Lắng nghe, đón nhận và kiên trì sống lời Chúa (23.09.2023 – Thứ Bảy Tuần XXIV Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: 1 Cr 15,35-37.42-49 (năm chẵn), 1 Tm 6,13-16 (năm lẻ), Lc 8,4-15

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca ( Lc 8,4-15)

4 Khi ấy, dân chúng tụ họp đông đảo. Từ khắp các thành thị, người ta kéo đến cùng Đức Giê-su. Bấy giờ Người dùng dụ ngôn mà nói rằng :

5 “Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. 6 Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. 7 Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt. 8 Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm”. Nói xong, Người hô lên rằng : “Ai có tai nghe thì nghe.”

9 Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì. 10 Người đáp : “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa ; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu.

11 “Đây là ý nghĩa dụ ngôn : Hạt giống là lời Thiên Chúa. 12 Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. 13 Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. 14 Hạt rơi vào bụi gai : đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. 15 Hạt rơi vào đất tốt : đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.”

Lắng nghe, đón nhận và kiên trì sống lời Chúa (23.09.2023)

Ngày 23.09: Lễ Nhớ Thánh Pi-ô Pi-ết-ren-si-na, linh mục

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn Người đi gieo giống để giảng về về mầu nhiệm Nước Trời, về cách thức Thiên Chúa mời gọi mọi người đón nhận và làm cho Nước ấy phát triển cho đến ngày cánh chung.

Thiên Chúa là Tình Yêu, là Đấng Từ bi Nhân hậu.

Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Ngài yêu thương hết cả mọi người, vì vậy khi gieo hạt giống Lời Chúa Ngài đã rất quảng đại, Ngài gieo hạt giống trên mọi loại đất. Tin Mừng Nước Trời là phổ quát nên Thiên Chúa đã gửi hạt giống đó đến mọi người, mọi dân tộc trên trái đất này.

Khi nguyên tổ Adam – Eva phạm tội bất tuân lệnh của Thiên Chúa và bị trừng phạt, con người đánh mất hạnh phúc vĩnh cửu Nước Trời. Nhưng Thiên Chúa yêu loài người quá đỗi nên đã có ngay một chương trình cứu độ loài người. Để giúp loài người không quên Thiên Chúa, không quên đường về quê Trời, Thiên Chúa đã gieo vào lòng mỗi con người ý muốn đi tìm Thiên Chúa : “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: Hãy học cho biết Đức Chúa. Vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta” (Gr 31,33-34).

Mạnh Tử (372-289 tCN) và Tuân Tử (316-237 tCN) là hai đại đệ tử kế thừa sự nghiệp của của Đức Khổng Tử. Mạnh Tử cho rằng “nhân chi sơ tính bản thiện”, con người khi sinh ra đã được Trời phú cho “Thiên Đức” là cái tính tốt, cái đạo đức của Trời. Nếu tiếp tục tu thân thì sẽ trở nên những bậc thánh nhân. Tuân Tử lại cho rằng “nhân chi sơ tính bản ác”, bởi con người khi sinh ra đã mang đầy đủ các dục vọng tham sân si. Vì là bản chất ác nên con người mới hướng thiện và nhờ giáo dục và tuỳ thuộc thành quả tu luyện của mỗi người mà trở nên thiện nhiều hay ít.

Như vậy dù một người sinh ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng đều có sẵn khuynh hướng tìm đến điều thiện, tìm đến Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hoá theo tư duy văn hoá của nơi người đó sinh sống.

Lời Chúa là Lời hằng sống.

Khi dân chúng và một số môn đệ bỏ Chúa Giêsu vì không chấp nhận được mặc khải của Ngài về Bí tích Thánh thể, Chúa Giêsu đã hỏi Nhóm Mười Hai cũng có muốn bỏ Ngài không, Thánh Phêrô đã thưa với Chúa Giêsu để khẳng định : Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” (x. Ga 6,53-68).

Lời của Chúa nuôi sống người ta : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Đnl 8,3).

Ma quỷ rất sợ người ta đón nhận Lời Chúa, vì Lời quyền năng của Chúa có thể biến đổi tâm hồn người ta, làm cho người ta TIN mà theo Chúa mà không theo chúng, làm cho chúng thất bại trong việc cám dỗ loài người (x. Mt 4,1-14).

“Ai có tai nghe thì nghe.”

Nhiều lần Chúa Giêsu đã nói lớn câu này để kêu gọi dân chúng chú ý lắng nghe và có thái độ tích cực tiếp nhận Lời Chúa.

Nghe đây là NGHE bằng đôi tai Đức Tin, nghe với tâm tình bé nhỏ khiêm cung, tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa thì mới có thể đón nhận được Lời Chúa. Nếu nghe với đầu óc có sẵn thành kiến, vẫn ôm những quan niệm, những ý định, những kiến thức đã có thì chắc chắn nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu” Lời Chúa (Is 6,9).

