Nhỏ bé lại để được lớn trước Thiên Chúa (26.09.2022 – Thứ Hai tuần XXVI Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: G 1,6-22 (năm chẵn), Dcr 8,1-8 (năm lẻ), Lc 9,46-50

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 9,46-50)

46 Một câu hỏi chợt đến với các ông: trong các ông, ai là người lớn nhất?47 Đức Giê-su biết điều các ông đang tự hỏi trong lòng, liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình48 và nói với các ông: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.”
49 Ông Gio-an lên tiếng nói: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy.”50 Đức Giê-su bảo ông: “Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta! “

Nhỏ bé lại để được lớn trước Thiên Chúa (26.09.2022)

“Ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.”

Từ ngày theo Chúa Giêsu, các môn đệ luôn mang trong mình tư tưởng quyền lực, mong đến ngày Thầy Giêsu lên ngôi để các ông được chia sẻ tước này chức nọ. Vì thế các ông tranh luận ai sẽ được Thầy Giêsu cho làm quan to nhất trong Nước Ngài. Các môn đệ thực sự chưa hiểu được mầu nhiệm Nước Trời mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập không phải chuyện chức này tước nọ như các nước trần thế, mà là Vương Quốc của những tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn và hi sinh phục vụ.

Chúa Giêsu đã dạy dỗ các ông: Tinh thần trong Nước Chúa phải ngược với tinh thần thế tục. Ai muốn làm lớn phải trở nên bé nhỏ. Ai muốn chỉ huy thì phải phục vụ. Chúa chẳng nói suông, mà chính Chúa đã làm trước. Chính Chúa rất giàu sang đã trở nên khó nghèo, rất cao sang đã trở nên thấp hèn. Chúa là Thầy, là Chúa nhưng đã quỳ xuống rửa chân cho các tông đồ. Ai trở nên bé nhỏ là trở nên chính Chúa. Chúa đi ngược với trần gian. Ai theo đuổi trần gian sẽ mất Chúa. Ai từ bỏ trần gian sẽ được chính Chúa. Được Chúa là được tất cả.

Như trong bài đọc 1 của năm chẵn, ta thấy ai hạnh phúc bằng ông Gióp. Ông có nhiều con cái, đông tôi tớ, và đàn gia súc rất đông với nhiều loài khác nhau. Ông là một con người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác. Xa-tan theo thói thế gian tưởng của cải, danh vọng, quyền lợi là tất cả, nên đã gây ra bao nhiêu sự tang thương đến với ông: tất cả con cái, tôi tớ và gia súc của ông đều mất hết trong cùng một thời điểm, và nó còn đổ thừa là Thiên Chúa làm. Nó muốn làm ông bị lung lạc, nó muốn ông thốt ra lời nguyền rủa và từ bỏ Thiên Chúa để đi theo ma quỷ. Nhưng không ngờ ông Gióp có đức tin kiên vững, là tôi tớ trung tín của Chúa, càng đau khổ càng gắn bó với Chúa. Ông tuyên xưng đức tin: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa.” Theo dõi hết sách Gióp, Xa-tan đã gây ra cho ông biết bao điều đau khổ, đến lúc này ta lại phải nói ai bất hạnh như ông. Nhưng với niềm phó thác và tin tưởng vào Thiên Chúa của ông Gióp, ta thấy Xa-tan phải chịu thua, và Chúa trả lại cho ông tất cả: con cái, của cải, danh vọng, hạnh phúc, bạn bè… còn hơn gấp bội những gì ông có trước kia. Ông càng xác tín: Chúa là tất cả, có Chúa là có tất cả.

Ở phần sau của Tin Mừng, ông Gioan đã lên tiếng về những người không cùng nhóm với các ông nhưng đã nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ. Nhưng Chúa Giêsu bảo ông: “Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!” Việc nhân danh Chúa để xua trừ ma quỷ và cứu giúp người luôn luôn là việc tốt. Nhân danh Chúa chứ có phải nhân danh tà thần nào đâu mà phải ngăn cản?

