Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Cv 4,23-31, Ga 3,1-8
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 3,1-8)
1 Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do-thái. 2 Ông đến gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông nói với Người : “Thưa Thầy, chúng tôi biết : Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy.” 3 Đức Giê-su trả lời : “Thật, tôi bảo thật ông : không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” 4 Ông Ni-cô-đê-mô thưa : “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được ? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao ?” 5 Đức Giê-su đáp : “Thật, tôi bảo thật ông : không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. 6 Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt ; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. 7 Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói : các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. 8 Gió muốn thổi đâu thì thổi ; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”
Sinh ra lần nữa (17.04.2023)
“Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.”
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy xuất hiện một khuôn mặt rất bí ẩn là ông Ni-cô-đê-mô. Có thể nói nhân vật này được Tin Mừng thứ IV xây dựng lên và hoàn toàn không có trong ba Tin Mừng Nhất Lãm, và cho đến nay cũng không ai biết “ông thánh” Ni-cô-đê-mô mà chúng ta thường đọc trong phép ngắm đàng Thánh Giá là người như thế nào và được mừng kính ngày nào. Chỉ biết rằng, trong Tin Mừng thứ IV đã xuất hiện ba lần: lần đầu lén lút đến gặp Chúa ban đêm, lần hai xuất hiện trong cuộc họp giới lãnh đạo Do-thái và không tán thành việc kết án Chúa Giêsu, và lần cuối xuất hiện trong việc táng xác Chúa.
Theo những gì thánh sử Gioan ghi lại, chúng ta nhận ra rằng: Ni-cô-đê-mô là một thủ lãnh của người Do Thái, ông thuộc nhóm Pha-ri-sêu và là thầy dạy của dân chúng. Vì là thầy dạy nên ông là người rất hiểu biết. Ông không ém nhẹm sự hiểu biết của mình bằng sự cố chấp như nhóm đồng bạn của ông. Ông tỏ ra là một người tri thức biết giao thiệp. Ông đến gặp Chúa Giêsu và mở lời bằng một câu khen ngợi: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy”. Câu nói mở đầu cuộc đối thoại của ông cho chúng ta thấy rằng: cả nhóm Pha-ri-sêu đều hiểu biết về Chúa Giêsu, nhưng chỉ một mình Ni-cô-đê-mô có sự khao khát tìm kiếm và mong gặp được chân lý. Ông đã có một khởi đầu tốt, một sự can đảm trong “rụt rè – e ngại”, ông đến gặp Chúa Giêsu ban đêm. Tuy nhiên, thà là khởi đầu rất yếu ớt còn hơn là không có khởi đầu. Có khởi đầu nhưng không can đảm tiếp tục dứt khoát cũng lại là điều lỡ làng đáng tiếc.
Chúa Giêsu không đợi Ni-cô-đê-mô hỏi gì, mà Người nói ngay rằng: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” Người muốn xác định cách dứt khoát ngay từ đầu rằng, muốn gia nhập Nước Thiên Chúa thì phải “sinh lại”. Sinh lại là phải thay đổi cách sống, phải chọn lựa gia nhập, chứ không thể sống nửa vời được nữa.
Ni-cô-đê-mô hiểu “sinh lại” theo nghĩa tự nhiên nên ông thắc mắc: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?” Thực ra, đây là cách nói xuyên suốt của cả Tin Mừng thứ IV: nhìn sự tái sinh nhờ ơn Cứu Chuộc của Chúa Giêsu là một cuộc sáng tạo mới. Sinh ra lần thứ nhất là sinh ra bởi xác thịt, nhưng khi chịu Phép Rửa thì sinh ra lần nữa (tái sinh) thành con người mới nhờ nước và Thần Khí. Đó chính là một đòi buộc ai muốn vào Nước Chúa phải đi vào lòng mẹ Giáo Hội để được sinh ra làm con người mới nhờ đón nhận phép Thánh Tẩy – là sinh lại trong nước và Thánh Thần.
Ni-cô-đê-mô nhận ra sự yếu đuối của mình và muốn được biến đổi: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được?”. “Đã già rồi” ở đây muốn nói lên những kinh nghiệm, những thói quen hay những kiến thức đã hình thành nơi ông. Nhưng nơi ông Ni-cô-đê-mô ta còn thấy một con người khao khát tìm chân lý cho cuộc sống của mình. “Làm sao có thể sinh ra được?”, một câu hỏi ông đặt ra để xin Chúa chỉ cho ông. Ông luôn khiêm nhường trước mặt Chúa và để Người hướng dẫn. Điều này đối với ông đã là một sự thay đổi.