Trách nhiệm của Kitô hữu với Lời Chúa

Khi chịu bí tích Thánh tẩy, người Kitô hữu được chia sẻ sứ vụ ngôn sứ với Chúa Kitô. Nhiệm vụ của Kitô hữu là nối tiếp công việc của các Thánh Tông Đồ thi hành mệnh của Chúa Giêsu là làm cho muôn dân thành môn đệ của Chúa, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Chúa đã truyền (x. Mt 28,19-20).

Ngôn sứ thì phải đón nhận Lời Chúa, để biết, hiểu Lời Chúa thì mới có thể sống và đi rao giảng Lời Chúa được.

Khi đã đón nhận hạt giống Lời Chúa rồi thì công việc tiếp theo vô cùng quan trọng, là phải giữ cho mảnh đất đó mãi là đất tốt, đừng mọc đầy gai, hoặc trở thành hoang mạc sỏi đá, thậm chí ô nhiễm đầy chất độc chết chóc. Đồng thời phải chăm sóc để hạt giống nẩy mầm thành cây, lớn lên và đơm hoa kết trái. Công việc này rất gian nan khổ cực vì cuộc sống trong xã hội hiện nay đầy những cám dỗ tinh vi, ngọt ngào, luôn quyến rũ người Kitô hữu với những vinh hoa phú quý và lạc thú trần gian, cùng với bạo lực xô đẩy, uy hiếp Đức Tin người Kitô hữu. Muốn thành công việc này Người Kitô hữu phải kiên trì. Kiên trì là thái độ cương quyết một lòng trung thành với Lời Chúa. Kiên trì và siêng năng cầu nguyện, lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích hoà giải và Bí tích Thánh thể …  để có sự tiếp sức của Chúa và có Chúa đồng hành thì nhất định người Kitô hữu sẽ đứng vững trước những cám dỗ và đe doạ ấy.

Lạy Chúa Giêsu, chúng rất thích nghe, thích học hỏi Lời Chúa. Nhưng việc sống Lời Chúa thì chúng con còn rất chểnh mảng, yếu kém. Nhờ lời cầu bầu của Thánh Piô Năm Dấu mà Giáo Hội nhớ đến hôm nay, xin Chúa thêm sức mạnh và luôn đồng hành với chúng con, giúp chúng con vượt qua những thử thách và chông gai bão táp để vác thập giá của mình mà theo Chúa đến cùng, hầu chúng con được Chúa đón nhận vào ngày sau hết. Amen.

Jos. NM Tưởng

Nghe và đem Lời Chúa ra thi hành (17.09.2022)

Ghi nhớ:

“Hạt rơi vào đất tốt : Đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả”. (Lc 8, 15).

 Suy niệm:

Trong số những vị anh hùng có công xây dựng Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, phải kể đến Ông  Bẹnamin Franklin (1706- 1790). Ông là một văn sỹ, nhà ấn loát và xuất bản; ông lại còn là một nhà phát minh, một khoa học gia, một thương gia và nhà ngoại giao.

Chuyện kể rằng: Một hôm ông nhận được món quà từ Ấn Độ. Món quà đó là một cây chổi bông lau. Nhìn cây chổi, ông thấy có vài hạt còn dính lại ở đó, ông đã nhặt các hạt ấy ra và lấy nó đem đi gieo, thế rồi hạt giống nảy mầm, sinh hoa kết quả. Tới lúc hạt  đã chín, ông lấy hạt giống đó đem phân phát cho bạn bè xóm ngõ. Tất cả đều đem gieo, và chẳng bao lâu sau, theo cấp số nhân. Hoa kỳ đã có một kỹ nghệ làm chổi bông lau phát đạt ở khắp nơi trong đất nước. Đó cũng là nhờ công Bẹnjamin đã có sáng kiến, biết lợi dụng những hạt giống nhỏ vô tình còn sót lại trên cây chổi mà người Ấn Độ mang tặng!

Trong thời Cựu Ước chúng ta thấy: Dân thành Ninive nhờ biết nghe lời Chúa mà ăn năn sám hối trở lại cùng Người, nên họ được Chúa tha thứ không giáng phạt nữa. Cũng nhờ nghe Lời Chúa mà vua Đavit đã nhận thấy tội lỗi nặng nề của mình để rồi thống hối ăn năn và sau này trở thành một vị vua thánh thiện.

Sang thời Tân Ước. Cũng vì biết nghe Lời Thiên Chúa mà Augustino biết hối cải những tội lỗi của mình, mà quay đầu trở lại cùng Chúa và đã trở thành một vị giám mục thông thái, thánh thiện. Cũng bởi vì biết nghe Lời Chúa mà Phaxicô Xaviê đã từ bỏ theo đuổi những vinh quang trần thế, ra đi làm việc tông đồ và trở thành một trong những nhà truyền giáo nổi tiếng trong Giáo Hội.

