Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Thánh Basil Cả (329 – 379) – Lễ Nhớ
Lời Chúa: 1 Ga 2,22-28, Ga 1,19-28
Bài đọc 1: 1 Ga 2,22-28
Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ.
Anh em thân mến,
ai là kẻ dối trá, nếu không phải là kẻ chối rằng
Đức Giê-su là Đấng Ki-tô ?
Kẻ ấy là tên Phản Ki-tô,
là kẻ chối Chúa Cha và Chúa Con.
Ai chối Chúa Con thì cũng không có Chúa Cha ;
kẻ tuyên xưng Chúa Con thì cũng có Chúa Cha.
Phần anh em,
ước chi điều anh em đã nghe từ lúc khởi đầu
ở lại trong anh em.
Nếu điều anh em đã nghe từ lúc khởi đầu
ở lại trong anh em,
thì chính anh em sẽ ở lại trong Chúa Con và Chúa Cha.
Và đây là điều
mà chính Đức Ki-tô đã hứa ban cho chúng ta :
sự sống đời đời.
Tôi viết cho anh em những điều ấy
để nói về những kẻ tìm cách làm cho anh em đi lạc đường.
Phần anh em,
dầu mà anh em đã lãnh nhận từ Đức Ki-tô
ở lại trong anh em,
và anh em chẳng cần ai dạy dỗ nữa.
Nhưng vì dầu của Người dạy dỗ anh em mọi sự
-mà dầu ấy dạy sự thật chứ không phải sự dối trá-,
thì theo như dầu ấy đã dạy anh em,
anh em hãy ở lại trong Người.
Giờ đây, hỡi anh em là những người con bé nhỏ,
anh em hãy ở lại trong Người,
để khi Người xuất hiện,
chúng ta được mạnh dạn, chứ không bị xấu hổ,
vì phải xa cách Người trong ngày Người quang lâm.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 1,19-28)
19 Đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông : “Ông là ai ?” 20 Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng : “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” 21 Họ lại hỏi ông : “Vậy thì thế nào ? Ông có phải là ông Ê-li-a không ?” Ông nói : “Không phải.” – “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng ?” Ông đáp: “Không.” 22 Họ liền nói với ông : “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến ? Ông nói gì về chính ông ?” 23 Ông nói : Tôi là tiếng người hô trong hoang địa : Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói. 24 Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. 25 Họ hỏi ông : “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ ?” 26 Ông Gio-an trả lời : “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. 27 Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” 28 Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.
Sống khiêm hạ… (02.01.2024)
Tin Mừng hôm nay đề cập đến cuộc đối thoại giữa Gio-an Tẩy Giả với các vị tư tế và các thầy Lê-vi… Họ hỏi Gio-an: Ông có phải là Đức Ki-tô không ? Ông có phải là Ê-li-a hay có phải là một đấng tiên tri không ? Gio-an trả lời cho họ rằng ông không phải là Đức Ki-tô, cũng không phải là Ê-li-a hay một đấng tiên tri nào cả, mà ông chỉ là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri I-sai-a đã loan báo (x. Ga. 1, 19-28)
Gio-an Tẩy Giả đã làm chứng cho Chúa trong sự khiêm tốn, hạ mình xuống thấp trở nên nhỏ bé để Chúa lớn lên (x. Ga. 3,30). Ông đã khiêm tốn chấp nhận sự thật – Bản thân mình là người làm chứng cho Chúa và đã vui mừng hãnh diện trong vai trò làm người dọn đường cho Đấng Cứu Thế.
Tin Mừng cho thấy Gio-an Tẩy Giả có một lối sống lạ lùng (x. Mc 1,4-6), thu hút nhiều người đến để nghe ngài rao giảng, kêu gọi ăn năn sám hối và chịu thanh tẩy để được cứu rỗi. Thiên hạ đến với ông rất nhiều nhưng ông không giữ họ lại cho mình mà dẫn họ tìm tới Chúa.