Với những gì thánh sử Gioan ghi lại, chúng ta có thể nói về ông Ni-cô-đê-mô như sau: Ông là một người rất tốt, ham mê học hỏi chân lý, khao khát tìm gặp sự thật. Ông rất công bằng trong việc nhìn người khác và đánh giá họ. Ông biết lắng nghe, biết mở lòng cho sự thật và sẵn sàng đối diện với những phức tạp sai trái khi hành xử với người khác. Hơn nữa ông còn là một người rất mực quảng đại và hào phóng.
Như vậy, qua cuộc đối thoại với Ni-cô-đê-mô, Chúa Giêsu dạy chúng ta ý thức lại ơn tái sinh của chúng ta qua Phép Rửa trong nước và Thánh Thần, và nhờ đó chúng ta cần đổi mới, phải từ bỏ con người cũ là mê theo xác thịt, mà mặc lấy con người mới là bước đi trong Thần Khí Sự Thật.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết can đảm và tự hào mình là người con Chúa, đã được sinh ra trong Giáo Hội, để mọi người nhận ra hiệu quả của Thần Khí trên cuộc đời của mỗi chúng con, mà ca tụng danh Chúa. Amen.
Joston
Tái sinh bởi Trời (12.04.2021)
Quan niệm tái sinh ở Đông Phương đã có từ rất lâu. Trong thế giới quan của Nhà Phật đã hình thành một quan niệm rõ ràng, kiếp luân hồi.
Ông Nicôđêmô đại diện cho quan niệm của tái sinh thời Chúa Giêsu, sinh lại từ bụng mẹ. Điều đó chứng tỏ người xưa đã có quan niệm sống lại.
Sự sống lại của quan niệm luân hồi là tự giải thoát bằng chính những việc làm phúc tội của mình khi còn sống. Tùy vào nghiệp của chúng sinh đã tạo trong quá khứ mà chúng sinh đó sẽ tái sinh vào một trong sáu cõi: trời, thần (a-tu-la), người, súc sinh, quỷ đói (ngạ quỷ), địa ngục. Trong Đại thừa, luân hồi được xem là thế giới của hiện tượng và thể tính của nó chính là thể tính của Niết-bàn. Nghiệp chướng sẽ hoá kiếp khổ trở lại, không được thành Tiên, thành Phật.
Chúa Giêsu làm sáng tỏ sự sống lại từ Thiên Chúa ban cho những ai tái sinh bằng nước và Thánh Thần, thì sẽ được sống lại và có sự sống đời đời.
Sự sống ấy không bởi con người tự tái sinh được, cũng không phải luân hồi đầu thai trở lại trần gian làm kiếp con này hay con khác. Quan niệm tái sinh mà đại diện là ông Nicôđêmô cho thấy sự tái sinh là do nghiệp chướng của mình, những ai đã thoát khỏi nghiệp chướng tức là những người sống tốt sẽ thoát ra khỏi vòng luân hồi mà tái sinh vào cõi trời thành Tiên thành Phật. Còn Chúa Giêsu đã khẳng định những gì sinh ra bởi huyết nhục thì thuộc về huyết nhục, mà huyết nhục chính là con người, mà con người chính là bụi đất sẽ trở về bụi đất, cho nên không có kiếp luân hồi như quan niệm của họ.
Chúa Giêsu khẳng định có sự sống đời sau và sự sống đời sau đó chính là phần hồn. Phần hồn sẽ chịu phán xét về những tội phúc mà khi còn sống ở đời này đã làm. Như vậy, khi Adong Eva phạm tội, thì bởi tội đã cắt đứt quyền làm con Thiên Chúa, nên từ đó con người không còn được vào hưởng Nước Trời nữa, vì bởi một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, thì bởi một người mà thế gian được cứu rỗi (Rm 5, 12-18), đó chính là sự cứu rỗi của Chúa Giêsu. Cho nên, tất cả phải được tái sinh bởi Đức Giêsu Kitô thì mới được ơn cứu rỗi. Vì tội mà làm cho người ta phải chết, thì ân sủng sẽ làm cho người ta được sống đời đời (Rm 5, 21). Sự tái sinh phần hồn để được vào Nước Trời, đó chính là sự chết đi của thân xác tội lỗi khi lãnh nhận bí tích Rửa tội (Rm 6, 3), và được cùng Phục Sinh với Chúa Giêsu Kitô trong vinh quang với Người (Rm 6, 8).