Thiên Chúa là Đấng rộng lượng và hào phóng, Người ban phát ơn lành cho tất cả mọi người cho dầu họ là nhừng người tội lỗi bất xứng: “Chúa cho mặt trời soi sáng trên người công chính cũng như kẻ bất lương”. Thế nhưng chỉ những ai nhìn thấy tấm lòng quảng đại và cao thượng của Thiên Chúa để rồi biết đáp lại bằng cách sống sao cho phải đạo với Người thì mới xứng đáng là con cái của Người. Và khi sống với tấm lòng hiếu thảo, biết làm sao cho đẹp lòng Thiên Chúa thì chắc chắn cuộc đời của họ sẽ bình an hạnh phúc và dĩ nhiên sẽ sinh được nhiều hoa trái tốt lành.

Một người nọ, sống lâu năm bên cạnh nhà thờ, các sinh hoạt trong đạo, giáo lý và thậm chí Phúc Âm ông đều hiểu biết cả, thế nhưng khi được hỏi tại sao ông không gia nhập Đạo Công Giáo thì ông ta trả lời rằng: “ Theo Đạo rồi sẽ không còn được tự do, vợ nọ con kia nữa”. Thế mới biết rằng một khi tâm hồn người ta còn chất chứa đầy dẫy những đam mê trần gian, những cám dỗ xác thịt,  thì tâm hồn đó không còn khoảng trống nào để họ có thể đón nhận Thiên Chúa được nữa! Trong khi đó,  lại có những người vì Lời Chúa, vì lề luật của Người họ sẵn sàng từ bỏ tất cả, ngay đến tính mạng của mình, miễn sao chu toàn thánh ý của Người mà thôi.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, ước gì tâm hồn chúng con luôn là mảnh đất tốt, để Lời Ngài khi được gieo vào sẽ đơm bông kết trái. Xin đừng để những mê man trần thế, những dục vọng hèn kém lôi cuốn chúng con để rồi Lời Ngài bị chết ngạt. Xin cho chúng con cảm nhận được tình Chúa yêu thương chúng con dường bao và biết đáp trả lại ân tình đó bằng cách sống theo thánh ý Ngài, như vậy Lời Chúa sẽ luôn hướng dẫn, biến đổi đời sống chúng con, Lời Chúa  sẽ sinh nhiều hoa trái và từ đó Danh Chúa được cả sáng và lan toả trong suốt cuộc đời chúng con. Amen.

Sống Lời Chúa

Nghe, đọc và ghi nhớ Lời Chúa rồi đem ra thực thi hằng ngày.

Đaminh Trần Văn Chính.

Đón nhận và năm giữ… (18.09.2021)

 Tin Mừng hôm nay cho ta nhận thức rõ thưc tại:

Lời Chúa có sinh hoa kết quả tốt đẹp;

Lời Chúa được ăn sâu vào đời sống Ki-tô hữu;

Lời Chúa có phát sinh và triển nở hạnh phúc thật sự ngay bây giờ, tại đời này được hay không. Chính là do con người có biết quảng đại mở lòng mình ra đón nhận “hạt giống” Lời Chúa, cũng như có biết nắm giữ “hạt giống Lời Chúa” một cách cao thượng, để kiên trì chăm bón, dưỡng nuôi mà sinh hoa kết quả hay là không ? (x. Lc 8, 15)

Nói đến “cao thượng, quảng đại, và kiên tâm trì chí” thì chắn chắn buộc phải có một tình yêu chân thật để nuôi dưỡng và phát triển các hành vi nhân bản nói trên.

Thánh Gio-an Kim Khẩu nói:

“Tình yêu là giấy thông hành để qua các cửa của Thiên Đường, mà không gặp bất cứ một trở ngại nào”.

Thật vậy, cao thượng là một hành vi cao cả, vượt hẳn lên trên những điều tầm thường, nhỏ nhen về phẩm chất, tinh thần, không so đó, tính toán hơn – thiệt. Còn quảng đại là một tâm hồn rộng rãi, độ lượng, luôn sẵn sàng đón nhận những thuận lợi cũng như nghịch cảnh; những an vui cũng như sầu buồn lo lắng; những dễ dàng cũng như mọi khó khăn…

Có yêu LỜI thì mới kiên tâm để mà giữ LỜI, để rồi mới quảng đại san xẻ cho đi, mới mạnh dạn từ bỏ giết chết nhưng gì làm nghẹt LỜI, làm héo úa LỜI.

Lạy Chúa, Lời Chúa như hạt giống, lòng người như thửa ruộng. Xin Thánh Thần Chúa hãy cày xới mảnh đất tâm hồn con để hạt giống Lời Chúa được phát triển và sinh ra những hoa trái thánh thiện cho cuộc đời. Amen.

 CÁT BIỂN

Lắng nghe và thực hành (19.09.2020)

Dụ ngôn về “người gieo giống” trong Tin Mừng hôm nay, nói lên tầm quan trọng của thái độ đón nhận và thực hành Lời Chúa. Chúa Giê-su dùng hình ảnh người gieo giống để thức tỉnh các Ki-tô hữu để tâm lắng nghe và sống lời của Người.

Lời Chúa đã trở nên những hạt lúa giống, được gieo vãi vào trong đất là tâm hồn mọi người. Hạt chịu vùi chôn, chịu mục nát để biến cải những mảnh ruộng khô cằn, gai góc, sỏi đá thành màu mỡ phì nhiêu, mong một mùa gặt đầy những bông lúa chín vàng trĩu nặng.