Hôm nay, một trong các sứ vụ của đoàn viên Đa Minh là giới thiệu Chúa và đem Chúa đến cho mọi người. Thế mà nhiều khi đoàn viên mình đã không dẫn người ta đến với Chúa mà lại còn cản ngăn không cho mọi người đến với Chúa – Trong số đó có tôi – Phản ánh cụ thể qua đời sống đức Tin mờ nhạt, yếu kém, khô khan, nguội lạnh; và đời sống đoàn viên chây lười lễ lạc, biếng nhác kinh nguyện, chia phe lập nhóm, bè phái cục bộ…
Hôm nay, Giáo hội kính nhớ thánh Ba-si-li-ô Cả và thánh Grê-gô-ri-ô Na-zi-an-zê-nô, giám mục, tiến sĩ hội thánh. Cả hai vị thánh đã sống hiền lành, khiêm nhượng theo gương Đức Giê-su Cứu Thế. Cuộc sống của các Ngài đã họa lại bộ mặt đầy yêu thương của Chúa.
Thánh Grêgôriô đã có câu nói bất hủ: “Nếu vì tôi mà bão táp này (bè rối A-ri-ô) nổi dậy, thì hãy ném tôi xuống biển, để anh em khỏi bị khổ sở”.
Thánh Grê-gô-ri-ô Na-zi-an-zê-nô cũng nói: “Tôi để Chúa Giê-su Ki-tô lo lắng cho tương lai đời tôi như chính Người đã lo cho tôi trong quá khứ”
Lạy Chúa,
Chúa đã làm cho Giáo Hội nên rạng rỡ nhờ gương sáng và lời giảng dạy của hai thánh Ba-si-li-ô Cả và Grê-gô-ri-ô Na-zi-an-zê-nô. Xin cho chúng con biết khiêm nhường tìm hiểu chân lý của Chúa và hết lòng yêu mến đem ra thực hành. Amen. (lời nguyện Ca nhập lễ)
CÁT BIỂN
Tôi phải nhỏ lại để Chúa được lớn lên (02.01.2022)
“Người sẽ đến sau tôi.”
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy hình ảnh thật sống động về Gioan. Chính Gioan đã nhận mình chỉ là “tiếng người hô” để truyền đạt nội dung là “Lời” của Thiên Chúa. Tiếng hô trong hoang địa – dẫu biết rằng hoang địa là nơi vắng người, nhưng Gioan vẫn lên tiếng; dẫu biết rằng có rất ít người lắng nghe hay thậm chí chẳng có ai hiện diện để lắng nghe, nhưng Gioan vẫn hô lên “Lời”. Gioan ý thức đó là “Lời” của Thiên Chúa chứ không phải lời của cá nhân mình.
Gioan chính là hình ảnh rõ ràng, sắc nét về đức tính thành thật của một con người. Có thể nói thành thật là một trong những đức tính căn bản làm nên tư cách tốt lành của con người. Đức tính này rất cần để chính Gioan cũng như mỗi người chúng ta hoàn thiện con đường nên thánh của mình. Bên cạnh đó, Gioan cũng là một người rất khiêm nhường, Gioan để cho Chúa Giêsu lớn lên còn mình thì nhỏ bé lại. Đây là đức tính quý hiếm trong xã hội hôm nay, vì ngày nay, con người thích phô trương, khoe mẽ hơn là sự khiêm tốn.
Trong một thời đại đề cao hưởng thụ vật chất và sĩ diện, phô trương, tính thành thật và khiêm nhường dường như trở thành những đức tính quý hiếm ai cũng thích nhưng không ai muốn thực hành đức tính đó.
Là con cái Thiên Chúa và hậu duệ của Gioan, chúng ta rất cần học lấy bài học thành thật và khiêm nhường. Vì đó là đức tính được Chúa yêu mến. Khác với những ngọn núi tự cao tự đại, lòng thành thật và khiêm nhường được ví như những chỗ trũng hố sâu luôn đón nhận được nguồn nước từ trên cao đổ xuống. Hồng ân của Chúa cũng như vậy, nó đã không dừng lại ở trên đỉnh núi hay triền đồi nhưng tràn xuống và đọng lại chan chứa ở những nơi thấp nhất dưới chân.