Cầu nguyện :
Lạy Chúa, xin cho con được tái sinh trong Chúa Giêsu Kitô để con đóng đinh thân xác tội lỗi của con chết đi, và cho con được Phục Sinh với Người trong sự tái sinh bởi trời, vì đó là Niềm Tin để con được Tái Sinh Bởi Trời trong Đức Kitô.
Hư Vô
Ơn tái sinh nhờ máu Chúa Giê-su Ki-tô (20.04.2020)
“Nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Chúa” (Ga 3,5).
Mỗi Ki-tô hữu đã được sinh lại bởi Nước và Thánh Thần qua Bí Tích Rửa tội. Dù được rửa tội lúc còn ấu thơ hay khi đã lớn khôn, thì cũng là một hồng ân trọng đại mà Thiên Chúa đã ban cách nhưng không. Không phải vì tài sức, trí hiểu, hay khả năng mà chúng ta tìm được Thiên Chúa, nhưng chỉ vì Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước, đã tìm và chọn gọi để ban ơn tái sinh cho chúng ta.
Nếu tội nguyên tổ đã làm chúng ta mất chức, mất quyền nghĩa tử của Thiên Chúa, thì giờ đây, Bí Tích rửa tội phục hồi cho ta chức quyền nghĩa tử quý yêu của Thiên Chúa. Và với ơn Tái Sinh, chúng ta được thừa hưởng ơn cứu chuộc của Chúa Ki-tô, được hạnh phúc sống, sống lại và sống đời đời với Chúa Ki-tô.
Đúng như Chúa Giê-su nói: “Nếu không tái sinh bởi nước và Thánh Thần, thì không ai được vào nước Thiên Chúa. Sự gì sinh bởi huyết nhục, thì là huyết nhục; và sự gì sinh bởi Thần Linh, thì là thần linh”. Nhưng, xin đừng nghĩ rằng đã được rửa tội, rồi muốn sống sao thì sống, cũng được lên Thiên Đàng, mà còn phải sống ân sủng Bí tích rửa tội trong suốt đời mình: luôn sống trong tình trạng ân sủng, luôn hoàn toàn thuộc về Chúa. Và cũng đừng nhìn anh em chưa được rửa tội với con mắt kỳ thị, xem thường. Hãy nhớ rằng: giáo lý giáo hội dạy có ba cách lãnh bí tích Rửa tội; bằng Nước, bằng Lửa, và bằng Máu. Có thể họ chưa được rửa tội bằng Nước, nhưng đã ước ao sống công chính, hoặc đã anh dũng làm chứng cho Chúa qua tình yêu tha nhân. Chúa ban ơn cứu độ cho người công chính.
Đừng lầm lẫn giành cho mình: Chúa ban ơn cứu độ cho người công giáo! Lạy Chúa, chúng con tạ ơn hồng ân Tái Sinh nhờ Máu Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn yêu mến Chúa. Lạy Chúa, có biết bao người chưa biết Chúa, chưa tin Chúa, nhưng trong mùa dịch bệnh này, Chúa đã dùng trái tim bàn tay của họ để tỏ bày lòng thương của Chúa, để nối dài bàn tay chữa lành của Chúa.
Xin Chúa ban ơn cho họ nhận biết Chúa, nhận ra ân sủng của Chúa khi họ thực hành đức yêu người, để họ sớm trở nên môn đệ của Chúa. Xin giúp chúng con phòng tránh và tận diệt thứ dịch bệnh nguy hiểm nhất là tội lỗi, để chúng con được sống trong ân nghĩa Chúa luôn. Amen.
BCT
Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và đồng hành nơi chúng ta (24.04.2017)
1. Ghi nhớ:
“Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào nước Thiên Chúa, nếu không được sinh lại bởi nước và Thần Khí” ( Ga 3- 4).
2. Suy niệm:
Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Ni-cô-đê-mô giúp mọi người nhận thấy rằng chúng ta được sinh ra bởi ơn trên là nước và Thần Khí. Con người sinh bởi ơn trên, là lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và Thần Khí, thì mới thông phần sự sống đời đời, sự sống trường sinh bất diệt, sự sống mà Thánh Gioan gọi là Nước Thiên Chúa, một sự sống thần linh, một cách thực hiện hoàn toàn thay đổi, do tác động của Thiên Chúa.