Có bốn dạng thửa đất khác nhau; đó là những thái độ đón nhận Lời Chúa khác nhau. Đón nhận Lời khác nhau, sẽ có những kết quả cũng khác nhau.

Hạt rơi bên vệ đường. Chính là những người cứng lòng, thờ ơ với Lời Chúa, không tin và không chịu nghe lời rao giảng Nước Trời nên không hiểu được Chân lý Cứu độ, chính vì thế linh hồn họ tràn ngập ác thần ngự trị.

Hạt gieo rơi trên sỏi đá, là những hạt cũng nứt mầm mọc lên; nhưng không được đâm rễ ăn sâu vào trong đất, nên dễ bị chết do thiếu nước. Đó là những người hăng hái, nhiệt tình tin Chúa, theo Đạo khi nhất thời mọi sự đều dễ dàng, thuận lợi. Vì thế họ cũng sẵn sàng chối Chúa, bỏ Đạo khi đối mặt với khó khăn, thử thách, đau khổ… ập đến trong đời họ.

Hạt gieo trúng vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời Chúa, nhưng lòng còn lo lắng những thú vui trên đời và bả vinh hoa phú quý. Những yếu tố đó bóp nghẹt Lời Chúa, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì…

Cuối cùng hạt gieo trên đất tốt, đó là những người nghe Lời Chúa và hiểu. Tất nhiên hạt sẽ mọc lên mạnh mẽ, và sinh hoa kết quả gấp trăm. Họ là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.

Qua đó, cho thấy đức Tin mạnh mẽ là một sự phát triển lâu dài, và phải từng giờ, từng ngày chiến đấu chống lại mọi thứ trở ngại trong nội tâm, cũng như chống lại những ảnh hưởng của thế gian chiếm quá nhiều chỗ trong đời sống tâm linh.

Đối với Chúa, điều kiện chủ yếu để đời sống mỗi Ki-tô hữu sinh hoa kết quả. Đó là Lời Thiên Chúa phải được cẩn thận lắng nghe, hiểu rõ, và đem ra thực hành.

Lạy Chúa Giê-su, thửa đất là trái tim con người từ xưa cho đến nay vẫn thế. Hạt giống Lời Chúa hôm xưa và cho mãi đến hôm nay cũng vẫn là một. Xin chúa cho con biết sống Lời Chúa như thánh ý Chúa. Amen.

CÁT BIỂN

Ai có tai thì nghe (22.09.2018)

Sau khi kể cho dân chúng nghe dụ ngôn “Người gieo giống”, Chúa Giêsu đã bảo rằng: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”. Câu nói ấy tưởng chừng khá dư thừa vì những người tìm đến nghe Người giảng chắc hẳn phải có tai và nghe được những lời đó. Thế nhưng, Người không phải nhắc đến cái tai của thể xác – một bộ phận trên cơ thể con người – mà là sự thông hiểu những lời giảng dạy của Người. Đúng là họ có nghe nhưng chưa chắc họ đã hiểu,  vì ngay cả các tông đồ còn phải hỏi Người về ý nghĩa của dụ ngôn đó.

Đó là một trong những lí do khiến Chúa Giêsu phải dùng dụ ngôn để giảng dạy. Người đã từng bảo rằng: ai có sẽ được cho thêm, còn ai không có thì ngay cả cái họ đang có cũng sẽ bị lấy đi. Quả thật, những lời giảng dạy của Người phải đến với tai dân chúng qua các dụ ngôn thì họ mới có thể mường tượng được đôi phần lời Người; còn nếu trực tiếp nói ra những lời ấy, có thể họ vẫn hiểu nhưng họ không chấp nhận.

Chúng ta có thể nghĩ ngay đến việc Chúa đã từng trực tiếp phán dạy rằng: ai ăn Thịt và uống Máu ta thì sẽ được sống đời đời, vì Thịt ta thật là của ăn và Máu ta thật là của uống. Dân chúng vẫn nghe, vẫn hiểu nhưng họ xem đó là những lời chói tai, nhiều môn đệ đã vấp phạm và từ bỏ Người. Để từ đó, ta có thể thấy được sự giới hạn của trí khôn loài người. Người ta thường tự cho mình là thông minh nhưng chính sự “thông minh” đó đã trở thành cớ cho họ vấp phạm, vì trí tuệ của con người không phải vô tận. Do đó, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn để rao giảng cho dân chúng.

Tuy nhiên, bấy nhiêu vẫn chưa đủ vì Người đã nhấn mạnh “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”. Nghĩa là, người ta không chỉ dừng lại ở việc “nghe” Lời Chúa mà còn phải mở lòng mình ra để đón nhận những Lời chân lý ấy. Chỉ “nghe” thôi chưa đủ, chúng ta còn phải biết đem những điều ấy áp dụng vào cuộc sống, đem những Lời ấy ra thực hành. Đó mới thực sự là “nghe” và là “có tai để nghe”.