Là người con Chúa trong lòng Giáo Hội, chúng ta không ganh tỵ với việc thiện của người khác, không tự cho mình có đặc quyền lo việc Chúa, nhưng tất cả đều được mời gọi có những sáng kiến làm chứng cho Chúa và giúp đỡ tha nhân. Đồng thời bằng sức mạnh của Lời Chúa và đời sống cầu nguyện, chúng ta cùng với Chúa Giêsu xua trừ những âm mưu ma quỷ ra khỏi bản thân, gia đình và giáo xứ chúng ta.

Lạy Chúa, suốt cả cuộc đời, Chúa đã phục vụ con người như một tôi tớ. Cuộc đời Chúa cho con hiểu rằng để trở nên cao trọng, con phải sống khiêm nhường phục vụ như Chúa. Xin cho con luôn trở nên nhỏ bé trước tình yêu Chúa, để con luôn đơn sơ phó thác vào Chúa. Xin cho con biết noi gương Chúa, như khi Chúa hạ mình cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, để con cũng biết yêu thương phục vụ anh em, nhất là những anh em hèn mọn, nhỏ bé. Xin cho con xác tín rằng: khi con ích kỷ yêu chính mạng sống mình, con sẽ mất nó, nhưng khi con quên đi bản thân mình trong cuộc đời phục vụ tha nhân, con lại gặp chính mình. Amen.

Joston

Con đường bé nhỏ (27.09.2021)

Bản tính tự nhiên của con người là muốn khẳng định chính mình. Từ sâu xa trong mỗi chúng ta luôn có một khuynh hướng muốn thể hiện chính mình. Chúng ta luôn muốn cho mọi người biết mình là ai, có những khả năng gì, có vị trí như thế nào trong cuộc sống. Chính vì thế ta thấy không có gì là khó hiểu khi các môn đệ nghĩ ngợi trong lòng xem ai là người cao trọng nhất. Có lẽ mỗi người trong nhóm các môn đệ đều mong muốn mình là người cao trọng nhất hay chí ít là nắm một vị trí nào đó trổi vượt hơn những người khác.

Chúa Giêsu thấu hiểu những gì các môn đệ đang suy nghĩ và người dạy cho các ông một  bài học. Ngài đặt một trẻ nhỏ giữa các ông và nói: “Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Đấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất”.

Trong cuộc sống,  chúng ta dễ dàng tỏ ra tôn trọng và đối xử tốt với những người tài giỏi, giàu có, quyền thế nhưng lại thật khó mà tỏ ra tôn trọng và đối xử tử tế với những người nghèo khổ và thấp kém hơn mình về mọi mặt. Chính vì thế qua hình ảnh em nhỏ, bài học đầu tiên Chúa muốn các môn đệ hiểu là mỗi người trước mặt Thiên Chúa đều có phẩm giá cao trọng. Do đó, ta phải nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong mỗi người đặc biệt nơi những người nhỏ mọn, hèn kém. Mỗi chúng ta phải đối xử tử tế và tôn trọng với tất cả mọi người, bởi vì Thiên Chúa sẽ phán xét chúng ta về cách thức chúng ta đối xử với mọi người, đặc biệt với những người bé mọn và những người cần ta giúp đỡ hơn: “xưa ta đói các ngươi đã cho ăn, ta khát các người đã cho uống, ta trần truồng các ngươi đã cho mặc, ta tù đày các ngươi đã viếng thăm… khi các ngươi làm điều đó cho một trong những người bé mọn  của ta đây thì cũng là làm cho chính ta vậy.”