Qua đó, con người không ai cứ tự nhiên sống hay tự nhiên sống để làm con Thiên Chúa. Nhưng qua bí tích rửa tội, người Kitô hữu đều phải vượt qua bao cạm bẫy thử thách, để trở thành một con người mới, để hoàn thiện chính mình, vượt qua cái tôi nhỏ nhen ích kỷ, mưu toan tính toán, lợi hại, hẹp hòi hay giằng co với bao tội lỗi đang vây bọc tứ bề, đi tìm cái cao thượng, thanh thoát, nhẹ nhàng trong tâm hồn, bằng sự vị tha, vượt qua những sân si luôn làm vẩn đục tâm hồn, đi tìm sự sống ích lợi cho xã hội, Giáo hội hay cộng đoàn. Đó mới ngẫm ra cuộc đời là biết sống đi tìm sự an bình, mới cảm nhận đời còn biết bao cái đẹp cái hay cần sự đóng góp của tôi, như một viên đá nhỏ chung tay xây dựng nhà Cha ta.
Bài Tin Mừng Thánh Gioan mời gọi mỗi người, biết sống là biết lắng nghe lời Chúa gọi, con người lãnh nhận Thần khí nơi mình, và con người hoạt động nơi con người ấy, và để cho Thần khí gây những hiệu quả nơi con người ấy, biết tìm sự tái sinh để sống hoàn thiện, tái sinh bởi nước và Thần khí, để Chúa Thánh Thần luôn soi sáng, phù trợ, luôn đồng hành với tôi trong cuộc sống trần gian này. Mỗi kinh nghiệm vượt qua trong cuộc đời, dù vấp phạm tinh thần hay vật chất xảy ra, đều có ý Chúa quan phòng, tin tưởng Chúa Thánh Thần luôn hoạt động và dẫn tôi đi trên vạn nẻo đường, thế nên dù bôn ba, nguy khốn, dù thành công hay thất bại, bất cứ làm việc gì, tôi đều trông cậy vào ơn Chúa Thánh Thần. Cuộc đời mỗi người là có Chúa Thánh Thần dẫn dắt, có bao giờ chúng ta biết chuẩn bị cho Chúa Thánh Thần hiện diện và đồng hành với chúng ta hay không?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Kitô Phục Sinh! Xin vì mầu nhiệm Chúa Kitô tử nạn và Phục sinh, xin Thần khí Chúa luôn canh tân con người cũ và biến đổi chúng con thành khí cụ bình an trong Thiên chúa, để nhờ Thần khí chúng con mới thông phần sự sống đời đời. Amen.
M.Liên
Giê-su, Ngài là Thiên Chúa
Ông Ni-cô-đê-mô nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy.” (Ga 3,2)
Suy niệm: Ông Ni-cô-đê-mô là một người thuộc phái Pha-ri-sêu; hơn nữa, ông còn là thầy dạy nổi tiếng tại Giê-ru-sa-lem. Tuy người ta gọi ông là “Rabbi,” là “Thầy,” ông đầy lòng kính trọng dành danh xưng này để gọi Chúa Giê-su. Ông nhìn nhận Đức Giê-su là “một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến.” Tuy nhiên, điều đó chưa đủ để ông được ơn cứu độ, trừ phi ông tin vào Chúa Giê-su, và được tái sinh trong Thánh Thần. Chúa muốn ông điều chỉnh đánh giá của ông về Ngài, vì Ngài còn hơn những gì ông biết, không chỉ là “tôn sư được Chúa sai đến”, mà còn là chính Thiên Chúa, Đấng bày tỏ quyền năng Thiên Chúa trong lời giảng dạy và các phép lạ.
Mời Bạn: Chúa Giê-su không chỉ muốn điều chỉnh quan niệm của ông Ni-cô-đê-mô, Ngài còn muốn mỗi người chúng ta hôm nay điều chỉnh thanh luyện niềm tin của chúng ta vào Chúa cho tinh tuyền, để chúng ta thực sự là người Ki-tô hữu, chứ không chỉ là người có “đạo”. Sự khác biệt lớn lao giữa người có “đạo” và người Ki-tô hữu là người “có đạo” là người chỉ có tên trong sổ sách, trên danh nghĩa, còn người Ki-tô hữu là người tin vào Chúa Giê-su và trở nên một với Ngài.
Sống Lời Chúa: Nhìn vào thánh giá và tuyên xưng đức tin vào Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết đặt trọn cuộc đời con vào Chúa và xin cho con luôn dám dấn thân theo Chúa, vì Chúa là Đấng Cứu Độ của con. Ôi, lạy Đấng con tôn thờ!