Qua đó, chúng ta hãy nhìn lại bản thân mình. Quả thật là chúng ta có tai, chúng ta không điếc, không bị khiếm thính nhưng dường như chúng ta đã không “nghe” Lời Chúa một cách tronn vẹn. Ta “nghe” nhưng chẳng hề để tâm như hạt giống rơi bên vệ đường; ta “nghe” nhưng chẳng vững lòng tin tưởng như hạt rơi trên đá; ta “nghe” nhưng lại để những thú vui trần tục bóp nghẹt như hạt giống rơi vào bụi gai… Nếu thực sự lắng nghe, để tâm, suy ngẫm và đem Lời Chúa ra thực hành như hạt rơi trong đất tốt. Đó là điều Chúa muốn chúng ta thực hiện và là đích đến để chúng ta theo đuổi.

Lạy Chúa, tuy chúng con có tai, chúng nghe nghe được Lời Ngài nhưng đôi lúc chúng con không hiểu thấu được, cũng có thể chúng con nghe và hiểu nhưng lại chẳng dám tin tưởng và làm theo Lời ấy khiến tâm hồn chúng con trở nên trống rỗng. Xin Ngài đoái thương đến trái tim chai đá và đôi tai chưa sẵn sàng đón nhận Lời Chúa của chúng con, để chúng con biết mỗi ngày một hoàn thiện hơn, biết lắng nghe, suy ngẫm và thực hành như Chúa hằng ước mong. Amen.

Petrus Sơn

Khiếm khuyết phi thể xác (23.09.2017)

Thiên Chúa đã ban cho mỗi người các giác quan để cảm nhận cuộc sống: “thị giác” để nhìn, “thính giác” để nghe, “khứu giác” để ngửi, “vị giác” để nếm và “xúc giác” để tiếp xúc với vạn vật. Thế nhưng, không phải ai cũng có đầy đủ tất cả các giác quan ấy, có người bị khiếm khuyết về mắt, có người mắc bệnh ở tai, hay cũng có người chẳng thể nói được… Những người ấy bị mất đi khả năng cả nhận bằng giác quan nào đó là do cơ thể bị khiếm khuyết từ khi mới sinh hoặc do tai nạn. Tuy nhiên, vẫn có những người có đầy đủ giác quan nhưng lại như những người khiếm khuyết, họ có mắt nhưng chẳng chịu mở ra để nhìn, có tai nhưng chẳng muốn nghe, có miệng lại chẳng buồn nói… Đó là sự khiếm khuyết về nhân cách và tâm hồn – khiếm khuyết phi thể xác.

Xã hội ngày nay chứa đầy sự gian xảo, bịp bợm, đầy rẫy bất công. Thế nhưng, chẳng phải ai cũng can đảm lên tiếng chống lại sự bất công đó. Martin Luther King – nhà hoạt động nhân quyền Mỹ gốc Phi – đã từng nói rằng: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt”. Quả đúng như thế, xã hội luôn tồn tại hai loại người: tốt và xấu. Đôi khi, những hành động của kẻ xấu gây ra biết bao đau khổ cho người khác lại chẳng đáng sợ bằng sự im lặng của những người tốt (hoặc tự cho mình là người tốt). Họ có miệng, có lưỡi nhưng lại như những người câm, họ trố mắt nhìn người khác bị áp bức, bất công nhưng chẳng thèm lên tiếng vì lí do hết sức đơn giản: không liên quan đến mình.

Nói như thế cũng có phần quá đáng, vì đôi khi, những người hiểu biết thời cuộc, nhận thức được mình đang bị áp bức mà lên tiếng đòi công bằng, lại là những kẻ bị bắt bớ, đàn áp trước tiên. Sống trong một xã hội mà quyền lực tập trung vào tay bọn cường quyền xấu xa, hung ác thì những người tốt cũng phải e dè, ngao ngán vì biết đâu được, chẳng những không giữ nổi mạng mình mà còn liên lụy đến thân nhân.

Vì thế, họ sợ.

Họ sợ bất công xảy đến với mình nhưng vô tình để chúng ngày càng lớn dần, “được đằng chân, lân đằng đầu” khi họ im lặng. Họ muốn bình yên, nhưng lại chẳng ngờ rằng, nếu cái xấu không bị triệt tiêu, hoặc chí ít là bị ngăn chặn, thì sự bình yên của họ “chỉ là sự bình yên trong nhà xác hay nghĩa địa”. Quả thật, đó không phải sự bình yên của kẻ sống.

Bên cạnh đó, có những người có mắt nhưng lại chẳng muốn nhìn. Họ làm ngơ trước những đau thương, mất mát của anh em mình. Chẳng những mắt họ nhắm nghiền mà ngay cả tim họ cũng chai đá, không muôn nhìn thấy sự đau khổ của tha nhân chỉ để tìm thấy sự an lòng giả tạo. Tuy họ không bị khiếm khuyết về mắt nhưng hành động và thái độ của họ không chứng minh được điều đó.