Thế nhưng chuyện ham danh thích khen đâu chỉ là chuyện của người đời, mà nó đã len lỏi vào cả đời sống phụng sự và phục vụ của người Kitô hữu, từ các mục tử đến giáo dân. Bề ngoài tưởng chừng như việc phục vụ để Chúa được vinh danh, nhưng thực chất đang ngầm ý để được mọi người ca tụng, tìm tiếng thơm cho mình hơn là để cho Chúa được vinh danh. Khi làm được điều gì hay xây dựng được cái gì, thì coi như do công sức, tài năng của mình, mà quên rằng tất cả đều do ơn Chúa ban và sự đóng góp của mọi người. Thành công thì gán cho mình và lên mặt khinh khi người khác, còn khi thất bại thì tìm cớ để đổ thừa đổ lỗi.
Lời Chúa qua bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy học lấy tấm gương của thánh Gioan – vị Tiền Hô. Hãy làm tất cả cho vinh danh Chúa, để Chúa được lớn lên và được mọi người nhận biết, chứ đừng lo tìm kiếm vinh quang cho mình, để rồi gạt Chúa ra ngoài và làm hại, hạ bệ tha nhân: “Người phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại.” (Ga 3,30)
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức rằng, để vào được Nước Chúa cần phải có sự khiêm tốn, đồng thời dám can đảm dấn thân chiến đấu vì Chúa, xin giúp chúng con can đảm chọn những điều Chúa thích hơn là những điều con muốn, để chúng con có thể thông truyền niềm vui Tin Mừng đến cho mọi người. Amen.
Joston
Quay trở về với lòng sám hối
1. Ghi nhớ:
“Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Chúa đi.” (Ga 1,23)
2. Suy niệm:
Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta có cách đối nhân xử thế khác nhau, có người chọn đời sống thiêng liêng bằng lời cầu nguyện, qua đó thể hiện bằng sự sẻ chia cho nhau qua tấm cơm manh áo, đùm bọc nhau dù sống khó nghèo, nhưng vẫn có tấm lòng rộng mở. Nhưng lại có người chọn cho mình một tâm hồn quanh co lừa lọc và gian dối, không thành thật, tham lam vì bổng lộc gây nên sự chia rẽ bất hòa, vì công danh mà quên tòa án lương tâm đang phán xét tôi, sống không công bằng với người đời, dù tôi sống tốt hay xấu, nhưng Thiên Chúa vẫn đang dõi theo tôi từng ngày.
Hay có người sống ích kỷ, luôn trốn tránh nhiệm vụ trong gia đình, xã hội, cộng đoàn hay Huynh đoàn nhưng lại hay thích phê phán, chỉ trích anh em, quên rằng đời sống trần gian là sự nối kết trùng trùng theo cách sống đời này của tôi, được xếp theo công thưởng của sự sống đời sau. Thế nên! Con đường thiêng liêng là sống tinh thần huynh đệ, một tinh thần luôn xây dựng, tinh thần hòa giải, một tinh thần luôn luôn nối kết với Thiên Chúa qua đời sống Tin Mừng.
Hôm nay Thánh Gio-an đã kêu gọi lòng sám hối của mỗi người: ‘‘Hãy sửa đường cho thẳng để Chúa đi”, Ngài kêu gọi tôi hãy sống bằng một tấm lòng đơn sơ chân thật, vị tha, một tấm lòng sám hối để bạt đi núi đồi quanh co, để có một tâm hồn sống khiêm nhu ngay thẳng, lấp đi những hố sâu của sự nham hiểm, đê tiện đang làm hại đến mọi người.
Sống sám hối, để trở về với con đường thiêng liêng mặc dù đời sống tôi bao phen ngả nghiêng trong bóng đêm của tội lỗi, nhưng tôi biết sống mật thiết và kết hợp cùng Thiên Chúa, biết bừng lên trong ánh sáng và hy vọng, giúp linh hồn tôi sống trong suối nguồn hồng ân Chúa bao phủ, dù cuộc sống dù chông gai va vấp, nhưng nếu biết tin tưởng phó thác trong tay Ngài, tôi vẫn còn có Chúa đồng hành mọi nơi, khi tôi gặp hiểm nguy trong ba đào, biết sám hối và quay trở về với Chúa, nhìn lại quãng đời bao năm vấp phạm với tội lỗi đầy tràn, nhưng tình Chúa vẫn hằng chứa chan ân sủng, sự cần thiết và cấp bách nhất của con người là lòng sám hối khi ăn năn hối lỗi cùng Chúa. Vì với Ngài:
“Ai sám hối thì Người ban cho ơn trở về,
Và những kẻ sờn lòng nản chí, Người cũng sẽ ủi an” (Hc 17, 24).
3. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu! Xin cho chúng con biết nhận ra tội lỗi mình đã vấp phạm, để biết quay trở về với lòng sám hối, luôn sống theo con đường Tin Mừng Thiên Chúa đang mời gọi, vì chính Thầy là đường, là sự thật và sự sống là con đường vĩnh cửu của cuộc đời chúng con. Amen.
M.Liên
.
Chứng nhân đời thường (02.01.2018)
Tin Mừng hôm nay đề cập đến cuộc đối thoại giữa Gio-an Tẩy giả với một số tư tế và mấy thầy Lê-vi được người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử đến. Họ thắc mắc về thân phận của Gio-an:
– Ông có phải là Đấng Ki-tô không ?
– Ông có phải là Ê-li-a không ?
– Ông có phải là vị ngôn sứ không ?
Gio-an khiêm tốn nhận mình chỉ là tiếng hô trong hoang địa; chỉ lo công việc sửa đường để Đức Chúa đi mà thôi. Ông còn “chắc ăn” sẽ có một Đấng đến sau ông, nhưng ông không đáng cởi quai dép cho Người.
Gio-an Tẩy giả có một lối sống khắc khổ, hy sinh hãm mình đặc biệt; kèm theo một phương thế rao giảng đặc biệt để giới thiệu Đức Giê-su Ki-tô cho nhiều người nhận biết và hướng dẫn họ đến với Đức Ki-tô. Bằng lời ăn tiếng nói và bằng chính cuộc sống của mình, Gio-an Tẩy giả đã chứng thực cho dân chúng biết Đấng đang ở giữa họ, mà họ không biết.
Lạy Chúa, xin cho con biết bắt chước tinh thần khiêm hạ như thánh Gio-an Tẩy giả; để qua cách sống của con, mọi người hôm nay nhận ra được khuôn mặt từ bi, nhân hậu, và chan chứa tình thương của Chúa. Amen.
CÁT BIỂN
Lời chứng về Đấng Kitô (02.01.2016)
SUY NIỆM:
Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc gặp gỡ của ông Gio-an Tẩy giả với một số tư tế và thầy Lê-vi được cộng đồng người Do Thái ở Giê-ru-sa-lem cử đến. Những người này chất vấn ông Gio-an xem ông là ai ? Có phải là Đấng Kitô không?.
Ông Gioan Tẩy giả, một người có lối sống đơn sơ, khổ hạnh. Ông được toàn dân Ít-ra-en kính trọng, nể phục; từ vua Hê-rô-đê đến các nhà lãnh đạo Do Thái giáo và dân chúng, tất cả đều ngưỡng mộ ông. Ông xuất hiện bên bờ sông Gióc-đan, giảng về lòng sám hối và canh tân đời sống; ông kêu gọi mỗi người hãy từ bỏ lối sống vốn dĩ đang đi sâu vào lầm lạc, xa rời chân lý và đầy rẫy những bất công, gian dối. Ông mời gọi mọi người chỉnh đốn, sửa đổi cách sống cho tốt đẹp hơn và chịu phép rửa sám hối để đón chờ Đấng Cứu Tinh nhân loại ngự đến. Dân chúng tuốn đến với Gioan Tẩy giả, nghe giảng dạy và xin ông làm phép rửa bởi nước cho họ. Với lối sống khó nghèo, nhiệm nhặt; cùng với lời giảng dạy đầy thuyết phục của ông Gio-an, rất đông dân chúng đã xin được thanh tẩy để tỏ lòng sám hối và quay trở về với đường công chính, hy vọng được gặp Đấng Cứu Thế mà cha ông họ đã bao đời trông mong chờ đợi.
Hoạt động của Gio-an Tẩy giả đã gây ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng người Do Thái, khiến những người lãnh đạo tinh thần ở Giê-ru-sa-lem đặc biệt chú ý đến lời Kinh Thánh ghi chép về Đấng Cứu Thế, Đấng sẽ đến giải cứu dân Người; họ cử các tư tế và các thầy lê-vi đến gặp ông Go-an.
Trong thâm tâm người Do Thái lúc bấy giờ, họ phân vân không biết Gio-an có phải là Đấng sẽ đến hay không? Họ hỏi ông: “Ông là ai?” , ông Gio-an thẳng thắn trả lời họ: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô … không phải là Ê-li-a …hay một tiên tri”. Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?”. Ông Gio-an đã trả lời họ: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói”.
Những người thuộc phái Pha-ri-sêu đi theo đoàn, cũng hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ?”.
Ông Gio-an Tẩy giả được tràn đầy thánh thần, ông giảng dạy và can đảm vạch trần những sai trái của mọi tầng lớp trong xã hội lúc bấy giờ, vì họ sống buông thả, chiều theo dục vọng và làm những điều xấu xa, xúc phạm đến Thiên Chúa cũng như vi phạm lề luật của Người; việc làm của Gio-an khiến những người Pha-ri-sêu khó chịu, vì họ cho rằng hành động làm phép rửa và tha tội cho con người là thẩm quyền của Thiên Chúa hay Đấng Kitô được Người sai đến. Ông Gio-an đã mạnh mẽ tuyên bố: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Ông Gio-an Tẩy giả muốn nói đến Đức Giêsu Na-da-rét, là người đang gây chú ý trong dân chúng Ít-ra-en; đó chính là Đấng Cứu Thế muôn dân đang trông đợi, Đấng phải đến để làm phép rửa trong ThánhThần mà tha thứ tội lỗi cho mọi người.
Đời sống của Gio-an tẩy giả đã lôi kéo sự chú ý của dân Do Thái và hướng họ về Đấng Cứu Thế mà họ và cha ông họ hằng trông mong chờ đợi; Gio-an tẩy giả xuất hiện đồng thời với Đức Giêsu Na-da-rét, khi Người công khai rao giảng Nước Trời và ơn Cứu Độ. Dân Do thái đã không nhận biết Đức Giêsu Na-da-rét là Đấng Cứu Thế vì Người thuộc tầng lớp lao động nghèo hèn, cha của Người cũng chẳng có gì là danh giá vì chỉ là bác thợ mộc ở Na-da-rét quê mùa.
Thế giới hôm nay vẫn còn rất nhiều người không nhận biết, hay chưa nhận biết “Con Thiên Chúa” đã giáng sinh làm người; Đấng đang hiện diện giữa nhân loại và mong chờ được nhân loại đón tiếp, suy tôn và tuân phục.
Cần phải có những “Gio-an tẩy giả” khiêm tốn, sống đơn sơ và nhiệt thành làm chứng cho Đấng Cứu Thế bằng chính cuộc sống thánh thiện và công chính giữa lòng đời hôm nay, để Đấng Cứu Thế được nhiều người nhận biết và ơn Cứu Độ của Người lan tỏa đến mọi người và mọi dân tộc.
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:
Khiêm tốn tin phục Hài Nhi mà nhân loại vừa mừng kỷ niệm hơn hai ngàn năm giáng sinh, Hài nhi đó chính là Con Thiên Chúa, là Đấng cứu tinh của nhân loại. Người đến thế gian, rao giảng chân lý cứu độ và làm phép rửa cho mọi người bằng Thánh Thần của Người; nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Người, tôi được ơn tha thứ tội lỗi và trở nên con cái đích thực của Thiên Chúa.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, Chúa đang hiện diện giữa nhân loại chúng con và luôn thi ân giáng phúc cho chúng con; vậy mà vẫn còn rất nhiều người chưa nhận biết Chúa. Xin cho người Kitô Hữu chúng con trở nên “tiếng hô trong hoang địa” như Gioan Tẩy giả; để qua hành vi, lời nói trong cuộc sống, chúng con làm chứng Người chính là Đấng Cứu Thế đã đến thế gian, để giải thoát nhân loại khỏi sự thống trị của ma quỷ và tội lỗi, để dẫn đưa mọi người đến hạnh phúc vĩnh cửu.
SỐNG TIN MỪNG
Khiêm tốn, tín thác vào lòng thương xót và tha thứ của Đức Giêsu Kitô; nỗ lực sống thánh giữa đời và loan báo Tin Mừng cho mọi người xung quanh.