Qua hình ảnh em nhỏ, Chúa còn muốn dạy các môn đệ cũng như mỗi người chúng ta: Hãy trở nên khiêm nhường bé nhỏ. Chính Chúa là Thiên Chúa mà khi đến trần gian Ngài cũng chọn con đường khiêm nhường bé nhỏ. Ngài sinh ra trong cảnh khó nghèo và lớn lên trong một gia đình nhỏ bé chẳng có địa vị nào trong xã hội. Rất nhiều lần Ngài cũng đã từng tuyên bố “tôi đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”. Ngài là Thiên Chúa mà còn trở nên hiền lành khiêm nhường bé nhỏ trước mặt chúng ta, thì chúng ta là ai mà lại muốn trở nên cao trọng trổi vượt hơn người khác. Chính vì thế, đừng cố tìm kiếm những hư danh, hay địa vị trổi vượt nhưng hãy mong cho mình trở thành những người khiêm nhường bé mọn. Bởi vì Chúa yêu thích những tâm hồn bé mọn và chống lại những kẻ huyênh hoang tự đắc như lời kinh Manificat Đức Mẹ đã thôt lên: “Người hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.”

Những gì Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay xem ra thật là nghịch lý với hoàn cảnh thời đại. Ngày nay, ai ai cũng mong muốn trở nên nổi tiếng, giàu có và đầy quyền lực. Các công ty thì mong muốn ngày càng lớn mạnh và mở rộng thị trường. Các quốc gia thì không ngừng gia tăng thế lực và bành trướng lãnh thổ để tăng sức ảnh hưởng lên các nước khác. Ai cũng muốn trở thành kẻ thống trị người khác chẳng ai muốn trở nên bé nhỏ thấp hèn. Tuy nhiên ta phải nhìn nhận rằng để có được sự bình an và hạnh phúc đích thực thì chẳng có con đường nào khác ngoài con đường Chúa đã vạch ra. Ta cứ nhìn vào thiên nhiên cũng có thể nhận ra chân lý này: Ta hãy thử so sánh một cây bạch đàn thật cao lớn với tán rộng và cành lá sum suê và một cây cỏ mỏng manh nhỏ bé nằm sát mặt đất. Khi một cơn bão lớn thổi qua thì cây bạch đàn sẽ bị bật gốc, thân của nó có thể bị bẻ gãy và cành lá rơi rụng vì bị gió đánh. Thế nhưng cây cỏ nhỏ bé mỏng manh lại chẳng bị hề hấn gì thậm chí nó còn phát triển mạnh mẽ hơn sau khi cơn bão qua đi. Cũng vậy những người khiêm nhường nhỏ bé, luôn biết tín thác vào Chúa thì sóng gió cuộc đời khó có thể quật ngã được họ. Trái lại, họ còn có thế biến những khó khăn thử thách trở thành phương tiện dẫn đưa họ về cõi phúc muôn đời.

Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu thích sự khiêm nhường, bé nhỏ. Bởi vì, chỉ khi con trở nên bé nhỏ con mới nhận ra sự vĩ đại của Chúa, chỉ khi con bé nhỏ con mới biết con cần Chúa và tín thác vào Chúa, chỉ khi con bé nhỏ con mới có thể đồng cảm và hiểu thấu những yếu đuối, đau khổ của người khác, và chỉ khi con trở nên bé nhỏ con mới nhận ra hạnh phúc đích thực chỉ có ở nơi Chúa.

Giuse Bùi Công Thiện SDB

Những kẻ kêu cầu danh Chúa (28.09.2020)

Được nổi danh vốn là một trong những khát khao tự nhiên của con người. Trong Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm về ý nghĩa, sức mạnh và quyền năng của danh Chúa trong cuộc sống người Kitô hữu chúng ta.

Tin Mừng hôm nay ghi lại những sự kiện được liên kết với nhau bằng danh Chúa: chỉ nhân danh Chúa mà đón tiếp những người bé nhỏ nhất, cụ thể là các em nhỏ, và cũng chỉ nhân danh Chúa, con người mới có thể xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh tật và làm phép lạ.

Ngày nay, Giáo Hội cũng nhân danh Chúa để tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Ngài. Giáo Hội nhân danh Chúa để cử hành các bí tích, để thực thi công tác bác ái, tranh đấu cho công lý. Nhưng phải chăng danh Chúa Giêsu là một thứ bùa chú, một công thức ma thuật?

Chúng ta biết rằng nội dung niềm tin Kitô chính là tin rằng Thiên Chúa đã phục sinh Chúa Giêsu từ cõi chết; tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa; và kêu cầu danh Người. Cả ba kiểu nói này đều tương tự nhau. Các Kitô hữu tiên khởi thường tự gọi mình là những kẻ kêu cầu danh Chúa. Điều này được thể hiện một cách rõ rệt trong nghi thức rửa tội. Kêu cầu danh Chúa có nghĩa là tin nhận rằng Ngài là Chúa và tự đặt mình dưới sự thống trị của Ngài. Duy chỉ mình Ngài mới có thể là lý tưởng của đời sống Kitô.

Xét cho cùng, niềm tin của chúng ta không phải là một giáo điều để tuyên xưng, một số kinh kệ phải đọc làu làu, một số biểu dương tôn giáo cần bày tỏ ra bên ngoài. Niềm tin thiết yếu của chúng ta là Chúa Giêsu – Đấng đang hiện diện cách sống động trong mỗi người chúng ta. Sống niềm tin ấy chính là luôn ý thức về sự hiện diện ấy của Người, và không ngừng đi vào tương quan mật thiết với Người. Sống niềm tin ấy chính là để Người thấm nhập vào tùng suy nghĩ, tâm tư và hành động, đến độ có thể thốt lên như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”.

Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu được rằng danh Chúa thật cao cả và cũng là nơi nương náu của chúng con để chúng con luôn tìm đến nương ẩn trong danh chí thánh của Chúa là Cha chúng con. Amen.

Dĩ hòa vi quý (30.09.2019)

Ngày 30.09 : Lễ Nhớ Thánh Giê-rô-ni-mô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh

“Vì người ấy không đi theo Thầy cùng với chúng con.” (Lc 9,49 )

Chúa dạy chúng ta qua câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay…, là chúng ta phải xóa bỏ đi những định kiến hẹp hòi, tính nóng nảy, óc bè phái phe nhóm nặng mùi thế gian. Chúa muốn chúng ta phải có tinh thần bao dung quảng đại, như Chúa đã sống và làm gương lành để tất cả con cái Ngài noi theo.

Huynh Đoàn Đa Minh chúng tôi mỗi trưa Chúa nhật đến đọc kinh tại ngôi Nguyện Đường nhỏ của Giáo xóm, nằm ngay mặt tiền đường góc ngã tư đèn xanh đèn đỏ, thường có những khách bộ hành dừng chân quan sát, có khi thấy mở cửa Nguyện Đường là họ bước vào trông xem…

Bữa nọ một nhóm người Tin Lành chợt bước vào và đứng ngay lối giữa nhìn lên Thánh Giá Chúa trên cung Thánh để cầu nguyện, sau đó họ nói với chúng tôi: “Trong Kinh Thánh Chúa nói không được thờ ngẫu tượng, vậy mà quý vị đưa tượng đúc lên mà thờ quá là sai lầm.”

Một người trong Huynh Đoàn Đa Minh trả lời: “Chúa thì vô hình, nhưng khi Ngôi Hai xuống thế làm người trong lòng Mẹ Maria đồng trinh thì đã có hình hài như loài người chúng ta, nên Giáo Hội cho phép tạc hình tượng để tín hữu có thể dễ dàng nhìn vào các hình ảnh thánh thiện đó mà cầu nguyện và sống noi gương tốt lành của các Ngài…”.

Họ lý luận ngay: “Quý vị thật không hiểu Kinh Thánh nên mới tin và làm theo Giáo quyền Công Giáo, hãy để chúng tôi giúp chia sẻ cho quý vị hiểu.”.

Vị Trưởng Đa Minh nghiêm mặt nói:

“Chúng ta đều tôn thờ một Thiên Chúa, nhưng luôn phải có người lãnh đạo kế vị Thánh Phêrô là Tông đồ trưởng mà Chúa trao phó trách nhiệm để hướng dẫn đoàn chiên Chúa, vì thế chúng tôi chỉ nghe Lời Đức Giáo Hoàng chủ chiên và các Đấng dưới quyền Ngài, còn quý vị giải thích Kinh Thánh theo ý riêng mình điều đó là sai lầm nặng nề, xin hãy suy nghĩ điều tôi nói…”.

Họ vẫn ngang nhiên biện minh nhưng Huynh Đoàn không nghe, bằng cách đứng lên đọc to Kinh Phụng Vụ của Đa Minh, thất thế nên đám người họ đành phải lặng lẽ rút lui ra về mà thôi.

Lạy Chúa! Hiện nay có quá nhiều giáo phái Tin Lành. Xin ban cho tất cả tín hữu chúng con được ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, để luôn biết sống theo đúng đường lối Chúa chỉ dạy. Amen.

BCT

Tinh thần phục vụ (26.09.2016)

1. Ghi nhớ:

Và Chúa Giêsu nói với các ông: “Ai tiếp đón em nhỏ vì danh Thầy, là tiếp đón chính thầy, và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy, Thật vậy ai là người bé nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất” (Lc 9, 48)

2.Suy niệm:

Với bản tính loài người, sống trên đời ai ai cũng muốn hơn người khác, muốn làm lớn, muốn đứng đầu mọi lĩnh vực trong xã hội, trong cộng đoàn hay trong Huynh Đoàn cũng vậy. Con người khổ sở vì sự thua thiệt trong thân phận và trong ganh đua, tự xếp loại mình và xếp loại nhau; từ đó trong trong thâm tâm không chấp mình không chấp nhận nhau, nảy sinh ra sự ghen ghét, ganh đua, dù biết rằng họ xứng đáng. Chính như Chúa Giêsu đã nói rằng “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4,24).

Chúng ta thấy ngay trong Huynh đoàn, Cộng đoàn hay Giáo xứ, cái tính hơn thua, cạnh tranh là vấn đề nhức nhối chung, gây đổ vỡ phá hại chia rẽ một tập thể. Tuy phục vụ cho Chúa, nhưng ta lại muốn mọi người tung hô mình, không chấp nhận người khác nổi hơn trội hơn.

Tuy nhiên qua bài Tin Mừng Luca hôm nay Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta: “ai là người bé nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất”.  Và “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9, 35).

Do thế, đối với Thiên Chúa người lớn nhất là người có tình yêu tha nhân lớn nhất, người lớn nhất là người phục vụ nhiều nhất, là người trở nên bé nhỏ trước mọi người trong công việc, chứ không phải người lớn hay đứng đầu là người phải có kẻ hầu người hạ, hay làm việc cách chỉ tay năm ngón, hay phán quyết theo lối độc tài lãnh đạo của mình. Chính các môn đệ khi xưa đôi lúc cũng không thắng nổi bản thân mình, cũng muốn theo Chúa Giêsu để được làm lớn trong thiên hạ.

Nhưng quan niệm làm lớn của Chúa Giêsu lại đi ngược với ý muốn của chúng ta. Ngài muốn chúng ta được lớn lên bằng cách phải trở nên nhỏ bé đi, sống khiêm nhu với tinh thần phục vụ nhưng không và phải từ bỏ chính mình vác Thập Giá mà theo Ngài. Được – mất ở thế gian với bao vinh hoa bổng lộc sẽ chẳng làm dày thêm cho ta công trạng gì trước mặt Chúa cho bằng tìm vinh phúc Nước trời qua việc san sẻ, giúp đỡ những người anh em nghèo khó chung quanh ta.

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Xin cho con biết sống tinh thần phục vụ bằng cách chia sẻ trách nhiệm với gia đình, cộng đoàn, huynh đoàn qua mọi việc bé nhỏ âm thầm, hy sinh, kiên trì với ơn gọi Kitô hữu để sống chứng nhân Tin Mừng trong chính cuộc sống hàng ngày của con. Amen.

Từ bỏ chính mình (28.09.2015)

1. Ghi nhớ: “ Ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất” (Lc, 9- 48).

2. Suy niệm:

Trong quan niệm cuộc sống con người, người lớn hơn luôn được xem là người nhiều tuổi, là người có danh vọng chức quyền địa vị v.v… Thế nên người lớn hơn sẽ nhận được nhiều đặc quyền hơn, được ca tụng, được bao người vây quanh nể trọng. Vì thế, ai ai cũng muốn làm đầu trước mọi người. Và với bản tính con người, chính các môn đệ khi xưa đôi lúc cũng không thắng nổi bản thân mình, cũng muốn theo Chúa Giêsu để được làm lớn trong thiên hạ. Nhưng quan niệm làm lớn của Chúa Giêsu lại đi ngược với ý muốn của chúng ta. Ngài muốn chúng ta được lớn lên bằng cách phải trở nên nhỏ bé đi, sống khiêm nhu với tinh thần phục vụ nhưng không và phải từ bỏ chính mình vác Thập Giá mà theo Ngài. Được – mất ở thế gian với bao vinh hoa bổng lộc sẽ chẳng làm dày thêm cho ta công trạng gì trước mặt Chúa cho bằng tìm vinh phúc Nước trời qua việc san sẻ, giúp đỡ những người anh em nghèo khó chung quanh ta.

3. Sống lời Chúa:

Thực hành bác ái trong cuộc sống,  mỗi người hãy từ bỏ chính mình và  không mong đền đáp

4. Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Xin cho chúng con luôn quảng đại, quên mình trong mọi hoàn cảnh để theo gương Chúa mà phục vụ anh em. Amen.

Nghịch lý “lớn và nhỏ”

Chúa Giêsu… nói với các môn đệ: “Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.” (Lc 9,46.48)

Suy niệm:

Đức Cha Ph.X. Nguyễn Quang Sách, nguyên giám mục giáo phận Đà Nẵng vừa từ trần hồi đầu tháng 7 vừa qua, có viết trong di chúc rằng: “Suốt cả đời tôi, công phúc chẳng có gì, mà tội lỗi, thiếu sót thì vô số…” Sống một cuộc đời giản dị, hiếu khách và thánh thiện với châm ngôn “để phục vụ,” ngài muốn trở nên một người “nhỏ nhất” trong giáo phận và giữa anh chị em mình, để phục vụ mọi người như Thầy Giêsu. Phải, chỉ khi nào nhận ra tương quan đích thực giữa “tôi” với “mọi người”, tôi mới có thể phục vụ họ một cách chính đáng: “họ” phải lớn lên, còn “tôi” phải nhỏ lại, thậm chí “nhỏ” đến mức độ của “người tôi tớ”. Tuy nhiên, lý tưởng này luôn luôn là một thách đố lớn lao cho người môn đệ của Đức Kitô.

Mời Bạn:

Ở đời, ai cũng muốn “ăn trên ngồi trước”, “được làm vua”, “được kẻ hầu người hạ”…, để “vinh thân phì da”, để “cả họ được nhờ”…; còn Đức Kitô lại dạy ta một con đường khác, trái nghịch với thế gian. Con đường thập giá của Ngài mãi mãi là sự vấp phạm, là sự điên rồ đối với thế gian, nhưng Chúa Giêsu khẳng định đó chính là con đường cứu rỗi nhân loại mà Ngài lựa chọn theo thánh ý Chúa Cha. Bạn đang chọn con đường nào, “thỏa hiệp,” “bắt cá hai tay,” “làm tôi hai chủ” hay “từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày” theo Chúa Kitô?

Sống Lời Chúa:

Suy niệm mẫu gương tự hạ để phục vụ của Chúa Giêsu và làm một việc phục vụ anh chị em mình.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, xin ban  thêm sức cho con dám từ bỏ mình để con trở nên “người nhỏ nhất” giữa anh chị em như Chúa đã làm gương cho con.