Cũng có những người có tai nhưng lại chẳng thèm nghe. Họ làm ngơ trước những lời cầu khẩn của kẻ khốn cùng, hay chẳng muốn nghe những lời góp ý chân thành từ những người đồng bạn. Thế nhưng, cũng có đôi khi, họ cố lắng nghe nhưng lại chẳng thể nào hiểu được. Trong bài Tin Mừng hôm nay, ngoài việc nhắc nhở chúng ta phải biết đem Lời Chúa ra thực hành, Chúa Giêsu còn lí giải việc Người dùng dụ ngôn để giảng dạy: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu”. Người hiểu rõ sự yếu đuối của chúng ta; Người biết rằng dẫu cố lắng nghe cách mấy, chúng ta vẫn không thể hiểu Lời Người. Thế nên, Chúa Giêsu đã dùng những hình ảnh vô cùng gần gũi, để chúng ta có thể định hình được những gì Người phán truyền. Người muốn chúng ta hiểu được những chuyện nhỏ trong dụ ngôn, để từ đó hiểu ra những vấn đề to lớn trong các bài học Người giảng dạy. Người không muốn trí khôn hạn hẹp trở thành cớ khiến chúng ta vấp phạm mà nghi ngờ Lời Người.

Trong xã hội hiện nay, con người ngày càng ưa chuộng chủ nghĩa “Tam không”: không thấy, không nghe, không nói. Tư tưởng này khiến những con người bình thường trở thành kẻ khiếm khuyết, có mắt chẳng muốn nhìn, có tai chẳng chịu nghe, có miệng chẳng thèm nói. Áp bức, bất công đang tràn lan trong xã hội; mỗi khi làm ngơ trước điều đó là mỗi lần chúng ta tự làm khiếm khuyết tâm hồn và nhân cách của chính mình. Nếu những việc của người bình thường mà chúng ta còn chưa dám làm, thì là sao ta có thể thi hành ý muốn của Thiên Chúa – những việc làm phi thường. Mỗi người chúng ta hãy tự đánh giá lại bản thân, liệu chúng ta đã sống đúng với lương tâm của mình chưa? Hay ta đang dần trở nên những kẻ khiếm khuyết phi thể xác? Hãy thức tỉnh và thực hiện những gì lương tâm mách bảo, đừng tìm cho mình sự bình an giả tạo của sự chết, mà hãy tìm bình an đích thực nơi Thiên Chúa là sự sống.

Lạy Chúa, Chúa biết chúng con là những kẻ yếu đuối, Ngài biết rõ chính sự “ảo tưởng sức mạnh” đã khiến chúng con không thể hiểu và nghi ngờ Lời Ngài. Xin Chúa ban cho chúng con ơn thông hiểu, để có thể nhận ra ý muốn của Ngài, từ đó đưa chúng vào cuộc sống hằng ngày. Xã hội nơi chúng con sống đang dần bị khiếm khuyết về nhân cách và tâm hồn, xin Ngài hãy cho chúng con biết can đảm chống lại sự dối trá, bất công đang diễn ra hằng ngày trên đất nước chúng con, ngõ hầu có thể xứng đáng với danh xưng “Kitô hữu”. Amen.

Petrus Sơn 

Đất “tâm hồn” và hạt giống Lời Thiên Chúa (17.09.2016)

SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng hôm nay trình bày thái độ đón nhận Lời Thiên Chúa của dân Do Thái lúc bấy giờ cũng như toàn thể nhân loại, trải qua các thế hệ.

Đức Giêsu đã dùng dụ ngôn người gieo giống để mặc khải về “Lời cứu rỗi Thiên Chúa ban cho nhân loại” và thái độ của người đón nhận Lời. Như người gieo giống tung vãi hạt giống trên đất của mình và mong chờ một mùa gặt bội thu; Đức Giêsu con Thiên Chúa hạ sinh làm người, đến trần gian để công bố Tin vui Cứu độ; Người đã rảo bước khắp các miền từ Ga-li-lê băng qua Sa-ma-ri rồi đến tận thánh đô Giê-ru-sa-lem miền Giu-đê và giảng dạy: Nước Trời đã đến gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.

Như người gieo giống, Đức Giêsu ra đi gieo vãi hạt giống là Lời Thiên Chúa: Lời tình yêu, Thiên Chúa trao gửi cho nhân loại để mọi người yêu thương và được yêu thương; Lời cứu độ, Thiên Chúa giáo huấn để giải thoát con người khỏi lầm lạc, tội lỗi, đưa họ về đường ngay nẻo chính mà hưởng hạnh phúc vĩnh cửu; Lời diễn tả thánh ý Thiên Chúa, để con người nhận biết và thực hành mà trở nên con cái Thiên Chúa. Đáng tiếc thay, hạt giống Lời Chúa đã rơi vào các loại đất tâm hồn khác nhau và tùy thuộc môi trường sinh trưởng mà đơm bông kết trái.

Đất bên vệ đường bị người ta giẫm đạp lâu dần thành chai lì, hạt giống rơi vào vệ đường, trơ trọi nằm đó, người đời giẫm đạp lên và chim trời ăn mất. Tâm hồn của những người kẻ không tin, không quan tâm đến hạnh phúc Nước Trời và không có lòng yêu mến đạo đức cũng chẳng khác đất vệ đường là bao;mặc cho lời giảng dạy của Hội Thánh, mặc cho tác động của ơn Chúa Thánh Thần và lời khuyên bảo của những người khôn ngoan; họ chai lì trong các tật xấu, không để Tin Mừng bám rễ, sinh chồi, nẩy lộc đơm bông; không để chân lý biến đổi họ, và ma quỉ đã cướp đi hạt giống “sự sống đời đời” nơi họ.

Đất sỏi đá khô cằn, hạt giống rơi trên đó cũng bám rễ, đâm chồi; nhưng chẳng bao lâu bị héo tàn vì đất thiếu độ tơi xốp, thiếu độ ẩm để nuôi dưỡng mầm sống. Hạng người thứ hai trình thuật Tin Mừng nhắc đến là những tâm hồn sốc xổi, kém tin, gặp được  “lời chân lý” họ vui vẻ đón nhận; hạt giống cũng đâm rễ, nảy mầm nhưng không có môi trường phát triển, rễ phân nhánh chẳng được nhiều nên nắng nóng, gió hanh là những khó khăn và thử thách trong cuộc sống sẽ làm cho họ lãng quên, gạt bỏ Lời ra khỏi cuộc sống và họ bỏ cuộc.

Đất đầy những bụi gai và cỏ dại; hạt giống rơi vào đó cũng mọc lên nhưng bị cỏ dại lấn lướt, lâu ngày trở nên èo uột vì thiếu ánh sáng, thiếu chất dinh dưỡng rồi chết nghẹt. Đức Giêsu muốn nói đến tâm hồn những kẻ mê đắm dục tình, vật chất, ham hố công danh sự nghiệp mà bất chấp thủ đoạn để chiếm hữu hưởng thụ; họ không có thời giờ cũng như tạo điều kiện cho việc tìm kiếm chân, thiện, mỹ trong cuộc sống; do đó, hạt giống Lời Chúa là các nhân đức tự nhiên, siêu nhiên bị nỗi lo toan tìm kiếm những danh vọng hão huyền, giầu sang vật chất chóng qua cùng những ham muốn khoái lạc thấp hèn làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành.

Còn đất tốt: mầu mỡ, phì nhiêu; hạt giống rơi vào đó, nhanh chóng bâm rễ, nảy mầm; nó phát triển tươi tốt và sinh hoa kết trái gấp trăm lần. Hạng đất tốt này là những tâm hồn quảng đại; họ khiêm tốn loại trừ khỏi thưở đất lòng mình những gai góc và cỏ dại là lòng kiêu căng, hận thù, tham lam, ích kỷ để khiêm cung đón nhận Lời, biến đổi suy nghĩ, hành vi và lời nói nhằm sinh ích cho bản thân và cho những người xung quanh.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

Hãy làm thưở đất “tâm hồn” thêm tơi xốp, mầu mỡ và sạch cỏ dại bằng sự khiêm tốn, yêu mến và quảng đại với Thiên Chúa, với tha nhân, để hạt giống Lời Thiên Chúa phát triển, phủ xanh tâm hồn và sinh hoa kết trái là các nhân đức và sự sống đời đời.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin dạy con biết chuẩn bị tâm hồn cho xứng hợp để con đón nhận hạt giống Lời Chúa, Chúa đã ban cho nhân loại chúng con; để nhờ đó con củng cố đức tin còn yếu kém và tăng trưởng đức ái đến chỗ hoàn hảo.

SỐNG TIN MỪNG

Siêng năng đọc Kinh Thánh, suy niệm, cầu nguyện và áp dụng trong cuộc sống (Lectio divina) để được biến đổi nên trọn lành.

Hạt giống & Đất (19.09.2015)

Hạt giống được gieo xuống đất sẽ mọc lên thành cây. Nhưng cây đó tươi tốt và sinh hoa kết trái được nhiều hay ít là tùy thuộc vào chất lượng đất trồng và công vun xới bón chăm. Đất tốt cây mọc lên tốt, đất xấu hay trơ đá sỏi thì cây không thể mọc và phát triển, thậm chí chỉ còn trơ lại đất đá mà thôi.

Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dùng dụ ngôn để ví Lời Chúa như hạt giống nhà nông gieo vãi; chúng có thể bị cướp mất, có thể lớn lên tí chút rồi khô héo, có thể lớn lên mà chẳng sinh hoa kết quả, và có thể sinh hạt gấp trăm. Giữa đám đông ngút ngàn từ khắp các thành thị kéo đến, Đức Giê-su hô lên, như để kéo sự chú ý, chú tâm mà suy xét về điều quan trọng này: “Ai có tai nghe thì nghe”. Nhiều khi người ta nghe mà như không, nghe như nước đổ đầu vịt, nước đổ trên đá gạch hoa kim thì càng vô hiệu vì không thể thấm nước.

Hạt giống Lời Chúa có được mọc lên thành cây sinh hoa kết trái hay không là tùy thuộc thái độ đón nhận của mỗi người. Tâm hồn mỗi người như thửa đất sẽ đón nhận hạt giống Lời Chúa ra sao? Chính Thầy Giê-su đã cắt nghĩa rõ ràng cho các môn đệ về bốn loại đất khác nhau:

1-“Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ”.

 Đây là trở ngại do trí khôn. Khi nghe Lời Chúa người ta cũng nghe, nhưng nghe bỏ đấy, nghe mà không hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy, vào tai này ra tai kia, rồi chê Cha giảng dở, nói lạc đề. Họ không hiểu là vì họ không chịu chú ý nghe, không muốn nghe, hay không chịu suy nghĩ những gì Cha cắt nghĩa, chỉ còn là đất vệ đường.

2- “Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc”.

Đây là trở ngại do ý chí, là những người có để ý nghe nhưng hời hợt, mát mình thì thực hành tí chút, gặp khó khăn là chán nản chạy mất, hay bị cám dỗ là ngã lòng bỏ cuộc buông xuôi, họ trở thành đất đá sỏi mà thôi.

3- “Hạt rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành”.

Đây là trở ngại do tình cảm, những người nghe Lời Chúa, nhưng chiều theo thị hiếu thế gian, hay đòi hỏi của xác thịt, những thứ ấy làm đất tâm hồn như bụi gai, lấn át làm cho Lời bị bóp nghẹt không thể trưởng thành mà lớn lên được. Lời Chúa là chính Chúa thì đúng là làm cho Chúa bị “nghẹt” rồi, làm sao Ngài có thể lớn lên trong tôi?

4- “Hạt rơi vào đất tốt là những kẻ nghe Lời Chúa với một tâm lòng tốt lành và quảng đại, giữ Lời Chúa trong lòng, và kiên nhẫn sinh hoa kết quả.”

Đất thuận lợi là nơi những tâm hồn biết lắng nghe, để tâm suy nghĩ và thực hành Lời Chúa. Lời sẽ sinh bông hạt trong thửa đất màu mỡ ấy.

Chúa ơi! Chúa biết rằng tâm hồn chúng con luôn thay đổi: có lúc như vệ đường, như sỏi đá, như bụi gai, hoặc có khi như đất tốt, nhưng Chúa vẫn luôn kiên trì gieo Lời hằng sống của Chúa vào tâm hồn chúng con.

Xin cho chúng con biết hoán cải, mở lòng để đón nhận Chúa vào đời mình hằng giây, để chính Chúa sẽ cải tạo, làm mới thửa đất tâm hồn chúng con. Có Chúa trong cuộc đời, nỗi sướng vui ngập tràn, Lời Chúa gieo vào chúng con sẽ thành cây tươi tốt sinh nhiều hoa trái.

Én Nhỏ

Hạt giống rơi vào bụi gai (20/09/2014)

“Đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết nghẹt mà không đạt thành quả.” (Lc 8,14)

Suy niệm: Họa sĩ Van Gogh nói rằng: “Cuộc đời là thời gian gieo trồng, chứ chưa phải là mùa gặt hái”. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi thấy Thiên Chúa, được ví như người gieo giống, đã gieo cách kiên trì, rộng rãi đến độ hoang phí các hạt giống Lời Chúa. Hôm nay chúng ta nói đến thân phận của hạt giống rơi vào bụi gai, tiêu biểu cho thái độ đón nhận Lời Chúa thường gặp nơi chúng ta. Bụi gai tượng trưng cho nỗi bận tâm về chuyện đời, về ham mê của cải, công ăn việc làm khiến cho cây Lời Chúa chết nghẹt.

Mời Bạn: Bạn thường nói rằng tôi quá bận rộn đến nỗi không có giờ cầu nguyện, tôi phải lo công ăn việc làm, không rảnh rỗi để đọc Lời Chúa, để lo các việc đạo đức… Coi chừng! Tâm hồn bạn đang có nhiều bụi gai đấy! Bạn hãy nhớ rằng: không phải điều gì rõ ràng là xấu mới nguy hiểm, mà ngay những điều tốt, hợp lý như công ăn việc làm, chuyện đời sống… cũng có thể nguy hiểm, bởi vì “điều tốt thứ nhì luôn là kẻ thù tệ hại nhất của điều tốt nhất”. Tại sao? Tại vì nó làm bạn xao lãng điều tốt nhất.

Sống Lời Chúa: Ghi một câu Lời Chúa mà bạn thích nhất vào sổ hay vào một tấm ảnh, để đọc mỗi sáng và để cho Lời ấy tác động bạn suốt ngày sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, dù Chúa biết rằng tâm hồn chúng con luôn thay đổi: có lúc như vệ đường, như sỏi đá, như bụi gai, hoặc có khi như đất tốt, nhưng Chúa vẫn luôn kiên trì gieo Lời hằng sống của Chúa vào tâm hồn chúng con. Xin cho chúng con cũng biết kiên trì cải tạo thửa đất tâm hồn. Amen.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *