đường lối và những thách đố của Ngài trong đức Tin và sự khiêm nhu không phàn nàn, không nghi ngờ qua các thực tại hàng ngày mà con đang sống. Amen.

CÁT BIỂN

Mầu nhiệm vượt qua (27.03.2021)

Sau khi nghe người ta kể lại chuyện Giê-su Na-da-rét làm cho La-da-rô đã chết bốn ngày được sống lại, các thượng tế và người pha-ri-sêu lo sợ tầm ảnh hưởng của Đức Giê-su ngày càng lan rộng, và sợ Đức Giê-su sẽ cầm đầu cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Do-thái thoát khỏi ách nô lệ của người Rô-ma; nên họ đã triệu tập Thượng Hội Đồng đưa ra phương án đối phó với “nhà cách mạng” Giê-su. Thượng tế Cai-pha đã đưa phương án: Truy tìm Đức Giê-su, bắt và giết ngay vì “thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Đó cũng là lời tiên tri Đức Giê-su phải chết thay cho dân tộc Do-thái, và không chỉ (chết) thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. (x. Ga. 11,45-53)

Đó cũng chính là “đã đến giờ Con Người được tôn vinh!” (Ga. 12,23). Thật vậy, chính lúc Đức Giê-su chịu chết treo thập giá cũng chính là lúc mà mọi ngăn trở liên hệ giữa loài người với Thiên Chúa từ lúc nguyên tổ phạm tội sẽ được xóa bỏ, san bằng; sự tương giao mật thiết giữa loài người với Thiên Chúa sẽ được lập lại. Nhờ thế tình thương và sức sống thần thiêng của Thiên Chúa sẽ được chuyển thông cho loài người bất cứ lúc nào.

Đối với người đời, cây thập giá là một hình phạt đáng nguyền rủa, là nỗi ô nhục của phàm nhân; nhưng Chúa Giê-su đã đồng hóa nó thành phương tiện mang lại ơn cứu rỗi. Và chính cái chết tủi nhục đó của Người đã đem lại ơn cứu độ cho mọi kẻ có lòng tin.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con dám sống mầu nhiệm vượt qua của đời mình để được đi từ cõi chết đến đời sống vĩnh cửu mai ngày. Amen.

CÁT BIỂN

Tin… (04.04.2020)

Tin Mừng hôm nay cho thấy:

Các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng để trưng cầu ý kiến đồng thuận nhằm tạo sự an toàn cho họ; qua đó bàn tính củng cố bảo vệ địa vị và quyền lợi của họ… bằng cách quyết định bắt và giết Đức Giê-su. Bởi lẽ, có nhiều người Do Thái đã tin và đi theo Đức Giê-su khi chứng kiến Người làm nhiều dấu lạ ở khắp nơi. Việc gần đây nhất chính là sự kiện Đức Giê-su làm cho La-da-rô chết đã bốn ngày được sống lại.

Thượng tế Cai-pha lo sợ Đức Giê-su cầm đầu dân chúng nổi loạn chống đế quốc lại Rô-ma; hậu quả có thể họ sẽ mất hết thế lực và tài sản; thậm chí còn mất cả tính mạng nếu người Rô-ma phản công đàn áp, phá hủy đất nước và nơi thờ tự. Thượng Hội Đồng đã chuẩn y việc giết Đức Giê-su. Họ nhất trí bắt Đức Giê-su phải chết thay cho dân ! Thế nhưng, cái chết của Chúa Giê-su không chỉ là chết thay cho dân mà thôi, nhưng còn là để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối – Về cùng một đàn chiên do chính Thiên Chúa là mục tử tối cao chăn dắt, chăm sóc và bảo vệ (x. Ga 11,45-53).

Đức Giê-su đã dùng cái chết đau thương trên thập giá làm phương thế tỏ lộ chương trình Cứu độ Nhân loại của Thiên Chúa Cha. Thoạt nhìn, thì Sự Dữ đã chiến thắng qua cái chết của Đức Giê-su. Nhưng tận cùng của khuôn mặt Sự Dữ chính là chiến thắng khải hoàn của Đức Ki-tô Phục Sinh – Ngài chính là TÌNH YÊU của Tình Yêu Thiên Chúa Cha; và là LÒNG THƯƠNG XÓT của Lòng Thương Xót Chúa.

Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho con giữa muôn vàn thách đố trong cuộc sống hôm nay !

CÁT BIỂN

Bày Mưu Giết Chúa (13.04.2019)

Maximilianô Kolbe người Ba Lan thuộc dòng thánh Phanxicô rất hăng say hoạt động. Cha tình nguyện sang truyền giáo ở Nhật Bản, chuyên ngành in ấn sách báo. Sau đó, vì bị bệnh đau phổi, cha phải về lại Ba Lan điều trị.

Trong thời thế chiến II, quân đội Phát Xít Ðức đã chiếm đóng Ba Lan, chúng thấy cha có ảnh hưởng mạnh trên quần chúng, nên đã bắt giam vào ngục. Một ngày nọ, trại giam của cha có một tù nhân vượt ngục. Sáng hôm sau, lúc điểm danh viên sĩ quan cai tù phát giác ra thiếu mất một người, viên sĩ quan liền áp dụng ngay luật lệ của Phát Xít Ðức: “Hễ một tù nhân trốn thoát thì mười tù nhân khác phải đền mạng”. Viên sĩ quan cai tù đang rão bước gọi tên chọn 10 tù nhân sẽ phải chết, chợt có tiếng kêu thất thanh: “Khốn cho tôi, tôi còn vợ và một đàn con nhỏ”. Giữa bầu khí thinh lặng và rùng rợn ấy, một tù nhân đứng ra khỏi hàng, đứng im cách nghiêm chỉnh. Viên sĩ quan Ðức quát lớn và hỏi: “Mi là ai?”, và người đứng ra khỏi hàng ấy trả lời: “Tôi là Maximilianô Kolbe, linh mục Công giáo”. “Mi muốn gì?” Cha Maximilianô Kolbe trả lời: “Tôi xin tự nguyện chết thay cho anh bạn tù này”. Viên sĩ quan nói tiếp: “Vào xếp hàng thế chỗ đi”. Mọi tù nhân có mặt trên sân đều ngơ ngác ngạc nhiên và thán phục. Cha Maximilianô Kolbe đã chấp nhận chết thay cho người bạn tù.

Ngày lễ phong thánh của cha Maximilianô Kolbe tại Rôma, có sự hiện diện của người bạn tù mà cha đã chết thay cho anh. Anh được đại diện lên dâng của lễ, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói về mẫu người hy sinh mạng sống mình của cha Maximilianô Kolbe như sau: “Ước gì sự sống và gương sáng của thánh Maximilianô Kolbe hướng dẫn chúng ta biết yêu thương chân thành, yêu thương vô vị lợi, xứng với địa vị là người Kitô hữu đúng nghĩa đối với tất cả anh chị em trong một thế giới mà hận thù không ngừng dày xéo cuộc sống con người”.

Anh chị em thân mến!

Phải! Chết thay có thể là một hành động do hận thù, bất công. Nhưng đối với tình yêu Chúa, người Kitô hữu có thể hiến mạng sống mình cho anh chị em. Ðó là một hành động của tình thương và nó sẽ khơi dậy những chuỗi tình thương tiếp nối. Chúa Giêsu Kitô đã trải qua kinh nghiệm này. Những người Do Thái không tin vào Chúa Giêsu, muốn bắt Chúa phải chết thay để người Roma không đến hủy diệt dân tộc Do Thái. Nhưng trong chương trình cứu rỗi nhiệm mầu của Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu chấp nhận tự hiến, chịu chết thay để mọi người được sống và được sống đời đời. Bài Tin Mừng hôm nay nhắc lại cảnh đời trớ trêu của Chúa như sau: “Quí vị không nghĩ rằng, thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”.

Anh chị em thân mến!

Những người Do Thái không tin đã nhìn nhận những hành động của Chúa Giêsu trong một lăng kính phàm trần, đầy màu sắc chính trị. Họ đã thắc mắc: Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì Người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta cứ để Người như thế này thì mọi người sẽ tin theo và quân đội Rôma sẽ kéo đến phá hủy nơi này và dân tộc ta”. Chúng ta lưu ý lối lý luận lộn xộn của người Do Thái không tin rằng: “Nếu dân chúng tin Thiên Chúa thì quân đội Rôma sẽ kéo đến phá hủy thành Giêrusalem và dân tộc Do Thái”.

Dân chúng tin theo Chúa là việc thuộc lãnh vực tôn giáo, còn quân đội Rôma đến phá hủy là việc chính trị. Vậy làm sao việc tôn giáo có thể kéo theo hậu quả của việc chính trị như vậy được? Nhà cầm quyền Rôma thời đó cho người Do Thái được tự do hành đạo, mà quan Philatô đâu có muốn kết án tử hình Chúa Giêsu vì lý do tôn giáo, vì những tranh tụng tôn giáo giữa Chúa và những vị lãnh đạo của dân chúng đối chất. Trước mặt quan Philatô, họ phải tố cáo Chúa Giêsu về một tội chính trị, đó là xúi dân làm loạn, không nộp thuế cho Xêsarê.

Thực là trớ trêu, nhưng Chúa Giêsu không phản đối, không dùng uy quyền của một vị Thiên Chúa để trốn thoát. Khi giờ Ngài đến, Chúa Giêsu im lặng tiến vào cuộc thương khó, chịu đòn, chịu đóng đinh trên Thập Giá để cứu chuộc nhân loại tội lỗi, để hòa giải và liên kết con người với Thiên Chúa Cha và với nhau. Những đồ đệ của Chúa được mời gọi để hiến dâng như vậy.

Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách “Ðường Hy Vọng” đã khuyên nhủ những người con tinh thần của mình như sau: Ðây là bằng chứng để ta biết được lòng mến, là Ðấng ấy đã thí mạng sống vì ta và ta, ta cũng phải thí mạng sống vì anh em. Con hỏi cha: Ðâu là mức độ dấn thân?” Cha trả lời rằng: “Hãy làm như Chúa Giêsu thế mạng sống”. Nếu con tuyên bố rùm beng, hoạt động khơi khơi, sống đạo lè phè, con sợ cơ cực, sợ nghèo, sợ tù, sợ chết. Nếu con dấn thân theo lối cứu viện cho người thắng trận, thì thôi nên dẹp tiệm, dấn thân trá hình, dấn thân thương mại. Những người khác quanh con đang đau thương khốn khổ trên đường mịt mù, sao con không đến với họ.

Ðời con phải hiến dâng để bắc nhịp cầu hy vọng đưa họ đến với Chúa là cùng đích, là tình yêu, là tất cả. Bên Chúa, nhân loại không còn ai là xa lạ, nhưng tất cả là anh em với con. Con hãy cố gắng chấp nhận hao mòn từng giây phút và sẵn sàng tiêu hao để chinh phục anh em về với Chúa. Hãy sống kết hiệp với Chúa để có đủ sức mạnh biến cảnh phải chết thay vì bất công, mưu mô ích kỷ trở thành một hiến lễ chịu chết thay để đưa anh em về với Chúa.

Lạy Chúa, nhìn lên Thập Giá Chúa, Ðấng đã chịu chết thay cho chúng con, vì thế con cũng được mời gọi sống như Chúa. Nhưng tự sức mình, con không có đủ can đảm để chịu như vậy. Xin Chúa thương ban ơn giúp sức cho con, để con đi trọn con đường Thập Giá với Chúa, góp phần mang lại tình yêu Chúa cho những người anh chị em trong môi trường con sống hằng ngày. Amen.

Biện hộ (24.03.2018)

Đã bao giờ mỗi người trong chúng ta thực hiện những hành động không tốt nhưng lại cố dùng nhiều lí do để biện hộ cho mình chưa? “Tôi trộm cắp vì nếu không làm thế, gia đình tôi sẽ chết đói”, “Tôi không nhận hối lộ, chẳng qua là vì tôi không biết cách từ chối người khác”, “Tôi không ‘bảo kê’ vì tiền, chỉ đơn giản là để thỏa niềm đam mê mà thôi”, “tôi đã làm đúng quy trình”, “Tôi là theo ý cấp trên”… Đó là vài ví dụ trong hàng ngàn lí do chúng ta có thể viện ra để biện hộ cho hành động sai trái của mình. Dường như thói quen đó đã trở nên phổ biến trong xã hội.

Các vị thượng tế và những người biệt phái trong Tin Mừng hôm nay cũng chẳng khác là bao. Để công chính hóa âm mưu của mình, họ đã dùng lí do dân tộc, đất nước để việc giết Chúa Giêsu trở nên hợp lí: đó không phải vì cá nhân nhưng là vì vận mệnh của dân tộc. Họ đã dùng một lí do vô cùng cao thượng để biện hộ cho mưu đồ bất chính của mình và khiến cho mọi người ủng hộ điều đó. Và tất nhiên, họ đã thành công.

Bản chất con người là thế đấy, họ cố tô vẽ cho mình một vẻ ngoài hào nhoáng, muốn người ta tin rằng mình là người công chính, nhưng tâm hồn họ lại mục nát, thối rữa tự bao giờ. Người ta không muốn trở thành người hoàn thiện vì việc đó rất khó khăn, còn việc giả tạo lại dễ hơn rất nhiều. Để thuyết phục người khác tin mình công chính, người ta không ngại ngùng viện trăm nghìn lí do để che giấu sự thật trần trụi phía sau nó.

Dường như xã hội phát triển không ngừng đã khiến nhân cách con người ngày càng bị mài mòn, người ta ngày càng chuộng hình thức hơn nội dung. Chính vì thế, lời dối trá dễ dàng thấm vào những tâm hồn khờ dại. Bằng chứng là cả xã hội tin tưởng vào những kẻ đang dẫn họ đến bờ diệt vong nhưng lại chống đối những người ra sức bảo vệ họ, đơn giản chỉ vì những kẻ nói lời đường mật xảo trá dễ nghe hơn những sự thật trần trụi. Chính vì thế, xã hội loạn càng thêm loạn, nghèo càng thêm nghèo và từng bước rơi vào tay bọn cường quyền bất nhân.

Là người Công giáo, chắc chắn chúng ta sẽ bất lợi hơn bọn xảo ngôn vì chúng ta nói sự thật. Chúng ta loan truyền sự thật vì chính Thiên Chúa ta thờ “là đường, là sự thật và là sự sống”. Đi theo Chúa khổ trăm chiều nhưng phần thưởng sau sự khổ đau ấy mới chính là thứ mà người Kitô hữu cần hướng đến. Để làm được điều đó, trước hết, chúng ta cần phải trung thực, luôn hành động vì mục đích tốt, không vụ lợi bằng cách hãm hại người khác… Có như vậy, xã hội mới có thể phát triển và Giáo hội ngày càng vững bền.

Lạy Chúa, không ít lần chúng con trở thành những kẻ giảo hoạt, xảo trá, dùng những điều tốt đẹp để biện hộ cho sự xấu xa của mình. Xin Ngài thương ban cho chúng con sức mạnh để có thể vượt qua những cám dỗ ấy, quyết tâm tránh xa sự dối trá để đi theo Ngài là Sự thật. Xin Chúa cũng đoái thương đến những người đang bị bọn xảo quyệt lừa dối, cho họ trở nên tỉnh táo để tránh xa những chiêu trò lừa bịp của những kẻ bất nhân đang dẫn chúng con vào đường diệt vong. Amen.

Petrus Sơn

Chứng nhân hơn thầy dạy (08.04.2017)

SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại quyết định thực hiện dã tâm loại trừ Đức Giêsu của giới lãnh đạo Do Thái, và hướng đến sứ mệnh cao cả của Đức Giêsu, sứ mệnh cứu độ nhân loại của Đấng Mê-si-a mà các tổ phụ, các tiên tri người Do Thái hằng trông mong chờ đợi.

Sau sự kiện anh La-da-rô ở làng Bê-ta-ni-a đã chết được bốn ngày, người ta đã chôn anh trong mộ đá; rồi Đức Giêsu đến thăm gia đình anh, và trước sự chứng kiến của nhiều người, Đức Giêsu làm cho anh sống lại đã khiến nhiều người tin. Một số người khác thấy dấu lạ La-da-rô sống lại và quyền năng siêu phàm nơi Đức Giêsu người Na-da-rét, thì đem lòng đố kỵ và ganh ghét; họ đi thuật lại cho các thượng tế và người Pha-ri-sêu.

Sắp sửa đến lễ Vượt qua, một đại lễ quan trọng của người Do Thái; đền thánh Giê-ru-sa-lem là trung tâm của Do Thái giáo; vì thế, dịp lễ này toàn dân sẽ tập trung về đây để thanh tẩy và mừng đại lễ. Các thượng tế và người Pha-ri-sêu nghe kể lại về dấu lạ Đức Giêsu Na-da-rét làm cho người chết sống lại ở Bê-ta-ni-a, thì lo sợ những người tin vào Đức Giêsu sẽ nổi dạy để ủng hộ Người; như thế, bạo loạn sẽ xảy ra và làm cớ cho quân đội Lamã đang đồn trú gần thành thánh can thiệp và mạnh tay đàn áp. Họ lo sợ và triệu tập Thượng Hội Đồng bàn mưu tính kế giết người; trong Thượng Hội Đồng,  thượng tế Cai pha đã xảo quyệt hiến kế: “thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” Và họ quyết định giết Đức Giêsu.

Với lòng dạ nham hiểm, độc ác; giới lãnh đạo tinh thần Do Thái đưa ra kế sách để vừa loại trừ một đối thủ tầm cỡ đang được nhiều người mộ mến; vừa củng cố được địa vị và đảm bảo quyền lợi, bổng lộc do đế quốc La Mã ban tặng; đó là giết Đức Giêsu Na-da-rét.

Xét về chiều kích xã hội: những giáo huấn và việc làm của Đức Giêsu đang nhắm đến tái lập một xã hội công bình, chính trực, dựa trên nền tảng là giới luật yêu thương, tha thứ; những điều này đối lập với lối sống ích kỷ, tham lam, vụ hình thức, vốn đã ăn sâu vào tiềm thức người Do thái qua những truyền thống lầm lạc của tiền nhân, khiến cuộc sống đầy dẫy những bất công, tội ác.

Xét về chiều kích tâm linh, nhiều người Do Thái tin vào Đức Giêsu vì họ thấy phép lạ Người làm; nhưng hơn thế nữa, họ đã nghe truyền tụng về Người và trực tiếp nghe giáo huấn của Người. Bài Tin Mừng hôm nay mặc khải cho chúng ta công trình cứu độ mà Đức Giêsu đã thực hiện để cứu chuộc nhân loại. Ở nơi Đức Giêsu lời giáo huấn chuyển tải chân lý dẫn đến hạnh phúc đời đời của mỗi người; còn gương sáng: những cử chỉ trìu mến, yêu thương và khát vọng ban hạnh phúc cho nhân loại được thể hiện qua những lo toan, vất vả và khổ đau khi Đức Giêsu thi hành sứ mệnh Chúa Cha trao cho, nhất là thể hiện lòng thương xót tha thứ cho những người tội lội, những kẻ yếu đau tật nguyền, khi Người dùng quyền năng giải thoát họ khỏi khổ đau và quyền lực ma quỷ; sau cùng Đức Giêsu đã hy sinh mạng sống để minh chứng Người là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ trần gian; Người sẽ tái lập công lý và hòa bình đích thực cho nhân loại. Các thượng tế, kỳ lão và người pha-ri-sêu quyết định loại trừ, giết Người vì Người không thuộc về thế gian, Người đối lập với lòng hận thù, ganh ghét, đố kỵ, tham lam, ham hố quyền bính và lợi lộc của họ; nhưng Người trở nên nhân chứng sống động trong lịch sử Cứu Độ nhân loại của Thiên Chúa.

Thượng tế Cai-pha đề nghị giết Đức Giêsu để loại trừ khả năng một cuộc nổi loạn đậm chất chính trị trần gian có thể xẩy ra và hậu quả là cả dân Do Thái và thành thánh Giêrusalem có thể bị quân La-mã tàn sát và hủy diệt. Mưu đồ gian ác của thượng tế Cai pha trong Thượng Hội Đồng Do Thái đã trở thành lời tiên tri về sứ mệnh cứu độ của Đấng Mê-si-a, Đấng phải chết thay cho toàn thể nhân loại để nhân loại nhờ Người mà được sống. Đức Giêsu không chỉ chết thay cho dân mà còn qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát khắp nơi về một mối; vì chính Người đã hoàn tất công trình Cứu độ và ban phát ơn cứu độ cho mọi người.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi hướng về cuộc thương khó của Đức Giêsu Kitô:

– Hiến tế trên thập giá của Đức Giêsu đã giải thoát tôi khỏi án phạt đời đời; bởi Người đã chết thay và gánh lấy tội lỗi của tôi

– Tin tưởng và tín thác cuộc đời cho lòng nhân hậu hay thương xót, thứ tha của Đức Giêsu, để cùng người chết đi cho tội lỗi bản thân; đồng thời nỗ lực chu toàn bổn phận và trở nên chứng nhân cho Tin Mừng trong môi trường sống mỗi ngày.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin ban thêm sức mạnh thiêng liêng để con nên chứng nhân cho Tin Mừng Cứu Độ trong cuộc sống: Qua cách cư xử thân thiện, qua lòng quảng đại thứ tha và qua ước muốn mọi người được hạnh phúc nhờ ân sủng của Chúa. Con xin hết lòng cảm tạ, tri ân tình thương vô hạn lượng Chúa đã dành cho con và mọi người trong cuộc thương khó của Người.

SỐNG TIN MỪNG

Hy sinh, dấn thân cho công cuộc Loan báo Tin Mừng và hãy là chứng nhân của Tin Mừng Cứu Độ.

Chết theo và chết thay

“Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” (Ga 11,50)

Suy niệm: Lịch sử xưa nay từng ghi nhận nhiều trường hợp người sống phải chết theo người khác vì đạo trung quân như các võ sĩ Nhật, vì nghĩa vợ theo chồng như trường hợp Huyền Trân Công chúa (may mà được cứu sống). Nếu những cái “chết theo” được đánh giá cao vì lòng trung thành, thì những cái “chết thay” cho người khác chỉ có thể giải thích vì Tình Yêu, như trường hợp cha Maximilian Kolbe chấp nhận chết thay cho một người tù trong trại giam thời Đức quốc xã. Đó chính là khuôn mặt của Đức Giê-su. Đấng vì quá yêu con người, đã chấp nhận lấy cái chết của mình để đền tội cho chính những kẻ thù của mình, để cái chết ấy mang lại sự sống cho người khác.

Mời Bạn: Không ai có thể yêu người khác, nếu không hề cảm nghiệm mình được yêu. Bước vào Tuần Thánh, bạn hãy chiêm ngắm và cảm nghiệm Tình Yêu của Đức Giê-su dành cho mình, dù chúng ta không đáng được như thế, để có thể dám sống và dấn thân cho Tình Yêu của Ngài.

Chia sẻ: Điều gì giúp bạn cảm nhận và bị thôi thúc bởi Tình yêu Đức Giêsu dành cho mình?

Sống Lời Chúa: Suy gẫm lời thư thánh Phao-lô: “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8), và làm một việc hy sinh phục vụ để diễn tả tâm tình của bạn muốn đáp đền tình Chúa yêu thương.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã yêu và yêu chúng con rất nhiều hơn những gì chúng con có thể nghĩ tới. Xin cho chúng con biết cảm nghiệm và sống xứng đáng với tình yêu ấy. Amen.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *